Là một runner kinh nghiệm hay newbie, có lẽ nhiều người đã gặp phải trường hợp chân bỗng dưng trở nên nặng nề, thậm chí mất cảm giác (hay còn gọi là hiện tượng trên bảo chạy mà dưới không nghe): bạn tập luyện rất hăng say, pace tập luyện rất mĩ mãn nhưng đến hôm race tự dưng chân lại ù lì, nặng như chì (hoặc có cảm giác mềm như bún), mất cảm giác hay tê rần. Tình trạng này xảy ra với một runner mà tôi quen trong giải chạy Techcombank International Marathon Ho Chi Minh City 2020. Cảm giác này không mất đi sau 10km đầu, mà còn trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn khiến anh này phải dừng thi đấu. Có lẽ một phần do chán nản, nhưng anh cũng cho biết hông và đùi sau bên trái của anh cảm giác rất ù lì, nặng nề khiến chân anh không thể “bật” khỏi mặt đất được. Anh quyết định dừng lại để tránh chấn thương không đáng có.
Triệu chứng chân mất cảm giác & nguyên nhân
Khi chân bạn có biểu hiện mất cảm giác, tê cứng hoặc rệu rã, đây có thể là dấu hiệu cho những vấn đề sức khỏe đáng quan ngại. Bạn có thể đang gặp phải chấn thương, hoặc thiếu dinh dưỡng. Nếu bạn mặc kệ những dấu hiệu này và tiếp tục tập luyện, hậu quả sẽ khá nghiêm trọng và bạn có thể bị liệt trong trường hợp xấu nhất. Việc bạn cần làm đầu tiên là đi bác sĩ để có được sự chẩn đoán sớm và chính xác nhất.

Không giống như những chấn thương phổ biến như gãy xương, viêm gan cơ chân, việc tìm ra nguyên nhân cho triệu chứng chân mất cảm giác là khá khó khăn. HLV Ross Dexter của đại học Southern Oregon cho biết để chẩn đoán chỉnh xác chúng ta cần một “quá trình kiểm tra và thẩm định kĩ lưỡng và đa dạng”.
Chẩn đoán nguyên nhân cho triệu chứng này không chỉ dừng lại ở khía cạnh thể chất mà còn cần các bài kiểm tra về hệ thần kinh để có thể hiểu chính xác hơn về gốc rễ của triệu chứng, trong trường hợp chúng bị gây ra bởi “chấn thương cột sống hoặc dư chấn của những tai nạn trước đó”. Chính vì lí do này, hãy tìm đến những chuyên gia sức khỏe thể thao. Những chuyên viên không chỉ am hiểu hơn về triệu chứng này, mà còn có thể giới thiệu bạn đến kiểm tra với những bác sĩ chuyên ngành khi cần thiết.
Mất cảm giác ở chân có thể đến từ chấn thương lưng và cột sống như thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, triệu chứng này còn có thể đến từ chấn thương dây / đốt thần kinh. Đối với những nguyên do đến từ thần kinh, chúng ta cần biết chính xác vị trí tổn thương của các cơ quan thần kinh. Các biện pháp chụp CT hoặc MRI chỉ có thể cho chúng ta biết vị trí của chỗ sưng tấy, nhưng các vị trí này có thể bắt nguồn từ những thương tổn thần kinh ở một vị trí khác. Nói một cách khác, chỗ bị đau và nguồn cơn của cơn đau có thể là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Đối với chân, những tổn thương thần kinh có thể đến từ các bó cơ của từ phần gối trở xuống, phía sau gối, hoặc ở hông và mông. “Các cơn đau này thực chất có liên hệ với nhau”, Dexter cho biết. Các triệu chứng mất cảm giác thường bắt nguồn từ các nhóm cơ lõi (cơ co), cơ hông, bàn chân hoặc cổ chân.

Những việc cần làm khi chân mất cảm giác
Không có một giải pháp nào hoàn hảo cho triệu chứng chân mất cảm giác. Tuy nhiên, khi bạn gặp phải triệu chứng này, nên đảm bảo thực hiện các chỉ dẫn sau để có thể chẩn đoán và chữa trị hiệu quả:
Lắng nghe cơ thể
Việc đầu tiên chúng ta cần làm là lắng nghe cơ thể và nghiêm túc chấp nhận rằng cơ thể đang có những triệu chứng lạ thay vì phớt lờ chúng. Một cơn nhói ở hông sẽ có thể phát triển thành chấn thương nghiêm trọng nếu ta không chú ý. Ngay cả khi chúng ta bị tê bàn chân, hãy dừng lại, nghỉ ngơi và chườm đá thay vì cố gắng. Khi những giải pháp tạm thời như nghỉ ngơi và xoa bóp không hiệu quả, bạn nên đi gặp bác sĩ.
Chẩn đoán từ sớm
Là một chân chạy cũng như một bác sĩ thể chất đầy kinh nghiệm, Lara Thomas khuyên runner nên gặp bác sĩ và chẩn đoán ngay từ khi các triệu chứng chưa bộc phát rõ rệt. “Chúng ta nên chữa trị từ sớm và không nên đợi đến khi việc đã rồi”, Thomas cho biết. Ngoài ra, cô cũng khuyên chúng ta nên giảm cường độ luyện tập và nghỉ ngơi thay vì cố sức. Điều này tuy khó khăn đối với các runner ham tập luyện, nhưng chúng có cả đời để chạy và bạn không nên quá bốc đồng và ngồi một chỗ mãi mãi. Dani Espino, một runner kinh nghiêm đã phải bỏ tập một thời gian dài do vẫn cố gắng chạy khi bản thân bị thoát vị đĩa đệm. Sau một thời gian trị liệu và tập bổ trợ, Espino trở lại mạnh mẽ và cảm thấy tự tin vì bản thân đã quyết định dừng tập và theo chương trình điều trị bài bản.
Chọn phương pháp điều trị thích hợp
Mặc dù phương pháp điều trị nhiều vô số kể, bạn nên làm việc với bác sĩ và theo dõi xem phương pháp nào thích hợp nhất cho bản thân. Dexter cho biết mặc dù phương pháp nerve flossing (tạm dịch là kích thích dây thần kinh) khá hữu dụng, chúng ta vẫn nên xem hướng điều trị như thế nào là hợp lí thay vì đi theo số đông.
Một số phương pháp khác thường được sử dụng có thể kể đến xoa bóp, châm cứu, tiêm thuốc và thủy tách. Ngoài sự can thiệp của các phương pháp y tế, bạn không nên bỏ qua việc hồi phục với các động tác bổ trợ.
Trong những trường hợp quá đau, bạn có thể sử dụng phương pháp chườm hoặc ngâm đá. Hãy chườm 5 phút vào cột sống, nghỉ 15 phút và lặp lại 6 lần một ngày.

Kiên nhẫn & lạc quan
Dù chấn thương có nghiêm trọng đến đâu, kiên nhẫn và lạc quan là hai liều thuốc tinh thần quan trọng nhất cho quá trình hồi phục. Hãy sử dụng thời gian nghỉ ngơi để bắt đầu những thú tiêu khiển hoặc môn thể thao ít dư chấn khác, từ đó giúp tinh thần bạn thoải mái.
Trong quá trình chấn thương, thành tích của bạn sẽ chắc chắn bị ảnh hưởng. Để có một tư tưởng lạc quan và tăng sự tự tin, hãy ăn mừng với những tiến bộ dù chúng có nhỏ đến đâu. Bạn không nên so sánh thành tích của mình so với thời điểm trước chấn thương. Thay vào đó, hãy nhìn lại và xem mình đã tiến bộ ra sao so với ngày hôm qua hoặc tuần trước đó.
- Về tác giả
- Bài mới nhất

Nhân viên bán bột giặt, hạt nêm. Vận động viên phong trào chạy trail và triathlon ham vui. Thích ăn mì ramen và uống cà phê đen không đường.