“Tôi có thể duy trì bơi 100m trong 1p30’ với thời gian nghỉ ngắn, nhưng tôi không thể phá vỡ ngưỡng 40 phút cho 1900m bơi biển. Tôi phải làm sao? ”

Đây là một câu hỏi mà các HLV được nghe đi nghe lại. Bơi biển nổi hơn, lại không phải quay đầu đạp thành bể sau mỗi vòng 50m, chưa kể bơi biển/hồ mặc wetsuit (loại áo chống lạnh khi bơi) nổi hơi thì phải nhanh hơn đúng không? Vậy nguyên nhân do đâu mà bạn bơi chậm ngoài biển.

Bơi “mua đường” (bơi zig-zag) thường là thủ phạm chính. Bạn có thể bơi với pace nhanh nhưng thay vì bơi 1900m bạn lại bơi lố thành 2200m. Chừng đó đủ để biến dự tính 39 phút bơi của bạn thành 45 phút trên thực tế.

Cho dù là 3 môn phối hợp, aquathlon hay đơn giản là bơi marathon, bơi phượt, chúng ta có thể chia một cuộc bơi biển/hồ (gộp chung lại là bơi ngoài trời) ra các phân đoạn khác nhau: trước cuộc thi, khởi động, bắt đầu, giữa cuộc đua, kết thúc bơi, và lên bờ. Bạn có thể cải thiện thành tích trong từng phân đoạn đó.

1. Khởi động


Khởi động là việc đặc biệt cần thiết để đảm bảo một buổi bơi hoặc cuộc thi tốt. Hầu hết các buổi tập trong hồ bơi đều sẽ có 10-30 phút bơi khởi động và pre-set (trước khi bơi bài chính) để giúp bạn chuẩn bị kỹ thuật, làm nóng người và tăng nhịp tim. Tìm hiểu thêm về cấu trúc một buổi tập bơi hoàn chỉnh.

Trước tập bơi trong hồ, nhiều huấn luyện viên sẽ khuyến khích làm một số cú vung tay nhẹ nhàng để khởi động. Điều này có thể hữu ích nếu bạn phải bơi bài dài, nhưng chỉ 60 phút để tập.

Vào ngày bơi hoặc thi đấu, khởi động trên cạn thực sự hữu ích. Điều này đặc biệt đúng vì bạn bị giới hạn thời gian được xuống nước khởi động (có khi còn không được xuống bơi khởi động), đồng thời nếu nước lạnh cũng làm việc khởi động làm nóng cơ thể khó khăn. Thông thường, các khu vực khởi động rất hỗn loạn và có nhiều người bơi ngang dọc khiến bạn khó có thể bơi theo ý muốn. Hầu hết mọi người tới vạch xuất phát mà không khởi động, khiến cơ thể ì và tay chân chưa quen với việc đập và quạt (“vào kỹ thuật) như tập bơi trong bể.

2. Mặc wetsuit không vừa
Nếu một bộ wetsuit quá nhỏ, cử động quạt tay và đạp chân sẽ bị gò bó gây mệt mỏi. Ngoài ra việc thở cũng khó khăn hơn nếu bộ wetsuit quá bó ở ngực. Nếu bộ wetsuit quá ngắn thì có thể dẫn đến việc bị chuột rút và gây khó chịu.
Mặt khác, nếu bộ đồ quá lớn và để nước liên tục tràn vào thì VĐV sẽ cảm thấy mệt mỏi vì họ phải mang thêm trọng lượng khi bơi. Nếu bạn có thể dễ dàng mặc được bộ wetsuit trong một vài phút thì hãy coi chừng, có thể bộ đồ đó quá to với bạn và bạn nên chọn 1 size nhỏ hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh xa một bộ wetsuit không nổi hoặc không ấm.

Wetsuits cũng có thể quá nổi và gây ra vấn đề. Khi kỹ thuật bơi được cải thiện, bộ quần áo sẽ không còn cần thiết để giữ cho người bơi nổi hơn. Nếu bộ đồ quá nổi, việc đập chân và xoay người cũng khó khăn hơn. Nếu chân và ngực quá nổi, thì người bơi sẽ bị cong lưng và khiến việc bơi nhanh trở nên khó khăn hơn. VĐV sẽ liên tục ở trong trạng thái “ngẩng đầu” như để xác định phương hướng và cản trở việc bơi.

3. Thiếu tự tin khi bơi ngoài trời
Tham gia các sự kiện bơi phượt hay bơi đường trường (2km, 4km, 5km hay 10km và nhiều hơn) là một cách tuyệt vời để thử nghiệm tốc độ bơi (pace) và chiến lược khi thi. Bơi trong bể không thể mô phỏng điều kiện ngoài trời tốt, và do đó sự khác nhau giữa pace bơi bể và bơi ngoài trời có thể là rất lớn. Còn nhớ, trong giải Ironman 70.3 Vietnam 2018, những trận sóng to bất ngờ khiến rất nhiều VĐV choáng váng vì chưa từng bơi trong điều kiện đó, hơn nữa mọi người cũng chủ quan cho rằng Ironman 70.3 Vietnam các năm trước biển thường rất lặng. Tuy nhiên, bạn có biết điều kiện sóng như vậy chỉ là bình thường trong các giải thi đấu ở Châu Âu hoặc Châu Mỹ?

Xem thêm video dưới đây để biết cách đối phó với sóng

Những IronMan của chúng ta hẳn đều đã nhận được thông báo mới nhất của BTC IronMan70.3 Danang 2018 về kế hoạch B – tình huống xấu nhất sẽ phải hủy hạng mục bơi ngày mai và thay thế bằng 3km chạy. Hãy nghe Trang Phan chia sẻ trải nghiệm về ngày hôm nay để thấu hiểu quyết định khá hợp lí này của BTC.

Người đăng: BoiDapChay vào Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

4. Thay đổi kỹ thuật khi bơi ngoài trời
Lấy ví dụ đối phó với sóng lớn như đã nói ở trên, khi bơi ngoài trời, bạn cần phải thay đổi kỹ thuật bơi phù hợp với điều kiện thời tiết.

Hãy nhớ rằng, nếu bơi ngược dòng, rướn tay dài và kéo dài phần vào nước và quạt tay có thể khiến bạn bơi chậm rất nhiều. Ngược lại, nếu bơi xuôi dòng mà bạn quạt tay nhanh, ngắn thì chỉ tổ mệt mà không giúp nhanh thêm được là bao. Ngoài ra khi bạn vòng qua các phao lớn, bạn có thể chọn động tác bơi ngửa để vừa quan sát vừa ôm phao cua dễ dàng hơn mà không phải sighting quá nhiều.

Tốt nhất hãy bơi thử đường bơi hôm trước ngày thi đấu, hoặc để ý các VĐV xuất phát trước xem họ bơi như thế nào.

5. Xuất phát


Đây là vấn đề khá thường gặp với những người mới bơi biển. Thông thường vach xuất phát của một cuộc thi khá chật chội, thêm nữa lại gặp những VĐV bơi ếch đã chậm lại còn đạp lung tung khiến bạn khó có thể vào nhịp bơi của mình và khó bơi vượt qua để tới chỗ trống trải hơn. Tuy nhiên nếu VĐV bơi chưa phải giỏi thì cũng không nên đứng hàng đầu tiên. Bạn rất dễ bị bơi sai đường khi những người bơi nhanh hơn đã bơi tuốt đi xa, khiến bạn phải định hướng nhiều hơn và bơi chậm hơn.

Cách tốt nhất là khi bạn dần có nhiều kinh nghiệm và bơi tốt hơn, bạn có thể chọn xuất phát với các tốp với trình độ cao dần. Ngoài ra bạn cũng cần học cách bơi thật nhanh khi xuất phát (để vượt qua người khác), khi tới khoảng trống thì bắt đầu vào nhịp bơi của mình. Lúc này cần phải bơi đều, giữ nhịp thở và giữ nhịp tim ở mức vừa phải, tránh tình trạng quá phấn khích khi mới xuất phát.

6. Đạp chân quá ít hoặc quá nhiều
Đập chân nhiều sẽ giúp cơ thể nổi hơn và giúp thêm tốc độ khi bạn bơi, tuy nhiên đập chân nhiều quá lại khiến bạn dễ mệt. Đập chân quá ít thì tay phải làm việc nhiều hơn, bơi cũng không được nhanh và cũng mệt ngang với đập chân quá nhiều. VĐV bơi sải cần phải tìm ra kiểu đập chân phù hợp cho mình, đồng thời cải thiện kỹ thuật, dùng các cơ khác của cơ thể để hỗ trợ động tác bơi (cơ lườn giúp rướn tay, cơ hông khi đập chân xoay người, cơ tam giác trong động tác rướn và kéo v.v..)

7. Đường bơi phức tạp
Một số giải bơi ngoài trời ở Vương quốc Anh hay Singapore có tuyến đường hình chữ “M”, VĐV bơi về bờ phải lên chạy bộ vòng qua cột mốc và nhảy xuống bơi tiếp. Chưa kể nhiều đoạn cua cũng sẽ bắt bạn phải ngẩng đầu định hướng nhiều hơn và làm giảm tốc độ. Đường bơi hình chữ “U”, bơi ra, bơi ngang rồi bơi về bao giờ cũng nhanh và đơn giản nhất.

Sai lầm cuối cùng mà mọi người mắc phải khiến tốc độ bơi ngoài trời của bạn chậm hơn rất nhiều tốc độ bơi bể đó là ngộ nhận thành tích và trình độ bản thân. Cũng khó có thể trách các VĐV khi ở Việt Nam thiếu rất nhiều bể có chiều dài tiêu chuẩn 50m. Nhiều khi nhân viên bể sẽ nói đại với bạn rằng bể đó dài 30m trong khi thật sự nó chỉ dài…28m. Nếu bơi 2km ở hồ này thì bạn bị ăn gian tầm 130m, tương đương với tầm 2-3 phút nếu bạn bơi ở pace 2:00/100m. Vì vậy đừng ngạc nhiên khi bạn bơi 39 phút ở bể nhưng ra ngoài trời lại không phá được mốc 40 phút. Bạn có thể xem thêm bài viết Bơi, Đạp, Chạy bằng mồm, dễ hay khó để có một cái nhìn toàn diện hơn về khả năng bơi của mình. Nếu bạn bơi tầm 36-39 phút cho 1900m trong giải Ironman 70.3 Vietnam thì bạn thuộc loại bơi giỏi ở Việt Nam đó! Còn nếu ai đó nói với bạn họ có thể bơi trong 25 phút thì bạn nên xin ngay chữ ký, vì có thể bạn đang nói chuyện với Ánh Viên hoặc Huy Hoàng, cũng có thể người đó bơi bằng mồm.

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn