Bao lâu thì chúng ta nên thay giày chạy? Phần lớn các nguồn trên Internet thường khuyên runner nên thay giày sau một thời gian. Tuy nhiên, có những runner dường như chẳng bao giờ mua giày mới vì đôi họ đang mang mãi vẫn chưa hề hư hỏng.
Bài viết dưới đây sẽ cho biết những dấu hiệu của một đôi giày cần thay mới để đảm bảo bạn không bị chấn thương cũng như thành tích tập luyện và thi đấu không bị ảnh hưởng.
Vì sao chúng ta cần thay mới giày?
Một đôi giày tốt không chỉ bảo vệ bàn chân khi chạy, hạn chế rủi ro chấn thương mà còn góp phần đảm bảo hiệu suất chạy bộ. Khi bạn chạy với hiệu quả cao, bạn sẽ chạy được dài hơn, nhanh hơn và đỡ mất sức hơn.
Khi xem xét một đôi giày cần thay, chúng ta thường chỉ nhìn vào độ mòn của đế giày. Tuy nhiên, phần lớp đệm giữa (midsole) mới chính là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến dáng chạy cũng như rủi ro chấn thương của runner. Phần này được làm từ một lớp mút EVA dày giúp hấp thụ lực tác động. Các loại siêu giày hiện nay còn có lớp midsole dày gấp đôi bình thường (ví dụ lớp đệm Nike ZoomX dày cộp thường được thấy trên các đôi giày Nike Next %). Tuy mút EVA khá bền, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh được chúng sẽ dần mất tác dụng khi ta chạy nhiều. Lớp midsole của các đôi siêu giày còn nhanh hỏng hơn, dễ gây ra chấn thương hơn.
Đọc thêm: Nike Next % và Alphafly có thể làm tăng khả năng chấn thương?
Giày cũ mất dần khả năng giảm sốc
Một nghiên cứu của đại học Tulane đã phân tích sự giảm sút của khả năng giảm sốc ở giày. Nghiên cứu này sử dụng một máy chạy bộ nhân tạo để mô phỏng lực tác động lên hàng trăm đôi giày và so sánh khả năng giảm sốc của những đôi giày này với những đôi giày được VĐV mang.
Kết quả cho thấy hiệu quả giảm sốc từ những đôi giày mô phỏng giảm còn 75% sau 80km, còn 67% sau 241km và 60% sau 800km. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng không tìm thấy sự khác biệt đáng kể nào về độ hao mòn của đệm giày giữa các thương hiệu như Nike, Adidas hay Brooks, dù cho các thương hiệu này nổi tiếng tới đâu và có công nghệ đệm giày tối tân đến đấu đi chăng nữa.
Tuy nhiên, cũng nên mở ngoặc nói thêm là một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đứng đầu bởi Cook có vẻ phát hiện rằng việc mang luân phiên nhiều đôi giày khác nhau cũng không kéo dài đáng kể tuổi thọ của các đôi giày. Điều này trái với quan niệm thông thường.
Giày càng cũ càng gây nhiều bất lợi?
Theo các nghiên cứu khoa học trên, ta có thể thấy độ giảm sốc của giày sẽ giảm theo thời gian, đặc biệt là ở giai đoạn 100km đầu. Khi ta càng chạy, giày sẽ càng mòn, mỏng và cứng hơn so với cảm giác mềm mại khi vừa mang vào ở cửa hiệu.
Tìm hiểu sâu hơn, các nhà khoa học cũng thấy rằng cơ thể chúng ta sẽ tự động thích nghi với một đôi giày mòn và cứng bằng cách thả lỏng các bó cơ để bù trừ cho sự sụt giảm về khả năng giảm sốc của đôi giày. Do đó với một số người, việc đi giày quá cũ cũng không nhất thiết dẫn tới chấn thương.
Tuy nhiên, có lẽ cũng cần lưu ý là để có khả năng thích nghi với đôi giày vừa mòn vừa cứng thì cũng có nghĩa runner đó đã có một quá trình tập luyện và có sẵn một cơ thể cường tráng. Vậy đối với các runner mới thì sao?
Với lập luận trên, chúng ta cũng có thể suy nghĩ rằng những runner mới có nguy cơ chấn thương do giày quá cũ cao hơn những runner gạo cội. Những runner mới thường có các bó cơ không khỏe, và khả năng thích nghi với sự sụt giảm khả năng giảm sốc của giày cũng thấp hơn. Thông thường, các chấn thương do giày cũ gây ra thường tập trung ở phần ống đồng (shin splint), bắp chân, đôi khi là bàn chân (chấn thương gan cân chân – plantar fasciitis) hoặc một vài trường hợp hiếm ở đầu gối. Ống đồng hay bắp chân đều là những vị trí chịu áp lực trực tiếp khi giày mất khả năng giảm sốc và chân vẫn cứng, chưa thích nghi kịp dẫn tới áp lực lên các bó cơ.

Kết: Bao lâu chúng ta nên thay giày?
600-800km vẫn là mốc quãng đường khá tốt để bạn quyết định thay giày. Tuy nhiên bạn không nên đổi qua sử dụng giày mới chỉ vì bạn thích cảm giác mang giày mới. Một đôi giày tốt là khi bạn đã mang chúng được khoảng 150-300km vì đây là giai đoạn mà chân bạn đã thích nghi với giày, và độ giảm sốc của giày cũng đã không còn suy giảm nhiều nữa.
Ngoài ra, có vẻ là việc hoán đổi các đôi giày không mang lại lợi ích kéo dài tuổi tho như chúng ta mong đợi. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc làm này giúp chân chúng ta làm quen với các lớp đệm khác nhau, với bề mặt khác nhau nên cũng có lợi ích to lớn trong việc giúp chân khỏe hơn, thích nghi tốt hơn và tránh chấn thương dễ hơn. Và biết đâu điều đó cũng giúp kéo dài tuổi thọ giày một chút. Biết đâu đấy, cứ thử có mất gì đâu?
Điều quan trọng cuối cùng là khi chọn giày, bạn hãy lắng nghe bản thân. Hãy chọn một đôi giày mà bạn cảm thấy thoải mái thay vì quyết định dựa vào những lời review trên mạng hoặc sự chào mời của nhân viên bán giày. Hãy nhớ rằng bạn là người mang giày để chạy chứ không phải là một ai khác!
- Về tác giả
- Bài mới nhất

Nhân viên bán bột giặt, hạt nêm. Vận động viên phong trào chạy trail và triathlon ham vui. Thích ăn mì ramen và uống cà phê đen không đường.