Trong khi Nhật Bản ngày càng khẳng định vị thế ở điền kinh đường trường thì Việt Nam ngày càng đi xuống mặc cho sự ra đời của hàng loạt giải đấu với tiền thưởng lớn. Câu trả lời vấn đề này không hẳn là chuyện tiền đầu tư và điều kiện kinh tế…
Ngày Chủ Nhật 28/02/2021, các runner Nhật Bản đã lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu tại giải Marathon Biwa Mainichi. VĐV Kengo Suzuki, 25 tuổi, trở thành người runner Nhật Bản đầu tiên chạy Marathon với thành tích 2:04:56 và lên ngôi vô địch. Nhưng kỳ tích không dừng lại ở đó. Trong số 335 vận động viên về đích, có 5 VĐV phá vỡ mốc 2:07, 15 phá vỡ mốc 2:08, 28 phá vỡ mốc 2:09, 42 phá vỡ mốc 2:10 và có tới 174 phá vỡ mốc 2:20.
Để đối chiếu, chỉ có 21 VĐV Mỹ phá vỡ mốc 2:10 trong tất cả các cuộc thi marathon từ trước đến nay. Ở Việt Nam, KLQG cự ly Marathon hiện nay là…2:21:51 được lập bởi Nguyễn Chí Đông tại SEA Games 2003.
Vẫn biết Nhật Bản vốn là một nước có phong trào chạy bộ và Marathon rất mạnh do có lịch sử chạy bộ lâu đời và phong trào chạy bộ lớn mạnh, như đã đề cập trong bài Tại sao người Nhật chạy giỏi. Tuy nhiên sự tiến bộ vượt bậc này, nhất là với một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, lại có một thời gian các chỉ số chiều cao, cân nặng còn kém cả Việt Nam (hiện tại), khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ: Vì sao họ phát triển lớn mạnh như vậy và liệu chúng ta có học hỏi được gì không?
Thể thao trường đại học
Thể thao đại học luôn gắn liền với Marathon ở Nhật Bản. Giải chạy bộ nổi tiếng nhất Nhật Bản là giải chạy đồng đội Hakone Ekiden. Và trong giải đó, giới hâm mộ cũng đổ dồn sự chú ý vào cự ly Half Marathon. Cả 3 VĐV nắm giữ kỷ lục Marathon Nhật Bản, các VĐV đội tuyển Olympic Marathon hay các nhà vô địch giải Marathon gần đây nhất ở Nhật Bản đều từng lên bục tại giải Hakone khi còn là sinh viên.
Những VĐV vô địch giải Hakone trong quá khứ trở thành huấn luyện viên. Còn các cậu bé trầm trồ xem họ chạy hồi đó thì lớn lên với mong muốn được vinh danh trên cùng cung đường. Có tới 65 triệu người theo dõi giải Hakone hàng năm, bằng một nửa dân số Nhật Bản. Và những cậu bé đó lại được huấn luyện bởi chính những người đã thi đấu trên cung đường giải Hakone.
Hãy nhìn vào podium ở giải Biwa Mainichi. Người chiến thắng Fukuoka Yoshida 23 tuổi. Người về nhì là Hidekazu Hijikata với thành tích 2:06:26 cũng 23 tuổi. Vị trí thứ 3 là Kyohei Hosoya với thành tích 2:06:35, 25 tuổi. Đây là những chàng trai khi học cấp 3 đã xem Shitara và Osako quần thảo đường đua Hakone và mơ ước một ngày được thi đấu như vậy. Đó đã là thế hệ tiếp theo với niềm tin, sự tự tin và họ biết mình có thể làm được.

Phá bỏ quan niệm cũ “chạy nhiều”
Trong tập luyện thể tao đường trường, cách tiếp cận truyền thống vẫn là chạy nhiều, chạy dài ở ngưỡng thoải mái mỗi tuần (mileage cao) như phương pháp MAF. Cách tập luyện này vẫn được áp dụng trong các giáo án hiện nay. Tuy nhiên, gần đây có nhiều HLV của Nhật Bản mạnh dạn đưa ra các ý tưởng mới, tập trung nhiều hơn vào cường độ. Lấy ví dụ VĐV Yuya Yoshida, với thành tích 2:08:30 tại lần đầu tiên tham gia cự ly Marathon năm ngoái ở tuổi 22, và chiến thắng tại giải Fukuoka với thành tích 2:07:05 năm 23 tuổi.
Yoshida nhấn mạnh rằng anh ưu tiên việc nghỉ ngơi, hồi phục và nâng cao chất lượng bài tập hơn là quãng đường chạy. Các bài tập của Yoshida trong 3 tháng gồm:
- Phần lớn các bài tập luyện cho cự ly 5.000m và 10.000m (chạy nhanh)
- Chạy nhẹ 8 buổi trong 3 tháng (từ tháng 9 tới tháng 12), mỗi buổi với thời gian từ 2h tới 2h30 ở pace 3: 45 – 4:00 min/km.
- 4 buổi chạy 40km, và vài buổi ở cự ly 21-30km ở các pace khác nhau. Ví dụ, trong bài tập chạy 21km, anh ấy sẽ chạy 5 lần 3km ở pace 2:58min.km, kèm 1km ở pace chậm hơn (3:35min/km) và kế thúc với 1km ở pace 2:45. Bài tập này là dạng bài tập “Over Under” mà Coach Cao Hà của BoiDapChay Coaching sử dụng trong giáo án huấn luyện của mình. Còn ở bài tập 30km, anh ấy sẽ chạy 6x(3km ở pace 3:30-3:35 min/km kèm 2km ở pace 3:00 – 3:02 min/km).
Hết mình cho kỳ thi Olympic ở quê hương
Giới chức Nhật Bản đã mạnh tay chi tiền ngay khi Tokyo giành quyền đăng cai Olympic 2021, đáng chú ý nhất là Chương trình Exceed. Đây là chương trình tiền thưởng do liên đoàn tài trợ, với số tiền thưởng gần 1 triệu USD cho một kỷ lục quốc gia mới, gần 100.000 USD cho mốc 2:06 và 50.000 USD cho mốc 2:07. Các VĐV nữ cũng có cơ chế tiền thưởng tương đương. Các công ty cũng đầu tư nhiều hơn bao giờ hết, cả ngân sách lẫn định hướng đào tạo, vào chiến dịch chinh phục đội tuyển Olympic. Thậm chí, đội chạy của công ty Asahi Kasei còn lắp đặt phòng tập oxy loãng, áp suất thấp lớn nhất thế giới tại sân nhà của họ ở Nobeoka.
Thế là có một làn sóng các VĐV thành tích cao được sinh ra. Yuta Shitara đã thể hiện những gì có thể với kỷ lục quốc gia 2:06:11 ở Tokyo 2018, và Suguru Osako đã chứng minh đẳng cấp với kỷ lục 2:05:50 ở Chicago cùng năm. Trong số sáu giải đấu danh giá Abbott World Marathon Majors năm 2018, bốn giải đấu có sự góp mặt của các VĐV Nhật Bản. Thành tích chung cuộc bao gồm: HCB ở Tokyo, HCV ở Boston, hạng 4 ở Berlin (trong cuộc đua đã lập kỷ lục thế giới) và HCĐ ở Chicago.
So sánh với Việt Nam
Quay lại câu chuyện phong trào ở Việt Nam. Có lẽ nhiều người đọc đến đây sẽ nghĩ: “lại câu chuyện dùng tiền mua thành tích quen thuộc”. Tuy nhiên, thực tế liệu có sự khác biệt? 10-15 năm trước các VĐV chuyên nghiệp của chúng ta chỉ được đơn vị chủ quản đăng ký thi đấu các giải trong nước thuộc liên đoàn, với giải nhất là tấm huy chương bé xíu (rỉ sét sau vài năm) và vài triệu đồng tiền thưởng. Hiện nay với quy mô các giải Marathon và sự mạnh tay tài trợ của các doanh nghiệp, số tiền thưởng đã lên tới 50-60 triệu đồng cho các giải lớn. Và với sự bùng nổ các giải chạy như hiện nay, mỗi tháng các VĐV có cơ hôi “đánh một giải” Marathon, thu về cả chục triệu, trăm triệu tiền thưởng.
Tuy nhiên, thực tế là điền kinh đường trường của Việt Nam vẫn chưa ở đâu so với khu vực, đến nỗi chúng ta cũng không có nổi một gương mặt nam để tham dự SEA Games 2019. Các giải chạy trong nước đều chỉ có vài gương mặt như Hồng Lệ gần như không có đối thủ (theo đúng nghĩa đen vì chỉ có vài VĐV chuyên nghiệp tham gia). Vì vậy mặc dù giải thì nhiều nhưng độ cọ xát không sâu và tính chuyên môn không cao.
Nguyên nhân cũng một phần vì các đơn vị chủ quản còn chậm chạp trong việc thích nghi với thời đại mới, không cho các VĐV của mình quyền được đăng ký các giải ngoài hệ thống liên đoàn, mà chỉ thi đua thành tích ở các giải nội bộ dẫn đến lãng phí nguồn lực VĐV. Nhiều VĐV không có khả năng tranh chấp ở cự ly ngắn nhưng không được tạo điều kiện để đổi cự ly hay chuyển bộ môn là một ví dụ. Tuy nhiên, cũng có thể nguyên nhân là vì chưa có cơ chế chia tiền giải thưởng giữa VĐV, HLV và đơn vị chủ quản. Cũng dễ hiểu nếu đơn vị chủ quản không vừa ý khi bỏ tiền nuôi VĐV nhưng lại không được hưởng một phần tiền thưởng. Nhưng có nói thế nào, thực tế không phải là do chúng ta thiếu tiền (thậm chí là hơi thừa tiền và phí tiền). Với sự bùng nổ của phong trào chạy bộ như hiện nay, đây là thời cơ tốt nhất để phát hiện và đào tạo các VĐV có tố chất để chinh phục đấu trường khu vực và thế giới.
- Về tác giả
- Bài mới nhất
