Gel là gì
Gel lần đầu tiên xuất hiện tại Vương Quốc Anh năm 1986, được dùng như một giải pháp bổ sung năng lượng thuận tiện, dễ cầm trong các giải thể thao đường trường. Lúc đầu, các gói gel được thiết kế rất thô sơ, chỉ đơn giản là một gói nhựa nhỏ, trong suốt chứa gel bên trong (cắn mẻ răng mới xé được ra để uống). Ngày nay, các gói gel được thiết kế với đủ loại bao bì, mùi vị. Gel bắt đầu được sử dụng rộng rãi bởi các VĐV chuyên nghiệp từ những năm 90 và ngày nay chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trong các giải thi đấu.

Gel hoạt động như thế nào
Khi chạy phần lớn mọi người thường đốt carb trong cơ thể để chuyển hóa thành năng lượng. Trong các cuộc thi đường trường như chạy marathon, nếu cơ thể đốt cạn kiệt nguồn năng lượng thì bạn sẽ rơi vào trạng thái “đụng tường” (cơ thể kiệt quệ không thể tiếp tục vận động cường độ cao) nổi tiếng mà nhiều người nhắc đến. Gel là nguồn bổ sung carb giúp bạn tránh tình trạng đó.
Năng lượng trong gel được lấy từ phần lớn từ đường, trong đó có 3 nguồn chính:

  • Maltodextrin: dạng dễ hấp thụ nhất của carb vào cơ thể, và cần ít nước để hấp thụ (isotonic) hơn các dạng đường khác như glucose và fructose
  • Glucose (hay còn gọi là đường glu-cô): dễ hấp thụ vào cơ thể nhưng cần nhiều nước gấp 6 lần maltodextrin
  • Fructose: một loại đường khá thông dụng thường có trong mật ong

Đôi khi gel chứa cả đường nguyên chất, loại mà bạn vẫn thấy trong bếp ăn. Một thìa đường ăn thường có chứa 50% fructose và 50% glucose. Phần lớn các loại gel chứa nhiều maltodextrin và glucose để dễ hấp thụ. Nếu gel có thêm một chút fructose nữa cũng tốt vì fructose hấp thụ vào cơ thể qua thận (glucose qua ruột) nên sẽ tăng lượng carb cơ thể được nạp vào qua cùng một lần ăn gel. Tuy nhiên, quá nhiều fructose có thể gây đau bụng vì cơ thể hấp thụ fructose rất chậm, chậm hơn nhiều so với glucose và maltodextrin.

Chọn gel như thế nào?
Nói một cách đơn giản thì bạn nên chú ý vào các tiêu chí sau để chọn gel:

  • Carb: tất nhiên càng nhiều carb trong một gói gel thì càng tốt. Ít nhất một gói gel nên chứa 25gr carb (>100 calories)
  • Sodium: bổ sung muối (sodium) rất quan trọng để tránh bị chuột rút. Một gói gel ít nhất cũng nên chứa 100mg sodium
  • Độ hòa tan của gel (lỏng hay đặc): gel càng đặc thì bạn càng phải dùng nhiều nước uống cùng (để dung hòa gel thành isotonic), nếu không sẽ rất dễ bị đau bụng. Tuy nhiên, vấn đề đau bụng do dùng gel mỗi người mỗi khác. Bạn nên thử nhiều loại gel để tìm ra loại phù hợp với dạ dày của mình

Bạn cũng có thể chọn một số loại gel có caffeine (chất trong cà phê). Caffeine giúp tăng khả năng vận động và cải thiện hiệu suất hấp thụ carb. Nhưng đừng nên uống nhiều quá. Ví dụ không nên cả chặng đường 42km hoặc 100km chỉ dùng gel có caffeine, mà có thể dùng đồng thời với loại gel thông thường, theo tỉ lệ 1:1 (1 gel thường, 1 gel caffeine), 2:1, 3:1 v.v..

Dưới đây là bảng tổng kết chỉ số của 99% các loại gel trên thị trường để các bạn tiện theo dõi. Những ô màu xanh là những chỉ số tốt, màu càng đỏ thì càng không tốt (ví dụ quá ít carb, cần quá nhiều nước để dung hòa gel v.v..)


Nguồn: fellrnr

Kết
Số liệu là một chuyện nhưng có hợp không lại là chuyện khác. Cũng như em bé ăn quen một loại sữa, VĐV cũng thường dùng quen một loại gel. Vì vậy các bạn nếu có điều kiện hãy thử các loại gel khác nhau để tìm ra lựa chọn tối ưu cho mình.

Một số loại gel như Gu và Gu Roctane có vẻ dễ dùng và được nhiều người lựa chọn. Hammer có vẻ dễ tiêu hơn với một số người, tuy nhiên lượng sodium không cao. Cả hai loại này đều có đại lý phân phối ở Việt Nam. Nếu bạn có nhiều vấn đề với chuột rút thì có thể thử eGel hoặc Powerbar gel. Các loại này cũng hay được cá nhân ở VN nhập hàng về bán.

Review của người dùng lâu năm

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn