Trước tiên phải nói qua một chút về quá trình hoàn thiện dòng xe Giant Trinity trong những năm gần dây. Ở hình phía dưới, chúng ta có thể thấy rõ Giant đã chú trọng phát triển dòng xe Giant Trinity ngày càng trở nên khí động học hơn (aerodynamic) với các cải tiến ở sườn xe, phanh (thắng) được gắn vào phuộc (fork) và dây cũng dần được chuyển gần như 99% vào trong sườn, ít khi để lộ ra ngoài, tạo cảm giác gọn gàng, bớt cản gió. Các dòng xe Giant Trinity Advance cũng được đội Sunweb sử dụng trong các chặng đua tính giờ ở những giải Tour. Gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng Triathlon (3 môn phối hợp), Giant đã có những cải tiến đáng kể cho dòng xe Trinity Advance Pro cho phù hợp xu thế, điển hình là việc tích hợp bình nước ở giữa aerobar và hộp đựng gel (hay còn gọi là bento box) để dùng cho các cuộc thi Ironman 70.3 hay Ironman 140.6. Theo Giant, bình nước mang tính khí động học cao, không những phục vụ việc cung cấp năng lượng cho VĐV mà còn giúp tăng tính khí động học cho cả chiếc xe một các đáng kể. Nói cách khác, chiếc xe lắp bình nước còn nhanh hơn là khi không lắp. Dưới đây là review cụ thể chiếc xe này. Trong review, có thể có một số từ chuyên môn về xe gây khó hiểu, bạn có thể đọc thêm bài viết Xe đạp đua: Top các thuật ngữ cơ bản ai cũng nên biết

1Giant Trinity Advanced Pro 2 (2018)

2Giant Trinity Advanced (2017)

3Giant Trinity Advanced (2016)

4Giant Trinity Advanced (2015)

5Giant Trinity Advanced (2014)

6Giant Trinity Advanced (2012)

Sườn
Nếu nhìn qua có vẻ hình dáng chiếc Giant Trinity Advance Pro 2 (2018) không có nhiều khác biệt lắm so với các phiên bản 2016-2017. Tuy nhiên, Giant khẳng định có vài thay đổi nhỏ trong thiết kế giúp chiếc xe được hoàn thiện hơn. Điển hình là thiết kế phuộc AeroDrive Tri 5:1 airfoil cho dòng xe triathlon, giúp gió được lưu thông qua xe mượt hơn (xem thêm phần cảm nhận chung khi đạp ở dưới).

Các má phanh đều được tích hợp vào sườn xe nhằm bớt cản gió. Đây cũng là xu hướng chung của các loại xe tính giờ hiện nay. Phanh trước được tích hợp vào phuộc, còn phanh sau tích hợp vào sườn xe gần giò đĩa (crank). Dây nối với phanh và líp (derailleur trước/sau) đều đi âm vào sườn, không như các phiên bản cũ (2014-2015) tạo cảm giác gọn gàng và khí động học.

Cân nặng: 10.11kg (Size S)

Chiếc Giant Trinity Advanced Pro 2 cân nặng khoảng 10kg, bao gồm đầy đủ cấu hình (tính cả bánh nhôm). Đây là mức trung bình đối với các loại xe tính giờ và triathlon.

Dàn đầu
Dàn đầu (cockpit) cũng được Giant mang lại nhiều cải tiến (nho nhỏ). Đầu tiên có thể kể đến là thiết kế 5:1 airfoil cho base bar (ghi đông phía dưới). Giống như cho phuộc, thiết kế này nhằm mục đích tăng tính khí động học cho những bộ phận tiếp xúc trực diện với gió, giúp xe nhanh hơn và “đầm” hơn, dễ điều khiển.

Ống hút có thể kéo lên hoặc hạ xuống

Như đã nói ở trên, Giant tích hợp bình nước ở giữa aerobar tên là AeroVault System. Thể tích bình nước này vào khoảng 300ML đến 700ML tùy vào size của chiếc xe. Kể cả bạn có là dân triathlon hay xe đạp, chắc hẳn bạn sẽ rất thích bình nước này vì nó đặc biệt tiện lợi trong các cự ly xa. Bình nước có ống hút có thể điều chỉnh độ cao, vì vậy khi test xe tôi không cảm thấy bị vướng trong tư thế aero (cúi đầu xuống thấp). Để nạp nước cũng rất tiện: với loại nắp mở đặc biệt, bạn chỉ cần chọc bình nước (chai nước thường hoặc loại bi-đông nước cho xe đạp) qua nắp đó và tiếp nước là xong. Nắp AeroVault System có cơ chế chống nước bị văng ra ngoài kể cả khi đi qua đoạn đường lồi lõm.

Nắp bình nước được thiêt kễ để bơm nước vào và ngăn không cho nước trào ra ngoài

Bánh xe

Đi kèm trong phiên bản Trinity Advance Pro 2 (2018) là cặp bánh Giant PA-2 Aero (tubeless). Theo đánh giá của tôi, đây là cặp bánh khá hời đi kèm cùng xe. Thông thường, nhà sản xuất thường bán xe với cặp bánh nhôm cấp thấp (entry-level) khá nặng, người mua thường dùng cặp bánh đó để tập luyện hoặc bán lại chứ ít ai dùng để thi đấu. Với cặp bánh PA-2 Aero, mặc dù là bánh nhôm nhưng trọng lượng nhẹ hơn một số sản phẩm khác. Hub của bánh quay khá mượt, nổ lớn. Vì vậy bạn sẽ cảm giác rất thoải mái khi sử dụng cặp bánh này cho luyện tập. Ngoài ra vành bánh cũng khá cao nhằm tạo một chút hiệu ứng “aero” như tên gọi. Tất nhiên nếu đi thi đấu tôi vẫn sẽ dùng cặp bánh carbon của mình, nhưng cặp bánh PA-2 Aero này cũng là lựa chọn không tệ cho người mới chơi đem đi thi đấu. Cần nói thêm là tôi đã sử dụng cặp bánh này đi một vòng bờ Đông Đài Loan, leo núi đổ dốc đều có và định mua cặp bánh này để dùng trong tập luyện, nhưng vì giá hơi chát (tầm $200 bán lẻ ở Đài Loan) nên thôi.

Groupset & Phụ kiện
Giant Trinity Advance Pro 2 (2018) được trang bị groupset Ultegra R8000 đời mới nhất của Shimano.

Về phụ kiện, nhà sản xuất Giant cho thêm người mua bình nước aero gắn vào sườn xe. Đây là loại bình nước thiết kế khí động học, dẹt và bám vào sườn nhằm giảm thiểu tác động của gió. Đây là một phụ kiện không tệ đi kèm xe, vì nếu mua lẻ một bình nước loại này của hãng Elite có thể lên tới 70$.

Yên xe là yên ISM PS1.0. Đây là phụ kiện hời nhất đi kèm xe khi giá bán lẻ của chiếc yên này vào khoảng $225. Đối với dân triathlon chắc không ai lạ gì yên ISM. Đây là một trong những hãng tiên phong trong thiết kế split-nose đặc trưng cho yên xe dòng xe triathlon. Các loại yên split-nose (ISM, Fizik Tritone, Cobb v.v..) giúp VĐV ngồi gần hơn về phía mũi yên nhằm tạo tư thế khí động học. Riêng bản thân tôi, tôi thích loại yên này vì ngồi không bị vướng víu.

Cảm nhận chung khi đạp
Cảm nhận đầu tiên khi đạp là chiếc xe khá “đầm” và chắc chắn. Kể cả khi ngồi ở tư thế aero với aerobar hay đứng khỏi yên bám tay vào ghi-đông (base bar) đều có cảm giác chắc chắn, ngồi vững không bị lắc lư nhiều.

Đây là lần đầu tiên tôi dùng bộ groupset R8000 (cả hai chiếc xe hiện tại đang dùng đều là Ultegra 6800). Cảm nhận là đạp rất mượt, có thể là do xe mới cứng, hoặc do groupset R8000, hoặc cả hai.

Phanh của Trinity Advance Pro 2 khá chắc chắn. Phanh rất ăn khi bóp phanh, tạo cảm giác an toàn. Vì xe TT vào cua và điều khiển nói chung khó hơn xe road nhiều, nên có phanh hoạt động tốt tạo cảm giác an toàn khi thi đấu là một điểm cộng rất lớn.

Giá tiền:
Chiếc Giant Trinity Advance Pro 2 (2018) được phân phối ở Việt Nam thông qua Trisport International. Bạn có thể tham khảo tại shop online của Giant.

Giá bán lẻ là 71.500.000 VND. Nếu bạn sử dụng mã BDC sẽ được giảm giá ngay lập tức 10% (hoặc liên hệ với BoiDapChay qua email boidapchay@gmail.com để được trợ giúp), đồng thời BoiDapChay cũng sẽ được một số tiền nhỏ để duy trì hoạt động trang web và làm event phục vụ cộng đồng. Tôi đánh giá đây là mức giá khá hời cho chiếc xe với cấu hình như vậy.