Nhiều vận động viên có sự nghiệp chạy bộ thành công như Michael Wardian hay Scott Jurek đều theo trường phái ăn chay. Và nếu bạn đang phân vân liệu có nên theo trường phái ăn chay hay không thì mới đây đã có thêm bằng chứng cho thấy việc loại bỏ thịt ra khỏi chế độ ăn hàng ngày có thể giúp cải thiện hiệu quả tập luyện, đặc biệt đối với những người chạy dài.
Theo một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Nutrients, khi áp dụng chế độ ăn chay các vận động viên sức bền đã cải thiện cả sức khỏe tim mạch và thời gian phục hồi. Ngoài ra, do chế độ ăn này cung cấp nhiều tinh bột hơn chế độ ăn nhiều thịt nên các vận động viên càng ít có khả năng “đụng tường – kiệt sức” trong quá trình tập luyện và thi đấu.
Các tác giả của nghiên cứu này xem xét dữ liệu từ 77 nghiên cứu trước đó và phát hiện ra rằng ăn chay là một yếu tố then chốt trong nhiều khía cạnh liên quan đến tập luyện và hiệu quả tập luyện và thi đấu, đặc biệt là việc duy trì sức khỏe tim mạch. Theo tiến sỹ James Loomis, đồng tác giả của nghiên cứu và giám đốc y tế của Trung tâm Y tế Barnard tại Washington DC, lý do là vì nhiều chất chống oxy hóa trong chế độ ăn này giúp giả thiểu tình trạng sưng viêm tích tụ dần trong cơ thể khi chúng ta thường xuyên đặt cơ thể vào trạng thái chịu áp lực trong quá trình chạy dài như marathon, và các cự ly siêu marathon.
Nói chuyện với Runner’’s World, tiến sỹ Loomis cho rằng “sưng viêm là tác nhân quan trọng nhất của nhiều bệnh mãn tính như bệnh tim vì đây là hiện tượng làm cho các động mạch mất chức năng hoạt động và làm tăng chất DLD (một loại cholesterol có hại trong cơ thể).
Bên cạnh việc giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, chế độ ăn chay còn giúp tăng tốc độ phục hồi.
Ông Loomis cho biết “một bài chạy dài hoặc một bài tập nặng có thể gây ra hiện tượng đau nhức cơ bắp trì hoãn (DOMS), và sự căng cứng của dây chằng và gân. Chế độ ăn nhiều thực phẩm chứa ô-xit nitric – như củ dền và các loại rau củ khác giúp tăng lưu thông máu và phục hồi nhanh hơn.”
Và do các loại ngũ cốc, thực vật họ đậu và các loại củ chứa nhiều tinh bột phức hợp (complex carb) nên việc áp dụng chế độ ăn trong đó những loại thực phẩm này đóng vai trò là nguồn cung cấp protein chính cũng sẽ đảm bảo cơ thể có đủ tinh bột để hoàn thành các bài chạy dài.
Ông Loomis cho rằng “khi tập luyện hoặc thi đấu các cự ly marathon và các cự ly dài hơn, chúng ta cần bổ sung tinh bột để đảm bảo kho dự trữ glycogen của cơ thể được nạp đầy.”
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng những người không thường xuyên chạy dài (theo tiến sỹ Loomis, là các cự ly dài hơn cự ly bán marathon) có thể không thu được tất cả những lợi ích nêu trên mà chế độ ăn chay mang lại.
Theo
giải thích của tiến sỹ Loomis, “các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những
người tập luyện nhiều nhất có nguy cơ mắc bệnh tim mạch giống như những người
tập luyện ít nhất”. Điều này là do việc chạy các cự ly dài hơn bán
marathon dù ở mức nỗ lực nào cũng làm tăng tích tụ hiện tượng sưng viêm như đã
nêu ở phần trên.
Hơn nữa, chẳng có lý do gì khiến chúng ta không thể nạp đủ các loại tinh bột
phức hợp từ chế độ ăn nhiều thịt khi chúng ta không thích chế độ ăn chay. Dù
nguồn cung cấp đạm của chúng ta là thực vật hay động vận, điều quan trọng là
phải đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Theo khuyến nghị của Viện Y học, chúng ta nên tiêu thụ tối thiểu 0,8 gram đạm
trên mỗi cân nặng của cơ thể để hỗ trợ quá trình phát triển và duy trì cơ. Tuy
nhiên, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những vận động viên chạy bộ tiêu thụ
lượng đạm nhiều hơn, tới mức 1,8 gram trên mỗi cân nặng của cơ thể – có thời
gian chạy 5km nhanh hơn những người nạp ít hơn 16 giây.
Dù sao đi nữa, ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch là thông tin có căn cứ khoa học chắc chắn bên cạnh những lợi ích khác mà chế độ ăn này mang lại giúp cải thiện hiệu quả tập luyện và thi đấu và tăng tốc độ phục hồi. Nhưng nếu bạn là người thích ăn thịt hoặc chuyên gia y tế khuyến cáo bạn không nên bỏ thịt ra khỏi chế độ ăn uống thì chẳng có lý do gì bạn phải áp dụng chế độ ăn chay. Dù ăn chay hay ăn kiêng, điều quan trọng là chế độ ăn đó phải phù hợp với cơ địa và thói quen sinh hoạt của mỗi người.
Xem thêm bài “Veganism” của tác giả Bruce Vũ để biết thêm chi tiết về các món ăn chay cho VĐV, hàm lượng dinh dưỡng v.v…
- Về tác giả
- Bài mới nhất
Đam mê chạy bộ và dịch thuật các tài liệu về chạy bộ