Ai quen tôi đều biết rằng tôi không coi trọng hình thức, suốt ngày mặc áo finisher quần ca-rô ra đường đến nỗi bản thân cũng tự nhận thấy gu thời trang của mình dần thui chột. Tuy nhiên với đồ thể thao thì lại là chuyện khác, với phương châm “chạy có thể dở nhưng mặc phải đẹp”. Vì nhà có điều kiện toàn săn được đồ hạ giá nên tôi có điều kiện thử nhiều loại đồ thể thao và trisuit khác nhau nên tôi nghĩ có thể chia sẻ một chút các bài học mà tôi nghiệm ra sau quá trình thử nghiệm nhiều sản phẩm khác nhau.
Có một điều tôi nghiệm ra là đồ đắt, hãng nổi tiếng chưa hẳn đã phù hợp với mình. Ngoài ra thiết kế trisuit cũng được cải tiến rất nhiều qua từng năm, vì vậy mua đồ hạ giá có khi lại mua phải model đời cũ với thiết kế có phần “lạc hậu” hơn mà không biết. Dưới đây là một vài điểm đáng quan tâm khi chọn mua trisuit.
Kinh nghiệm 1: mua trisuit có túi chống cản nước
Trisuit nào mà chả có túi! Đúng nhưng không hẳn. Một số trisuit như Desoto mà tôi dùng hồi xưa không có túi nên tuyệt nhiên không thể sử dụng trong những race dài như Ironman 70.3.
Vấn đề khác của túi trisuit là khi bơi sẽ bị cản nước, khi đó trisuit chẳng khác gì cái phao làm chậm tốc độ bơi của bạn. Các mẫu trisuit cũ (hình dưới) thường không quan tâm tới điểm này, ngoài ra cũng vì rất nhiều VĐV sử dụng swimskin mặc ngoài. Tuy nhiên mua một cái trisuit 200$ rồi lại phải mua một cái swimskin 200$ thì không phải là điều ai cũng có thể chấp nhận.
Vì vậy các mẫu trisuit mới được thiết kế để giảm thiểu tối đa mức cản nước. Một số được thiết kế chéo như Roka hay Compressport (hình dưới), một số thì có màng chắn phía trên như chiếc Orca 226 (ở Hà Nội có thể mua ở The Hanoi Bicycle Collective, 31-33 Nhật Chiêu, Tây Hồ) mà tôi thử nghiệm trong giải Ironman 70.3 Colombo gần đây. Cá nhân tôi thì thích loại túi có màng chắn như của Orca, không chỉ vì chống cản nước mà còn giúp giữ đồ trong túi không bị rơi (sau vụ Ironman 70.3 Subic đường xóc làm rơi nutrition thì đây là điều rất quan trọng với tôi). Đối với các loại túi nghiêng tôi có cảm giác dễ rơi đồ. Tuy nhiên đó chỉ là cảm giác vì tôi chưa có dịp thử đựng nhiều gói gel để kiểm chứng.
Compressport | Roka | Orca |
![]() | ![]() | ![]() |
![]() | ![]() | ![]() |
Compressport có 6 túi ở bụng trước và sau. Rộng, cản nước lớn | 2 túi nghiêng ở sau lưng tránh cản nước. Không đủ sâu để chứa điện thoại | Túi được thiết kế có màng chắn phía trên. Đủ sâu để chứa gel, điện thoại |
Kinh nghiệm 2: nên mua trisuit có tay áo
Nếu trước đây các VĐV luôn mặc trisuit “3 lỗ” thì vài năm trở lại đây, gần như 100% các VĐV chuyên nghiệp (và ngày càng nhiều VĐV nghiệp dư) chọn mặc trisuit có tay. Đối với các VĐV chuyên nghiệp, thống kê cho thấy mặc trisuit có tay giảm được một chút sức cản của gió nên sẽ đạp nhanh hơn một chút.
![]() | ![]() |
Sebastian Kienle năm 2012 | Sebastian Kienle năm 2017 |
Tôi thì cá là phần lớn các VĐV nghiệp dư mặc trisuit có tay để giúp cải thiện thành tích nhìn cho pro (mà tôi là một ví dụ điển hình). Tuy nhiên có một ưu điểm nổi trội của trisuit có tay đó là che nắng. Với những race nóng như ở khu vực Đông Nam Á, che được da tránh nắng chỗ nào là đỡ chỗ đó. Không phải không có lý do mà dân gian có câu “ninja lead”. Vì vậy tôi có cảm giác dùng trisuit có tay đỡ bị thiêu đốt hơn là loại “3 lỗ”.
Ngoài ra các bạn cũng nên chú ý mua loại trisuit có vải chống nắng. Ví dụ như suit Orca tôi dùng có ghi “UPF 50+” (UPF có nghĩa là Ultra-violet Protection Factor – chống tia cực tím. UPF 50+ nghĩa là chống được >98% tia cực tím). Khi bạn mua hàng trên mạng nhớ để ý tới điều này.
Ngoài ra cũng nên lưu ý là đối với vải UPF màu sắc không ảnh hưởng tới việc bắt nắng nhiều hay ít, trái với quan niệm màu tối thì dễ bắt nắng hơn màu sáng. Bằng chứng là khi thi ở giải Ironman 70.3 Colombo, tôi quên không bôi kem chống nắng và tất cả những chỗ nào không được trisuit (màu đen) phủ đều bị cháy đen thui.
![]() | ![]() |
Chỗ nào không được che thì bị cháy nắng đen thui
Kinh nghiệm 3: Chú ý tới khóa kéo
Nếu xem các VĐV chuyên nghiệp thi đấu, bạn có thể nhận ra cách đây 4-5 năm các loại trisuit cũ thường thiết kế với khóa kéo đến ngực, trong khi vài năm trở lại đây loại khóa kéo đến bụng, thậm chí có thể mở toang được đã trở thành chuẩn mới.
Khóa kéo dài tới bụng giúp việc mặc áo hay đi vệ sinh được dễ dàng hơn so với loại chỉ kéo được tới ngực. Ngoài ra, trong phần thi chạy, bạn cũng có thể “phanh” áo được to hơn cho mát.
![]() | ![]() |
Phanh ít… | …hay phanh nhiều |
Nếu chỉ mua được loại có khóa ngắn thì tôi khuyên nên mua loại trisuit hai mảnh. Dù loại này nhìn có thể không đẹp bằng loại một mảnh (theo ý kiến cá nhân tôi), nhưng ưu điểm là thoáng mát, dễ mặc dễ cởi.
- Về tác giả
- Bài mới nhất

Phạm Minh Quang là vận động viên triathlon sống ở Singapore. Năm 2017, Quang là người Việt Nam đầu tiên giành suất tham dự giải VĐTG Ironman 70.3 World Championship tại Mỹ. Hiện nay Quang đang tập luyện với Trisutto.