Garmin Forerunner 265 được mở bán trên thế giới từ tháng 03/2023 và mới được bán ở Việt Nam hai tháng sau đó. Đây là một sản phẩm rất được mong đợi trong cộng đồng runner thế giới vì có màn hình AMOLED với độ sáng và độ nét nổi bật. Do đó, ngay khi đồng hồ mới được bày bán, tôi đã sốt sắng đi mượn để trải nghiệm. Không những vậy, tôi cũng nhờ vài VĐV và HLV đội tuyển triathlon Việt Nam dùng thử trong kỳ SEA Games 2023 ở Campuchia để nghe đánh giá của họ về sản phẩm này.
Dưới đây là đánh giá chi tiết sản phẩm Garmin Forerunner 265 và Forerunner 265S.
Bộ đôi sản phẩm
Với tên gọi quen thuộc, người dùng có thể nhận biết được Forerunner 265 là phiên bản mới nhất của dòng Forerunner 255 chuyên nhắm đến runner. Với tính năng triathlon và bơi biển, Forerunner 265 cũng có thể được sử dụng trong những cuộc thi ba môn phối hợp cự ly ngắn và trung bình như Ironman 70.3. Điều này khiến tôi không rõ liệu có sự khác nhau rõ rệt giữa Forerunner 265 và Forerunner 965 hay không, trừ thời lượng pin.
Lần này, Garmin phát hành cùng lúc bộ hai sản phẩm Forerunner 265 và Forerunner 265S. Sự khác biệt rõ rệt nhất giữa hai sản phẩm này là khích thước mặt đồng hồ (tương tự dòng Fenix 7S so với các dòng Fenix còn lại). Forerunner 265S có kích thước nhỏ hơn khoảng 10%. Khi đeo trên tay, sự khác biệt này sẽ rất rõ ràng. Dòng Forerunner 265S sẽ thích hợp hơn với các runner nữ có cổ tay nhỏ.
Cảm nhận bề ngoài
Forerunner 265 vẫn được trang bị màn hình cảm ứng, giúp việc thao tác chuyển mặt đồng hồ được mượt mà hơn, thay vì phải bấm nút. Cá nhân tôi không thích bấm nút chút nào, vì nút bấm làm bằng nhựa, cảm giác bấm khá thô, lạch cạch. Tính năng cảm biến được mặc định tắt đi khi tập luyện, nhưng người dùng cũng có thể chọn tắt tính năng cảm biến, chỉ sử dụng nút bấm nếu đã quen với việc này.
Cải tiến lớn nhất của dòng Forerunner (265 lẫn 965) chắc chắn là màn hình AMOLED. Màn hình này giống màn hình được trang bị trên đồng hồ Garmin Epix đã từng được review. Điều này mang tới hình ảnh rõ nét hơn, sáng và trong hơn, số liệu rất dễ nhìn. Thực sự đây là một trải nghiệm rất khác biệt. Sau khi xem màn hình này, tôi cảm thấy hơi khó có thể quay lại nhìn màn hình các dòng đồng hồ cũ (vốn sử dụng màn hình MIP).
Khi nghe Garmin trang bị màn hình AMOLED cho đồng hồ, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là thời lượng pin, vốn là chủ đề bàn luận sôi nổi của giới runner từ trước tới nay. Màn hình AMOLED chắc chắn sẽ tốn pin hơn màn hình thông thường. Tuy nhiên, Garmin cũng thiết kế chế độ auto sleep – tắt màn hình khi không dùng, và tự động bật màn hình khi chúng ta quay cổ tay xem đồng hồ. Điều này giúp tiết kiệm pin hơn. Phần dưới tôi sẽ nói cụ thể hơn về thời lượng pin.
Tính năng thể thao
Những cải tiến mới nhất trên Forerunner bao gồm tính năng Training Readiness (vốn chỉ được hỗ trợ trên dòng đồng hồ cao cấp Forerunner 955/965 và Fenix) và đặc biệt là tính năng Running Dynamics đã được tích hợp vào thẳng đồng hồ mà không cần sử dụng đai tim như trước nữa.
Training Readiness là chỉ số mà Garmin Forerunner 265 sẽ báo cho bạn mỗi buổi sáng khi thức dậy và từ đó đưa ra lời khuyên về bài tập trong ngày. Nếu Training Readiness ở trạng thái High, Prime thì người dùng có thể bung sức với các bài tập nặng (interval, Tempo, Long Run, Long Ride..), còn nếu chỉ số ở trạng thái Low, Poor, thì người dùng nên nghỉ ngơi hoàn toàn hoặc tập nhẹ với các bài recovery, stretching, yoga. Lợi ích của việc sử dụng gộp nhiều chỉ số sức khoẻ để tính ra một chỉ số sẵn sàng tập luyện duy nhất. Các chỉ số đầu vào gồm thông số giấc ngủ, thời gian nghỉ ngơi, HRV, khối lượng tập luyện và chỉ số Stress. Trước đây, chúng ta thường chỉ thấy Garmin đòi chúng ta nghỉ…48h sau một buổi tập nặng nề và thường quyết định…mặc kệ chỉ số này và tập tiếp. Với chỉ số Training Readiness, chúng ta có thể hình dung một cách cụ thể hơn cơ thể đang ở tình trạng nào và nếu tiếp tục tập luyện thì cường độ và khối lượng cần thay đổi ra sao. Tuy nhiên cũng cần nói thêm là tính năng Recovery Time (một phần của Training Readiness) không tính tới việc ngủ trưa (ngủ trong ngày) và active recovery. Ngủ trưa cũng được coi là một cách hỗ trợ hồi phục rất hiệu quả, mà điển hình là Eliud Kipchoge luôn ngủ trưa (đúng nghĩa là nghỉ ngơi) khoảng hai giờ mỗi ngày. Và với các VĐV đỉnh cao, active recovery (ví dụ như chạy thả lỏng recovery) cũng quan trọng, họ coi đó là việc thả lỏng cơ bắp và tăng thêm số km chạy trong tuần mà không sợ chấn thương. Tôi có thử chạy recovery 20 phút nhưng có vẻ không được tính vào thời gian recovery mà Garmin yêu cầu.
Running Dynamics là một tính năng không còn mới lạ với những người sử dụng đồng hồ Garmin cả chục năm nay. Tuy nhiên, trước đây chúng ta cần đeo đai tim mới có thể sử dụng được tính năng này. Hiện nay, tính năng này đã được tích hợp trực tiếp lên đồng hồ. Điều này không những giúp runner không cảm thấy vướng víu (nhiều người không muốn đeo đai tim do cảm giác khó chịu khi chạy) mà còn tiết kiệm thêm rất nhiều tiền (đai tim Garmin có giá 3.249.000 VNĐ cho bản HRM-Pro). Các chỉ số Running Dynamics được tích hợp trên đồng hồ bao gồm:
- Cadence (guồng chân): số guồng chân chạy mỗi phút
- Vertical oscillation (dao động chiều thẳng đứng): tính độ nảy của cơ thể khi chạy
- Ground contact time (thời gian tiếp đất): thời gian bàn chân tiếp đất, tính bằng mili giây. Thời gian tiếp đất càng ngắn thì chạy càng nhanh
- Ground contact time balance: độ lệch chân trái/phải khi tiếp đất
- Stride length: chiều dài sải chân
- Vertical ratio: dao động chiều thẳng đứng chia cho chiều dài sải chân. Nếu dao động chiều thẳng đứng thấp (thân bay về trước thay vì nảy lên), chiều dài sải chân cao thì chỉ số này sẽ nhỏ. Runner nên xem chỉ số này theo thời gian, nếu thấy chỉ số này giảm dần thì có nghĩa form chạy cũng được cải thiện hơn (mà thật ra là chạy nhanh hơn thì tự động chỉ số này sẽ giảm).
Tôi cũng không phải là người có thói quen đeo đai tim nên tôi chưa kiểm chứng được độ chính xác của chỉ số Running Dynamics trên đồng hồ so với đai tim. Tuy nhiên, cũng giống như chỉ số nhịp tim (luôn có độ lệch giữa đai tim và cảm biến đồng hồ), chỉ số Running Dynamics này chắc hẳn sẽ không tương đồng 100% khi sử dụng các thiết bị khác nhau để đo. Nhưng chỉ cần chỉ số này đo được một cách ổn định, không có sự chênh lệch quá lớn giữa các buổi chạy thì chúng ta có thể yên tâm sử dụng đồng hồ để đo chỉ số. Các thông số này sẽ giúp runner có được một bức tranh trọn vẹn hơn về cách họ chạy. Với cá nhân tôi, tôi hay xem chỉ số Vertical Ratio trung bình từng buổi chạy với hy vọng chỉ số này giảm dần theo thời gian, nghĩa là sức bật của tôi đã được cải thiện và chạy cũng nhanh hơn.
GPS
Forerunner 265 vẫn được trang bị GNSS multi band (định vị vệ tinh đa băng tần). GNSS giúp thiết bị có thể bắt cùng lúc 2 băng tần GPS: băng tần thấp L1 lẫn băng tần cao L5, giúp bắt tín hiệu và kiểm tra chéo tín hiệu của 60 vệ tinh nên tăng độ chính xác đáng kể. Tuy nhiên, tính năng này ngốn pin nhiều hơn 30% tới gần 40% so với GPS thông thường.
Để giải quyết vấn đề này, Forerunner 265 được cập nhật thêm tính năng SatIQ. Đây là tính năng mặc định trên Forerunner 265 (nếu mở mục chọn GPS trên đồng hồ, bạn sẽ thấy mục AutoSelect, đây chính là SatIQ). Với tính năng này, Garmin sẽ tự động sử dụng và luân chuyển GPS đa bang tần GNSS và GPS thường (vốn dùng ít pin hơn), tuỳ theo điều kiện địa hình, thời tiết lúc đang hoạt động. Tính năng này vừa giúp tiết kiệm pin, vừa đảm bảo được độ chính xác của định vị.
Để thử nghiệm độ chính xác của GPS ở chế độ SatIQ (AutoSelect), tôi quyết định sử dụng chế độ này khi bơi ngoài biển. Các triathlete khi bơi biển trước nay thường không mấy quan tâm tới độ chính xác của GPS, vì GPS thường…không chính xác. Một phần nguyên nhân là vì khi bơi, tay ở dưới nước, sóng GPS sẽ bị cản đáng kể. May mắn là tôi nằm trong đoàn Triathlon Việt Nam tham dự SEA Games 2023 ở Campuchia nên có điều kiện sử dụng đường bơi thi đấu của các VĐV, vốn được đo vẽ rất tỉ mỉ theo tiêu chuẩn của liên đoàn thế giới. Dưới đây là tracklog.
VĐV SEA Games Hoàng Văn Hải (HCĐ Aquathlon nội dung đồng đội) đã giúp tôi thực hiện việc bơi test này. Vốn là VĐV bơi chuyên nghiệp, Hải có thể bơi rất thẳng theo phao định hướng và điều này cũng được thể hiện trên tracklog. Hải xuất phát từ mép nước và Forerunner 265 đo được cự ly là 463m ở chế độ AutoSelect. Theo chuẩn đường đua của liên đoàn thế giới, chiều dài đường đua tính từ mép nước là khoảng 470m (cộng thêm 15m chạy từ vạch xuất phát, tổng đường đua là 500m). Do đó có thể nhận định GPS đo ở chế độ SatIQ (AutoSelect) khá chính xác. Thú thực ban đầu tôi cũng không hy vọng gì nhiều về sự chính xác của GPS khi bơi biển, nhưng thật sự kết quả làm tốt rất ngạc nhiên (đương nhiên cũng cần kể đến khả năng bơi thẳng như kẻ chỉ của Hoàng Văn Hải).
Một ưu điểm nữa của chế độ SatIQ (AutoSelect) là khả năng tiết kiệm pin cho đồng hồ. Theo quan sát của tôi khi dùng đồng thời hai đồng hồ (một ở chế độ GNSS, một ở chế độ AutoSelect), khi để mặc cho đồng hồ GNSS cạn pin, đồng hồ ở chế độ AutoSelect vẫn còn khoảng 10%. Con số này dao động trong khoảng 10-15% tuỳ vào lịch và cường độ tập luyện, tương đương khoảng hơn 2 giờ sử dụng thêm ở chế độ AutoSelect.
Thời lượng pin
Dưới đây là thông số pin của hãng Garmin:
Thông số của hãng cũng khá tương đồng với tình hình sử dụng thực tế (đối với đồng hồ mới sử dụng). Như đã nói trong phần trước, chế độ GPS tự chọn (SatIQ) giúp tăng thời lượng pin khoảng 2 giờ so với chế độ đa băng tần GNSS, tương đương khoảng 15%.
Nhìn chung, khi tập luyện ngoài trời cần GPS, trung bình pin sẽ hao khoảng 5-6% mỗi giờ. Khi không sử dụng tập thể thao, chỉ đeo trên tay như một chiếc smartwatch bình thường, pin sẽ hao thêm 8-10% mỗi ngày. Do đó, nếu trung bình bạn tập 1 giờ mỗi ngày, bạn sẽ cần sạc pin sau khoảng 5 ngày. Do tôi chỉ chạy khoảng 4 giờ mỗi tuần, thời gian còn lại là tập bơi (không cần GPS) và đạp xe (sử dụng Garmin Edge) nên tôi chỉ cần sạc một lần mỗi tuần. Cần nói thêm là đồng hồ còn mới nên trữ lượng pin cũng rất tốt. Thông thường, pin sẽ cạn nhanh hơn sau khi dùng một thời gian. Và tốc độ hao pin cũng nhanh hơn khi pin đồng hồ còn dưới 50%.
Kết
Với tính năng triathlon lại có thời lượng pin lớn, tôi thấy hoàn toàn có thể đeo Forerunner 265 trong các giải Ironman 70.3 và đương nhiên là trong các giải Marathon. Ngoài ra, Forerunner 265 cũng khá mỏng và gọn. Tôi không phải là người thích đeo đồng hồ trên tay cả ngày, đặc biệt là lúc đi ngủ (mà không đeo lúc ngủ thì không có chỉ số HRV). Tôi đã từng cảm thấy khó khăn khi phải đeo Forerunner 965 đi ngủ để đo chỉ số giấc ngủ, nhưng Forerunner 265 thì đỡ hơn nhiều.
- Về tác giả
- Bài mới nhất
Phạm Minh Quang là vận động viên triathlon sống ở Singapore. Năm 2017, Quang là người Việt Nam đầu tiên giành suất tham dự giải VĐTG Ironman 70.3 World Championship tại Mỹ. Hiện nay Quang đang tập luyện với Trisutto.