Sinh ra với một đam mê chu du chưa lúc nào thôi rừng rực, có những lúc tôi phải chấp nhận độc bước trên những chuyến thám hiểm của mình. Thực ra khi đã quen rồi thì điều đó không có gì đáng sợ nữa, có chăng là cần thiết, để bản thân được lớn hơn, tự lập hơn. Dẫu vậy, trải nghiệm khám phá đỉnh núi Kilimanjaro ở châu Phi vừa qua chắc hẳn đã không tròn trịa và thân thương đến thế nếu không có những người song hành cùng tôi suốt chặng đường 7 ngày. Cả đoàn 11 người của chúng tôi đã cùng nhau vượt qua khá nhiều thử thách, trong đó có 1 người gần 60 tuổi dù bị những cơn đau dạ dày hành hạ và không thể đi tiếp được nhưng vẫn kiên quyết đợi mọi người ở trạm basecamp đến khi cả đoàn trở về.
Bản thân tôi không có nền tảng thể thao từ bé. Tôi không phải là người leo lên đỉnh nhanh nhất. Tôi cũng chẳng phải là người khỏe mạnh nhất đoàn. Điều tự hào duy nhất của chuyến đi này thực ra là việc tôi đã thành công rủ rê, nài nỉ, động viên, thậm chí dụ dỗ, sau đó lên kế hoạch chọn lựa cung đường và tổ chức chuyến đi cho cả nhóm.
Nhóm chúng tôi rất thú vị: cả 11 người làm đủ các ngành nghề khác nhau, đủ mọi lứa tuổi từ già đến trẻ. Vậy mà khi gộp chung vào 1 đoàn thì lại cùng trải qua những tâm thế không thể đồng điệu hơn nữa: từ háo hức, đến hồi hộp, hằng giờ trôi qua với thân thể, tay chân rã rời, những khoảnh khắc đấu tranh tâm lý dữ dội, nhưng rồi cuối cùng vẫn lựa chọn đi tiếp, quyết tâm khi trở về phải có gì đó “khác khác”, một trải nghiệm để đời, mai mốt về già còn có chuyện để kể cho con cháu nghe!
Chinh phục đỉnh núi Kilimanjaro là 1 thử thách khó nhằn hơn hẳn so với Everest Base Camp (EBC) hayAnnapurna Circuit. Khi có dịp, tôi sẽ viết 1 bài so sánh những điểm khác biệt này. Là một ngọn núi lửa khổng lồ đang ngủ yên đã 200 năm nay rồi. hằng năm Kilimanjaro thu hút khoảng gần 50-60 000 người đến khám phá. Tỷ lệ thành công chỉ tầm 65% thôi theo 1 số tài liệu tôi nghiên cứu. Nó quả thật là 1 đỉnh núi khá thú vị và kích thích nhưng lại không đòi hỏi những trang bị chuyên dụng như rìu, dây, hay đinh sắt.
Kilimanjaro là ngọn núi cao nhất ở châu Phi, đồng thời là ngọn núi đứng riêng cao nhất trên trái đất. Với chóp núi được phủ một lớp băng vĩnh viễn, Kilimanjaro đứng hùng vĩ ở độ cao 5,895 mét trong vườn quốc gia Tanzania xinh đẹp, hoang sơ. Để đến đây, bạn có thể chọn bay cùng hãng hàng không Ethiopia Airlines hoặc Kenya Airlines (sang hơn thì có Qatar Airlines) đến Kilimanjaro International Airport rồi đi đến Moshi hoặc Arusha để bắt đầu hành trình leo. Các chuyến bay thường sẽ nối chuyến tại Bangkok hoặc Singapore. Hoặc bạn có thể bay đến sân bay Nairobi của Kenya rồi đi bus hoặc bay sang Moshi. Cả hai nước Tanzania và Kenya đều cho phép khách du lịch xin visa on arrival ngay tại sân bay.
Để leo núi Kilimanjaro bạn sẽ mất khoảng 6-9 ngày để leo tùy vào cung đường. Mùa tốt nhất để leo Kilimanjaro là tháng 1,2,7,8,9. Tháng 10 sẽ có gió lớn. Các tháng còn lại thì mưa khá nhiều rất khó đi, lại vướng nhiều mây nên đi được cũng sẽ không thấy nhiều cảnh.
Khi leo, mọi người sẽ bắt đầu leo từ rừng nhiệt đới um tùm đến ôn đới, độ cao của các loại cây bụi thấp, vùng rêu địa y đến ngày lên đỉnh thì không còn cây cối mà chỉ là sỏi đá và băng tuyết.
Thời tiết của chuyến đi thay đổi liên tục từ nắng ráo đến mưa đá, mưa rào, đi trong biển mây hay sương mù và nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm khá cao.
Ngày leo cuối là 1 thử thách thật sự vì phải leo khoảng 7-8 tiếng từ nửa đêm để lên đỉnh và 1 nửa thời gian để leo xuống. 1 số đoàn leo 9 ngày có thể chọn giải pháp leo từ 6h sáng để tránh cái lạnh và tối mịt của màn đêm nhưng bản thân tôi không khuyến khích cách này lắm, vì lỡ mất cảnh mặt trời mọc và leo khi nắng lên rất nóng hơn nữa buổi chiều tối đi xuống sẽ khá nhiều mây. Khi leo ban đêm mặt đất khá cứng sẽ tiết kiệm sức thay vì ráng bám chân trên nền đá cát rời.
Để leo Kibo (tên ngắn của Kilimanjaro) có thể chọn các cung đường được biết đến như sau:
- Marangu: ngắn nhất (6 ngày), rẻ nhất và cũng là cung đi đông nhất. Rẻ là do ngắn ngày và ở trong láng trại, ấm hơn và có điện thay vì đi kiểu lều và phải có người khuân vác lều phụ.
- Machame: cung phổ biến thứ hai sau Marangu, tương đối dễ do cắm trại ở cao và ngủ ở thấp. Có thể hoàn thành trong 7-8 ngày.
- Lemosho: cung này khá ít người đi. Đường đi qua rừng khá đẹp, đoạn ngày thứ 5 nhập chung với đường đi Machame, mình chọn cung này do không quá đông và tìm chưa thấy đoàn Việt Nam nào đi cung này.
- Rongai: rất hiếm người đi do đi từ phía Bắc, nơi bắt đầu xa thành phố và cảnh không đẹp lắm
5. Umbwe: cung ngắn nhất nhưng đòi hỏi kĩ thuật vì leo trèo bám đá khá nhiều do đó cũng đẹp nhất.
Nhóm tôi leo thì cứ 2 người lại có 1 guide đi chung để hỗ trợ và đảm bảo an toàn. Tôi tranh thủ quan sát những guide của đoàn để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm hơn về cách đi và trang thiết bị để chia sẻ thêm cho mọi người.
Kibo của Châu Phi nửa đêm lạnh hơn tôi tưởng rất nhiều. Chưa kể gió lớn giật liên tục ở độ cao 5800m làm chuyến đi thêm tưng bừng. Mỗi ngày chúng tôi di chuyển khoảng 8-9 tiếng. Chúng tôi không tắm suốt 7 ngày và thường xuyên uống nước suối ở lều. Điều này cũng làm hao tổn kha khá sức lực nhưng cả đoàn 10 người Việt đều lên đỉnh an toàn.
Tôi thực sự hy vọng bộ môn trekking leo núi sẽ ngày càng lan rộng để mỗi người chúng ta đều có thể có dịp trải nghiệm thử thách vô cùng ấn tượng này. Vẫn luôn tâm niệm mình lên đỉnh được là do quyết tâm không bỏ cuộc và có một phần nào đó may mắn. Nhưng chắc chắn đây sẽ là một trong những kỷ niệm khó quên nhất đời tôi.
- Về tác giả
- Bài mới nhất

Phượt thủ nổi tiếng, người Việt Nam đầu tiên chinh phục Bắc Cực.