Nếu cái tên Yuki Kawauchi còn xa lạ với bạn thì có thể bạn không phải là dân chạy bộ rồi. Nghe cái tên thì biết ngay anh ấy là người Nhật, cái tên làm chúng ta nhớ đến những chiếc motorcycle nổi tiếng của Nhật là Suzuki và Kawasaki, và hôm thứ Hai ngày 16/4 năm 2018 tiếng xe máy đó đã vang dội khắp thế giới, bắt nguồn từ thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Yuki đã làm nên điều mà không ai có thể ngờ được, đó là đạt chức vô địch ở một trong những giải đua marathon nổi tiếng nhất thế giới.

Mấy ngày hôm nay báo chí và các cơ quan truyền thông đã đưa tin về vô địch Boston Marathon 2018 này, họ moi móc hết tất cả từ chế độ luyện tập, ăn uống, công việc làm ở trường trung học, tình trạng gia cảnh, thậm chí quá khứ thời thơ ấu của Yuki cũng được mang lên bàn mổ. Vì thế có lẽ những gì tôi muốn viết về Yuki có nhiều khả năng bạn đã đọc được rồi. Tôi sẽ căn cứ theo một số tài liệu đọc được nhưng đồng thời cũng góp thêm nhận xét cá nhân của mình.

Theo tôi thì chiến thắng của Yuki một phần lớn là nhờ điều kiện thời tiết, nếu hôm đó trời không rét lạnh gần đông đá, không mưa gió tơi bời thì các chân chạy gốc Phi Châu và thậm chí vô địch Chicago Marathon 2017 của Mỹ, những người không quen chạy trời tuyết đã không để Yuki chiến thắng dễ dàng như vậy. Có người tranh luận rằng mọi người chạy cùng một sân, xuất phát cùng một lúc thì nếu thời tiết ảnh hưởng các vận động viên chuyên nghiệp kia thì nó cũng đâu có tha Yuki? Một điều rõ ràng là sau cuộc đua là trong khi các vận động viên đều than là thời tiết quá khắc nghiệt thì Yuki lại phát biểu đây là thời tiết lý tưởng nhất để anh thi đấu.

Theo thống kê từ hiệp hội thể thao Boston có gần 3 nghìn người tham gia chạy đã phải cần điều trị y tế, trong đó có 25 vận động viên thuộc nhóm ưu tú (elites), trong số 25 người được điều trị thì có 23 người phải bỏ cuộc, bao gồm Galen Rup, Ryan Vail, Kellyn Taylor và Deena Kastor của Mỹ, cũng như vô địch Boston năm 2014 Buzunesh Deba và elite của Ethiopia là Mamitu Daska. Thế thì tại sao Yuki có vẻ như miễn nhiễm với điều kiện mưa gió giá buốt? Tôi để ý nhân vật này từ hai năm về trước, đặc biệt là khi chạy nét mặt của anh ta ra vẻ rất khắc khổ. Lúc đầu tôi nghĩ anh này chạy đau đớn như vậy thì làm sao mà so bì được với các bạn châu Phi, những người chạy với nét mặt rất tươi. Sau này tôi mới biết đó là biểu hiện của Yuki khi chạy, lúc nào cũng vậy. Thế nhưng hôm thứ Hai tôi không thấy nét mặt khắc khổ của Yuki như mọi khi. Rõ ràng là anh không dấu được sự vui mừng vì biết lợi thế mình nắm chắc trong tay. Lợi thế đó là anh đã chạy quen với điều kiện thời tiết giá băng.

Đi ngược dòng thời gian, vào đầu năm nay anh chạy ở giải Marshville marathon ở điều kiện dưới nhiệt độ đông đá (âm 17 độ C) và anh là người duy nhất hoàn thành cuộc đua hôm đó, không những hoàn thành mà anh chạy với thành tích vô cùng ấn tượng, 2:18:59. Trước đó anh cũng có chạy ở điều kiện giá rét như Nagano marathon năm 2013 và Zurich marathon năm 2016. Vì thế có thể nói Yuki đã có những kinh nghiệm chạy trời lạnh thật quý giá mà các vận động viên khác không có. Hôm thứ Hai 16/4, trời Boston giá rét như muốn trừng phạt tất cả ngoại trừ đứa con đến từ xứ mặt trời mọc.

Khác với các đối thủ chuyên nghiệp, Yuki còn có việc làm toàn thời gian, anh dự định là phải trở về để đi làm ngay vì đâu có đoán được chiến thắng, anh buộc phải ở lại Boston thêm một ngày để dự lễ trao thưởng và họp báo, tất nhiên ông hiệu trưởng nơi anh làm việc cho anh nghỉ thêm một ngày phép. Qua ống kính truyền hình chúng ta có thể thấy rõ Yuki là một con người khiêm tốn, thậm chí rụt rè nữa là khác. Sau đây là những thông tin về Yuki do báo chí ghi nhặt:

* Yuki chỉ mới quyết định tham gia chạy Boston hồi tháng Tư năm ngoái sau khi Bill Rodgers, 4 lần vô địch Boston, thuyết phục anh suốt hơn 30 phút điện đàm qua video.

* Ở các giải chạy major, Yuki về hạng 4 Tokyo Marathon năm 2010 và hạng 3 Tokyo Marathon năm 2011.

* Anh chạy 79 cái marathons dưới 2:20 (kỷ lục thế giới) và 26 cái dưới 2:12

* Mục tiêu của anh đề ra là hoàn thành 100 cái marathon dưới 2:20 trước khi thế vận hội 2020 diễn ra ở Tokyo.

* Anh hát karaoke rất hay và anh ưa chuộng thể nhạc kích động (heavy metal).

* Trong khi các vận động viên chuyên nghiệp chạy trung bình hai cái marathons một năm thì năm 2017 Yuki chạy 12 cái.

Nếu đem so sánh Yuki với các vận động viên chuyên nghiệp thì chúng ta sẽ thấy có nhiều điều trái ngược. Trong khi hầu hết các elites luyện tập theo nhóm, có huấn luyện viên chỉ dẫn và được các công ty lớn bảo trợ để họ có đủ tài chánh luyện tập toàn thời gian thì Yuki chỉ luyện tập một mình, nguồn thu nhập chính của anh không đến từ công ty nào hết mà là từ công việc văn phòng ngày 8 tiếng như hầu hết mọi vận động viên phong trào. Trong khi các elites luyện tập ngày hai lần, tập ở độ cao, có những dụng cụ hiện đại, chế độ dinh dưỡng tối ưu và khoa học thể thao ưu việt thì Yuki chỉ tập ngày một lần vì thời gian không cho phép. Không có tiền đi tập ở phòng gym hiện đại nên anh lập phòng gym tại gia, anh không theo lý thuyết luyện tập nào hết mà chỉ tuân theo phương pháp được các runner nổi tiếng trong quá khứ áp dụng.

Có người khen thì cũng có kẻ chê, nhiều người chỉ trích là Yuki chỉ giỏi chạy ở mấy giải marathon xoàng, ở các giải vô địch thế giới và các giải Majors thành tích của Yuki rất kém, kỷ lục cá nhân của anh, 2:08:14, cách xa kỷ lục thế giới hơn 5 phút và thậm chí còn thua xa 200 thành tích của thế giới từ xưa đến nay. Nhưng một điều không thể phủ nhận được là Yuki chạy nhanh hơn các vận động viên chuyên nghiệp của Mỹ. Năm ngoái Galen Rupp lập kỷ lục cá nhân ở Chicago với thời gian 2:09:20, cùng năm đó Yuki chạy về hạng ba ở Gold Coast Marathon, Australia với thời gian 2:09:18. Trong khi không có đủ điều kiện để luyện tập như các vận động viên Mỹ, Yuki vẫn đều đều chạy nhanh hơn tất cả các marathoner của Mỹ và điều quan trọng là anh không bị một áp lực phải thi đấu cho ra hồn nếu không sẽ bị mất tài trợ của Nike, Adidas, Asics, Brooks, New Balance, Garmin, GU, vân vân… Nói chung, thành công của Yuki khiến chúng ta cũng nên lắng nghe ý kiến của anh ấy. Qua những cuộc phỏng vấn của Yuki trên báo chí Nhật, sau đây là những điểm nhấn quan trọng:

  1. Kết hợp chạy chậm (jogging): Hầu hết các runner của Mỹ rất ghét dùng chữ “jogging” để miêu tả chế độ luyện tập của họ, còn Yuki thì rất thích nó, đặc biệt là anh thích chạy cự ly ultra chừng 100km. Ở những cự ly này thì chúng ta không thể chạy nhanh như marathon được, do đó phải jogging. Yuki chạy dài và chậm để cảm nhận cái cảm giác sau khi chạy 3 giờ, cái cảm giác chạy với đôi chân mỏi mệt và phải chiến đấu với tâm lý để khỏi bỏ cuộc. Theo anh thì cái cảm giác này nó tương tự như ở đoạn cuối của cự ly marathon khi tay chân bị mất cảm giác, sự tập trung bị phân tán và cảm nhận lúc đó là sức chịu đựng của chúng ta đang tiêu tan thành mây khói, nhưng đồng thời khi vượt qua được thì trạng thái sung sướng khi băng qua được bức tường rất tuyệt. Bài chạy 50km và 100km cho Yuki thêm sức chịu đựng cần thiết để anh biết rằng ở nửa sau của cuộc đua marathon anh vẫn vững vàng trên đôi chân khi mọi việc dường như xấu hơn — BV: Đây rõ ràng là điều tương phản với các giáo án marathon truyền thống, luôn khuyên chúng ta không nên chạy quá 35km trong luyện tập.
  2. Tập ngày một lần: Yuki chỉ có thể chạy ngày một lần vì anh còn có công việc toàn thời gian. Hơn nữa, anh nghỉ rằng giới hạn việc chạy một lần trong ngày sẽ cho phép anh dưỡng sức để jogging cự ly ultra vào cuối tuần. Theo Yuki thì giới hạn là 1000 km một tháng, và chế độ luyện tập của anh trung bình là 600 km một tháng, trong đó có bài chạy dài ultra. Nếu so về tổng số không thôi thì anh kém các vận động viên chạy hai buổi 12 km một ngày, hay 360 km một tháng. Điều này không thành vấn đề với anh vì quan trọng là anh có bài ultra, còn các vận động viên chạy hai buổi nếu họ muốn chạy thêm ultra thì họ phải chạy trên 1000 km một tháng, theo Yuki thì số lượng đó sẽ phá hủy đôi chân của họ với các chấn thương do vận động quá tải, điển hình nhất là rạn xương (stress fracture).
  3. So tài ở tầm vóc quốc tế: Cả Mỹ và Nhật hiện nay không thể cạnh tranh với các quốc gia Đông Phi vì lý do đơn giản là cả hai quốc gia này không thể chạy marathon với thời gian 2:03. Tuy nhiên, Yuki nghĩ rằng không cần phải chạy nhanh đến mức đó mà vẫn có thể so tài được. Anh phản đối cái chỉ trích cho rằng hiện nay thế giới đang chạy 2:02 và 2:03 thì nước Nhật vẫn không thể nhanh hơn 2:06, anh đưa ra bằng chứng là người chạy 2:02 chỉ làm được một lần và ở sân chơi không được công nhận kỷ lục – Boston. Yuki đưa thêm thí dụ Abel Kirui của Kenya có PR là 2:05, nhưng điều này không được tái diễn, và mặc dù chạy rất nhiều giải marathon nhưng thành tích tốt thứ nhì của Kirui chậm hơn 30 giây so với kỷ lục quốc gia của Nhật. Anh cũng đưa thêm một vài thí dụ của các vận động viên châu Phi thắng nhiều giải vô địch thế giới và Olympics với thành tích tốt nhất của họ vẫn thua kỷ lục quốc gia của Nhật, từ đó Yuki suy ra là Nhật hoàn toàn có khả năng giành huy chương ở đấu trường Olympics và vô địch thế giới. — BV: Không phải ở Olympics hay World Championships nhưng Yuki vừa chứng mình điều này ở một giải Major.
  4. Gặt hái được huy chương không có nghĩa là phải chạy pace phá kỷ lục thế giới suốt 26.2 miles, nhưng phải chạy pace với kỷ lục thế giới ở 2 hay 3 miles đoạn gần cuối. Khi thi đấu giành huy chương có nghĩa là dành vị trí chứ không phải lo thi đấu với thời gian. Cái chỗ đứng trên podium để dành cho những ai chạy nhanh chừng hai miles từ dặm thứ 20 đến 22, và sau đó là người chạy chậm ít nhất so với các đối thủ của mình. Điều này chúng ta thấy rõ ràng ở các giải marathon, người chiến thắng lúc nào cũng bùng phát ở đoạn sau.
  5. Giới trẻ cũng có thể chạy marathon miễn họ biết khiêm tốn và kiên nhẫn: Đa số các bạn trẻ yêu tốc độ và họ chỉ hợp với các cự ly ngắn như 5K hay 10K, cái quan niệm chạy marathon sẽ hủy diệt tốc độ của runner khiến họ phải đợi đến năm 30 tuổi mới bắt đầu chạy cái marathon đầu tiên. Theo Yuki thì chúng ta vẫn có thể áp dụng sức mạnh và tốc độ của sức trẻ vào marathon miễn sao các bạn trẻ này bớt kiêu ngạo và biết nhẫn nại. Yuki khuyên các bạn trẻ không nên đặt mục tiêu quá cao ngay từ đầu vì họ sẽ lao vào cõi chết và nếm mùi đau đớn của địa ngục, để rồi dính chấn thương và từ đó suy sụp sự tự tin. Chẳng có ai thèm để ý thời gian cho cái marathon đầu tiên của bạn, vậy hãy chạy một cách có kiềm chế để có thể hoàn thành và nghĩ rằng “Ồ, marathon cũng thú vị lắm đấy!”, từ đó bạn sẽ chạy các giải marathons về sau với một tinh thần tích cực.

 

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn