Lâu nay chúng ta vẫn quan niệm rằng các mặt đường cứng thường dễ dẫn đến chấn thương khi chạy bộ. Tuy nhiên, hai nghiên cứu gần đây cho thấy thực tế có vẻ ngược lại với những suy nghĩ chung lâu nay. Các tác giả của nghiên cứu cho biết mặt đường mềm thường làm cơ chân căng cứng và do đó dễ dẫn đến chấn thương hơn.
Quan niệm cũ
Kể từ khi chạy bộ trở thành một môn thể thao đại trà trong những thập niên 70, có một luồng ý kiến phổ biến cho rằng mặt đường cứng thường dễ làm ta chấn thương hơn. Họ giải thích rằng: Khi chạy và chân tiếp đất, lực đáp xuống đất sẽ bằng khoảng ba lần trọng lượng cơ thể; và lực này sẽ bị hấp thụ bởi mặt đất và dội lại lên chân. Nếu mặt đường cứng, lực ít bị hấp thụ hơn và phần lớn lực dư chấn sẽ dội trở lại cơ thể. Ngược lại, mặt đường mềm sẽ hấp thụ lực nhiều hơn và lực dội lại lên chân sẽ nhỏ hơn. Lực dư chấn lớn đồng nghĩa với việc cơ và xương phải chịu tác động mạnh, dẫn tới nhiều khả năng chấn thương hơn.
Đường cứng có thể được định nghĩa là đường nhựa, hoặc đường lát gạch. Mặt đường mềm là đường đất (đường trail), cỏ hay mặt đường pít của sân vận động.
Độ căng cứng của cơ chân và mặt đường
Các nhà khoa học trong lĩnh vực chuyển động học từ lâu đã nghi ngờ quan niệm chấn thương nói trên.
Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí chuyển động học (Journal of Biomechanics) đã phân tích khả năng thích ứng của cơ bắp runner trên các bề mặt đường khác nhau. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học phân tích độ căng cứng của cơ chân khi chạy. Nếu cơ chân càng căng, cứng thì càng khó hấp thụ lực dư chấn tác động bởi mặt đường khi chạy.
Kết quả nghiên cứu cho thấy khi runner chuyển từ mặt đường mềm sang cứng, độ căng cứng của chân giảm 25%. Điều này cũng có nghĩa là khi chạy trên mặt đường mềm, các bó cơ chân của ta sẽ căng và cứng hơn. Lý giải điều này, các nhà khoa học cho rằng khi chạy trên đường mềm như đường pít của sân vận động, trọng tâm của cơ thể chúng ta thường hơi ngả về sau. Để giúp cơ thể tiến lên về trước, vô hình chung chúng ta cần sử dụng nhiều lực ở chân hơn và làm các bó cơ căng hơn. Ngược lại, trên mặt đường cứng, trọng tâm ở đúng vị trí, cơ thể cân bằng hơn và không cần vận nhiều lực để tiến về phía trước, từ đó giảm độ cứng của chân.

Mối tương quan giữa độ căng cứng của cơ chân và chấn thương
Dựa vào khái niệm căng cứng cơ chân này, các nghiên cứu khoa học sau đó đưa tập trung vào giả thuyết rằng khi chạy trên mặt đường mềm, cơ chân sẽ căng cứng hơn và từ đó gây ra nhiều áp lực hơn lên cơ, gân và xương hơn. Bên cạnh đó, khi quá căng cứng, lực tác động lên chân sẽ cao hơn và có nguy cơ chấn thương cao hơn so với khi các bó cơ được thả lỏng.
Giả thuyết này cho ta một cái nhìn mới về chấn thương liên quan đến mặt đường chạy và cách xử lí. Một nghiên cứu khác về gia tốc của xương ống đồng khi chạy trên các mặt đường khác nhau cho thấy gia tốc cao hơn khi chạy trên đường mềm, từ đó có thể dẫn đến nhiều nguy cơ chấn thương hơn.
Kết
Các nghiên cứu về chấn thương còn cần thời gian để hoàn thiện. Tuy nhiên, những khám phá ban đầu có vẻ khẳng định lời khuyên của một số runner có kinh nghiệm rằng “chúng ta nên thay đổi đường chạy khi có dịp“. Điều đó có nghĩa là bạn có thể chạy phần lớn thời gian trong công viên gần nhà, nhưng khi có điều kiện, bạn có thể vào đường pít sân vận động hoặc tới những cung đường trail để chạy cho thay đổi không khí, cũng là để giảm thiểu khả năng bị chấn thương. Ngoài ra, có lẽ mặt đường cứng thực chất không tệ như chúng ta thường nghĩ, mà ngược lại còn có ích, đặc biệt sau những bài tập với cường độ cao và thời gian dài.
Tư liệu tham khảo:
Boey, H. et al. (2016, September 5). The effect of three surface conditions, speed and running experience on vertical acceleration of the tibia during running. Retrieved from https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27595311/
Davis, J. (n.d.). Running surface and injuries: The role of leg stiffness in running injuries. Retrieved from https://runnersconnect.net/running-surface/
Ferris, D.P. et al. (1999, August). Runners adjust leg stiffness for their first step on a new running surface. Retrieved from https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10433420/
Lawton, T. (2019, March 4). Do Running Injuries Depend on the Running Surface? Retrieved from http://sites.nd.edu/biomechanics-in-the-wild/2019/03/04/do-running-injuries-depend-on-the-running-surface/
Van Der Worp, M.P. et al. (2015, February 23). Injuries in runners; a systematic review on risk factors and sex differences. Retrieved from https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25706955/
Waite, N. et al. (2020, October 6). Effect of Grade and Surface Type on Peak Tibial Acceleration in Trained Distance Runners. Retrieved from https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33022655/
- Về tác giả
- Bài mới nhất

Nhân viên bán bột giặt, hạt nêm. Vận động viên phong trào chạy trail và triathlon ham vui. Thích ăn mì ramen và uống cà phê đen không đường.