Các nhà khoa học đã phát hiện ra một gien liên quan trực tiếp tới tốc độ chạy nhanh và sự cứng nhắc của cơ thể.

Những người đã từng gặp Eliud Kipchoge đều khẳng định họ rất ngạc nhiên khi anh chàng này không phải là người có độ dẻo tốt. Theo nhật ký của những người tập luyện cùng Kipchoge (đăng trong bài viết Hai tháng ăn tập cùng Kipchoge) thì khi giãn cơ, vị vua của cự ly Marathon còn không thể cúi gập người và đưa tay xuống quá ống đồng, chứ đừng nói tới chuyện để ngón tay chạm được vào ngón chân. Thế nhưng, không ai nghi ngờ thành tích chạy bộ của vận động viên này (người đầu tiên phá kỷ lục chạy 42km dưới 2 giờ); và trong một thời gian dài, các video chạy của Kipchoge đều được cộng đồng đem ra mổ xẻ phân tích như một tiêu chuẩn vàng của động tác chạy bộ. Gần đây, các nhà khoa học bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về hiệu năng chạy bộ (running economy – nói đơn giản là tiết kiệm càng nhiều năng lượng khi chạy thì sẽ chạy được dài hơn và nhanh hơn) và phát hiện rằng: trái với suy nghĩ thông thường, cơ thể dẻo chưa chắc đã giúp bạn chạy nhanh.

Năm 2011, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Cape Town (Nam Phi) đã chỉ ra có mối liên hệ giữa gien COL5A1, độ dẻo của cơ thể và thành tích VĐV tại giải ultramarathon Two Oceans (56km). Nhiều nghiên cứu trước đó đã cho thấy gien COL5A1 có ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu năng chạy bộ của các VĐV: những VĐV sở hữu gien này thường có hiệu năng chạy bộ tốt hơn. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy những người có gien này thường có cơ thể “cứng” hơn, được đo bằng các thí nghiệm giãn cơ, ép dẻo. Vì vậy các nhà nghiên cứu Nam Phi muốn tìm hiểu liệu có mối liên quan nào giữa việc chạy tốt và sự kém dẻo của cơ, khớp.

Thí nghiệm

72 runner được mời tham gia thí nghiệm này. Trước giải chạy, họ sẽ được xét nghiệm xem có gien COL5A1 không. Ngoài ra, họ cũng được làm các bài test giãn cơ, ép dẻo để kiểm tra độ dẻo của cơ thể.

Sau giải chạy, kết quả được thể hiện như sau: các runner có gien COL5A1 chạy nhanh hơn các runner khác khoảng 24 phút (tương đương 6,5%). Các runner có gien COL5A1 cũng không dẻo bằng những người còn lại. Tuy nhiên, khi chia các nhóm VĐV làm 4 nhóm như sau:

  • Nhanh và dẻo
  • Nhanh và cứng
  • Chậm và dẻo
  • Chậm và cứng

Kết quả cho thấy nhóm VĐV có gien COL5A1 chiếm phần lớn trong nhóm “nhanh và cứng”.

Giải thích

Theo các nhà nghiên cứu, đây là hệ quả giữa hiệu năng chạy bộ và sự đàn hồi của các bó cơ. Có thể hình dung các bó cơ như những sợi dây chun, có loại đàn hồi tốt nhưng có loại kém đàn hồi hơn. Loại đàn hồi tốt có thể kéo dãn dễ dàng nhưng lại không tạo ra nhiều lực. Ngược lại, loại dây chun cứng khi kéo căng ra sẽ tạo ra lực đàn hồi rất mạnh (bạn sẽ không muốn bị loại chun này bắn vào tay chút nào).

Runner cần loại cơ khỏe, cứng như sợi dây chun trong ví dụ trên. Khi chạy và chân chạm đất, các bó cơ ở bắp chân và đùi sẽ bị kéo dãn. Khi chân bật khỏi mặt đất, cũng như dây chun đàn hồi, các bó cơ này sẽ như lò xo để đẩy bạn tiến về phía trước. Đây chính là hiệu năng chạy bộ mà mọi người thường nhắc tới. Chính vì vậy, nhiều người chạy tốt chưa chắc có thể gập người chạm tay tới ngón chân. Sự co cứng của các bó cơ này là hệ quả của sự thích nghi của cơ thể với môn chạy bộ.

Kết

Như vậy liệu việc tập yoga, làm các bó cơ dẻo dai hơn là việc vô ích? Hoàn toàn sai. Theo các nhà nghiên cứu, chạy tốt có thể khiến bó cơ của bạn co giãn kém. Nhưng một cơ thể căng cứng không có nghĩa sẽ giúp bạn chạy nhanh. Ngoài ra, đừng quên đối với phần lớn chúng ta, tập thể thao là để cải thiện sức khỏe, đặc biệt khi về già. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu càng có tuổi bạn càng thấy đau lưng mỗi khi ngủ dậy, hay không thể với tay lấy món đồ gì đó trên tủ. Vì vậy, lâu lâu thực hiện các động tác yoga, ép dẻo cơ thể để giúp các bó cơ hồi phục là một điều nên làm. Và nhớ đừng quá lo lắng khi cơ thể mình không dẻo như người khác.

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn