Theo một số nghiên cứu, những người đến với chạy bộ muộn thường có xu hướng chạy nhanh hơn khi về già

Trong cuốn sách Lore of Running nổi tiếng (vì số trang và chi tiết của cả tỉ thứ liên quan tới chạy bộ), tác giả Tim Noakes đã đưa ra một quan sát thú vị rằng hầu hết những vận động viên giỏi nhất của nhóm tuổi “lão làng” (hay còn gọi là Master – từ 45 tuổi trở lên), đều là những người đến với chạy bộ muộn. Họ thường là những người bắt đầu chạy khi đã ở cuối độ tuổi 2x và đầu 3x. Không cần tìm kiếm đâu xa, ở Việt Nam cũng có những câu chuyện như vậy. Điển hình là trong giải chạy 10km Viettel Fastest diễn ra năm 2020, trong khi các khán giả mải mê theo dõi thành tích các tuyển thủ điền kinh quốc gia như Lê Trung Đức, Phạm Tiến Sản, Hà Văn Nhật hay các chân chạy phong trào nổi tiếng như Cao Ngọc Hà, Nguyễn Tiến Hùng thì nếu để ý kỹ sẽ thấy có một runner ít tiếng tăm hơn lọt vào top 10. Đó là Nguyễn Đông Định, về đích với thời gian 35:59. Đây là một thành tích rất tuyệt vời, nhưng có lẽ chúng ta còn ngạc nhiên hơn nữa nếu biết rằng vận động viên này đã bước sang tuổi…42.

Do bắt đầu muộn nên cơ chân vẫn còn “mới”, giúp runner chạy tốt hơn khi về già

Tim Noakes suy đoán rằng việc tập luyện ở cường độ cao trong một thời gian dài có thể làm các bó cơ và các sợi gân mất đi độ đàn hồi. Sau khi đến một giai đoạn thoái hóa nhất định, chân không còn có thể thu nhận và tái sử dụng nhiều “năng lượng tự do (free energy)” từ tác động của mặt đất và do đó, khả năng chạy bộ bị giảm sút. Điều đó giải thích vì sao nếu bạn bắt đầu chạy khi 30 tuổi thì nhiều khả năng sẽ dẻo dai hơn khi bước vào tuổi 40, thay vì việc bạn bắt đầu chạy khi 15-20 tuổi.

Một nghiên cứu được thực hiện chỉ vào năm 2010 bởi các đồng nghiệp của Noakes tại đại học Cape Town, Nam Phi, cung cấp một số cái nhìn chuyên sâu về bản chất của hiện tượng này. Các nhà khoa học thường đo chiều dài các sợi DNA trong tế bào để đánh giá tuổi sinh học. Lý do là vì thời gian và sự căng thẳng khiến DNA chúng ta dần dần ngắn lại. Họ nhận thấy, trong nhóm những runner có tuổi trung bình 42 tuổi, các sợi DNA “trẻ” hơn nếu họ có khối lượng tập ít hơn.

Nhưng điều đó không có nghĩa là nên tập ít đi

Từ thí nghiệm trên, nếu chúng ta suy luận rằng: “những vận động viên tranh tài chạy bộ nên hạn chế mileage của họ cho việc chạy tốt hơn khi về già” thì có vẻ thật hoang đường. Bởi vì nếu làm như vậy chắc chắn sẽ làm khả năng tranh chấp hiện tại của họ kém đi.

Ngoài ra, thí nghiệm trên cũng không có nghĩa là mileage cao là một điều không tốt. Nhìn chung, việc chạy mileage cao có tác dụng tốt, và thậm chí nó còn rất cần thiết để tối ưu hóa màn trình diễn tại các cuộc đua. Tất cả sự rèn luyện đều có mặt tích cực và tiêu cực ảnh hưởng đến sinh lý cơ thể chúng ta. Quan trọng là chúng ta cân bằng được chúng. Việc chạy mileage cao dường như tạo ra được một sự cân bằng rất tích cực về khả năng thích ứng của cơ thể trong các cuộc thi dài hơi như marathon.

Có lẽ, kết luận hợp lý và công bằng nhất đó là: không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tập chạy. Và việc chạy nhiều là cần thiết nếu bạn muốn chinh phục những cự ly dài như Bán Marathon hay Marathon. Nhưng đến một thời điểm nào đó, các tác động tích cực của việc chạy nhiều sẽ giảm đi trong khi các ảnh hưởng tiêu cực dần dần tích tụ, và đó có thể là lý do tại sao những vận động viên chạy bộ chuyên nghiệp thường đi xuống sau tuổi 45. Đối với runner bình thường, chúng ta cũng nên lắng nghe cơ thể, xem xét một cách nghiêm túc việc tiếp tục chạy thật nhiều, hay chấp nhận giảm khối lượng nhưng thêm bổ trợ từ các môn thể thao khác như bơi lội, đạp xe hay tập gym (để tăng mật độ cơ khi cơ thể bắt đầu lão hóa).

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn