Đó là “Lát nữa làm gì nhỉ?”, “Chịu, nghỉ, nghỉ!” và “Mệt quá chịu thôi!”.

Chúng ta thường có suy nghĩ rằng những nội dung tín cực như “Bạn có thể làm được” sẽ tốt hơn cho ta hơn là nội dung tiêu cực kiểu như “Bỏ cuộc thôi!”. Tuy nhiên, thực tế khi chạy hay thi đấu chúng ta có niệm chú câu này không? Một nghiên cứu gần đây cho thấy thực tế hoàn toàn khác với lý thuyết…

Theo một nghiên cứu, chúng ta thường dành khoảng ¼ thời gian đi bộ chỉ để độc thoại, do đó những chủ đề độc thoại sẽ vô cùng đa dạng. Trong thể thao, độc thoại chủ yếu có hai tác dụng, một là mang tính động viên (Cố lên nào) và tác dụng còn lại mang tính hướng dẫn (Giữ cho guồng chân không quá nhanh). Một nghiên cứu gần đây của Johanne Nedergaard ở đại học Arrhus (Đan Mạch) so sánh suy nghĩ của VĐV Marathon và cầu lông. Kết quả cho thấy chúng ta có những suy nghĩ khá giống nhau khi tập luyện và thi đấu, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Ở phần đầu của nghiên cứu, 165 runner và 105 VĐV cầu lông chọn từ phiếu khảo sát những câu độc thoại mà họ hay sử dụng khi luyện tập hoặc thi đấu. Thống kê cho thấy khoảng 85% VĐV tự nói, tự nhủ khi tập chạy hoặc tham gia giải đấu Marathon (hoặc thi đấu cầu lông – như trong nghiên cứu này). Các nhà nghiên cứu cho thấy sự khác biệt giữa nội dung độc thoại của runner (màu cam) và VĐV cầu lông (màu xanh).

self-talk-chart.jpg

Các câu độc thoại, tự nhủ của runner gồm:

  • Lát nữa mình làm gì nhỉ?
  • Muốn nghỉ!
  • Mệt quá chịu thôi!
  • Phen này tiêu chắc rồi!
  • Mình cảm thấy khỏe!
  • Mình sẽ làm được!
  • Chán lắm rồi!
  • Đói quá!
  • Muốn đi tắm quá!
  • Hãy chú ý vào kỹ thuật nào!
  • Mệt vãi!
  • Chân hôm nay sao yếu vậy?
  • Cố lên nào!
  • Mình tự tin vào bản thân!

Thật bất ngờ khi các lời khuyên cửa miệng của những “runner truyền lửa” như “Tôi làm được”, “Tôi tự tin” không nằm trong top các câu độc thoại, thậm chí còn đứng bét (nghĩa là hiếm khi người ta tự nói vậy với bản thân khi chạy). Phần lớn runner nghĩ về việc “Tôi phải làm gì sau khi tập đây?”.

Nói thế không phải là chúng ta không nên tự nhủ “Tôi làm được”. Ở vị trí thứ hai là cuộc tranh đấu giữa những suy nghĩ tiêu cực như “Tôi muốn bỏ cuộc” và “Tôi nghĩ chắc mình không đủ sức đâu” và các thông điệp tích cực như “Mình vẫn còn khỏe” và “Tôi làm được”. Suy cho cùng, chạy bộ luôn là một cuộc chiến giữa sự tự tin và những hoài nghi về khả năng của bản thân. Đây cũng là lí do vì sao các bài thông điệp mang tính động viên có một tầm quan trọng nhất định trong việc tiếp sức runner trên từng km.

Tương tự như runner, các VĐV cầu lông cũng thường cho thấy các thông điệp tiêu cực như “Tôi lại phạm lỗi rồi” và “Người ta sẽ nghĩ sao về màn thi đấu tệ hại của tôi”. Điều đáng ngạc nhiên là trong một bộ môn thể thao chỉ có thắng và thua, số VĐV suy nghĩ về chiến thắng không quá nhiều, chứng tỏ chúng ta hay có xu hướng tiêu cực hơn là tích cực. Các chủ đề độc thoại của VĐV cầu lông thường tập trung vào việc kiềm chế sự lo lắng thông qua các thông điệp có tính hướng dẫn như “tập trung nào” hoặc “thả lỏng thôi”. Dù gì đi nữa, ta có thể thấy được sự khác biệt rõ ràng giữa các cuộc độc thoại động viên và độc thoại mang tính chỉ dẫn được sử dụng bởi những VĐV chạy bộ và cầu lông.

Nghiên cứu của Nedergaard cũng tìm hiểu cách VĐV sử dụng các câu độc thoại khác nhau ra sao ứng với các giai đoạn tập luyện hoặc thi đấu. Kết quả cho thấy khi runner càng chạy với vận tốc cao, các câu độc thoại càng ngắn, nội dung tích cực hơn, liên quan đến việc chạy nhiều hơn cũng như được lặp lại nhiều hơn.

Khi nhìn vào tương quan giữa độc thoại và thời gian hoàn thành cuộc đua, nghiên cứu của cho thấy các runner chậm thường sử dụng các câu độc thoại ngắn, tích cực và lặp lại. Neaargard lí giải rằng các runner kinh nghiệm (và do đó hoàn thành cuộc đua sớm hơn) thường có khả năng tập trung vào thi đấu tốt hơn, trong khi các runner mới tập phải sử dụng độc thoại như một liều thuốc tinh thần để có thể thi đấu tốt. Đây có lẽ là một hạn chế của dự án khi mà thực tế cho thấy có những runner mới tập nhưng lại chạy nhanh, cũng như nhiều runner lâu năm nhưng hoàn thành khá chậm.

Nên lưu ý rằng chúng ta không thể kết luận được kiểu độc thoại nào sẽ giúp ta thi đấu hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều ta có thể làm là thử nghiệm nhiều phương pháp độc thoại cho những hoàn cảnh khác nhau (tập luyện và thi đấu, khi chạy chậm và khi chạy nhanh v.v..) để rút ra được những gì có lợi nhất cho bản thân. Khi bạn có những suy nghĩ bỏ cuộc khi đã chạy được nửa chặng đường, đây có lẽ là một dấu hiệu không tốt buộc ta cần phải thay đổi suy nghĩ. Bạn có thể chuyển hướng qua những kiểu độc thoại với nội dung hướng dẫn như “giữ guồng chân” trong những tình huống như thế này. Quan trọng hơn hết, nếu bạn nghĩ rằng mình là người hay than vãn trong khi luyện tập hoặc thi đấu, hãy nhớ người chạy xung quanh bạn nhiều khả năng cũng có suy nghĩ giống hệt như vậy.

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn