Trong giải chạy New York City Marathon ngày 6/11/2019, Patrick Smyth đã về thứ 10 chung cuộc với thành tích 2:16:34. Trong suốt quãng đường đua anh đã sử dụng dụng cụ đo lực Stryd để theo dõi công suất của bước chạy cũng như thông số tốc độ chạy (pace) và dấu hiệu đau mỏi. Hiện nay, ngày càng nhiều runner chọn sử dụng công cụ đo công suất chạy để có được chỉ số hiệu suất hoạt động chính xác nhất. Thiết bị thường được họ sử dụng là Stryd vì có khả năng đo pace với độ chính xác cao hơn GPS và đồng nhất bất kể điều kiện địa hình. Để có được cái nhìn sâu sắc hơn về thành tích của Patrick, các dữ liêu thi đấu của Patrick được chuyển tới Ryan Bolton, nhà sáng lập và HLV trưởng của Bolton Endurance Sports Training, để phân tích.

Theo biểu đồ trên, dữ liệu pace có màu xanh, công suất màu vàng và độ dốc được hiển thị qua màu tím. Nhìn chung ta có thể thấy Patrick chạy với pace khá đều và hạn chế tăng tốc đột ngột, mặc dù cung đường ở giải New York Marathon có nhiều đoạn dốc lên xuống chứ không hề bằng phẳng.

Lực chân trung bình của Patrick là 306.58 watt. Anh đã sử dụng lực ở nửa đầu nhiều hơn 8% so với nửa sau của chặng đường (319.41 so với 293.58 watt). Ta có thể thấy có một sự sụt giảm lực chân đáng kể vào đầu chặng đua khi các VĐV chạy xuống dốc đoạn cầu Varrazano-Narrow (phút 4:50 đến 12:20) và sau đó là đoạn xuống dốc cầu Queensboro (1:17:10 đến 1:21). Sự sụt giảm lực chân ban đầu đến từ việc Patrick chạy chậm lại cũng như việc không cần thiết phải cố gắng quá sức khi xuống dốc. Đoạn giảm lực ở cầu Queensboro tuy giảm lực nhưng pace không giảm, chứng tỏ quãng xuống dốc này dễ chịu hơn lúc đầu. Hai đoạn xuống dốc này cho thấy Patrick có thể chạy nhanh hơn và giữ lực chân ở mức cường độ vừa phải.

Về dáng chạy, chỉ số Form Power của Stryd cũng cho chúng ta biết một phần của bức tranh. Những VĐV có dáng chạy không hiệu quả thường có chỉ số Form Power cao hơn, đặc biệt khi so sánh với tổng công suất chạy cả chặng. Patrick là một VĐV có tư thế chạy hiệu quả và do đó chỉ số Form Power của anh là khá tốt. Trong giải New York Marathon, Form Power của anh là 65.28 watt và chỉ tăng nhẹ 2.2% vào nửa sau của chặng đường. Điều này cũng dễ hiểu vì càng về sau dáng chạy của chúng ta càng giảm hiệu quả do những cơn đau mỏi bắt đầu xuất hiệu. Lực chân thẳng đứng thường tăng nhiều ở những VĐV 3 môn phối hợp (triathlon), đặc biệt về cuối cuộc đua. Đối với Patrick, tuy pace của anh có chậm đi đôi chút vào nửa sau chặng đường, dáng chạy của anh vẫn không thay đổi là bao.
Về phương diện dao động chiều thẳng đứng (VO- vertical oscillation), Patrick có chỉ số 8.1cm (VO bình thường dao động từ 8cm đến 14cm). Như đã đề cập trong bài viết Dao động chiều thẳng đứng, chỉ số này càng thấp nghĩa là bạn chạy càng hiệu quả. Với VO 8.1cm, điều này có nghĩa độ “nẩy” của Patrick khá thấp, từ đó góp phần làm anh chạy hiệu quả hơn do đỡ tốn năng lượng di chuyển theo phương thẳng đứng.

Những VĐV marathon nhìn chung có chỉ số VO khá thấp. Tuy nhiên, VO quá thấp (ít hơn 7cm), hoặc quá cao (nhiều hơn 15cm) sẽ không tối ưu.
Một chỉ số quan trọng nữa là thời gian tiếp đất, được đo bằng thời gian khi bàn chân chạm đất cho đến khi ngón chân nhấc lên khỏi mặt đất. Chỉ số này thường dao động trong khoảng 150 đến 300 mi li giây, và thường thay đổi tùy vào tốc độ của VĐV cũng như dáng chạy của họ hiệu quả ra sao. Thời gian tiếp đất càng ít thì dáng chạy càng hiệu quả, và năng lượng lãng phí càng ít. Biểu đồ trên cho thấy thời gian trên không trung (màu vàng), thời gian tiếp đất (màu cam) và tổng thời gian (màu xanh dương). Khi phân tích VO ở khía cạnh này, ta sẽ thu thập được những kinh nghiệm quý giá về sự mỏi cơ. Những cơn đau mỏi thường bắt đầu khi thời gian trên không trung giảm và thời gian tiếp đất tăng. Chỉ số của Patrick là 175.29 mili giây, khá thấp so với chỉ số trung bình. Thời gian tiếp đất nhiều nhất của anh cũng chỉ là 240 mili giây, vẫn nằm trong vùng an toàn. Trong suốt quá trình thi đấu thời gian tiếp đất của Patrick tăng 8.4%, khá tỉ lệ thuận với sự sụt giảm về pace của nửa sau chặng đường.
Một điều khá ngạc nhiên về VO của Patrick là chỉ số này lúc đầu cao hơn, và giảm từ từ. Điều này có thể đến từ sự sụt giảm về độ cứng của cơ chân (Stryd gọi chỉ số này là Leg Spring Stiffness – xem bảng phía dưới), một chỉ số cho biết bao nhiêu năng lượng mà hệ cơ có thể duy trì. Chỉ số Leg Spring Stiffness, dịch tối nghĩa ra tiếng việt là “Độ Cứng Lò Xo Chân”. Nhưng dịch như vậy cũng khá chuẩn xác. Chỉ số này ngụ ý là khi chúng ta chạy, đôi chân như lò xo bật lên từ mặt đất. Khi chỉ số VO của Patrick giảm, độ cứng của chân anh cũng bắt đầu giảm theo, cho thấy những bó cơ bắt đầu mệt mỏi. Tuy nhiên, sự mệt mỏi này không phải là quá nhiều khi anh vẫn duy trì guồng chân vào khoảng 182.85 vòng/phút khi cơ thể đã mỏi mệt (chỉ số trung bình vào khoảng 180 đến 200 vòng/phút).

- Về tác giả
- Bài mới nhất
