Nếu bạn đang phân vân có nên chạy bộ bằng đôi chân trần trụi không cần hỗ trợ của giày dép, sau đây là chia sẻ của những runner có nhiều kinh nghiệm chạy chân không.

Barefoot Rick Roeber:

Có nhiều lý do tại sao tôi bắt đầu chạy chân không, và tại sao vẫn còn tiếp tục. Khi tôi bắt đầu tháng 10 năm 2003, tôi bị mê hoặc với cái ý tưởng rằng người ta có thể chạy bộ không mang giày. Tôi luôn muốn chạy chân không, vì thế điều này thu hút tôi ngay. Tôi tìm đọc các tài liệu về chạy bộ chân không và khám phá ra rằng những người chạy bộ chân không ít bị chấn thương hơn bởi vì cách đáp bàn thay cho đáp gót. Các hãng giày luôn làm cho phần đế rất dầy. Kết quả là khi đáp bằng gót sẽ dẫn đến vấn đề ở đầu gối và đôi chân. Từ khi tôi bắt đầu chạy vào tháng 10/2003, tôi chưa hề bị chấn thương đầu gối hay chân. Điều này đã không xảy ra khi tôi mang giày chạy. Tôi từng bị rạn xương chày ở đầu gối bên trái và đầu gối phải bị chạm nghe lách cách. Từ khi chạy chân không, tôi đã không thấy tái hiện các vấn đề có liên quan đến những chấn thương này.

Sau đây là những lý do tại sao tôi tiếp tục chạy chân không:

  1. Không bị chấn thương do chân tiếp đất đúng cách
  2. Cảm giác rất đã
  3. Không còn phải tốn tiền mua giày
  4. Lúc nào cũng có “giày” (chân không) bên mình
  5. Tạo thử thách mới khi chạy cự ly marathons (sau 18 lần chạy marathon mang giày, tôi muốn trò thử thách mới)
  6. Tôi tin chúng ta sinh ra (không có giày) để chạy

Ken Bob Saxton:

Khi tập chạy chân không – hoàn toàn không có hỗ trợ và lắng nghe bàn chân của bạn, đừng vội chạy nhiều hơn mức độ sẵn sàng của bàn chân. Đừng tạo căng thẳng hay sức ép lên đôi chân làm nó khó chịu hay đau đớn, ở bàn chân hay đôi chân nói chung. Đừng cố quá!

Chạy bộ phải được thoải mái và dễ chịu, nhất là khi chạy chân đất. Tránh những cử động hay áp lực dẫn đến đau đớn, khó chịu, hay tạo cho mình cái cảm giác làm việc cực nhọc. Nói một cách khác, hãy tự dạy cho mình cách chạy nhẹ nhàng, uyển chuyển, hiệu quả, và vui vẻ!

Ted McDonald:

Tổ tiên của chúng ta di chuyển trên địa cầu… và tìm ra lộ trình của họ hầu như khắp các xó xỉnh hẻo lánh của hành tinh này… với đôi chân đất hoặc đôi chân được che chở ở mức độ tối thiểu. Đôi chân từng là phương tiện giao thông chính của chúng ta, loài người, nó cho phép chúng ta đạt khát vọng thám hiểm, khám phá, hoàn thành và tìm lương thực. Thế mà đa số ngày nay xem đôi chân như là một bộ phận kém cỏi, không thích hợp ở thế giới bon chen, dễ ngã bệnh và yếu đuối, dễ bị chấn thương, cần phải được hỗ trợ và bao bọc, và số phận tổn thương của nó không thể tránh khỏi. Tại sao lại có những quan niệm như thế?

Câu hỏi hay đấy. Việc gì đã xảy ra? Cái gì làm cho chân của chúng ta bệnh hoạn? Chả nhẽ chúng ta đã thoái hóa thay vì tiến hóa? Có lẽ nào thủ phạm là đôi giày chúng ta mang?

Có thể cho là chúng ta là thế hệ runner đầu tiên tin vào cái giả thuyết rằng nhiều lớp nệm êm và nhiều hỗ trợ đồng nghĩa với chạy bộ an toàn và giảm chấn động. Chúng ta kết luận rằng mặt phẳng của thế giới hiện đại quá cứng, đòi hỏi đế giày được phủ lớp nệm dầy cộm để chống lại chấn động khi đáp chân, nhưng có đúng như vậy không?

Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng sự thật được các cuộc nghiên cứu khẳng định là bạn càng cố ngăn chận cái cảm giác va chạm ở đôi chân thì bạn càng tạo thêm va chạm lên cơ thể, bởi vì khi thay đổi cách di chuyển và tiếp đất khác hơn là phản ứng tự nhiên bạn đã vô hình chung làm thay đổi nhịp bước.

Tất cả các sợi thần kinh ở dưới bàn chân có mục đích của nó. Làm cho nó u mê mất đi cái cảm giác là ý tưởng tồi tệ… và sự u mê dường bắt nguồn một chuỗi sự cố cuối cùng dẫn đến các mô hình chuyển động mà tổ tiên nhiều năng lực của chúng ta không biết được… các mô hình dường như dẫn đến chuyển động không hiệu quả và chấn thương.

Khi bỏ giày ra, bạn cho cơ thể cơ hội sử dụng lại một số hệ thống vô cùng hữu ích đã được tích lũy sẵn, giúp bạn di chuyển theo cách mà không cần phải rung chuyển mạnh hay nện xuống đất bất kể độ cứng của địa hình. Một cách để di chuyển hiệu quả hơn là nắm bắt và thải ra năng lượng lưu trữ thông qua độ đàn hồi trong cơ thể: mũi chân bè ra, bàn chân có hình vòm, gân ở chân dưới, bắp chân, và cấu trúc – tất cả các vị trí đó thật lý tưởng để hấp thụ và hồi phục năng lượng của sự chuyển động, nhịp nhàng và hiệu quả, trong quá trình di chuyển.  Đây là một sự thông minh nguyên thủy được lưu truyền theo nòi giống của người Homo sapiens. Hệ thống nẩy bật được xây dựng sẵn trong cơ thể là một phản biện lại những tuyên truyền về những đôi giày gắn hệ thống nhún êm như nhung đang thu hút trí tưởng tượng của rất nhiều người.

Vậy thì điều gì sai ở đây?

Linh cảm của tôi là chúng ta đã được cắm phít … rồi tách ra … từ cơ thể của chúng ta, từ đôi chân của mình. Sự ngắt kết nối đó đã dẫn tới các hình thức đi đứng và chạy bộ theo phong cách độc đáo cho một thế hệ người chạy bộ … chúng ta là nhóm đầu tiên trong lịch sử của thế giới chạy đường dài với đôi giày đế cao có lót đệm. Tôi nghĩ rằng đây là một trường hợp mà cách chữa bệnh làm cho căn bệnh tồi tệ hơn, cái căn bệnh của bề mặt cứng và cơ thể mệt mỏi cố gắng tiếp tục di chuyển khi dáng chạy an toàn đã không còn, khi bàn chân và đôi chân biểu tình không muốn tiếp tục … trừ khi bạn có thể giảm nhẹ một chút, nghĩa là tự làm giảm đau chút đỉnh, thí dụ như ngăn chận cơn đau do đáp chân không được tốt, nhưng cứ làm như vậy mãi thì một khi nó trở thành thói quen, cuối cùng bạn sẽ bị thay đổi cơ bản trong dáng chạy … và theo tôi, sự tiến bộ của văn hóa chạy bộ bị chết tức tưởi.

Có cần phải có một kết thúc như vậy không?

Không. Học làm chủ được năng lực chạy bộ cơ bản của nhân loại, không cần giày, thật ra dễ dàng hơn là bạn nghĩ … và không cần mua gì hết. Đơn giản là chỉ cần tháo giày ra… và bắt đầu lắng nghe bàn chân của bạn, lắng nghe cơ thể bạn, di chuyển nhịp nhàng mà không cần các hỗ trợ cứng bao bọc bàn chân. Tập trung vào phát triển từng bước ở đôi chân của bạn … từng bước một, cho đôi chân cơ hội để cảm nhận thế giới và vươn lên từ tương tác với thế giới, học hỏi từ đó. Và trở thành một học trò của cơ thể của chính bạn và của sự di chuyển, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và lấy nguồn cảm hứng của người khác. Hãy khai phá những chuyển động hạnh phúc trong cơ thể của riêng bạn, của guồng máy độc ​​nhất mà bạn có. Ở thời đại hôm nay của thế hệ chúng ta, các nguồn thông tin có sẵn và đầy dẫy. Bạn chỉ cần hỏi Google là xong.

Mô hình mới là thay vì tập trung quá nhiều vào những đôi giày được thiết kế với đầy đủ chi tiết kỹ thuật,  chúng ta nên quan tâm hơn về cơ thể và đơn giản là trở thành con người của trời đất. Khi chạy chân không, bạn có nhiều gắn bó với cơ thể của mình hơn, cân bằng hơn, ý thức , chánh niệm và hiện hữu hơn. Những đặc điểm đó là những phẩm chất tốt cần có trong đời sống tinh thần của bạn.

Làm cho tâm trí và thể lực trở nên khỏe mạnh là một cách cực kỳ hiệu quả để trải nghiệm niềm hạnh phúc, và tất cả các nghiên cứu của tôi trong đề tài này giúp tôi cảm thấy tự tin rằng nếu bạn làm theo những hiểu biết này để có kết luận hợp lý, bạn cũng sẽ trở nên hạnh phúc, khỏe mạnh và tự do trong tư duy, thoải mái và hài lòng với những điều tuyệt vời mà đôi chân và cơ thể đã được thừa kế.

Bạn vừa đọc phần chia sẻ từ những cao thủ chạy chân không, được trích ra từ cuốn “The Barefoot Running Book” của Jason Robillard, Barefoot Running Press xuất bản ngày 15/8/2010. Còn sau đây là ý kiến từ những người bình thường đã và đang trải nghiệm chạy chân không…

Bruce Vu (Florida, USA)

Tôi chỉ đủ can đảm chạy chân không dọc bờ biển, nhưng nhiêu đó cũng đủ cho tôi trải nghiệm về sự khác biệt của chạy mang giày và chạy chân không.  Tôi phải công nhận là chạy chân không sẽ có cái cảm giác tự do, nhẹ nhàng, thánh thoát. Tôi thử chạy chân không với mục đích xác nhận cái giả thuyết cho rằng khi chạy bộ không có gì hỗ trợ thì dáng chạy sẽ được thích hợp để giảm nguy cơ chấn thương; cụ thể là khi bàn chân tiếp đất thì khó có thể đáp bằng gót được vì sẽ rất thốn, do đó bản năng tự nhiên của con người là rút ngắn sải chân lại và đáp ở phần giữa hay mũi bàn chân.

Có nhiều người phản biện lại và quả quyết là có nhiều người chạy chân không vẫn đáp bằng gót. Dĩ nhiên là có và có gì bảo đảm là cách họ đáp là thích hợp? Theo tôi thì những người này quá quen với việc chạy mang giày, nếu không chịu thay đổi dáng chạy mà cứ tiếp tục chạy chân không và đáp gót thì chấn thương sẽ đến với họ còn nhanh hơn là khi mang giày.

Các giả thuyết chỉ là tham khảo, bạn cần phải trải nghiệm chính mình để thấy sự khác biệt. Nếu có điều kiện, hãy tháo giày ra và chạy 5 đến 10 km bằng đôi chân trần trụi của mình, không cần chạy nhanh, chỉ chạy một cách tự nhiên, thoải mái và không bị đau đớn. Không lâu, bạn sẽ thấy rõ tự nhiên guồng chân (cadence) của mình được gia tăng, nhịp tim giảm thấp, những đau đớn (nếu có) tự nhiên biến mất, và bạn sẽ phải kinh ngạc với tốc độ của mình ngày càng tiến bộ. Dĩ nhiên là bạn không thể chạy chân không ở mọi địa hình, khi bắt buộc chạy phải mang giày nên tưởng tượng là mình đang chạy chân không và cố gắng duy trì dáng chạy đó.

Noodles (Saigon, Vietnam)

Có một điều khá thú vị là tôi chỉ biết đến những ích lợi của việc chạy chân không (barefoot) khi tôi đã quen với việc đó. Từ hồi bé tôi đã quen với việc đi chân không, với lũ nhóc chúng tôi hồi đó thì chân không là thuận tiện nhất cho việc leo trèo, chăn trâu, tát ao, bắt cá và tắm sông. Việc xỏ theo đôi dép râu nặng cả ki lo gram (dép cao su có đế làm từ vỏ xe ô tô) trong hoàn cảnh đó thực là bất tiện. Về sau này, dù được mang những đôi giày thiết kế chuyên để chạy bộ vừa nhẹ vừa êm tôi vẫn không thể thoát khỏi cái cảm giác vướng víu và nặng nề khi phải mang giày từ những năm thơ ấu.

Cách đây 15 năm khi tôi bắt đầu đi bộ và đá bóng đều ở sân vận động Quận 8 vào mỗi buổi chiều tôi cũng vẫn sử dụng giày, nói để các bạn hiểu thêm tôi thậm chí còn là một người “cuồng giày” khi mà mỗi môn thể thao tôi đều có ít nhất 3 đôi giày, tôi thường xuyên đá bóng, đánh cầu lông, chơi tennis và hiện giờ là chạy bộ.

Lý do khiến tôi trở thành một gã chạy bộ chân không cũng khá buồn cười, tôi ra rất nhiều mồ hôi và cho dù dùng loại tất và giày nào đi chăng nữa thì chỉ sau 5-7km chân tôi cũng ướt sũng nước, ngay sau đó là cảm giác bị tê chân, ngấm lạnh và căng cứng. Tôi đã thử mọi cách nhưng hầu như không có kết quả, cuối cùng tôi chọn giải pháp tự nhiên và thoải mái nhất là chạy chân không. Với tôi bây giờ đi chạy giày chả khác gì phải đeo khẩu trang khi chạy.

Tôi duy trì chạy chân không hoàn toàn khoảng hơn một năm nay, trong khoảng thời gian này tôi đã chạy cự ly marathon hơn 10 lần, ultramarathon hơn 5 lần với lần dài nhất là 70km, năm 2017 tôi chạy hơn 5000km với đôi chân không giày. Ơn trời tôi vẫn ổn và tiếp tục tiến bộ, thành tích của tôi thì không có gì đáng kể vì tôi chỉ chạy theo ý thích và không tham gia bất kỳ giải đấu nào. Một vài chia sẻ với những ai có ý định thử cho biết hay thực sự muốn chạy chân không nghiêm túc:

Hãy bắt đầu thật chậm, cả về động tác chạy, cự ly và tốc độ; không nhất thiết phải có dáng chuẩn ngay từ đầu, hãy cứ chạy theo cách mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, mọi thứ còn lại sẽ đến cùng thời gian. Để vượt qua sự ngượng ngập, cảm giác lo lắng sợ hãi khi bắt đầu chạy chân không bạn nên chọn những cung đường quen thuộc và an toàn, sân vận động có đường piste chất lượng là nơi lý tưởng để bắt đầu. Nhiều người chọn âm nhạc hoặc trò chuyện với bạn chạy để vượt qua gia đoạn khởi đầu khó khăn này, riêng tôi thì chọn pháp thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh bởi vì khi bạn chú tâm nghe pháp thoại bạn không còn bị áp lực về nhịp tim (HR) hay bước chạy (cadence) nữa, tất cả chỉ nhằm cho bạn quen với việc chạy trên đôi chân trần của mình. Khi bạn đã quen với cảm giác chạy không giày rồi thì các bước tiếp theo sẽ đơn giản hơn nhiều, các bài tập tempo, interval hay long run cũng không khác gì so với những người chạy giày. Khác biệt duy nhất là bạn không mất thời gian ngó nghiêng các shop giày onliine cũng như không cần nhìn trộm hiệu giày của anh bạn bên cạnh nữa.

Bất cập của việc chạy chân không là gì? Bạn nên chú ý đến bề mặt đường chạy, vỉa hè gạch con sâu hay lót đá (dù tự nhiên hay nhân tạo) có độ nảy cao thì chạy rất hăng và thành tích thường tốt hơn các mặt đường khác nhưng nếu chạy liên tục sẽ dẫn đến căng cơ và dễ đau khớp gối, gót chân; xen kẽ chạy trên bề mặt cứng với sân cỏ, sân đất hoặc cát là giải pháp an toàn và cũng làm cho những buổi chạy đỡ nhàm chán. Ở SG tôi thường luôn phiên chạy ở Dinh (đường lót đá) với Sala – PMH (đường nhựa) và sân Phú Thọ (đường đất – cát). Một bất lợi nữa là khi chạy chân không thường xuyên bạn sẽ không thể tránh được chai sần và bị nứt nẻ bàn chân, kinh nghiệm dưỡng chân của tôi là ngâm chân nước muối (ấm) bôi kem dưỡng da hoặc dầu dừa và thường xuyên đi giầy (trừ những lúc chạy).

Nếu có dịp hãy chạy cùng tôi, còn rất nhiều điều thú vị về chạy chân không mà tôi có thể chia sẻ với bạn. Chạy chân không không chỉ là một cách chạy mà còn là một lối sống!

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn