Năm 2018, để kỷ niệm 10 năm giải Ironman lần đầu tiên được tổ chức ở Philippines, đơn vị Sunrise Event sẽ tổ chức giải Ironman 140.6 đầu tiên ở Đông Nam Á và địa điểm được chọn là vịnh Subic ở Philippines. Cuộc thi sẽ diễn ra vào ngay 3/6/2018. Giống như nhiều cuộc thi Full Ironman khác, lần này Sunrise sẽ cho tổ chức song song Ironman 140.6 và Ironman 70.3 cùng ngày và cùng địa điểm thi.
Vì đã từng tham dự cuộc thi Ironman 70.3 Subic Bay năm 2017 (và giành suất tham gia giải VĐTG Ironman 70.3 qua cuộc thi này – xem thêm bài “Tôi đã đạp xe ở giải VĐTG Ironman 70.3 như thế nào“), tôi sẽ tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm cho những người lần đầu tham dự để không bị bỡ ngỡ.
Trong phần 1, tôi sẽ tập trung đề cập tới việc đi lại, ăn ở tại Subic. Phần này cũng quan trọng không kém, nhất là đối vỡi những người chưa đến Subic lần nào. Phần 2 sẽ dành để review đường đua, chiến thuật v.v.. để giúp độc giả chuẩn bị kỹ hơn cho cuộc thi
Từ Việt Nam tới Subic
Ironman Subic Bay và Ironman 70.3 Subic Bay (tôi sẽ gọi chung là IM Subic) được tổ chức ở vịnh Subic, cách thành phố gần nhất là Olongapo khoảng 10km. Vịnh Subic là cảng nước sâu, ngày xưa được sử dụng làm quân cảng cho hải quân Mỹ, sau này được sử dụng để làm trường dạy lái máy bay.
Để tới Subic từ Việt Nam, bạn có 2 cách. Thứ nhất là bay tơi Manila rồi lái xe tới Olongapo/Subic (160km – khoảng 3h lái xe nếu không có vấn đề gì).
Cách thứ hai là đáp máy bay tới sân bay quốc tế Clark (Clark International Airport) ở thành phố Angeles và lái xe tới Subic (80km – khoảng hơn 1h lái xe).
Năm ngoái tôi bay đến sân bay Clark và nhờ chủ nhà trọ ra đón về với giá khoảng 50$/lượt.
Khách sạn và ăn uống
Nếu ở vịnh Subic thì thực chất chỉ có duy nhất một khách sạn là ACEA Resort Subic, cũng là nơi xuất phát môn bơi. Các VĐV pro được bố trí nghỉ ở đây nhưng khách sạn này hoàn toàn không đẹp như các hình đăng trên Google. Thật ra mà nói thì nó khá xấu, chưa kể khu vực vịnh Subic khá hoang vu và không có chỗ ăn uống, vui chơi nào. Vì vậy tôi khuyên các bạn không nên thuê phòng ở đây. Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa là finish line không nằm ở khách sạn này mà là ở trong thành phố Olongapo. Vì vậy khi hoàn thành cuộc thi bạn sẽ phải tìm cách mang cả xe và đồ đạc về khách sạn ACEA Resort Subic. Tôi nhớ trong khi chuẩn bị hoàn thành phần thi chạy thì thấy các VĐV pro một tay cầm túi đồ, một tay điều khiển xe và đạp về khách sạn. Tôi không nghĩ bạn muốn làm thế lúc 12h đêm khi hoàn thành chặng đường 140.6 dặm.
Vì vậy phương án tốt nhất là thuê khách sạn ở thành phố Olongapo. Địa điểm finish line là SVĐ Remy Field, ở vị trí khá trung tâm Olongapo nên bạn nên thuê khách sạn ở gần khu vực này để tiện đường về và ăn uống.
Nhìn chung thành phố Olongapo được chia làm 2 khu vực: màu vàng và màu xanh như hình trên. Khu vực màu vàng là khu vực được xây dựng gần đây, mới nhưng không nhộn nhịp bằng khu vực màu xanh. Ngược lại, khu vực màu xanh được coi như là thành phố Olongapo cũ, mật độ dân cư đông hơn, nhiều hàng quán hơn nhưng không sạch sẽ bằng. Có thể ví khu vực màu vàng là khu resort ở Đà Nẵng, hay khu Thủ Thiêm ở TP HCM hay Mỹ Đình/ Láng Hạ ở Hà Nội còn khu màu xanh là Quận 1, trung tâm Đà Nẵng hay phố cổ Hà Nội.
Năm ngoái tôi thuê 1 phòng nghỉ trên Airbnb ở khu vực màu xanh, chỉ cách khu vàng bằng một cây cầu để qua sông (link ở đây). Đây thực ra là một căn nhà lớn dạng chung cư mini ở Việt Nam. Mỗi phòng ngủ rộng khoảng gần 20m2, có bếp, ti-vi, nhà tắm v.v.. Nói chung khá tiện lợi. Giá tầm 30$/đêm, khá rẻ. Địa điểm nằm cách SVĐ Remy Field 2km, khá gần có thể dễ dàng đi về. Ngoài ra khách sạn này cũng nằm ngay cạnh 2 trung tâm thương mại lớn là SM Citi Olongapo, đi một chút qua cầu Magsaysay là tới Watson Harbor Point Mall nên bạn sẽ không cần lo lắng về chuyện ăn uống.
![]() | ![]() |
Về chuyện ăn uống, như đã nói ở trên, có rất nhiều lựa chọn cho bạn trong hai trung tâm thương mại SM City và Watsons Harbor Point, từ cửa hàng thức ăn nhanh tới buffet. Bản thân tôi thì tôi hay qua McDonald’s ngay đối diện khách sạn 🙂
Đi lại
Ở Subic có vẻ không có nhiều taxi (thậm chí có khi không có), vì vậy phần lớn thời gian tôi dùng xe đạp đi xung quanh tham quan. Về việc ăn uống thì có thể đi bộ được.
Để đi từ khách sạn tới vạch xuất phát, tôi nhờ chủ khách sạn chở ra đó với giá 7$. Cũng khá rẻ cho 10km. Chủ nhà rất niềm nở và hiếu khách, nên tôi không ngại giới thiệu khách sạn này cho những ai đến Subic.
Như đã nói ở trên, để đi từ sân bay về Olongapo và ngược lại, tôi nhờ chủ nhà chở trên chiếc xe 7 chỗ của gia đình, giá khoảng 50$ một lượt.
Trong phần 2, tôi sẽ viết về race course, điều kiện thi đấu, khí hậu v.v..
- Về tác giả
- Bài mới nhất

Phạm Minh Quang là vận động viên triathlon sống ở Singapore. Năm 2017, Quang là người Việt Nam đầu tiên giành suất tham dự giải VĐTG Ironman 70.3 World Championship tại Mỹ. Hiện nay Quang đang tập luyện với Trisutto.