Có một luật bất thành văn là Personal Record (PR) hay Personal Best (PB), tiếng Việt là kỉ lục cá nhân, chỉ được công nhận khi đó là thành tích đạt được trong một giải đấu thật sự. Nếu bạn đạt PR khi “chạy thử” hay “race tự tổ chức”thì không được coi là PR “thật”. Thực tế thì: ai sẽ là người phán quyết?
Vài tuần trước, có một nhóm VĐV nghiệp dư, do quá “buồn” với việc giải Ironman 70.3 Vietnam bị dời sang năm 2021, đã tự tổ chức một giải thi đấu riêng. Trong giải này, nhiều người đã lập kỉ lục cá nhân, đặc biệt có người phá mốc 4h30 cho cự ly Ironman 70.3. Mặc dù đường thi đấu đã được đo nhiều lần, có tình nguyện viên theo dõi và bấm giờ, nhưng liệu thành tích 4:27 hôm đó hay 4:32 ở Ironman 70.3 Thượng Hải (nơi có đường thì đấu được công nhận bởi tổ chức World Triathlon Corporation, có chip thời gian) mới là PR của VĐV này?
Để trả lời cầu hỏi này, chúng ta có thể xem cộng đồng trên thế giới nhìn nhận việc này ra sao. Thật trùng hợp, chỉ vài tuần trước khi sự kiện triathlon ở Hà Nội diễn ra, Matt Fitzgerald, tác giả cuốn sách Quy tắc 80/20 và cũng là một HLV nổi tiếng, đã có 1 kỉ lục cá nhất tốt nhất trong sự nghiệp chạy bộ của mình với thành tích 33:25 phút cho cự li 10km, cải thiện 9 giây so với kỉ lục trước đó (33:34) lập tại giải Davis Turkey Trot năm 2007. PR này đặc biệt ở chỗ Matt đã bước sang tuổi 49. Tối hôm đó, Matt đăng câu hỏi lên Facebook của mình để hỏi bạn bè: “Trước khi Covid-19 xảy ra, mình thực sự chưa bao giờ nghĩ đến việc xem một kết quả có được từ bài chạy thử (time trial) là 1 kỉ lục cá nhân. Nhưng giờ đây mọi thứ trở nên mơ hồ quá. Mọi người nghĩ sao? Kết quả này có được xem là kỉ lục cá nhân (PR) hay không?”
133 người đã trả lời, phần lớn đều đồng tình với nhau rằng “PR chứ còn gì nữa mà lăn tăn!” Nhưng cũng có một số người phản đối kịch liệt và đưa ra ti tỉ những lý do vì sao kết quả này ‘không được tính’.
Thi đấu cho phép các VĐV cạnh tranh với nhau
Lập luận của những lời phản đối tập trung quanh việc kết quả này không phản ánh được hết những thử thách quan trọng của một đường đua trên thực tế. “Là một vận động viên chuyên nghiệp / vận động viên ba môn phối hợp / đồng thời là huấn luyện viên trong năm mươi năm, câu trả lời của tôi là KHÔNG!!!”, Scot Moser nói. “Nỗ lực tuyệt vời nhưng kết quả ngày đua thật sẽ bị rất nhiều những yếu tố khác chi phối: quá trình tập luyện trước ngày đua, thời tiết ngày đua, chưa kể tới lượng adrenaline hừng hực tuôn trào trong cơ thể khi đua.”
“Không, nếu không phải là kết quả từ một cuộc đua thì không được tính là PR. Có quá nhiều thứ có thể diễn ra trong “kịch bản” cuộc đua,” Laura Zimmitti nói, “Chẳng khác gì không nhận thành tích Marathon dưới 2 giờ của Kipchoge.” Quả thật vậy, ngay cả nỗ lực chinh phục cự li marathon dưới 2 tiếng của Eliud Kipchoge trong Thử Thách Ineos 1:59 cũng gây tranh cãi không kém. Ngay cả khi ta tạm bỏ qua những yếu tố hỗ trợ siêu việt như dàn pacer dẫn tốc thay phiên nhau, kỉ lục của Kipchoge cũng không được công nhận là kỉ lục thế giới vì nó không được lập ra trong bối cảnh 1 cuộc đua. Đó đơn giản là quy luật cạnh tranh quốc tế. Nhưng câu hỏi ở đây là, liệu kỉ lục 1:59:40 có được xem là PR (kỉ lục cá nhân) của anh ấy không?
Những người phủ nhận sự hợp pháp của PR đạt được từ những buổi “chạy thử” (time trial) tin rằng cuộc đua về cơ bản là cuộc cạnh tranh giữa hai hoặc nhiều vận động viên chạy để xem ai có thể vượt qua khoảng cách đã định nhanh hơn. Thời gian, trong ngữ cảnh này, không quan trọng; nó chỉ phục vụ để so sánh thành tích của người chạy với những người khác, ở các địa điểm khác và thời gian khác. Những địa điểm và thời gian khác càng giống nhau càng tốt, bao gồm cả việc ở trong một bối cảnh cạnh tranh trực tiếp tương tự. PR không có ý nghĩa gì ngoại trừ việc so sánh với những PR khác trong bối cảnh thể thao cụ thể đó.
Đọc đến đây, chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ “Nghe elite quá. Mình chạy vượt lên bản thân thôi chứ đua đòi ai”. Tôi cũng nghĩ như bạn. Ngoài ra, chúng ta đang ở trong tình cảnh “trước nay chưa xảy ra” khi tất cả các giải đấu đều bị hủy thình lình, hoặc hoãn dời vô thời hạn do Covid-19, nên dù muốn ganh đua chúng ta cũng khó có để thỏa mãn ước mơ này. Và như nhà vô địch giải đấu triathlon tự tổ chức kia tóm tắt:”Tôi cảm thấy hài lòng với bản thân vì những gì mình đạt được, nhất là ở phần chạy.” Và có lẽ thế cũng là đủ.
Nhưng chạy đua với thời gian mới quan trọng?
Tuyên bố trên thực ra cũng là suy nghĩ của nhiều VĐV, chuyên nghiệp lẫn phong trào: luôn mong muốn có thể chứng minh cho bản thân mình thấy những gì ta có thể làm được, người trong cộng đồng hay đặt tên một cách hài hước là thử thách “vượt lên chính mình”. Ai cũng muốn cạnh tranh để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Đối với hầu hết chúng ta, bất kể là ai trong cuộc đua với chính mình này, đối thủ của chúng ta là thời gian. Chúng ta thường không biết hoặc không quan tâm đến thứ hạng (trừ khi bạn là vận động viên tranh thứ hạng top). Đối với dân chạy bộ phong trào, một cuộc chạy đua chủ yếu không phải là để cạnh tranh với những người khác mà là một bối cảnh để chạy, được tổ chức, sắp xếp rõ ràng, nghiêm chỉnh với kết quả có tính chính thức để ta ghi nhận lại. Thông qua kết quả này, ta đo lường được vị trí của mình nằm ở đâu, trên cương vị một người đam mê chạy bộ.
Với quan điểm này, trong hoàn cảnh Covid-19 hiện tại, những bài “chạy thử” (time trial) là một phương tiện cạnh tranh chấp nhận được, một cách khá hợp pháp để đo lường nỗ lực luyện tập và thành tích khi ‘mô phỏng’ cuộc chạy đua của chúng ta, để xem ta đã tiến bộ như thế nào, và liệu có ghi nhận được thành tích tốt hơn trước đây hay không.
Tuy nhiên, ngay cả khi ta coi trọng thời gian hơn quãng đường, thì việc mô phỏng cuộc đua một cách có cấu trúc là rất quan trọng. Quãng đường và thời gian của các cuộc đua lớn, có uy tín, đều phải được đo đạc kĩ càng. Vì thế, “kết quả chỉnh thức” cho chúng ta biết rằng ta đã thực sự chạy được quãng đường đó, trong thời gian đó. Ngay cả khi không ai khác quan tâm hoặc để ý, ta cũng cảm thấy hài lòng hơn khi biết nỗ lực của mình được xác nhận và có tính hợp pháp.
Vì thế, cho dù chỉ là bài “chạy thử” (time trial), thì ta cũng phải đảm bảo tính hợp pháp cho quãng đường và thời gian chạy của ta. Matt viết, “Tôi thích cạnh tranh, và cạnh tranh chỉ có ý nghĩa khi nó tuân thủ theo cấu trúc và tiêu chuẩn. Thành tựu đạt được một cách đường đường chính chính mới khiến người khác khâm phục”. Trong bài “chạy thử” của mình cho cự li 10KM, Matt nói rằng anh ấy đã dùng dụng cụ đo đường bằng bánh xe để đo đạc quãng đường của mình. Khi nhận thấy kết quả đo bằng dụng cụ đo dài hơn 10km 1 chút xíu so với quãng đường do đồng hồ GPS ghi nhận được, “Tôi quyết định bỏ bánh xe sang 1 bên và chạy theo quãng đường ghi nhận bằng đồng hồ Garmin,” anh nói. “Cẩn tắc vô áy náy. Tôi biết rằng nếu tôi có kết quả tốt nhất có thể cho cự li 10km (dài hơn một chút xíu), tôi sẽ có thể tận hưởng niềm vui một cách trọn vẹn hơn, khi mà không ai có thể nhận xét, đánh giá hay hoài nghi gì về tính hợp pháp của quãng đường tôi đã chạy.” Về phía giải triathlon tự tổ chức, nhiều VĐV cũng sử dụng Stryd trong quãng đường chạy và so sánh nên kết quả chắc hẳn cũng có thể tin tưởng được.
Giải thích rõ bối cảnh của kỉ lục cá nhân
Một số lời bình trên Facebook cũng gợi ý về việc giải thích rõ bối cảnh đạt được kỉ lục cá nhân có từ các buổi “chạy thử”. Một thành viên đề xuất một khái niệm mới, gọi là BKT (Best Known Time), cho Thời-gian-Nhanh-nhất-Ghi-Nhận-Được. Câu trả lời ngắn gọn nhất và có lẽ thích hợp nhất đến từ thành viên tên Martin Walsh, người đã viết lời bình luận thật đơn giản, “Hãy thêm 1 dấu hoa thị (*) – ngụ ý là cần nêu rõ bối cảnh hoặc giải thích thêm về kỉ lục này”.
Thực tế là, mọi kỉ lục cá nhân, mọi kết quả cuộc đua, đều có một dấu hoa thị “vô hình” to đùng bên cạnh nó. Dấu hoa thị có thể để mô tả điều kiện (nhiệt độ hoàn hảo, chiều gió…), mặt bằng đườn chạy (xuống dốc ở Boston…), người chạy xunh quanh (nếu may mắn chạy cùng nhóm dẫn tốc với tốc độ phân bổ hoàn hảo), trang thiết bị (giày công nghệ Alphafly, Next % v.v..) hoặc bất cứ sự bất thường nào khác trong quãng đường và thời điểm.
Một ví dụ điển hình là VĐV vô địch giải triathlon tự tổ chức này cũng thừa nhận đường đạp hôm đó là một lợi thế – gọi là một ‘đường đua nhanh’ (fast course), và nhiều khả năng sẽ giúp VĐV đạp nhanh hơn 1kmh so với đường đua của giải Ironman 70.3 Vietnam ở Đà Nẵng. Hay nói về đường chạy ở Long Biên Marathon, có thể nói đó là một trong số những đường đua Marathon nhanh hiếm có ở Việt Nam, do thời tiết mát mẻ của tháng 10-11, lại có địa hình phẳng, ít dốc, cầu.
Kết luận
“Tôi cảm thấy hài lòng với bản thân vì những gì mình đạt được, nhất là ở phần chạy.” Đó là lời VĐV đạt thành tích 4:27 cho biết sau cuộc thi “thử”. Tôi nghĩ, chìa khóa ở đây là cụm từ “Tôi cảm thấy”. Không ai khác sẽ để ý (hoặc quan tâm) nếu tôi tuyên bố kỉ lục cá nhân cho half marathon nhanh hơn 7 giây so với thời gian chính thức tốt nhất của tôi. Và không ai có thể gọi bạn là kẻ nói dối nếu bạn cho rằng kỉ lục PR từ buổi chạy thử là kỉ lục tốt nhất của cả đời của bạn. Làm gì có cơ quan chính quyền hay bộ sở nào quản lý kỉ lục cá nhân. Mà dù cho người khác nghĩ gì cũng không quan trọng: Nếu bạn biết nỗ lực đó là hợp pháp, nếu bạn cảm thấy nó đáp ứng các tiêu chí fairplay, bạn có thể gọi đó là kỷ lục cá nhân của mình.
Điều quan trọng hơn cả là ta tìm thấy một hình thức để thi đua, hoặc mô phỏng cuộc đua, dùng nỗ lực một cách thực sự, đàng hoàng và xác đáng. Dĩ nhiên nếu bạn có thể ghi nhận thành tích thực sự từ những giải đua thực sự thì còn gì bằng. Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh hiện tại không cho phép, ta vẫn có thể tự hài lòng với thành tích cá nhân đạt được khi cố gắng chứng minh với chính mình. Nếu không thì luyện tập nhọc nhằn để làm gì?
Điều quan trọng là nỗ lực phấn đấu để ngày một tiến bộ hơn. Anh chàng VĐV kia đủ nhanh để có thể chiến thắng các cuộc đua và lập kỷ lục tại những đường đua có hạng mục nghiệp dư. Nhưng, ngay cả đối với anh ấy, việc tự đua một mình cũng có ý nghĩa, bởi vì cảm giác hài lòng là quá trình theo đuổi sự tiến bộ của bản thân. Nhiều VĐV cũng giống anh chàng kia, muốn kiểm nghiệm xem thành tích của mình sẽ cải thiện như thế nào nếu họ không ngừng cải thiện và kết hợp cả kiến thức, kinh nghiệm, đam mê và kỷ luật.
Trong giải triathlon tự tổ chức vừa qua, có nhiều thành viên của BoiDapChay Coaching tham gia và hài lòng với thành tích và kỉ lục của bản thân. Hãy đăng ký tập với BoiDapChay Coaching từ bây giờ để chuẩn bị cho mùa thi đấu triathlon ở Việt Nam trong vài tháng tới nhé.
- Về tác giả
- Bài mới nhất

Phạm Minh Quang là vận động viên triathlon sống ở Singapore. Năm 2017, Quang là người Việt Nam đầu tiên giành suất tham dự giải VĐTG Ironman 70.3 World Championship tại Mỹ. Hiện nay Quang đang tập luyện với Trisutto.