Garmin Enduro là dòng đồng hồ chạy trail mới nhất của Garmin, được bán ở các thị trường Mỹ-Châu Âu từ tháng 2 năm 2021 và ra mắt ở Việt Nam ngày 11 tháng 4 năm 2021. Nói là dòng đồng hồ chạy trail vì Enduro được thiết kế với một mục đích duy nhất: thời lượng pin “khủng”. Enduro có thời gian hoạt động liên tục 80 giờ (ở chế độ GPS bình thường) và có thể lên tới 300 giờ (ở chế độ GPS tiết kiệm). Để so sánh, dòng đồng hồ cũ Garmin Fenix 6X Solar (sử dụng năng lượng mặt trời) cũng chỉ đạt tới 66 giờ, còn COROS Vertix thì vào khoảng 60 giờ ở chế độ GPS thường.

Để đạt được thời lượng pin khủng như vậy, Enduro được thiết kế với công nghệ năng lượng mặt trời, đồng thời cũng được trang bị loại pin thế hệ mới nhất. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Enduro không có cải tiến ở các tính năng khác. Chúng ta hãy cùng điểm qua các tính năng và trải nghiệm Garmin Enduro dưới đây.

Đập hộp và thiết kế

Hộp Garmin Enduro bao gồm đồng hồ Garmin Enduro, dây sạc USB (cùng đầu sạc tiêu chuẩn của các dòng đồng hồ Garmin) và một cuốn sổ tay hướng dẫn sử dụng. Điểm khác biệt có thể thấy rõ trong phiên bản Garmin Enduro là dây đeo đồng hồ bằng nylon (gọi là Gray UltraFit Nylon Strap) thay vì chất liệu silicon truyền thống.

Ảnh: Hộp Garmin Enduro bao gồm đồng hồ, dây sạc và sách hướng dẫn. Hình trên: Garmin Enduro và Garmin 245 đeo cạnh nhau để so sánh kích thước

Dòng sản phẩm Garmin Enduro bán ở Việt Nam là phiên bản màu bạc bằng chất liệu thép không gỉ. Phiên bản này có trọng lượng 71gr, nhẹ hơn so với dòng Garmin Fenix 6 (khoảng 83-96gr tùy phiên bản). Nói vài chục gram có vẻ không đáng kể, nhưng khi đeo lên tay chúng ta sẽ cảm thấy sự khác biệt.

Ảnh: DCRainmaker

Ngoài ra còn một đặc điểm nữa cần được nhắc tới là độ dày của Garmin Enduro. Hình dưới so sánh Garmin Enduro và Garmin Fenix 6X Pro Solar. Có thể thấy hai loại đồng hồ khá tương đồng về kiểu dáng và độ dày. Như vậy có thể nói chúng ta bỏ tiền ra mua Enduro để đổi lấy trọng lượng nhẹ hơn và thời gian pin lâu hơn.

Ảnh: DCRainmaker

Thời lượng pin

Thời lượng pin luôn là chủ đề được bàn tán nhiều nhất, không hẳn vì “chín người mười ý” (mỗi người thử pin bằng một phương pháp khác nhau) mà còn vì với phong trào chạy trail ngày càng đi lên, một chiếc đồng hồ có pin đủ dùng cho cự ly 100km hay thậm chí “chăm mai” (100 miles – 160km) là một nhu cầu rất thiết yếu của runner.

Dưới đây là bảng so sánh thời lượng pin của Enduro ở các chế độ khác nhau và với các dòng đồng hồ khác.

Enduro được nâng cấp khả năng dùng năng lượng mặt trời từ dòng đồng hồ Fenix Solar trước đo. Enduro sử dụng công nghệ Power Glass để lấy năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Công nghệ này được đặt ở hai vị trí: vòng tròn màu tím trên mặt đồng hồ (hình dưới) và lớp cảm biến đặt dướt mặt kính đồng hồ.

Ảnh: BoiDapChay

Hiện nay có nhiều phần mềm có khả năng tính toán được số lượng pin sử dụng trong một buổi chạy. Tôi sử dụng phần mềm DC Rainmaker Analyzer để tính số % pin bị hao mỗi giờ (gọi là “burn rate”). Trong hình dưới, tôi so sánh lượng pin sử dụng giữa Garmin Enduro và Garmin 945 mà tôi hay dùng. Kết quả cho thấy, Enduro đốt khoảng 1.71% pin/h (tương đương khoảng 60 giờ chạy liên tục) ở chế độ cao nhất (GPS+Glonass kèm cảm biến tim), còn Garmin 945 đốt khoảng 2.86%, nghĩa là tốn pin hơn Enduro khoảng 68%.

Cần nói thêm là việc đo lượng hao pin này không hoàn toàn chính xác vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: lượng pin hiện tại (nếu sạc đầy thì lượng pin hao mòn cũng thấp hơn so với khi chỉ còn nửa pin), thời gian sử dụng (đồng hồ Enduro trải nghiệm trong bài viết này là hàng cũ đã qua sử dụng nên thời lượng pin sẽ thấp hơn hàng mới), thời điểm sử dụng (sáng hay tối – điều quan trọng khi dùng chế độ Solar) v.v… Tuy nhiên, nhìn chung thời lượng pin Enduro có thể nói đủ dùng cho gần như toàn bộ các hoạt động thể thao ngoài trời, kể cả Ultra Trail du Mont Blanc (UTMB – giải đấu nổi tiếng của giới chạy trail với thời gian cut-off 46.5 giờ).

Cảm biến nhịp tim

Tương tự các dòng đồng hồ mới nhất hiện nay, Enduro được trang bị cảm biến nhịp tim mới có tên gọi Garmin ELEVATE v3. Đây cũng là cảm biến được trang lần đầu tiên trên dòng sản phẩm “quý tộc” Garmin MARQ (có giá cả trăm triệu đồng).

Đặc điểm khá dễ nhận biết của cảm biến nhịp tim ELEVATE này là bốn dải cảm biến ở mặt sau của đồng hồ, trong đó có hai dải phát tia sáng xanh, một dải phát tia sáng đỏ. Dải phát tia sáng xanh có chức năng đo nhịp tim, trong khi dải màu đó có chức năng đo độ bão hoà của oxy trong máu (SPo2).

Dưới đây là một bài thử nghiệm cảm biến nhịp tim: chạy trong sân vận động ở pace vừa phải, nhanh dần về cuối. Đường màu xám là pace, màu đỏ là nhịp tim. Nhìn qua bằng mắt thường có thể thấy nhịp tim phản ánh khá đúng sự thay đổi pace: ở phút thứ 20, khi đột ngột tăng pace, nhịp tim cũng tăng theo và giảm khi chạy chậm một chút ở phút thứ 35 (vị trí khoanh tròn hình dưới).

Tính năng sức khỏe

Garmin Enduro có thiết kế tương tự với các dòng đồng hồ khác của Garmin, bao gồm một hệ sinh thái ứng dụng thông qua chỉ số nhịp tim:

  • Đo nhịp tim khi nghỉ ngơi (ngủ), nhịp tim khi hoạt động
  • Đo mức độ stress của cơ thể
  • Đo giấc ngủ sâu (REM sleep), giấc ngủ nông và toàn bộ thời gian ngủ
  • Và còn nhiều chỉ số khác

Các chỉ số này được tập hợp trên một app điện thoại duy nhất là Garmin Connect. Với các chỉ số này, bạn sẽ có một bức tranh tổng thể về chỉ số sức khỏe của mình, kèm những lời khuyên của Garmin để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.

Dưới đây là một ví dụ về mức stress trong một ngày HLV của BoiDapChay tổ chức trại tập huấn triathlon BoiDapChay Training Camp Đà Nẵng: dậy từ 4h sáng, và luôn ở trong trạng thái stress để đảm bảo công việc diễn ra suôn sẻ tới khi kết thúc camp lúc 16h và lên giường đi ngủ lúc 20h.

Tính năng thể thao

Về tính năng thể thao, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về các tính năng chạy trail mới (vì dù sao đây cũng là loại đồng hồ đặc biệt hiệu quả cho dân trail), đó là ClimbPro 2.0. Với tính năng này, runner chỉ cần tải bản đồ của một cuộc thi nào đó vào đồng hồ, Enduro sẽ tự động phát hiện những đoạn leo dốc và hiển thị các thông số về đoạn dốc bao gồm: độ dài, độ cao, độ dốc. Không những vậy, phiên bản ClimbPro 2.0 còn có tính năng phát hiện những đoạn xuống dốc kèm các chỉ số tương tự như leo dốc. Đây là một tính năng không có ở phiên bản trước.

Và như thường lệ, chúng ta sẽ kiểm tra khả năng đo quãng đường bằng GPS của Garmin Enduro. Dù sao đây cũng là tính năng quan trọng nhất của đồng hồ đối với một runner. Hình dưới so sánh tín hiệu GPS của Enduro và Garmin 245 trên cùng một địa điểm. Có thể thấy đường GPS của Enduro và Garmin 245 đều đi chuẩn theo đường chạy (ngoại trừ một chỗ bị lệch nhỏ trên Garmin Enduro). Khu vực quận 7 này là nơi thoáng đãng, dễ bắt sóng GPS nên tín hiệu cũng tốt.

Nhưng như đã đề cập trong bài viết Đánh giá Garmin Forerunner 245, thực ra các dòng đồng hồ mới hiện nay bao gồm đồng hồ Garmin hay Cronos, Suunto, Polar đều sử dụng chip GPS mới của Sony có tên là Sony GNSS/GPS. GPS mới của Sony được cho rằng sử dụng ít năng lượng hơn (tốn ít pin hơn) và có thể bắt tín hiệu cùng lúc tín hiệu vệ tinh GPS (mạng lưới vệ tinh của Mỹ), Galileo (mạng lưới của Châu Âu) và Glonass (mạng lưới của Nga). Vì vậy, cơ bản mà nói, khả năng bắt tín hiệu GPS của các loại đồng hồ là ngang nhau. Nếu người dùng thấy sự khác biệt về việc bắt sóng GPS tại cùng một địa điểm, thì nguyên nhân có thể do firmware giúp bắt sóng nhanh hơn, thuật toán nội suy làm mịn đồ thị GPS tạo cảm giác chính xác hơn…

So sánh tính năng

Tổng kết

Ưu điểm nổi bật nhất của Garmin Enduro là thời lượng pin khủng khiếp, có thể đáp ứng bất kỳ cuộc thi nào (nếu có cuộc thi nào kéo dài hơn 70 giờ đồng hồ liên tục thì chắc runner sẽ ‘ngỏm’ trước đồng hồ mất). Tuy nhiên, đó cũng là ưu điểm…duy nhât của Enduro. Các tính năng còn lại không khác mấy trên các dòng đồng hồ khác (ClimbPro 2.0 cũng được trang bị trong phiên bản firmware mới nhất cho dòng đồng hồ Garmin Fenix 6X). Vì vậy có thể khẳng định Enduro phù hợp cho những runner thích chinh phục những cuộc thi ultra trail ‘điên rồ’ vừa dài vừa lâu như chạy 100 dặm (160km) hay Barkley Marathon (cut-off trong 60 giờ). Tuy nhiên, tôi cũng biết nhiều vận động viên triathlon sử dụng dòng sản phẩm Garmin Fenix cho bơi, đạp, chạy. Enduro lại nhẹ hơn Garmin Fenix nên có lẽ sản phẩm này cũng phù hợp cho những ai muốn tham gia Ironman 70.3 Vietnam vào tháng 5 và đi lên Sapa chạy giải Vietnam Mountain Marathon vào tháng 9.

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn