Trong vài năm qua, có nhiều trường hợp VĐV nghiệp dư bị cho là đột quỵ (hay đột tử) trên đường chạy. Điều này không chỉ xảy ra với các giải chạy trong nước (từng xảy ra trên đường chạy HCMC Run năm 2019) mà cũng được nhắc tới trong các giải ở khu vực trong thời gian gần đây.

Có rất nhiều tranh cãi gần đây xung quanh vấn đề sức khỏe tim mạch ở các VĐV thể thao đường trường. Các bằng chứng hiện nay cho thấy rủi ro sức khỏe tim mạch là rất thấp đối với những cá nhân tập luyện chạy marathon. Tuy nhiên, có một góc khuất mà chúng ta ít khi bàn luận: những trường hợp đột tử của các VĐV thể thao trẻ tuổi với sức khỏe dồi dào. Các trường hợp tử vong này khiến chúng ta bất ngờ vì nguyên nhân không đến từ quá trình tập luyện cũng như thi đấu, chưa kể họ có nền tảng thể lực cao hơn nhiều so với những người rượu bia mà vẫn sống khỏe.

Chẩn đoán y khoa cho thấy nguồn gốc của các trường hợp này đến từ hội chứng cơ tim phì đại (HCM – Hypertrophic cardiomyopathy), một bệnh lí di truyền khiến cơ thành tim dày lên và làm tăng rủi ro rối loạn nhịp tim.

Một nghiên cứu khoa học gần đây của Sjoerd Verwijs từ đại học Armsterdam đã cố gắng đưa ra lời giải thích đối với hai bí ẩn còn tồn đọng với bệnh lí HCM: vì sao một bệnh lí di truyền với nguy cơ tử vong cao vẫn còn khá phổ biến, và vì sao các VĐV lại dễ mắc HCM. Nghiên cứu đưa ra những giả thuyết khá táo bạo, đồng thời phân tích dữ liệu của các công trình khoa học trước đó để tìm ra những bằng chứng cho giả thuyết này.

How Fast Can A Human Run, Really?
Một giả thuyết khoa học cho rằng những gien liên quan đến bệnh lí tim mạch cũng đồng thời tạo điều kiện giúp ta thi đấu thể thao tốt hơn

Nói một cách tóm tắt thì nghiên cứu này cho rằng các mã gien dẫn đến nhóm bệnh lí tim mạch (HCM là một trong số đó) mang lại những ảnh hưởng không chỉ tiêu cực mà còn tích cực lên cơ thể. Cụ thể hơn, những ảnh hưởng này mang lại những lợi thế khi thi đấu, trước khi các ảnh hưởng này bắt đầu chuyển qua giai đoạn tiêu cực và đây là thời điểm mà các rủi ro đột tử dễ xảy ra.

Theo các ước tính khoa học, rủi ro tim mạch di truyền có xác suất 0.2% đến 0.5%. Từ góc độ bệnh lí có khả năng dẫn đến đột tử, đây là một xác suất khá cao. Tuy nhiên, nếu bệnh lí nền này giúp chúng ta khỏe hoặc nhanh hơn, các gien này sẽ có xu hướng được di truyền qua nhiều thế hệ. Verwijs đưa ra ví dụ về dị tật hồng cầu (hồng cầu hình lưỡi liềm). Tuy đây là một bệnh lí di truyền có ảnh hưởng khá nghiêm trọng với sức khỏe, một phiên bản của gien gây bệnh này có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi sốt rét, do đó gien này vẫn được lưu trữ và di truyền qua nhiều thế hệ.

Nhiều thí nghiệm về ảnh hưởng của gien gây ra các bệnh lí tim mạch trên chuột đã mang lại những quan sát thú vị: một gien giúp chuột chạy nhanh hơn, và một gien khác giúp chúng chạy dài hơn với công suất cao hơn nhờ vào cơ tim khỏe. Ở cơ thể người, gien gây ra bệnh tim mạch cũng thường góp phần tăng chỉ số VO2 max giúp VĐV đạt được thành tích tốt hơn trong tập luyện và thi đấu (dựa trên dữ liệu từ 140 runner mạnh với thành tích ở mức 2:26:28 đến 2:28:53)

Có một vài lý do giải thích việc các gien liên quan đến bệnh lí tim mạch lại góp phần cải thiện thành tích thi đấu. Lấy ví dụ gien TTN giúp tăng cường VO2 max, giúp cơ tim trở nên “đàn hồi” tốt hơn, từ đó bơm máu hiệu quả hơn và giúp chúng ta chạy nhanh hơn. Tuy nhiên, gien TTN đồng thời cũng tăng cường rủi ro của các triệu chứng rối loạn tim mạch nguy hiểm. Martin Maron, một chuyên viên tim mạch của đại học Tufts cho biết tuy giả thuyết của Verwijs mới mẻ và thú vị, và vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác thực điều này.

Nhìn chung, càng ngày chúng ta càng có nhiều góc nhìn mới về tình trạng đột tử khi tập thể thao, mặc dù bức tranh tổng thể vẫn chưa được sáng tỏ. Dựa vào những nghiên cứu đã được thực hiện, chúng ta có thể kết luận rằng tỷ lệ đột tử khi tập thể thao khá thấp, và dù gì thì lợi ích mang lại từ thể thao vẫn lớn hơn rất nhiều so với bia rượu. Tuy nhiên, có những rủi ro nhất định về mặt di truyền. Vì vậy, nếu bạn có người thân có tiền sử bị bệnh tim, hãy đi khám và xét nghiệm để đảm bảo mình không bị bệnh tim di truyền. Bạn cũng nên đi khám nếu thấy các triệu chứng như hụt hơi, chóng mặt, đau ngực và thậm chí là ngất sau khi tập luyện. Khám bệnh tầm soát luôn là biện pháp tốt nhất để tránh tử vong.

Xem thêm: Đột quỵ khi chạy bộ

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn