Chạy băng đồng có nguồn gốc từ đầu thế kỷ 19 ở nước Anh như một trò chơi rượt đuổi của trẻ em, chứ không phải là một cuộc đua chính thức. Hai runners, được gọi là hares (thỏ rừng) chạy trước, vài phút sau đó là một nhóm thanh thiếu niên trẻ tuổi, với một nhóm thanh thiếu niên lớn tuổi hơn chạy đuổi theo . Mục tiêu là đuổi theo hai con thỏ rừng. Đây cũng là lý do mà các vận động viên chạy băng đồng còn được gọi là harriers (viết ghép của chữ hare hunters).

Ngày nay giải chạy băng đồng được tổ chức ở các trường trung học dài từ 1,5 đến 3,1 dặm (2,4 đến 5 km) và được đánh dấu bằng những lá cờ màu sắc để các vận động viên biết được nơi để quẹo cua. Theo quy định của hội thể thao đại học Mỹ (NCAA), giải chạy băng đồng ở các trường đại học dài khoảng 2,5 đến 6,2 dặm (4 đến 10 km)  dành cho nam và 1,9 đến 3,7 dặm (3 đến 6km) cho nữ. Công viên và sân gôn là các địa điểm phổ biến cho các giải chạy băng đồng. Mỗi giải đua kết thúc với một đoạn đường thẳng dài ít nhất 150 yards (137 m) ở trường trung học, hoặc khoảng 220 mét trong trường đại học. Trong giải đua đồng đội, người nào càng về sau thì điểm càng nhiều. Ví dụ, vận động viên về nhất nhận được một điểm, người kết thúc vị trí thứ hai nhận được hai điểm, vân vân. Nhóm có số điểm ít nhất sẽ giành được chiến thắng, dựa trên điểm số của năm người về đích đầu tiên của mỗi đội. Các cuộc thi cá nhân thì dựa trên thành tích thời gian.

Một cuộc đua băng đồng điển hình được bắt đầu sau phát súng ra lệnh

Trong khi môn chạy track (trong sân vận động) đòi hỏi phải có năng khiếu để thi đấu và đạt thành tích tốt cho trường vì vậy vđv chạy track được tuyển chọn kỹ lưỡng, môn chạy băng đồng đón nhận tất cả, đơn giản là vì chiến thắng của đội dựa trên thành tích của 5 em chạy tốt nhất, cho nên huấn luyện viên nhóm chạy băng đồng không bao giờ từ chối những em muốn ghi danh gia nhập nhóm. Đây cũng là cơ hội để các em tìm đến chạy bộ để giải tỏa các căng thẳng trong lớp học, để kết bạn, để rèn luyện sức khỏe và để tránh xa những thói hư tật xấu thường xảy ra trong trường trung học.

Cuộc thi băng đồng, giải thiếu nhi ở Croatia

Thật ra thì trong trường trung học có môn PE (viết tắt của chữ Physical Education) bắt buộc các em phải ghi danh, nhưng môn này học cho có và các em tự do lựa chọn một trong các môn thể thao như bóng rổ, tennis, đá banh, bơi lội, gymnastic, wrestling, v.v. Mấy môn PE này nghe có vẻ cao sang nhưng thật ra các em chỉ tham gia cho có. Tôi đã từng học mấy năm trung học ở Mỹ nên biết rõ về mấy môn PE học cho có. Chẳng hạn như môn bóng rổ, sau khi điểm danh thì ông thầy biến mất, để cho học sinh mạnh ai nấy quăng quả bóng vào rổ, chẳng có huấn luyện viên gì hết. Những học sinh chơi giỏi hơn thì tụ thành nhóm để bày trận thi đấu, những em không biết chơi thì ôm quả banh ném qua ném lại hoặc ngồi đó chém gió cho hết giờ. Sau này thấy PE chiếm mất thời gian học văn hóa cho nên một số trường cho các em học online. Các em sẽ nhận được MOVband, một thiết bị để theo dõi các hoạt động trong ngày qua số bước chân, thí dụ một ngày phải có tối thiểu 4 nghìn bước tương đương với 2 dặm (3,2 km). Mấy đứa con của tôi cũng từng bị bắt buộc phải học PE, môn mà chúng không thích vì vừa mất thời giờ và phải tụ năm tụ ba với những đứa mà chúng không ưa, cho nên có năm chúng ghi danh lớp PE online để thỏa mãn đòi hỏi của trường. Nhưng thay vì phải đi cho đủ số bước trong ngày, tụi nó nhờ tôi gắn cái MOVband vào người khi tôi chạy bộ. Dĩ nhiên là tôi từ chối. Thế rồi các bạn biết chúng nó giải quyết thế nào không?  Một hôm tôi đi làm về thấy con cún lửng thửng đi ra, con gái tôi dí theo nó, hét lớn: “Mimi mày làm biếng quá, chạy!” Con chó chạy vòng vòng quanh nhà, trên cổ của nó tòng teng cái thiết bị MOVband. Nói vậy không có nghĩa là mấy đứa nhỏ nhà này lười hoạt động, chỉ vì mùa học năm đó chúng nó có quá nhiều bài vở, về sau tụi nó cũng rất siêng chạy bộ, tham gia nhiều race cự ly 5K và nhiều lần đạt giải nhất trong nhóm tuổi.

Nếu mục đích của môn PE là để giúp cải thiện thể lực cho các em thì rõ ràng đây là một thất bại, ngược lại môn chạy bộ băng đồng là một thành công không thể phủ nhận được. Các em đến với môn băng đồng hoàn toàn tự nguyện và một khi gia nhập thì bắt buộc phải bỏ ra một khoảng thời gian cố định trong tuần để cùng đồng đội tham gia luyện tập. Trong môn thể thao này các em học tập được cách chiến thắng bản thân, chiến thuật chi phối sức lực để đạt được thành quả tốt nhất ở một cuộc đua với cự ly không ngắn mà cũng không quá dài. Chạy băng đồng qua các địa hình là dịp các em được chiêm ngưỡng phong cảnh, không đến nỗi nhàm chán như trong đội track chạy trên đường piste hay chạy marathon trên đường nhựa dễ dẫn đến chấn thương hơn.

Tại Hoa Kỳ, có 266.271 nam thiếu niên và 226.037 nữ thiếu niên thi đấu ở trường trung học trong suốt năm học 2016-2017, theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội chạy băng đồng của các trường trung học liên bang. Chạy băng đồng là môn thể thao phổ biến nhất, xếp hạng 6 ở nữ và thứ 7 ở nam.

Cuộc thi băng đồng Liên bang New York

Trên phương diện quốc tế, giải vô địch băng đồng thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1973. Đây là sự kiện hai năm do Hiệp hội điền kinh điền kinh quốc tế điều hành. Cuộc thi năm 2013, tổ chức tại Bydgoszcz, Ba Lan, bao gồm giải đua 8 km cho nữ – người dành chiến thắng là Emily Chebet của Kenya trong vòng 24 phút, 24 giây. Cuộc đua của nam giới dài 12K – vô địch là Japhet Korir cũng từ Kenya chiến thắng trong 32:45. Mỗi người chiến thắng nhận được giải thưởng 30.000 đô la.

Giải đua băng đồng hạng cá nhân tại Thế vận hội mùa hè 1924 ở Paris, Pháp. Bộ ba bên trái là Edvin Wide, Ville Ritola và Paavo Nurmi. Do thời tiết nóng (trên 40°C) chỉ có 15 trong số 38 vận động viên elite thi đấu hôm đó hoàn thành cuộc đua.

Hiện nay ở Mỹ các bậc phụ huynh cũng như thầy cô luôn luôn khuyến khích các học sinh tham gia đội chạy băng đồng trong trường. Đây là một môn thể thao lành mạnh không đòi hỏi sức lực nhiều. Một điều tôi thấy rõ ràng là các em trong đội chạy băng đồng ở trung học có tinh thần kỷ luật rất cao, những buổi tập luyện hàng tuần này giúp các em có một thân hình thon gọn từ đó có thêm nhiều tự tin trong cuộc sống.

Cuộc thi băng đồng ở West Kelowna, British Columbia, Canada

Theo tôi biết hiện nay ở Việt Nam tình trạng học sinh thiếu vận động là một vấn nạn. Một phụ huynh ở Sài Gòn nhiều lần tâm sự với tôi rằng trẻ em ở Việt Nam càng ngày càng thu mình vào những chiếc máy iPad thay vì tham gia các hoạt động ngoài trời; hoạt động nếu có chỉ là tập trung vào ngón tay quẹt trên màn hình smart phone. Khi vị phụ huynh này bày tỏ băn khoăn của mình trên một diễn đàn chạy bộ thì có người đồng ý nhưng cũng có người phản biện cho rằng bọn trẻ đã bị nhồi nhét quá nhiều bài vở trong trường học rồi, chúng nó cần thư giãn, sức lực đâu mà chạy chọt. Sự thật thì ở Việt Nam cũng có môn thể dục giống như PE bên Mỹ, nhưng giờ thể dục được cho là cỡi ngựa xem hoa một tuần một giờ. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng đã có những chương trình thi đấu thể thao trong trường học như hội khỏe Phù Đổng. Đại hội khỏe Phù Đổng theo tôi biết thì được tổ chức bốn năm một lần và đâu phải em nào cũng đủ trình độ tham gia.

Một game thủ đang thi đấu

Tôi nghĩ chạy băng đồng có thể là một mô hình mà các nhà giáo dục và huấn luyện viên ở Việt Nam nên nghiêm túc xem xét nếu không muốn thế hệ tương lai toàn là những kẻ mập mạp, lười biếng.

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn