Tiếp theo phần 1 của series Kenya và những lầm tưởng chết người (Hai lúa tới Angkor Wat), BoiDapChay xin giới thiệu tiếp phần 2 giai thoại của chị “Kenya” Chi Nguyễn. Trong phần này, chị Chi có một hành trình 7 ngày chạy từ Sài Gòn lên Đà Lạt với nhiều trải nghiệm đặc biệt của bản thần và những tình huống khá dở khóc dở cười.


Tháng 4 năm 2013. Mình đứng trước quyết định lớn. Đi hay ở? Dấn thân hay chấp nhận? Nên dũng cảm hơn hay nên kiên nhẫn hơn?

Có lẽ mình cần một chuyến đi, khác với tất cả những chuyến đã từng có để tìm câu trả lời. 30 tuổi. Không sớm, không muộn và quan trọng nhất: không có gì để tiếc.

Lang thang trên mạng, vô tình đọc được status của Mai Huy về ý định làm một hành trình nhỏ 7 ngày từ Sài Gòn lên Đà Lạt (quãng đường khoảng hơn 300km). Ồ có vẻ vui (luôn phải bắt đầu từ việc thấy vui) và em này từng chạy xuyên Việt. Giỏi quá! Đi theo em ấy chắc không chết giữa đường. Vào trò chuyện làm quen. Huy hẹn gặp ở Sân Vận Động Nguyễn Du, một ngày cuối tuần nào đó.

Buổi ra mắt đầu tiên nhóm có 5 người, một vài bạn nói sẽ đi nhưng bận không đến, hứa sẽ tham gia những lần họp sau. Mình nhớ đã mặc một cái đầm maxi màu đen, đi dép xỏ ngón, đeo túi vải và không mang bất cứ trang thiết bị thể thao nào. An sau này kể lại là nhóm lúc ấy khá bối rối và hoài nghi về mình.

Bà này mà chạy bộ hả trời?

Uh, chị chạy. Lần chạy dài nhất của chị là Siêm Riệp 21km, vậy thôi đó. Chị mệt sẽ lên xe máy, mệt nữa thì đón xe khách về. Các bạn không cần lo cho chị đâu.

Cả nhóm đâu đó trên cung đường Sài Gòn – Đà Lạt

Sau vài lần gặp lên kế hoạch, thống nhất tuyến đường (mà mình hoàn toàn không đóng góp ý kiến gì cả), nhóm chốt danh sách là 7, riêng Lâm chỉ đưa mọi người ra đến Suối Tiên rồi vòng lại Sài Gòn. Đội hình khá ổn, duy nhất xe máy là Thông phải đi một mình. Chạy: Huy và Chi. Đạp xe: An, Trâm, Hưng. Xe máy được quyền tung tăng đi trước, kiếm chỗ nghỉ và giải lao cho các bạn. Số còn lại đi sát với nhau, Huy và An thay nhau chăm sóc chị già. Dự định hết 7 ngày cho quãng đường hơn 300km, như vậy mỗi ngày cũng tương đương một cái Marathon (42km).

2 ngày đầu đi được 90km, thuận lợi và êm ái. Huy luôn kiên nhẫn đợi mình, giảng giải về việc không được để mất muối, mất nước trong quá trình chạy, dạy thở, dạy chống nắng, dạy chữa rộp chân… Huy kể về những lần chạy xuyên rừng ở Úc, khi làm việc cho Industrial Abseiling, chông chênh đu người giữa các toà nhà để lau kiếng, làm vệ sinh, rồi lúc bị shin splint (một dạng chấn thương và viêm cơ ở gần ống đồng – xem thêm bài viết Chấn thương và cách chữa trị) trong hành trình xuyên Việt, cắn răng lên xe cứu thương, chích thuốc xong lại cắn thuốc giảm đau chạy tiếp.

Huy – một trong những runner đời đầu, chông chênh lau cửa kính tại Úc

Trời ơi, sao đau quá vậy?

Không cần phải đợi lâu, ngày thứ 3 mình đã hiểu cảm giác khi cơ thể quá tải thì mọi thứ diễn ra cực kỳ khủng khiếp. Mệt, bất lực, cáu bẳn, mình đã thấy bản thân thật ngu xuẩn và vô định. Đáng ra giờ này mình phải ngồi phòng máy lạnh, quán cafe hay đi du lịch chứ nhỉ? Mình lầm lũi đi giữa trưa mùa khô huyện Tánh Linh-Bình Thuận, nắng chang chang và mình không muốn các bạn trong nhóm bị hành xác.

“Tụi em cứ đi trước đi, đừng chờ chị. Rồi chị sẽ về tới nơi, nhớ để dành bia lạnh cho chị nha”. Nói như thế để tự động viên mình và đồng đội, chứ thực sự đó đã là một ngày cực kỳ kinh khủng. Mình không nhớ đã đấu tranh tâm lý bao nhiêu lần để không đón quách xe đi về Đà Lạt. Cũng quyết tâm không đón xe buýt “ăn gian chút xíu” như một bé trai gợi ý khi thấy mình muốn gục ngã trên đường. Vài chục ngàn trong túi, một con Nokia đen trắng, mình liên tục gọi hỏi An khi nào mới đến, gọi đến khi hết cả pin, phải xin nhờ điện thoại của tạp hoá. 5 chiều, mình vẫn còn hơn 10km phải đi và các bạn đường quý hoá sau vài ve đã thông tin như này: “Chị tới cái chùa có con rồng hả? Sắp rồi, sắp rồi, mất 30’ nữa thôi, về nhanh bia đợi”.

Đó là thời gian của xe máy hay xe đạp gì mình không biết. Chắc chắn đó không thể là thời gian lê lết sau 120km chạy liên tục trong 3 ngày. Mình đã bám theo niềm tin 30’ để rồi vỡ oà trên cầu khi thấy hai thằng em chạy xe máy ra gào tên mình giữa đêm.

“Chị Chi, chị Chi, tụi em đây!!!”

Không chị em gì hết, tụi bay biến khuất mắt chị đi.

Vừa đuổi, vừa làm nhảm tiếng Anh trong nước mắt “Just leave me alone”

Huyện Tánh Linh đêm ấy có tuồng. Mình nhất định không lên xe đi về mặc dù theo quy định của Huy: mọi người hoàn toàn có thể đi xe máy nếu quá mệt hoặc quá muộn, chỉ cần hôm sau quay lại chỗ đã lên xe để chạy bù. Thấy chị già lì và bánh bèo quá sức chịu đựng, An nói Thông về trước rồi lẽo đẽo đi bộ cùng mình, vừa đi vừa rối rít xin lỗi cho đến khi về đến khách sạn. Tuồng kết thúc có hậu sau khi chị già hoàn hồn lại và phần nào nguôi ngoai. Cả đám lại vui vẻ cùng nhau ăn tối, đánh bài, đứa nào thua phải uống bia. Đêm đó Thông thua nhiều nhất và vinh hạnh được đổi sang họ Lý.

Kenya Chi Nguyễn thời còn Hai Lúa chạy cùng Huy (áo vàng) và An đi xe đạp theo

Ngày thứ 3, ngày mình nhớ nhất trong toàn bộ chuyến đi vì đã phải tự đối diện với bản thân nhiều lần nhất.

Những ngày sau mình tự đề xuất được đi sớm hơn đoàn, thường là từ 5h sáng, khi cả nhóm còn đang ngủ. Vì chậm nên mình sẽ đi trước 3hrs. Mọi thứ nhẹ nhàng và ít áp lực hơn, mình nói chuyện với An nhiều hơn, thấy được điều mình mong muốn trước chuyến đi “Cuộc sống bên ngoài cửa sổ những thứ mình thường thấy”.

Có rất rất nhiều điều mà ngay cả khi mình đã từng lang thang bụi bờ hơn chục nước trước đó cũng chưa bao giờ nhận ra. Nực cười ở chỗ mình lại là người Việt Nam và những câu chuyện đó diễn ra ngay chính trên tuyến đường mà mình đã đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần. Có lẽ khi bước xuống đất để quan sát, lắng nghe và cảm nhận thì ta sẽ thấy những thứ tưởng quen và dễ đoán thực ra lại không đơn giản như thế.

An cũng suy nghĩ giống mình, và phần nữa là em ấy muốn tiếp tục hành trình của ba

Ba em ngày xưa đi nhiều lắm. Lúc còn bé ba hay chở em theo, kể cho em nghe về lịch sử, địa lý, con người… Cái gì ba cũng biết, việc gì ba cũng thử. Sau ba bị liệt, nằm nhà hơn 10 năm rồi ba mất. Em chọn những con đường vì em muốn đi tiếp thay ba.

Chị cũng đi nhiều, vì chị luôn tự hỏi bên ngoài kia, đằng xa kia có những gì? Thay vì mua một cái nhà đẹp chỉ để ở trong đó thì chị sẽ đổi thành vé tàu, vé xe để được đi xa và nhiều nhất có thể. Sẽ luôn có những cái gì đó phía ngoài kia An ạ.

“Cái gì đó” xuất hiện ngay buổi chiều ngày thứ 4. Theo quy tắc là An sẽ tiền trạm một quán nước nào đó mỗi lần mình muốn nghỉ chân, rửa tay, rửa mặt. Mình chạy từ từ lên, thấy An đứng vẫy tay từ xa, bên cạnh là một ông chú nhỏ con mặc một cái áo sơ-mi cũ, dép lê, quần tây dài lụng thụng. Dáng vẻ đặc trưng của người lao động tỉnh lẻ .

Chú bán nước mía. Uống nước xong, mình xin chú mượn nhà vệ sinh.

“Ôi anh ơi, dẫn em đi ra sau với, con chó bẹc-giê to quá!”

Ông chú lụi cụi chạy tới, đưa mình ra sau vườn. Nhà vệ sinh dã chiến, chỉ có một cái bao gạo cũ xé ra, đính tạm vào khung gỗ làm cửa. Sơ sài, nhếch nhác nhưng do đi Mùa Hè Xanh nhiều, mình cũng quen và không sợ hãi gì.

Lúc cùng quay ra trước nhà, chú nhìn thấy hình xăm của mình sau cổ.

“Con này giang hồ bây, dân văn phòng mà cũng có hình xăm hả? Bay xăm gì á?”

“Dạ hình cá nhân thôi anh, bạn em vẽ cho em, cũng lâu rồi.”

“Anh cũng có, ra anh cho coi. Hồi trong tù tụi nó xăm cho anh. Anh mới ra trại được mấy tháng nay à.”

Nói là làm, ông chú đứng trước nhà tụt ngay quần dài xuống, lại vén cả quần đùi lên tận bẹn, chỉ cho mình và An xem hình một người phụ nữ khoả thân xanh lè, do xăm bằng cao su đốt lên lấy khói, trộn với kem đánh răng làm thành mực

Đẹp không? Vợ Ba của anh đó. Nó ở Định Quán, anh cũng hay ra thăm nó mà đợt này nó hỗn quá nên anh cũng hơi buồn. Ít đi rồi. Mai mốt có dịp lên Sài Gòn anh thăm hai đứa, con trai anh cũng làm ở Sài Gòn mà.

Cho số điện thoại, quyến luyến thêm 5’ rồi chia tay anh.

Đi được tầm vài trăm mét, An có cuộc gọi:

“Anh kiểm tra coi bây cho anh đúng số không?”

Hai chị em nhìn nhau, im lặng một lúc, rồi An lên tiếng trước:

“Chị biết nãy ông chú nói gì với em lúc chị chưa đến không? Ổng la em là sao em lại để chị đi một mình, khu này thanh niên hay thích chọc ghẹo con gái nơi khác đến lắm, nhiều đứa còn có ý định làm bậy. Đến lúc thấy chị, ổng quay qua hỏi em – Chị mày đây hả? Em chưa kịp xác nhận thì ổng đã nói – Ừ, vậy chắc không sao đâu. Yên tâm đi!

Mình không nói gì, tiếp tục chạy. An lại hỏi tiếp:

“Chị biết ổng vô tù vì tội gì không? Hiếp dâm đó!”

Mình thoáng nghĩ tới con bẹc-giê và cái nhà vệ sinh dã chiến. Vẫn im lặng chạy

An, chắc do mới biết mình được một tháng, lúng túng xin lỗi vì không biết có nói sai câu nào

Không sao đâu An. Chị ổn. Để chị tập trung chạy nha em.

Tặng An, người luôn hỏi chị “Ổn không” nhiều nhất

Kenya Chi Nguyễn thời trẻ (cách đây 5 năm)

Mời các bạn đọc phần tiếp theo Ký sự Chi Nguyễn “Kenya” (Phần 5): cảm xúc cuối năm

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn