Các công cụ dự đoán kết quả marathon có lẽ không còn xa lạ đối với runner. Vài năm trước, một nghiên cứu sử dụng công nghệ máy tính đã phân tích dữ liệu Strava từ 25.000 runners với các cự li khác nhau để tính toán tốc độ ngưỡng (critical speed) và từ đó dự đoán thời gian hoàn thành marathon. Tuy nhiên, để sử dụng công cụ này bạn cần có đồng hồ thông minh cũng như có điều kiện đăng tải kết quả tập luyện lên công cụ dự đoán. Một công trình nghiên cứu gần đây của Akihiko Yamaguchi sử dụng nhiều dữ kiện đơn giản và dễ hiểu hơn như khối lượng và tần suất tập luyện trong tuần của runner để đưa ra những kiến thức vĩ mô mà bạn có thể cân nhắc trong việc tính toán thời gian hoàn thành đợt chạy marathon tiếp theo của mình.

Nghiên cứu của  Yamaguchi phân tích dữ liệu về thói quen tập luyện của 500 runner trước thềm giải Hokkaido marathon, cụ thể là các thông số về khối lượng tập luyện trong một tháng, số buổi chạy trong tuần, tổng số quãng đường chạy trung bình và quãng đường dài nhất trong một lần chạy. Dựa vào tổng quãng đường chạy (mileage) hàng tháng, các runner này được chia làm bốn nhóm: chạy ít hơn 100 km mỗi tháng, 101-150 km, 151-200 km và hơn 200 km mỗi tháng.

Kết quả nghiên cứu

Các nhà nghiên cứu khi phân tích dữ liệu của từng nhóm runner kể trên, họ nhận thấy mileage hàng tháng cũng như quãng đường chạy trung bình là hai nhân tố dự đoán khá hiệu quả. Điều này có nghĩa là khi bạn có thói quen chạy đều đặn, chạy càng nhiều sẽ giúp bạn có thành tích marathon tốt hơn. Khi chia nhóm theo quãng đường chạy trung bình và quãng đường chạy dài nhất, mileage hàng tháng cũng là một nhân tố dự đoán hiệu quả. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng khi bạn chạy trung bình 10km và chạy dài ít nhất 19km.

Từ đó, kết luận đầu tiên của nhóm nghiên cứu là: những người chạy càng nhiều thì thành tích marathon càng nhanh. Khi nghiên cứu sâu hơn, họ cũng nhận thấy rằng: dù chúng ta có chạy nhiều buổi chạy ngắn, hoặc chỉ vài buổi chạy dài mỗi tuần, nếu tổng cự ly như nhau thì thành tích cũng cải thiện tương đương.

Nhưng khi phân tích sâu hơn nữa, một kết luận không kém phần quan trọng (nhưng có lẽ nhiều người đã biết) được đưa ra là: thành tích buổi tập chạy dài nhất thường là thước đo khá chính xác thành tích marathon của bạn. Nhóm nghiên cứu của Yamaguchi kết luận rằng đối với cùng một mileage, bạn nên có một buổi chạy dài và các bài chạy ngắn thay vì chạy các quãng đường bằng nhau. Ví dụ: nếu tổng mileage là 70km/tuần, bạn nên chạy một buổi 30-32km, và 4 buổi mỗi buổi 10km chẳng hạn. Điều này khá đồng nhất với các kiến thức tập luyện marathon hiệu quả: không có một bài tập nào có thể thay thế bài chạy dài nếu bạn muốn cải thiện thành tích chạy bộ.

Kết

Khi chúng ta không ưu tiên chạy bộ cũng như không có điều kiện để tập luyện thường xuyên, điều quan trọng nhất bạn cần làm là tích lũy milage càng nhiều càng tốt. Đôi khi buổi chạy của bạn có thể ngắn, hoặc công việc khiến bạn không thể chạy thường xuyên, nhưng mileage được tích lũy càng nhiều sẽ càng giúp bạn thi chạy tốt hơn vào ngày thi đấu. Một số công cụ dự đoán thành tích Marathon như Garmin Race Predictor hay Stryd, thực ra cũng sử dụng thuật toán dựa trên lý thuyết này. Nếu chúng ta chạy đủ dài, tập đủ khối lượng thì khá dễ để dự đoán thành tích. Ngược lại, nếu chúng ta thấy công cụ dự đoán thành tích sai, thì nhiều khả năng dữ liệu đầu vào không chính xác: chạy không đủ nhiều, buổi chạy dài nhất ở race pace chỉ là 10-15km v.v..

Đọc thêm: Một cách khác để dự đoán thành tích marathon cũng được giới runner ưa chuộng, đó là bài tập Yasso 800

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn