Theo ý kiến từ các chuyên gia, VĐV luôn phải đối mặt với những cơn đau, dù chúng chỉ thoáng qua hay dai dẳng. Đôi khi ranh giới giữa cơn đau và chấn thương rất mong manh. Nhiều khi cơn đau không hẳn do chấn thương và quyết định của chúng ta ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả cuối cùng.

Morten Høgh, một chuyên viên thể chất đồng thời là nhà nghiên cứu về cơn đau từ Đan Mạch cùng với nhiều cộng sự quốc tế của ông đưa ra quan điểm: từ góc nhìn điều trị, cơn đau và chấn thương là hai thực thể khác nhau. Khi chúng ta chẩn đoán sai và đánh đồng cơn đau với chấn thương, điều này tạo ra những sự lo lắng cũng như khiến ta thay đổi phương thức vận động cơ thể, và hệ quả có thể đi theo chiều hướng xấu hơn ban đầu.

Để có thể hiểu rõ hơn về phạm trù của đau đớn và chấn thương, cách tốt nhất là bắt đầu câu chuyện bằng những định nghĩa. Một chấn thương thể thao có nghĩa là cơ thể của chúng ta đang gặp phải những vấn đề sinh lí nào đó mà chúng ta có thể thấy được qua những triệu chứng như sưng tấy. Nếu bạn bị đứt dây chằng gối trước, bạn chắc chắn sẽ bị chấn thương. Tuy nhiên, đôi khi những dấu hiệu mà chúng ta thấy được gần giống với chấn thương chứ không thực sự đồng nghĩa với những vấn đề đích thực. Khi bạn nhìn vào hình chụp x-quang của một runner trung niên đang gặp phải chứng đau gối, bạn có thể thấy được sự suy thoái sụn ở cả gối bị đau và bên gối bình thường. Đây là một hệ quả thường thấy của tuổi tác, nhưng chúng không giúp ta giải thích được vì sao một bên gối lại bị đau.

Đau đớn, từ góc nhìn khoa học, có nghĩa là một cảm giác khó chịu và trải nghiệm tâm lí có quan hệ, hoặc gần như có quan hệ, với những thương tổn thể chất. Cơn đau cho ta cảm giác như một thứ gì đó trong cơ thể chúng ta đang gặp phải vấn đề sinh lí. Tuy nhiên, đau đớn là một cảm giác chủ quan, và chúng có thể tồn tại ngay cả khi không có một vấn đề sinh lí nào trong cơ thể bạn. Một trong những ví dụ thường thấy là hội chứng đau bánh chè – đùi (PFPS – Patellofemoral pain), khi mà runners cảm thấy đau nhưng chúng ta không chẩn đoán được chính xác nguồn gốc của cơn đau.

Nghiên cứu của Høgh đưa ra những luận điểm quan trọng sau đây về sự khác biệt giữa chấn thương và cơn đau gây ra trong quá trình tập luyện thể thao:

  • Cảm giác đau đớn chịu nhiều ảnh hưởng từ quá trình trưởng thành, kì vọng, đức tin cũng như tâm lí của con người. Tuy nhiên, chấn thương lại không như vậy. Một bài viết đăng trên New York Times đã đưa ra bằng chứng về sự ảnh hưởng của ngôn từ (ví dụ như bỏng rát hoặc buốt thấu) đến cường độ của cơn đau. Một trong những ví dụ điển hình được trích trong bài báo là trường hợp của một VĐV phải trở về quê nhà Nepal để điều trị chấn thương vì không ai ở Úc hiểu được định nghĩa của từ “kat-kat”, vốn được sử dụng để miêu tả một cảm giác đau đớn buốt lạnh.
  • Chấn thương là một phạm trù khách quan, trong khi đó cơn đau là chủ quan. Tuy nhiên, một quá trình phân tích chủ quan dành cho cơn đau (bao gồm việc đánh giá cường độ từ nhẹ đến nặng trên một thang điểm) có thể mang lại nhiều thông tin hữu ích. Đây cũng chính là lí do vì sao chúng ta biết được sự mệt mỏi, thay vì cơn đau, chính là nguyên nhân khiến các VĐV bỏ cuộc trong các bài kiểm tra đạp xe sức bền.
  • Quá trình tiên lượng chấn thương tùy thuộc vào bộ phận của cơ thể chịu ảnh hưởng: một chấn thương cơ bắp thường sẽ mau lành hơn chấn thương đĩa đệm cột sống, vốn dĩ thường cải thiện trong nhiều giai đoạn khác nhau. Cảm giác đau đớn đến và đi không theo bất cứ quy luật nào. Cường độ của cơn đau cũng không phụ thuộc nhiều vào quá trình hồi phục.
  • Một quá trình hồi phục căn bản bao gồm việc tăng cường tải trọng lên các mô bị tổn thương cho đến khi chúng lành hẳn và ta có thể tập luyện trở lại. Trong khi đó, đối với những cơn đau trong quá trình chơi thể thao, việc điều trị tập trung vào việc cải thiện khả năng chống chịu cơn đau của VĐV thông qua quản lí cảm xúc cũng như tư tưởng. Quá trình này không đơn giản như điều trị chấn thương khi mà bạn chỉ cần tăng cường độ tập luyện lên dần dần.

Có một số kinh nghiệm cá nhân của tôi để thấy sự khác biệt giữa cơn đau do mỏi và cơn đau do chấn thương:

  • Chấn thương thường mang lại cảm giác đau buốt, nhói. Nhưng đau đớn do tập luyện thường gần giống cảm giác mỏi mệt, chân tay nặng như chì.
  • Tuyệt đối tránh suy nghĩ “chạy một lúc không thấy đau nữa nên chắc không phải là chấn thương”. Đây là một suy nghĩ sai lầm. Thực ra, đây là hiện tượng chấn thương khá phổ biến. Bạn mất cảm giác đau sau 10-15 phút chạy nhiều khả năng do chân bạn đã bị tê (do chạy) nên không cảm giác đau đớn nữa.
  • Ngược lại, đau mỏi do luyện tập thường bám theo dai dẳng trong cả buổi tập. Đó là lời nhắc nhở bạn nên nghỉ ngơi để hồi sức.
  • Nếu bạn sử dụng giày một thời gian dài không thay và cảm thấy bị đau, nhiều khả năng bạn bị chấn thương. Xem thêm: Bao lâu nên thay giày chạy.
  • Nếu bạn thường xuyên sử dụng các siêu giày như Alphafly, Nike Next %, Nike Fly Zoom trong khi tập luyện và cảm giác bị đau, nhiều khả năng bạn bị chấn thương. Xem thêm: Nike Next % và Alphafly làm tăng khả năng chấn thương?

Một công trình nghiên cứu khác của bác sĩ Daniel Friedman và cộng sự ở Úc cũng đưa ra nhiều cảnh báo khi ta chẩn đoán sai lầm các cơn đau. Cùng một cơn đau nhưng chấn thương “rách sụn gối” và “sưng sụn gối” sẽ khiến bệnh nhân quyết định tiến hành mổ nội soi khớp, dù đây không phải là cách tốt nhất để chữa trị chấn thương này. Friedman cũng cho biết một hệ lụy nghiêm trọng hơn nữa của việc sử dụng thuật ngữ chẩn đoán không chính xác là việc chúng tạo ra nỗi sợ và vấn đề tâm lí không đáng có cho VĐV.

Tóm lại, tuy cơn đau và chấn thương có quan hệ mật thiết với nhau, chúng ta nên cẩn thận trong tránh trường hợp “chuyện bé xé ra to” để không phải gánh chịu những hậu quả không đáng có về mặt tâm sinh lí. Đối với những bệnh nhân với chứng đau gân Asin mãn tính, thường không có một mối quan hệ chặt chẽ nào giữa tình trạng của gân Asin và cường độ đau đớn. Do đó, thay vì chờ đợi hồi phục hoàn toàn, chúng ta nên tập trung vào việc kiểm soát cơn đau để có thể quay lại luyện tập. Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi suy nghĩ rằng “cơn đau cũng chỉ là cơn đau, không hơn không kém”, Høgh chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn