Dù cho khoa học và công nghệ đã có những tiến triển vượt bậc trong những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực giày chạy bộ, tỉ lệ chấn thương của runner có vẻ không giảm đi là bao nhiêu. Một trong các lý do của tỷ lệ chấn thương cao này là không runner nào giống runner nào: có người có gen dễ bị chấn thương hơn người khác, runner thừa cân cũng dễ bị chấn thương hơn và điều đó thì có thể liên quan tới lối sống và ăn uống lành mạnh v.v…
Tuy nhiên, trong khi không ai nghi ngờ các yếu tố nội tại của con người, có một yếu tố ngoại vi thường được giới nghiên cứu quan tâm, đó là: bề mặt đường chạy. Thực ra, nghe cũng có lý khi nói chạy đường cứng thì dễ đau chân hơn đường đất? Nhưng liệu các quan niệm này có đúng? Và chúng ta nên hạn chế chạy trên những bề mặt nào để tránh chấn thương?
Câu trả lời không hề đơn giản như bạn thường nghĩ.
Mặt đường càng mềm thì chân càng cứng nhắc
Chúng ta thường hay được cộng đồng khuyên nên chạy trên những bề mặt mềm như trail vì áp lực lên các cơ khớp sẽ ít hơn các bề mặt cứng như xi măng hoặc đường nhựa. Đây là một quan điểm không đúng từ khía cạnh khoa học. Cơ thể chúng ta có một khả năng gọi là “hiệu chỉnh cơ bắp”. Khi chạy, bộ não của chúng ta thường xuyên ghi nhớ các buổi chạy trước đó và “điều chỉnh độ cứng của cơ chân” sao cho phù hợp với mặt đường. Do đó, khi chạy trên các mặt đường mềm như đường đất, chân của chúng ta sẽ trở nên cứng hơn cứng hơn, và ngược lại. Kết quả là có thể nói tác động lên chân gần như tương đương giữa các loại bề mặt đường.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là nguy cơ chấn thương sẽ tăng lên rõ rệt khi chúng ta chạy ở trên mặt đường lồi lõm, kể cả là mặt đường đất (trail) hay đường nhựa. Vì vậy, runner được khuyên nên tránh tập ở những nơi có chất lượng đường xấu. Và việc giẫm lên gạch, đá chỉ khiến bạn dễ lật cổ chân chứ không giúp cơ chân khỏe thêm.
Chạy trên máy chạy bộ
Từ lâu, máy chạy bộ được quan niệm là phương án chạy khá thân thiện với cơ, khớp. Tuy nhiên, tác động của bề mặt không chỉ gây ra lên cơ, khớp mà còn ở gân. Một nghiên cứu gần đây cho thấy khi chạy tren máy, đầu gối và gân Asin (Achilles tendon) chịu lực tải nhiều hơn 14% so với runner chạy trên đường nhựa thông thường. Đương nhiên chúng ta không khuyên runner hãy từ bỏ toàn bộ việc chạy trên máy. Nhưng đây cũng là một dữ liệu quan trọng đối với những runner có tiền sử chấn thương gân Asin.
Kết
Như vậy có thể tóm lại là cơ thể chúng ta phải chịu lực gần như tương đương khi chạy trên đường đất cũng như đường nhựa. Còn nếu nhảy lên máy chạy bộ thì nhiều khả năng gân chận sẽ chịu tác động nhiều hơn cả khi chạy trên đường nhựa? Vậy chúng ta phải làm sao?
Với câu hỏi này, TS. Brian Heiderscheit (Giám đốc viện nghiên cứu chạy bộ thuộc trường Đại Học Winconsin) cho biết cách tốt nhất là chúng ta nên luân phiên chạy trên các bề mặt khác nhau. Lấy ví dụ như ở TP Hồ Chí Minh, runner có thể chuyển từ chạy ở khu Sala sang chạy trong sân vận động (ở cạnh hồ bơi Sala), hoặc có thể vào sân Phú Thọ (đường đất). Lâu lâu chúng ta cũng có thể vào gym để chạy khi trời mưa hay khi chúng ta không có thời gian để đi ra sân.
Ngoài ra, có một bài tập các HLV thường thêm vào giáo án của các runner có triệu chứng hơi đau chân là bài tập chạy ở guồng chân cao. Khi chạy như vậy, tim bạn phải làm việc nhiều hơn, nhưng lực tác động lên các bó cơ sẽ thấp hơn so với lúc bạn cố gắng chạy nhanh với sải chân dài.
Tổng hợp từ Podium Runner
- Về tác giả
- Bài mới nhất

Nhân viên bán bột giặt, hạt nêm. Vận động viên phong trào chạy trail và triathlon ham vui. Thích ăn mì ramen và uống cà phê đen không đường.