Bánh đĩa (hay bánh mâm) là một chủ đề vẫn còn đang được tranh cãi nãy lửa trong cộng đồng triathlon. Một số đông nghĩ rằng đây chỉ là thiết bị nhìn “cho sang”, trong khi bộ phận còn lại bánh đĩa có thể mang đến lợi thế giúp họ nhanh hơn vài km/h.
Vậy, đâu là sự thật, và đâu là hư cấu?
Mặc dù đã sử dụng bánh đĩa được nhiều năm (4 năm tính tới 2021) nhưng tôi nghĩ cần đem tới mọi người thông tin nhiều chiều hơn. Vì vậy bài viết này sẽ dẫn chứng các dữ liệu từ Wagner Araujo, vốn là người sáng lập và là admin trang web asiatri nổi tiếng. Ngoài ra, mục đích bài viết này cũng để tìm hiểu việc có nên dùng disc wheel cho giải Ironman 70.3 Vietnam không. Vì vậy tôi cũng đã nhờ người bạn đạp thử cung đường Ironman 70.3 Vietnam với disc wheel để kiểm tra ảnh hưởng của gió ngang và gió xiên tới sự cân bằng và tốc độ xe. Dưới đây là suy nghĩ của Wagner về việc sử dụng bánh đĩa.
Bánh đĩa có nhanh hơn không?
Dưới đây là so sánh tốc độ đạp của tôi trong hai kỳ Ironman năm 2017 và 2018. Có thể thấy chỉ số lực đạp (power) tương đồng, trên cùng một cung đường ở Đà Nẵng, điều duy nhất khác nhau là năm 2017 tôi dùng bánh Zipp 808 còn năm 2018 tôi dùng bánh đĩa Wheelscience. Tốc độ năm 2018 là 35kmh, tức là nhanh hơn 4.2% so với năm 2017.
Đương nhiên, sẽ có người nói có nhiều yếu tố liên quan tới kết quả này như tốc độ và hướng gió của ngày hôm đó. Điều đó tôi không phủ nhận. Tuy nhiên, nếu so sánh bánh Zipp 808 giá khoảng gần 40 triệu VNĐ với bánh đĩa Wheelscience có giá tầm 17 triệu lại nhanh hơn, không quá khó khăn để lựa chọn. Ngay cả nếu tốc độ của hai bánh có bằng nhau đi nữa, thì sự chênh lệch về giá tiền trên cũng đủ khiến tôi bị thuyết phục.
Vì sao nhiều người không muốn dùng bánh đĩa
Wager cho biết anh có cơ hội trò chuyện với vài kĩ sư đến từ nhiều công ty sản xuất bánh xe đạp tại giải VĐTG Ironman ở Hawaii. Bằng chứng khoa học đến từ các cuộc kiểm tra với đường hầm thông gió (wind tunnel test) cho thấy bánh mâm nhanh hơn các loại vành còn lại ở mọi cự li tốc độ cũng như hướng gió. Vậy tại sao không phải ai cũng sử dụng loại vành này?
Lí do đầu tiên có thể vì chi phí. Vành Zipp 808 có giá 1550 hoặc 1950 đô Mỹ (bánh trước rẻ hơn bánh sau), trong khi bánh đĩa Zipp Super 9 disc có giá lên tới 2700 đô. Giá của các loại bánh đĩa cũng dao động khá lớn giữa các hãng sản xuất và chủng loại: HED Plus Disc Wheel có giá khoảng 1700 đô, còn hãng Lightweight nổi tiếng trong phân khúc cao cấp có giá bán lên tới 4200 đô.
Nếu bạn có khả năng tài chính, lựa chọn hàng đầu là mua bánh điã Zipp Super 9. Tuy nhiên, như đã đề cập trong ví dụ trên, một số hãng nhỏ cũng có các dòng sản phẩm vừa túi tiền.
Lấy ví dụ anh bạn của tôi là Trần Toàn chia sẻ là anh ấy sử dụng bánh đĩa mua từ Trung Quốc, qua…Aliexpress. Trần Toàn là một trong những triathlete có thành tích sub 5 tại cự ly 70.3, và vốn là kỹ sư tốt nghiệp trường MIT nổi tiếng của Mỹ và hiện đang làm việc trong ngành “hot” khoa học dữ liệu. Lấy ví dụ vậy để thấy một người có kiến thức khoa học, lương tính bằng đơn vị nghìn đô, thành tích cao cũng thoải mái sử dụng bánh đĩa không tên tuổi từ Trung Quốc (đương nhiên nếu bạn tặng anh chàng này một cái bánh Zipp Super 9 thì anh ấy cũng sẽ vui vẻ nhận). Cũng từ lời nói này mà tôi quyết định mua bánh của hãng Wheelscience nói trên (có voucher giảm giá MQP100 – giảm thêm 100$ mà hiện nay vẫn dùng được). Wheelscience vốn có trụ sở tại Úc và gia công hàng tại Trung Quốc, vì vậy tôi cũng có phần yên tâm về chất lượng. Và thực tế sản phẩm của họ khá trau chuốt, không theo kiểu “ăn xổi” thường gặp ở các nhãn hàng Trung Quốc.
Hiểu sai về bánh đĩa: phải đạp lên tới 40kmh mới thấy rõ tác dụng
Một trong các lời khuyên sai lầm nhất mà Wagner từng được nghe là bánh đĩa chỉ thực sự phát huy tác dụng khi chúng ta đạt được một tốc độ cao nhất định. Điều này sai hoàn toàn.
Biểu đồ bên dưới so sánh tính hiệu quả của bánh đĩa Zipp 900 so với các dòng sản phẩm khác của Zipp, ở tốc độ 32kmh. Trục tung (y) là mức cản gió: càng lớn thì lực cản gió càng cao, đồng nghĩa với việc chậm hơn và không hiệu quả. Có thể thấy, ngay cả ở tốc độ chậm 32kmh, chỉ có một trường hợp ít ỏi (với hướng gió nhất định) mà Zipp 808 thực sự vượt trội hơn so với bánh đĩa Zipp 900. Điều này chứng minh bánh đĩa có lợi thế gần như tuyệt đối so với các loại bánh có độ cao của vành thấp hơn.
Hiểu sai thứ hai: khó sử dụng trong điều kiện gió ngang
Một sai lầm khác thường gặp đó là quan niêm bánh đĩa rất khó điều khiển trong điều kiện gió tạt ngang (cross wind). Điều này không sai, nhưng chưa đủ. Trong một vài giải đấu có nhiều gió như Ironman Hawaii, nơi tốc độ gió đo được lên tới 40kmh, bánh đĩa còn thực chất bị cấm vì lý do an toàn.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bánh trước ảnh hưởng nhiều đến độ ổn định của xe trong trường hợp gió ngang hơn là bánh sau. Vì lí do đó, nhiều VĐV chọn kết hợp bánh trước với vành thấp (tầm 40-60mm) và bánh đĩa. Trong một trường hợp ngoại lệ, khi VĐV có trọng lượng rất nhẹ, bánh đĩa có thể ảnh hưởng tới việc điều khiển xe.
Trường hợp không nên sử dụng bánh đĩa
Tuy nhiên, có một trường hợp chúng ta không nên dùng bánh đĩa: đó là khi đua trên những cung đường có độ dốc trung bình trên 5% hoặc các cung đường thuộc dạng “rolling hill” (lên xuống dốc liên tục). Lý do vì bánh đĩa có trọng lượng nặng hơn bánh bình thường từ 350g đến 750g. Ngoài ra, khi cung đường có nhiều khúc cua gắt và xuống dốc, bánh đĩa cũng khó đổ đèo và vào cua so với các loại vành khác.
Đường đạp của Ironman 70.3 Vietnam 2021
Để kiểm tra khả năng điều khiển xe trong điều kiện gió trên đường đua Ironman 70.3 Vietnam 2021, tôi có nhờ người bạn là Thanh Huỳnh đạp thử cả quãng đường 90km với bánh đĩa. Cao Ngọc Hà (vô địch nhóm VĐV Việt Nam hai năm liên tiếp) cũng đã có một buổi đạp thử tương tự. Dưới đây là tổng hợp về địa hình và hướn gió từ hai VĐV này.
Lưu ý: Thời gian xuất phát là 7:15 sáng, cùng lúc với nhiều người sẽ bơi xong và bắt đầu phần đạp của mình. Buổi thử nghiệm này diễn ra vào cuối tháng 4. Do Ironman 70.3 Vietnam được tổ chức vào tháng 8/2021 nên cũng có khả năng tốc độ gió và hướng gió có chút thay đổi. Tuy nhiên kinh nghiệm dưới đây vẫn đáng được lưu ý để chuẩn bị cho cuộc thi.
Tổng quan:
- Gió hơi ngược lúc đi, hơi xuôi lúc về; gió mạnh yếu rõ ràng từ km 20-45 và km thứ 45 -70.
- Tổng độ cao đạt được: ~182m.
Từ km 1 tới 17:
- 16.5km đầu đường có khoảng năm lần hơi lên xuống, có thể đạp mạnh lúc xuống dốc để bù tốc độ.
- Gió xiên ngược nhưng không quá to do thời gian đi sớm. Có một chút gió xuôi ở tầm km 17.
Từ km 17 tới 42:
- Có 4 cầu còn lại đường phẳng; cầu sông Trà dài 600-700m; có thể đạp mạnh hơn khi dốc xuống ở km thứ 39; dốc xuống tiếp ở km 40 đến chân cầu.
- Gió ngược và ngang đan xen, kèm leo cầu nên cảm giác sẽ rất khó chịu.
Từ km 42 tới 65: gió ngang, hơi xiên nhưng thuận gió nên sẽ lợi gió, đạp được nhanh hơn.
Từ km 65 tới 75: leo cầu kèm gió ngược.
Từ km 75 tới 90: xuôi gió đạp rất dễ và nhanh.
Kết
Nhìn chung, nếu chỉ tham gia các giải ở Việt Nam và khu vực Châu Á thì bánh đĩa là một sự lựa chọn không tồi. Địa hình các giải đấu ở khu vực này bằng phẳng nên bánh đĩa sẽ tạo nên lợi thế lớn. Nếu bạn có khả năng tài chính, đừng tiếc tiền mua một chiếc Zipp Super 9, nhất là nếu bạn vừa xuống tiền mua một chiếc siêu xe đạp vài trăm triệu . Tuy nhiên, nếu bạn muốn cân đối tài chính, tôi nghĩ một chiếc bánh đĩa của hãng ít tên tuổi hơn cũng là một sự lựa chọn không tồi. Chỉ có vấn đề duy nhất là bạn sẽ không có cảm giác “lâng lâng” khi được sở hữu những dụng cụ xịn nhất. Nhưng bạn muốn tiết kiệm hay muốn dùng đồ xịn nhất, đó lại là câu hỏi mà chỉ bạn mới có thể trả lời.
- Về tác giả
- Bài mới nhất
Phạm Minh Quang là vận động viên triathlon sống ở Singapore. Năm 2017, Quang là người Việt Nam đầu tiên giành suất tham dự giải VĐTG Ironman 70.3 World Championship tại Mỹ. Hiện nay Quang đang tập luyện với Trisutto.