Có một nghiên cứu mới chỉ ra rằng khả năng tập luyện hiếu khí (aerobic – chạy ở mức nhẹ nhàng, trái ngược với các bài tập ở mức yếm khí anaerobic như bài chạy biến tốc Yasso 800) ở mức độ cao giúp chúng ta nâng cao tuổi thọ hơn.
Tại một hội nghị diễn ra vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã công bố dữ liệu sơ bộ từ một phân tích tiến hành đối với 50.000 bệnh nhân tại Bệnh viện Cooper thuộc bang Texas và kết quả cho thấy việc chạy trên 30 km mỗi tuần về lâu dài có tác động xấu đến sức khỏe nói chung như việc không chạy. Có thể vì lý do đó mà đến năm 2013, số người tham gia vào các giải chạy tại Hoa Kỳ đạt mức kỷ lục 19 triệu người và sau đó giảm dần cho tới thời điểm hiện tại.
Câu hỏi liệu việc tập luyện hiếu khí (aerobic exercise) quá nhiều có tác động tiêu cực tới tim hay không đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi trong nhiều năm sau khi nghiên cứu năm 2012 đó được công bố. Dữ liệu của bệnh viện Cooper sau khi được công bố trên một tạp chí nghiên cứu 2 năm sau đó đã được phân tích lại và khẳng định nguy cơ từ việc chạy quá nhiều không có thực. Nhưng từ đó quan điểm này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân: chạy marathon rất nguy hiểm. Vấn đề này không còn được báo chí thường xuyên khai thác như vài năm trước đây nhưng vẫn là vấn đề khiến nhiều người phải lấn cấn suy nghĩ.
Từ đó tôi thấy cần phải có đôi lời về một nghiên cứu mới được công bố trong đó có một số kết luận mà tôi cho rằng quá hiển nhiên và chẳng cần phải tốn bút mực để viết. Đây là một phân tích có quy mô khổng lồ đối với tỷ lệ sống của 122.000 bệnh nhân đã tham gia thử nghiệm tối đa trên máy tập tại bệnh viện Cleveland thuộc bang Ohio giai đoạn 1991 và 2014 và được công bố trên tạp chí JAMA Network Open. Nghiên cứu đặt ra một câu hỏi đơn giản: những người có VO2max cao, hay nói cách khác, có khả năng tập luyện hiếu khí cao hơn, có sống thọ hơn hay không?
VO2max là khả năng tối đa mà cơ thể có thể có thể đưa oxy vào phổi, chuyển tới mạch máu và đưa vào các cơ đang vận động (tính bằng ml oxy trên mỗi phút trên 1kg trọng lượng cơ thể). Giá trị càng cao đồng nghĩa với việc tim, phổi và hệ tuần hoàn hoạt động càng khỏe (và đồng nghĩa với việc chúng ta có thể chạy hoặc đạp hoặc bơi khá nhanh). Cách tốt nhất để đo lường chỉ số này là vận động viên đeo mặt nạ đo lượng không khí hít vào và thở ra trong quá trình vận động, thường trên máy chạy, cho tới thời điểm vận động tối đa.
Khả năng vận động hiếu khí và tuổi thọ có mối liên hệ rõ ràng. Thực tế, vào năm 2016, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã công bố một tuyên bố khoa học cho rằng các bác sỹ nên xem chỉ số VO2max là “dấu hiệu quan trọng” và nên đo (hoặc tối thiểu là ước tính) thường xuyên. Đây là chỉ số giúp dự báo tuổi thọ tốt hơn so với các yếu tố nguy cơ như hút thuốc và cao huyết áp. Tuy nhiên, hầu hết dữ liệu cơ sở của tuyên bố này lại được thu thập từ những người bình thường, không phải các vận động viên sức bền. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đang bỏ qua những nguy cơ của việc quá khỏe mạnh?
Một nghiên cứu được tiến hành năm 2015 trên 37.000 người tại Detroit đã góp phần làm sáng tỏ câu hỏi này. Dữ liệu thu thập được có thấy mối quan hệ thông thường, VO2max càng cao, tuổi thọ càng cao. Nghiên cứu tập trung vào những người khỏe mạnh nhất trong nhóm này và không phát hiện sự suy giảm của những ưu điểm này. Thậm chí những người có chỉ số VO2max ở mức 16 MET có tuổi thọ cao hơn những người có chỉ số này ở mức 15 MET; và mặc dù nghiên cứu chỉ tiếp cận một số nhỏ các đối tượng có mức độ sức khỏe cao để thu được kết quả có ý nghĩa về mặt thống kê nhưng “phân tích mang tính thăm dò” có thấy các giá trị VO2max trên 16 MET là biểu hiện của sức khỏe tốt hơn. (Đơn vị MET , hay “chỉ số trao đổi chất quy đổi” là hệ số nhân tốc độ trao đổi chất cơ sở. Nếu chỉ số tối đa của một người là 16 MET, điều đó đồng nghĩa với việc người đó tiêu thụ năng lượng ở thời điểm cuối của bài tập thử nghiệm trên máy chạy cao hơn 16 lần so với việc nằm yên trên ghế sofa. Một MET tương đương với khoảng 3,5 ml oxy mỗi phút trên mỗi kg trọng lượng cơ thể, và 16 MET đồng nghĩa với VO2max 56 ml/kg/phút).
Nghiên cứu mới năm 2016, với số lượng người tham gia đông hơn, cũng cho ra những kết luận tương tự. Với giai đoạn theo dõi trung bình 8,4 năm và tổng 13.637 đối tượng đã chết, ở những người đứng đầu nhóm, sức khỏe càng tốt thì xác suất sống càng cao. Xác suất chết của những người có sức khỏe thuộc dạng “ưu tú” (khoảng top 3% trong cùng độ tuổi và giới tính) chỉ là 20% trong thời gian nghiên cứu so với nhóm có sức khỏe thấp—con số ấn tượng nhưng không bất ngờ. Ngay cả ở những người có sức khỏe tốt, sác xuất chết chỉ ở mức 29% so với nhóm ưu tú. Thực tế, một phân tích bổ sung chỉ ra rằng kết quả này vẫn đúng nếu chúng ta xác định nhóm ưu tú là nhóm 1% có sức khỏe tốt nhất. Tiêu chí khỏe mạnh (fitness) ở nghiên cứu này áp dụng các giá trị bắt buộc giống như các nghiên cứu đối với các vận động viên sức bền và cho thấy khỏe mạnh là một ưu điểm chứ không phải nhược điểm về mặt sức khỏe.
Vậy chúng ta nên hiểu thế nào khi so sánh các kết quả này với các nghiên cứu khác (tổng quan về các nghiên cứu này có thể tham khảo tại đây) cho rằng việc tập luyện quá nhiều gây ra nhiều nguy cơ đối với sức khỏe? Các nghiên cứu về VO2max đo tiêu chí khỏe mạnh (fitness) một cách khách quan, không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chủ quan như dạng bảng câu hỏi thu thập thông tin về thói quen tập luyện. Tuy nhiên, VO2max không hẳn chỉ là kết quả của thói quen tập luyện mà còn phản ánh yếu tố di truyền. Một vài người có mức sức khỏe (fitness) tương đối cao mặc dù họ không tập luyện nhiều; một số khác chỉ đạt mức sức khỏe khiêm tốn dù tập luyện khá nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc các nghiên cứu về mức độ sức khỏe (fitness) và thói quen tập luyện không liên quan lắm với nhau.
Tóm lại, mối liên hệ giữa việc tập luyện quá nhiều và tác động tiêu cực tới sức khỏe mong manh giống như mối liên hệ mà tôi chỉ ra ở đầu bài viết, giữa những câu chuyện rung rợn về việc tập luyện nặng và số người tham gia các môn thể thao sức bền giảm. Dù nguyên nhân của sự suy giảm này là gì đi nữa, đây là dấu hiệu không tích cực đối với sức khỏe của người dân nói chung vì ngày nay việc lười tập luyện còn có nguy cơ cao hơn tập luyện quá nhiều, nếu thực sự tập luyện quá nhiều có nguy cơ với sức khỏe chúng ta.
Dịch từ bài viêt của tác giả Alex Hutchinson
Trong bài này, tác giả nhấn mạnh việc tập luyện và tham gia các môn thể thao sức bền không làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tuổi thọ của bạn, thậm chí còn giúp bạn sống lâu, sống khỏe hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên chạy cả trăm km hàng ngày trong vài chục năm không nghỉ. Thực tế, nếu quan tâm tới thành tích, có một mức mileage tối đa mà nếu chạy quá nhiều sẽ không giúp bạn cải thiện thành tích. Tuy nhiên đó lại là một vấn đề khác (thành tích). Bạn có thể đọc thêm ở bài Bao Nhiêu Là Đủ để biết mình nê chạy tối đa bao nhiêu km hàng tuần.
- Về tác giả
- Bài mới nhất
Đam mê chạy bộ và dịch thuật các tài liệu về chạy bộ