Mấy hôm nay các nhà báo khai thác triệt để vận động viên nữ hạng nhì ở giải đua Boston Marathon 2018, cô Sarah Sellers. Từ từ sự việc rõ dần, và Sarah thật ra không phải là một runner vô danh tiểu tốt như họ nghĩ. Cô ta thật ra cũng có một quá khứ chạy bộ lẫy lừng hồi còn trong đại học, rồi chấn thương, chuyện học hành, tốt nghiệp, đi làm, cơm áo gạo tiền khiến cô từ bỏ chạy bộ. Cô chỉ mới trở lại chạy bộ, cũng như người biết đạp xe hay biết bơi rồi cho dù bẵng đi một thời gian dài nhưng một khi quay trở lại thì không thể nào quên được. Sarah có sẵn tố chất nên chạy cái marathon đầu tiên đoạt giải nhất luôn, và cái thứ hai giật luôn giải nhì và 75 nghìn đô-la.

Tuy nhiên thành công không thể đến một cách tự nhiên được, muốn có những chiến thắng đó Sarah đã bỏ ra rất nhiều công sức tập luyện, chẳng hạn như thức dậy chạy 4 giờ sáng trước khi đi làm và chạy thêm sau 8 giờ tối trước khi đi ngủ, mỗi tuần tổng cộng 80-85 miles. Có một điều ít ai biết đến là Sarah có huấn luyện viên trong suốt quá trình tập luyện. Ông ta tên là Paul Pilkington, và cũng là huấn luyện viên của Sarah lúc cô còn trong đội tuyển của trường đại học Weber State, tiểu bang Utah.

Paul Pilkington cũng là một runner nổi tiếng hồi thập niên 90, nhưng ông chuyên môn sống bằng nghề chạy thuê chuyên nghiệp (được gọi là pacer hay rabbit), và cái tên của ông được báo chí dạo đó gắn liền với cái biệt hiệu “The Rabbit That Doesn’t Stop.”

Bạn đã xem qua đoạn phim quảng cáo của pin Energizer chưa? Trong đó có con thỏ gõ cái trống và nó cứ đi mãi không biết ngừng (it just keeps going and going and going…). Đó là hình ảnh mà người ta đã ví von Paul Pilkington sau giải đua Los Angeles Marathon năm 1994. Sự kiện đó đã được tờ LA Times số ra ngày 7 tháng 3 năm 1994 ghi lại tường tận như sau:

Ông được trả tiền để chạy nhanh, nhưng không nhanh quá.

Ông được trả tiền để chạy xa, nhưng không xa quá.

Nhanh nhưng vô hại, Paul Pilkington được gọi chạy ở giải LA Marathon hôm Chủ Nhật với danh nghĩa là “rabbit (con thỏ)”

Người khác đáng lẽ phải thắng. Với 3 nghìn đô-la, Pilkington đáng lẽ phải rút lui.

Nhưng vì dẫn đầu gần 2 phút và còn 10 dặm nữa, đôi chân của Pilkington lại không muốn nghỉ. Hay là tự ái của ông ở đây?

Không cần biết đó là gì, con thỏ hôm đó quyết định chạy marathon.

Làm hài lòng khán giả và sửng sốt các vận động viên ưu tú khi từ chối ngưng lại sau khi chạy xong 25 km, vận đông viên Pilkington của Mỹ dẫn pace cho tốp đầu từ lúc xuất phát và ông giữ vững pace để thắng giải đua thường niên được tổ chức lần thứ 9, nhanh hơn người về nhì của Ý là Luca Barzaghi 39 giây.

Vào một buổi sáng mát mẻ có mây bao che, Pilkington dẫn đầu 19 nghìn người tham gia đường đua 42,195km trong 2 giờ 12 phút 13 giây, thời gian nhanh thứ tư trong lịch sử giải đua.

Sau khi Paul chạy vào sân vận động được 16 phút, nữ vận động viên Olga Appell cũng đến nơi trong niềm cảm xúc nghẹn ngào.

Tham gia giải đua chỉ chín ngày sau khi trở thành công dân Hoa Kỳ, Appell thắng người hạng nhì gần chín phút và được tiếp đón giữa tiếng hô vang “Tiến Lên USA.”

Đây là lần đầu tiên trong 9 năm mà vô địch nam và nữ ở những sân đua lớn – New York, Boston, Los Angeles – đều là công dân Hoa Kỳ trong cùng một lúc.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử mà người về nhì khăng khăng là anh ta được hạng nhất.

Barzaghi, người được đoán là sẽ thắng, bị Pilkington bỏ quá xa ở những dặm cuối cùng và không thể nhìn thấy ông được. Anh nghĩ là Pilkington đã rút lui rồi, như theo điều lệ mà Barzaghi hiểu được, cho nên anh chạy chậm lại.

Khi Barzaghi cán đích, anh ta đã nghĩ sẽ chọn màu gì cho chiếc xe của mình. Anh vung cao tay lên trời và cười thật tươi.

Anh tự hỏi ủa mấy ống kính truyền hình đâu hết rồi và tại sao họ khoác lên cổ mình cái huy chương bạc.

Rồi anh được biết là vận động viên được trả tiền để chạy nhanh và chắn gió cho các runner giỏi hơn đã thật sự không ngừng chạy.

“Tôi tưởng là con thỏ đã rút lui; không có ai cho tôi biết là nó vẫn chạy. Tôi tưởng mình đã thắng,” Barzaghi phát biểu giận dữ qua thông dịch viên. “Tôi chỉ chạy theo pace của mình. Tôi không chạy đua với nó.”

Rồi từ đó bắt đầu một trong những cuộc họp báo sau giải đua kỳ quặc nhất trong lịch sử. Khi tất cả vận động viên tham gia cuối cùng về nhà của họ, có nhiều cái quai hàm bị đau hơn là những cơ đùi.

Những người Ý nhạo báng Pilkington:

“Làm thỏ thì phải rút lui, chuyện này đếch công bằng, và chúng tôi không để yên đâu,” Eugene Colombo, thông dịch viên của Barzaghi cho hay. “Luca hoàn toàn không biết chuyện gì xảy ra.”

Trong khi đó ông Bob Wood, đại diện của Pilkington nói:

“Bạn phải đủ thông minh để biết là bạn không hạng nhất. Ê, đi gắn não vào đi. Tôi biết là họ cho mình biết thời giờ ở từng đoạn. Cái gì, mấy tên này không biết đọc luôn à? Ý kiến của bọn chúng rất trẻ con.”

Những người Ý, ở giữa buổi họp báo, cũng chỉ trích bà Anne Roberts, người phối hợp các vận động viên ưu tú:

“Anne nói cho bọn tôi biết trước giải đua là con thỏ sẽ rút lui sau 25K, vô điều kiện.” Columbo tuyên bố.

Từ ở đằng sau phòng họp, bà Roberts đáp lại: “Tôi chưa bao giờ nói vậy.”

Columbo quát: “Có, bà nói vậy.”

Roberts quạt lại: “Tôi không bao giờ nói vậy. Láo toét!”

Tuy nhiên, người về hạng ba là Andrzej Krzyscin của Ba Lan và hạng 11 là Danny Gonzales, cư dân của thành phố Anaheim bang Califorinia, cả hai đều chạy chung nhóm với Barzaghi, đều đồng ý với người Ý.

“Vào buổi họp hôm thứ Bảy trước giải đua, chúng tôi được cho hay là con thỏ sẽ rút lui sau 25K,” Gonzales cho hay. “Tôi rất mừng cho Paul, nhưng đó là thông tin chúng tôi nhận được.”

Roberts xác nhận là bà không bao giờ hứa như vậy, và Pilkington nói là ông không bao giờ ký bản hợp đồng với lời hứa rút lui.

“Trong các giải đua, con thỏ luôn có sự lựa chọn ở lại trong giải đua,” Pilkington cho hay. “Điều này không xảy ra thường xuyên, nhưng luôn luôn khả thi.”

Tuy nhiên, Pilkington, 35 tuổi, công nhận rằng ông đã rút lui trong tất cả năm giải marathons trước đó với cương vị làm thỏ, bao gồm hai lần ở New York và một lần ở đây hồi năm ngoái.

“Nhưng hôm nay, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chạy nhanh của mình, không thấy ai chạy theo mình,” Pilkington, người dành chiến thắng marathon đầu tiên sau bốn năm (BV: trước đó Pilkington cũng nhiều lần vô địch marathon và lần gần nhất là ở giải Houston Marathon ngày 14/1/1990 với thời gian 2:11:13), nói tiếp. “Tôi không thể tin là không ai rút ngắn khoảng cách. Tôi nghĩ mình còn chạy được và còn cảm thấy khỏe, tại sao phải dừng lại?”

Ông cảm thấy phấn chấn khi biết rằng đây là lần đầu tiên giải đua này được công nhận là giải đua marathon của hiệp hội Track and Field quốc gia Hoa Kỳ (có nghĩa là thắng sẽ có phần thưởng).

Khi được hay đồng nghiệp chạy bộ của mình là Ed Eyestone bị chấn thương hôm thứ Sáu, Pilkington biết mình có cơ hội lấy giải thưởng 12 nghìn đô tiền thưởng dành cho người thắng giải quốc gia ngoài tiền thắng giải là 15 nghìn và một chiếc xe hơi.

“Một khi làm xong nhiệm vụ được trả tiền, tôi biết mình có cơ hội hơn nữa. Tôi càng trở nên thư giãn hơn. Và không có ai chạy theo tôi.”

Ông không có vẻ lấy làm tiếc nuối phải làm con thỏ, và cuộc tranh cãi xào xáo cũng không khiến ông phải giã từ cái nghề lạ lùng đó.

Sau cùng, đối với những runner không có danh tiếng hoặc những ai luyện tập cho các giải đua khác, làm thỏ cũng là cách kiếm tiền sống qua ngày.

“Bạn phục vụ có mục đích, các giải đua dùng bạn,” Ông nói về vai trò của mình. “Tất cả đều là cách kiếm sống của tôi như là một vận động viên.”

Pilkington, cư dân của tiểu bang Utah, cũng có nghề dạy các trẻ tuổi teen có vấn đề.  Ông rời khỏi sân vận động vào Chủ Nhật và lo phải bay về kịp cho lớp học lúc 8:30 sáng hôm sau ở trường trung học Washington, thành phố Roy, Utah.

Khác với những người thắng giải, ông sẽ giữ chiếc xe xa xỉ này. Nó sẽ thay thế cho chiếc xe van có gần 100 nghìn dặm.

Còn về cái găng tay màu trắng mà ông đeo ở bên tay trái, đây không phải là thời trang. Ông đeo nó không phải vì Michael Jackson, nhưng vì bệnh xuyễn. Một hộp thuốc để hít được gắn bên trong chiếc găng.

Hôm Chủ Nhật ông đã không cần dùng nó. Dẫn đầu từ xuất phát đến kết thúc, chỉ cần thở nhẹ nhàng.

Một ngày chóng mặt trong lịch sử marathon, và ông ta được góp mặt.

“Suốt cuộc đua, các nhiếp ảnh gia cứ muốn lái xe từ hướng Paul đi ngược ra sau để chụp hình kẻ chiến thắng thật sự,” ông Bill Burke, giám đốc giải đua, miêu tả quang cảnh của đường đua. “Ở mile thứ 20, thật thú vì phải đi tìm bọn nó và nói, “Hey, bọn mày, biết gì không – kẻ thắng giải thật sự đang ở phía trước.

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn