Mới đây Garmin đã chính thức phân phối máy đạp xe trong nhà (smart trainer) Tacx ở Việt Nam. Tacx là hãng sản xuất trainer có trụ sở ở Hà Lan và được Garmin mua lại vào năm 2019 và hiện tại có bộ 3 sản phẩm chính (theo thứ tự từ trung cấp tới cao cấp) là: Tacx Flux S, Tacx Flux 2 và Tacx Neo 2T.

Vốn là người hay sử dụng trainer để tập ở nhà, đã từng thử qua các dòng trainer như Tacx Bushido (trainer đầu tiên mua thời 2016-2017), Tacx Neo 1 và hiện nay đang sử dụng Wahoo Kickr, tôi đã liên hệ với Garmin để hỏi về việc mượn một chiếc trainer để trải nghiệm. May mắn thay, Garmin đồng ý cho mượn dòng sản phẩm cao cấp nhất là Tacx Neo 2T. Tôi cũng lưu ý là máy được trả lại cho Garmin sau thời gian thử nghiệm để đảm bảo không có xung đột lợi ích khi viết bài review này.

Bề ngoài và thiết kế

Thiết kế của Tacx Neo 2T không khác nhiều với các phiên bản trước là Tacx Neo 1 và Tacx Neo 2. Hai bộ phận đặc trưng nhất của Tacx Neo 2T là cục tạ (bánh đà) màu bạc được gắn với líp xe đạp và bộ phận chân chống hình cánh bướm (xem hình dưới).

Cục tạ này là bộ phận chính tạo nên lực cản khi đạp xe trong nhà. Còn chân chống tạo cảm giác chắc chắn khi sử dụng. Ngoài ra, bộ phận chân chống này còn có thể gập lại cho gọn nếu cần di chuyển hoặc cất đi để dọn nhà.

Nếu nhìn ở thân máy, bạn cũng sẽ thấy ba đèn LED nhỏ để báo tín hiệu gồm: có điện, kết nối ANT+ và kết nối Bluetooth. Các kỹ sư của Tacx cũng thiết kế bộ đèn LED chiếu xuống đất khi đạp xe (hình dưới). Màu đèn này sẽ thay đổi tuỳ vào cường độ đạp của bạn: màu xanh nếu đạp nhẹ và chuyển sang màu tím, đỏ khi bung sức. Tính năng này chủ yếu để tăng sự hưng phấn khi tập luyện chứ không liên quan tới hoạt động và hiệu năng của máy.

Máy khi gập gọn. 3 đèn LED tín hiệu kết nối điện, ANT+ và Bluetooth. Đèn LED thay đổi màu sắc tuỳ theo cường độ đạp (màu tím, đỏ khi đạp nhanh)

Tổng trọng lượng của một máy Tacx Neo 2T là khoảng 21kg.

Tính năng

Tacx Neo 2T là dòng cao cấp trong của bộ ba sản phẩm của Garmin và có thể tạo sức nặng lên tới 125 kg, tương đương lực đạp khoảng 2200 watt và giả lập leo dốc cao 25%. Cơ chế chính của Tacx Neo 2T là sử dụng nam châm để tạo sức nặng lên cục bánh đà (gọi là flywheel) được gắn ở ngay thân máy. Lực nam châm sẽ được điều chỉnh bằng app (app Tacx đi kèm hoặc các app đạp ảo như Zwift, Trainer Road), qua đó điều khiển được sức nặng và sức quay của flywheel và tạo cảm giác nặng nhẹ khi đạp.

Theo tìm hiểu, bánh đà flywheel của Tacx là loại duy nhất trên thị trường được thiết kế để tạo cảm giác đạp như thật. Lấy ví dụ, khi đạp xuống dốc trên app Zwift, các trainer khác sẽ tự động chỉnh lực nam châm về 0, coi như không có độ cản. Còn với Tacx, flywheel được thiết kế khiến người đạp vẫn có cảm giác có thể nhấn đạp thêm, ngay cả khi xuống dốc thoai thoải, giống như đạp ngoài đường.

Tính năng nổi bật nhất của smart trainer là chỉ số lực đạp (hay còn gọi là power) và guồng đạp. Thông thường, để đo các chỉ số này, bạn cần mua máy đo lực riêng hoặc cảm biến guồng đạp riêng. Nhưng các chỉ số này thường được tích hợp trên các smart trainer như Tacx. Chỉ số này từ lâu đã trở nên quen thuộc và đặc biệt quan trọng với giới đạp xe và triathlon. Không giống như chỉ số nhịp tim hay tốc độ bị ảnh hưởng rất lớn bởi thời tiết (nắng nóng hay gió lớn) hoặc địa hình (lên dốc hay xuống dốc). Chỉ số power bất biến, phản ánh chính xác lực chân nhấn xuống bàn đạp ở thời điểm đó nên giúp người đạp xe có thể kiểm soát cường độ và dàn trải lực trên cả quãng đường tốt hơn. Theo nhà sản xuất, chỉ số lực đạp của Tacx Neo 2T đạt độ chính xác rất cao, vào khoảng trên dưới 1% so với thực tế (các loại máy đo lực thông dụng có độ chính xác dao động từ 1% tới 2%, càng đắt thì số % càng thấp).

Đánh giá

Vì đã sử dụng qua nhiều sản phẩm smart trainer của các hãng khác nhau (bản thân tôi hiện tại đang dùng Wahoo Kickr), tôi tổng kết hai yếu tố quan trọng nhất với người dùng phổ thông khi mua smart trainer gồm: tiếng ồn và tính năng.

Tiếng ồn là yếu tố khá quan trọng. Một số loại smart trainer khá ồn, gây phiền phức nếu bạn tập ở nhà buổi sáng khi gia đình còn đang ngủ. Anh Hùng, chủ cửa hàng xe 2 Cycling có tiếng ở Hà Nội, có chia sẻ với tôi rằng nhiều loại trainer hiện nay có thiết kế cục bánh đà đặt bên hông máy, nối với máy qua trục ngang, cộng với việc trục dài nên yếu, tăng tải trọng lên vòng bi. Lâu ngày dùng hao mòn trục và vòng bi có thể gây ra tiếng ồn, cần được bảo dưỡng thường xuyên bằng thợ lành nghề. Nếu tự sửa có thể dẫn đến việc vênh trục, nhanh hỏng và kêu to hơn. Ngược lại, bánh đà trên Tacx được gắn ngay thân máy nên khoẻ hơn.

Ngoài ra, tôi cũng cảm thấy với các loại trainer khác sử dụng dây truyền động để kết nối các bộ phận, sau khi sử dụng được một thời gian, bộ phân dây truyền động có vẻ cũng bị rão và bắt đầu phát ra tiếng kêu kẽo kẹt. Có vẻ Tacx không bị vấn đề này vì không sử dụng dây truyền động do bánh đà được gắn thẳng lên thân máy và nối trực tiếp với líp khi đạp. Thiết kế này có vẻ cũng làm tăng đáng kể độ bền của máy.

VĐV đạp xe chuyên nghiệp Javier Perez của đội Vinama HCM cũng đánh giá Tacx Neo 2T rất êm, tiếng xích của xe còn to hơn cả tiếng kêu của máy. Hãy xem clip đạp thực tế của Javier dưới đây.

Video so sánh tiếng ồn giữa Tacx Neo 2T (phải) và trainer khác (bị lỗi – bên trái)

Về tính năng, có lẽ ưu điểm lớn nhất của Tacx Neo 2T là không cần căn chỉnh power trước mỗi lần đạp. Các nhà sản xuất power meter khuyến cáo nên căn chỉnh khá thường xuyên để đảm bảo máy đo chính xác lực đạp. Tôi thường có thói quen căn chỉnh lại power meter trước khi đạp. Tuy nhiên, theo nhà sản xuất Tacx, với Tacx Neo 2T, việc này là không cần thiết. Và tôi đánh giá đây là một ưu điểm lớn với những người dùng phổ thông, không muốn thao tác phức tạp.

Về độ ổn định của máy: điều quan trọng nhất với tôi là khả năng Tacx Neo 2T nhận tín hiệu từ app và tăng hoặc giảm độ nặng kịp thời khi tập đạp. Đây là điều rất quan trọng trong những bài tập interval. Lấy ví dụ tôi thường tập bài interval 30 giây đạp hết sức, 30 giây thả lỏng, lặp lại 15-20 lần. Có nhiều khi tôi gặp trường hợp tín hiệu chập chờn, đã đạp xong 30 giây hết sức nhưng máy vẫn nặng, có khi cứng cả chân không đạp nổi. Tôi không gặp tình trạng này ở máy Tacx Neo 2T. Tuy nhiên cũng có một số người tôi quen có phản ánh là tín hiệu của Tacx đôi khi cũng chập chờn. Về điều này tôi cũng không có điều kiện kiểm tra. Tuy nhiên, cũng nên nói thêm là tín hiệu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Zwift tín hiệu không ổn định bằng Trainer Road, đôi khi app điện thoại lại có tín hiệu ổn định hơn laptop v.v…

Kết

Có lẽ điểm trừ lớn nhất của Tacx Neo 2T có thể là cân nặng lên tới 21kg, khó mang đi lại. Và cũng vì vậy việc mua hàng trực tiếp ở Việt Nam rất quan trọng vì nếu mua qua mạng hay xách tay từ nước ngoài, bạn có thể nhận được hàng nhưng nếu phải gửi lại để đổi hoặc bảo hành thì gần như vô phương. Tuy nhiên, đây cũng là lý do tôi luôn muốn mua các sản phẩm điện tử đắt tiền chính hãng ở Việt Nam, vì chính sách bảo hành của những món đồ này đặc biệt quan trọng. Nếu mua Tacx ở Việt Nam, tôi biết tôi có thể vác lên grab và chở tới đại lý của Garmin (theo tôi được biết là shop Bikelife ở TP HCM và THBC ở Hà Nội) để được bảo hành.

Tacx Neo 2T được phân phối ở Việt Nam với giá 34,990,000 VND, đây không phải là mức giá thấp, nhưng cũng chỉ cao hơn sản phẩm tương đương của các hãng khác tầm 2.000.000 VNĐ (và chưa bằng một chiếc iPhone, trong khi nhiều người thường xuyên đổi điện thoại hàng năm). Với mức giá đó, kèm các tính năng nổi trội như chạy êm, ổn định và bên, tôi đánh giá Tacx Neo 2T là sản phẩm đáng tiền và sau khi mua, bạn sẽ chỉ cần sử dụng và không phải bận tâm gì về các thao tác phức tạp khác.

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn