Khi có sự biến động trong không gian, được thể hiện rõ ràng qua trạng thái bầu không khí bị thổi mạnh bay về một hướng, chúng ta gọi đó là “gió”. Nói chung, gió được tượng trưng cho sự di chuyển cực nhanh và kéo dài.

Hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện về một runner mang tên “gió”. Khoan! Các bạn đừng nhầm lẫn với chàng “điện gió” ở Vũng Tàu. Người mà tôi sắp kể trùng tên, nhưng lớn tuổi hơn chàng gió ở thành phố biển của chúng ta rất nhiều.

Khi tôi ngỏ ý muốn viết một bài về anh ấy để truyền cảm hứng cho các runner khác, anh có vẻ muốn từ chối vì nghĩ là còn nhiều người giỏi hơn anh. Tôi phải giải thích là tôi chỉ viết về những ai tôi biết rõ, vả lại mục đích không chỉ tạo cảm hứng, tôi còn muốn chia sẻ câu chuyện của anh để các bạn khác có dịp học hỏi về quá trình tập luyện cũng như thi đấu của một runner tiêu biểu. Cuối cùng anh ấy cũng đồng ý để tôi viết.

Anh sinh năm 1966, hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn. Ở tuổi ngoài 50 mà có thể chạy marathon dưới 3 giờ 35 phút thì có thể nói là hiếm có người làm được. Thành tích này anh vừa lập được năm ngoái ở giải đua HCM City Techcombank Marathon với thời gian 3:31:34. Đây cũng là lần đầu tiên anh chạy cự ly marathon.

Người mà tôi đang muốn nói đến đó là anh Huỳnh Thế Phong, một thành viên trong câu lạc bộ Phú Thọ Runners (PTR). Tôi quen anh qua những bài viết của tôi được đăng trên các diễn đàn chạy bộ và Phong tình cờ đọc được, anh gửi tin nhắn hỏi tôi về mấy giáo án anh tìm thấy trên mạng. Tôi cũng trả lời cho anh ấy như vẫn trả lời với mọi người, lúc đó tôi đâu có nghĩ là mình đang trao đổi với một runner có hạng


Huỳnh Thế Phong, HCMC Test Run, 2017

Khi được Phong cho biết anh hoàn thành giải đua marathon, tôi vào xem kết quả thì càng ấn tượng hơn khi thấy những đoạn anh chạy rất đều, thậm chí còn “negative split” ở khúc cuối. Ở giải đua marathon đầu tiên trong đời này Phong xếp hạng thứ 27 trên 445 người tham gia và hạng nhất nhóm tuổi M50-59. Với những thành tích như vậy thì thật khó tin từ một người bình thường đùng một cái có thể ra chạy 5 phút chẵn trên một kilomet trong suốt 42 km. Chắc chắn không đơn giản như vậy được, và sau đây là câu chuyện của chàng trai họ Huỳnh.

Từ năm 16 tuổi, cậu bé Phong đã bắt đầu tập chạy bộ và nhanh chóng ngay sau đó anh được kết nạp vào đội tuyển của quận năm 19 tuổi. Những cự ly anh thi đấu là từ 800m đến 10km, và thành tích tốt nhất của Phong là 2 phút 5 giây cho cự ly 800m. Phong đã từng vô địch giải Việt dã toàn thành phố năm 1983.

Với lịch sử chạy bộ như vậy thì có lẽ bạn nghĩ là không có gì ngạc nhiên khi Phong đạt những thành tích ấn tượng khi anh chạy marathon 3:31 năm 2017 hay Đà Nẵng Ironman 70.3 trong 6 giờ 23 phút năm 2016. Nhưng nếu nghe thêm câu chuyện của Phong thì có lẽ bạn sẽ thấy có nhiều điều lý thú.

Năm 1992, ở tuổi 26 có thể nói chưa hết thời của một vận động viên chuyên nghiệp, Phong bỏ chạy bộ vì lúc này anh đã lập gia đình và có hai cô con gái sinh đôi. Trách nhiệm của một người cha, người chồng cộng với cuộc sống mưu sinh là lý do chính khiến anh treo giày. Mãi đến 20 năm sau, cảm thấy cơ thể nặng nề nhất là cái bụng càng ngày càng to ra Phong bắt đầu nghĩ đến luyện tập thể dục để giảm cân và để có một cuộc sống lành mạnh. Tưởng cũng nói thêm là Phong không hút thuốc và nhậu nhẹt; có nhiều người cứ nghĩ những người bụng bự là do nhậu nhiều. Không nhất thiết là phải ăn nhậu, những người thiếu vận động nói chung cơ thể rất dễ phì nhiêu khi tuổi đời chồng chất.


Huỳnh Thế Phong và vợ con

Muốn cơ thể thon gọn thì phải kiêng ăn và tập thể thao, và môn thể thao mà Phong quen thuộc chính là chạy bộ. Năm 2012, ở tuổi 46 anh bắt đầu trở lại với chạy bộ. Bốn năm sau, anh quyết định chọn thi đấu ba môn phối hợp ở giải đua Danang Ironman 70.3 năm 2016. Thời gian 6 giờ 23 phút có thể là một kết quả khá tốt đối với nhiều người, nhưng đối với người có một quá khứ thể thao khá huy hoàng như Phong thì anh cho đó là thất bại.

 
Huỳnh Thế Phong, Đà Nẵng Ironman 70.3, 2016

Có một câu ngạn ngữ rất hay, đó là “chúng ta học nhiều từ thất bại hơn là thành công”. Phong lên lịch luyện tập cho giải đua kế tiếp và đó là Techcom Bank marathon 2017. Một điều chúng ta cần hiểu rõ là những vận động viên chuyên chạy cự ly ngắn khi chuyển sang chạy marathon phần lớn vướng phải lỗi lầm là chạy quá nhanh khi mới xuất phát để rồi bị cạn năng lượng và phải đi bộ ở đoạn cuối. Phong nhận thức được điều này cho nên anh có những kế hoạch cẩn thận và khôn ngoan. Phong tham gia một câu lạc bộ khác đó là Việt Runners and Friends (VRF) và được anh Trần Minh Khôi hướng dẫn tận tình từng bài chạy cũng như chiến thuật thi đấu và nạp năng lượng trong lúc chạy.


Huỳnh Thế Phong, HCMC Test Run, 2017

Phong có gửi cho tôi xem lịch tập 11 tuần do Khôi thiết kế riêng cho anh, bao gồm 5 ngày chạy trong một tuần. Tôi để ý lịch chạy chủ yếu nhắm vào tăng cự ly và ít chú trọng đến việc tập tốc độ, có lẽ bởi vì Phong đã có sẵn nền tảng chạy cự ly ngắn nên không cần phải tập thêm tốc độ. Đây là điều rất hợp lý. Có một thuận lợi nữa cho Phong là nhịp tim của anh ấy rất thấp, lúc ngủ chỉ có 36 và bình thường là 50. Yếu tố cơ địa này quan trọng vô cùng, đặc biệt đối với những vận động viên chạy đường dài.


Huỳnh Thế Phong, HCMC TechcomBank Marathon, 2017

Phong gửi cho tôi xem chiến thuật chạy mà Khôi đã thiết kế riêng cho anh. Phong nhiều lần lập lại đây là công của Khôi, đã giúp anh cải thiện thành tích đến 15%. Tôi không phủ nhận là Khôi đã có một chiến thuật chi tiết và thông minh. Tuy nhiên, công bình mà nói không phải ai cũng có thể bám theo chiến thuật này. Khôi là người thầy giỏi, nhưng anh may mắn là có một học trò xuất sắc. Tôi xin phép chia sẻ lại chiến thuật race của Phong do Khôi thiết lập để các bạn tham khảo và rút ra bài học kinh nghiệm cho riêng mình.

Techcombank HCMC Marathon 2017

FM 42.2km sub3h35

avg pace 5:03/km

(1) — 4km 5:10/km

(2) — 6km 5:03/km

(3) — 17km 5:00/km

(4) — 10km 5:10/km

(5) — 5.2km 4:52/km

Checkpoint:

+ 10km: 0:50:58

+ 21km: 1:45:58

+ 30km: 2:31:28

+ 37km: 3:07:38

+ FINISH: 3:32:56 – 3:34:53

Lưu ý:

– Trước khi chạy 15′ ăn 1 bịch Gel + nhấp nước.

– Chạy được 60′ nạp 1 bịch Gel, sau đó cứ 30′ ăn 1 bịch.

– Tiếp nước đầy đủ khi qua các trạm.

– Các đoạn lên dốc giảm pace cần thiết để giữ đúng ngưỡng chạy, xuống dốc chú ý cadence, vẫn giữ đúng ngưỡng.

– Kiểm soát pace sát yêu cầu (ko lệch quá 2sec/km). Càng giữ đúng ngưỡng và đi đều thì sẽ càng tiết kiệm sức.

Có thể đọc đến đây có người sẽ cho rằng một người có tố chất như anh Phong thì quá dễ dàng chạy bộ và đạt thành tích cao, còn lại những người bình thường không thể so bì được. Tôi thì lại không nghĩ như vậy, bởi vì tôi biết nhiều người chạy marathon rất tốt, nhưng một khi họ bỏ chạy thì không thể nào quay trở lại được. Hai mươi năm là một khoảng thời gian quá dài, khi trở lại có thể Phong đã đối diện với nhiều khó khăn. Đối với một người chưa từng chạy bộ bao giờ, khi được làm quen với môn thể thao này phần lớn rất phấn khích, đôi khi ham hố tập luyện dẫn đến chấn thương nữa là khác. Ngược lại, một người có quá khứ chạy bộ huy hoàng; khi xưa là một thanh niên trẻ đầy sức mạnh, bây giờ tuổi gần ngũ tuần, vì thế việc xỏ giày vào để chạy có thể là một cực hình. Nhất là mỗi khi so sánh với chính mình năm xưa chắc chắn anh ấy sẽ nản vô cùng. Vì thế công bình mà nói thì những người từng có quá khứ chạy bộ xuất sắc chưa chắc có nhiều lợi điểm như chúng ta nghĩ.

Tôi muốn qua hình ảnh của Phong để nhắc nhở các bạn là khác với các môn thể thao khác, bộ môn chạy bộ ít bị ảnh hưởng bởi tuổi tác. Có nhiều bạn mới ngoài ba mươi lại tự cho là mình “già” và muốn chạy tàn tàn để dưỡng sinh. Không có gì sai trong quyết định đó hết, nhưng nếu bạn nếu muốn tập chạy nhanh để thi đấu, để lập thành tích cá nhân thì bạn vẫn có thể. Các bạn không phải kiếm đâu xa, không phải dựa vào câu chuyện của những runner cao niên ở nước ngoài. Bằng chứng hùng hồn đang ở cạnh các bạn.

Bây giờ gặp các bác tuổi trên bốn bó, năm bó hay thậm chí sáu bó thì bạn có còn dám khuyên bảo: “Già rồi, chạy pace 7 cho lành!” nữa không?

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn