Năm 2015, nhà nghiên cứu xã hội đồng thời là chân chạy dày dạn kinh nghiệm người Scotland Michael Crawley (thành tích half marathon của anh là 1:06) đến Ethiopia với mục đích sống trong cộng đồng runner đất nước này 15 tháng. Crawley mong muốn nghiên cứu những yếu tố làm nên sự thành công của runner người Ethiopia thông qua việc sinh hoạt và tập luyện cùng họ, chứ không dừng lại ở việc quan sát đơn thuần.
Trong quyển sách mới nhất của mình “Out of Thin Air”, Crawley đã đúc kết những trải nghiệm gần gũi và đầy chất thơ sau 15 tháng tập luyện với runner Ethiopia, từ Abebe Bikila đến những tên tuổi hàng đầu hiện tại. Anh thực sự sống và tập luyện như một người bản xứ, bao gồm việc thức dậy vào lúc 2 giờ sáng để tập chạy trên núi, cũng như luôn di chuyển trên xe buýt để tìm kiếm những địa điểm tập mới lạ. Crawley cũng tham dự một giải chạy trong thời gian này, và dù rất cố gắng anh chỉ đạt được vị trí…chót bảng (Crawley từng là chân chạy nhanh thứ 7 ở giải vô địch quốc gia Scotland!).
Khi vừa đến Ethiopia, Crawley mắc rất nhiều sai lầm. Trong lần chạy đầu tiên, do bị bỏ quá xa, anh cố gắng tìm một đường chạy tắt để cố gắng bắt kịp đồng đội. Khi anh sử dụng chiêu này lần thứ hai, một đồng đội đã chộp lấy tay và lôi anh trở lại hàng ngũ. “Chúng ta chạy cùng nhau”, anh này răn đe Crawley. “Tập luyện một mình chỉ để khỏe hơn. Để chạy nhanh hơn, bạn phải tập luyện cùng đồng đội. Bạn cần phải thích nghi với pace của họ”. Tập luyện cùng nhau là một trong những chủ đề trọng tâm trong tựa sách của Crawley.
Tập trung cao độ
Như một nhà nghiên cứu, Crawley lao vào ghi chép lại những trải nghiệm của mình khi tập luyện. Ngoài ra, anh còn phỏng vấn các HLV và runner, cũng như cố gắng học tiếng Amharic để hòa nhập tốt hơn. Các runner trong nhóm tập không thích lối sinh hoạt này của Crawley vì họ cho rằng anh thiếu “gobez” (sự tập trung). Không có gobez, bạn sẽ không thể thích nghi và thay đổi – hai nền móng quan trọng nhất để đi đến thành công của những chân chạy Ethiopia.
Crawley phát hiện ra Abebe Bikila không phải là người nhanh nhất của Ethiopia ở thập niên 60. Danh hiệu đó thuộc về Wami Biratu, người vẫn còn khỏe mạnh ở tuổi 92 khi Crawley đến tập luyện. Với chiều cao hơn 1.8m và thân hình rắn chắc, Biratu vẫn còn thi đấu ở giải chạy Great Ethiopia hàng năm. Dù hầu như không thể nghe được, Biratu vẫn hồ hởi trò chuyện và cho Crawley xem tấm hình mà ông dẫn Bikila một đoạn khá xa vào giữa race. Với thâm niên chạy bộ hơn 64 năm, Biratu chưa bao giờ DNF. Ông khuyên các runner đương đại nên “Uống nhiều nước vì nước cho bạn sức mạnh. Nếu bạn trộn thứ gì đó vào nước, bạn sẽ mất đi sức mạnh”.
Văn hóa chạy bộ
Nhiều sách chạy bộ viết về Kenya, nguyên là thuộc địa của Anh và tiếng Anh là một ngôn ngữ khá phổ biến. Tuy nhiên, ít tài liệu đề cập đến Ethiopia. Mặc dù cộng đồng thường nghĩ hai nước khá giống nhau vì có nhiều cao nguyên để tập với không khí loãng và những chân chạy thần tốc, nhưng Crawley cho biết thực ra họ khá khác biệt.
Kenenisa Bekele thực chất không cần phải chạy từ nhà đến trường. Hầu hết các marathon runner đều không quá nghèo vì họ được chu cấp bởi các câu lạc bộ cấp địa phương cũng như cấp quốc gia. Họ được tài trợ nhà, thực phẩm, dụng cụ tập luyện cũng như phương tiện xe chuyển để giúp họ đến những nơi tập luyện khác nhau. Đôi khi họ ngồi nhiều trên xe buýt hơn là chạy trail. Ai trong số họ cũng mong mình tìm được một ông bầu và được mời đi tranh giải quốc tế để thắng được nhiều tiền thưởng. Tuy nhiên, họ đều nhận ra rằng điều này cần thời gian và sự kiên nhẫn. Để trưởng thành, ai cũng phải tham gia vào một cộng đồng chạy bộ để tiến bộ từ việc tập luyện cùng những bậc tiền bối.
“Phương châm tập luyện của VĐV Ethiopia là thuận tự nhiên, cũng như tràn đầy tính mạo hiểm và sáng tạo”, Crawley cho biết. “Tôi khám phá ra nhiều khía cạnh của tâm lý thể thao từ những người không phải là học giả trong bộ môn này. Đối với họ, bí mật để thành công trong chạy bộ sâu rộng và huyền bí đến nỗi chúng không thể được đúc kết bằng vài ống nghiệm được”. Crawley chia sẻ kinh nghiệm của ông sau khi sống và tập luyện ở Ethiopia.
Trải nghiệm chạy dài theo nhóm ở Ethiopia
5 giờ sáng thứ hai, chúng tôi bắt xe buýt để đi đến một cung đường gồ ghề. Địa hình này nhằm để tập cho chân khỏe nhưng không có quá nhiều dư chấn lên cơ bắp. Hầu hết chúng tôi không ăn sáng mà chỉ uống nước lọc hoặc nước có pha carb (dưới dạng gel hoặc bột – ND) 5km một lần. Chúng tôi thường chạy nhanh dần từ pace 4 đến pace 3, và thông thường sẽ có một đoạn dốc dài vài km. Chúng tôi không thật sự chạy thả lỏng sau khi chạy và nếu có thì là ở pace đi bộ. Vài runner mang theo bột đại mạch để trộn vào nước như một thức uống hồi phục cơ bắp, tuy nhiên hầu hết chỉ uống nước lọc. Chúng tôi thường về đến nhà khoảng giờ cơm trưa vì đường xá ở Addis (thủ đô Ethiopia – ND) khá tệ. Nhiều lúc tôi mệt muốn xỉu nhưng các runner Ethiopia vẫn bình chân như vại.

Tại sao các bài chạy lại theo kiểu zig zag? Chúng có tầm quan trọng như thế nào?
Mỗi tuần chúng tôi sẽ tập ba bài nặng và chạy nhẹ ở các bài còn lại. Các bài chạy nhẹ này thường tập ở những khu rừng khuynh diệp rậm rạp, và do đó chúng tôi phải chạy zig zag để tránh cây. Đôi khi chúng tôi cũng kết hợp chạy lùi ở bài tập này.
Các runner khác nói với tôi rằng các bài tập này nhằm giúp kích hoạt nhiều nhóm cơ khác nhau, đặc biệt khi chúng tôi luôn phải ngồi xe buýt. Chạy chậm thả lòng còn được xem như một phương pháp massage hữu hiệu. Do rừng khá rậm rạp và nhiều đá, để an toàn chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc chạy chậm và quan sát. Tôi cảm thấy các runner Ethiopia xem việc chạy chậm cũng quan trọng như việc tập tốc độ vậy.
Gen là yếu tố hàng đầu dẫn đến thành công của các runner Ethiopia?
Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Điều kì lạ ở đây là hầu hết các runner tôi nói chuyện đều không thực sự tin vào khả năng thiên bẩm. Họ tự tin hơn về khả năng thích nghi, khi mà bạn tập luyện đúng nơi và với đúng người, cũng như có đủ thời gian nghỉ ngơi để hồi phục. Ai cũng có thể thích nghi để trở thành VĐV đẳng cấp quốc tế. Tôi không nghĩ điều này hoàn toàn đúng. Nhưng tôi biết chắc rằng các VĐV ở đây không thật sự hào hứng lắm về các bài kiểm tra thể chất, khi mà sự thành công là kết quả của một tập thể chứ không hẳn của riêng ai.
Những câu nói/từ ngữ thường được sử dụng trong tập luyện
Lememid có nghĩa là “thích nghi”, và từ này thường được sử dụng thay cho “tập luyện”. Nó bao gồm việc tăng dần khối lượng và cường độ tập luyện, cũng như cung cấp đủ thời gian cũng như môi trường tốt để runner thích nghi và đạt được đẳng cấp thế giới.
Badenb sera có nghĩa là tập luyện bài bản. Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi ít ai đề cập đến việc tập “nặng”, mà chỉ nói đến tập “bài bản”. Điều này có nghĩa là tập luyện với kỉ luật, kiên nhẫn cũng như tôn trọng chỉ dẫn của HLV.
Enkulal kes ba kes be egirua tehedalech ám chỉ việc “một quả trứng sẽ biết đi nếu nó tập từng bước một. Thành công không đến trong vài giờ, và bạn chỉ có thể phát triển bằng cách kiên nhẫn cũng như tin vào quá trình tập luyện.
Rucha hiwote new ngụ ý “chạy là cuộc sống”. Khi bạn quyết định trở thành runner có nghĩa đây là việc làm toàn thời gian của bạn. Tất cả sinh hoạt của bản thân bạn sẽ xoay quanh việc tập chạy.
Vì sao Ethiopia thống trị các giải chạy gần 50 năm?
Cựu vô địch Olympic marathon Abebe Bikila được tình cờ phát hiện bởi một sĩ quan quân đội Thụy Điển được gửi đến để huấn luyện cho lính gác của hoàng đế Haile Selassie. Trước khi tới đấu trường Olympic ở Rome năm 1960, Selassie nói với Bikila rằng “chiến thắng một lần ở Rome đồng nghĩa với việc chiến thắng 1000 lần”. Bikila đã trở về nhà như một người hùng, và các thế hệ sau luôn cố gắng tiếp bước để có thể lặp lại chiến thắng huy hoàng của Bikila.
Văn hóa chạy bộ ở Ethiopia được sinh ra và phát triển từ việc dõi theo bước chân của những người đi trước. Phương pháp chạy bộ ở đây mang tính chất cộng đồng rất cao, cũng như xem trọng việc chọn lựa môi trường và hoàn cảnh chạy bộ mang tính chất mạo hiểm – điều mà các runner nơi đây vô cùng tự hào.
Tôi cũng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến có rất nhiều cơ quan đoàn thể hậu cần cho VĐV, đặc biệt là chế độ lương thưởng hợp lí từ các công ty từ ngân hàng đến nhà máy sản xuất xi măng. Sự hậu thuẫn này đã góp phần cho VĐV an tâm khi xem chạy bộ là cuộc sống, và đó cũng chính là lí do vì sao Ethiopia lại có vị trí cao như vậy trong phân khúc điền kinh.
- Về tác giả
- Bài mới nhất

Nhân viên bán bột giặt, hạt nêm. Vận động viên phong trào chạy trail và triathlon ham vui. Thích ăn mì ramen và uống cà phê đen không đường.