Trong phần 1 tôi đã đề cập tới việc đi lại ăn ở cho giải Ironman Subic dựa trên kinh nghiệm tham gia giải năm 2017. Trong bài này, tôi xin nói cụ thể hơn về các phần thi bơi, đạp, chạy. Cần nói thêm rằng năm 2017 tôi chỉ thi quãng đường 70.3 vì lúc đó chưa có giải Ironman Subic 140.6. Tuy nhiên quãng đường 140.6 của giải Ironman Subic thực chất cũng chỉ là quãng đường 70.3 nhân đôi và khá giống với năm tôi thi. Vì vậy tôi vẫn có thể bảo đảm thông tin đưa ra chính xác và hy vọng sẽ hữu dụng cho các bạn.

Phần bơi

Không giống như ở giải Ironman 70.3 Vietnam, đường bơi của Subic theo chiều ngược chiều kim đồng hồ và phần lớn không có dây phao dẫn đường. Như vậy các VĐV sẽ phải chú ý sighting nhiều hơn.

Như đã nói trong phần trước, Subic là cảng nước sâu được hải quân Mỹ dùng làm quân cảng cho đến năm 1995. Vì vậy nước ở đây khá sâu, sau khi chạy từ bãi biển xuống vài bước là bạn có thể bắt đầu bơi được, không cần dolphin dive màu mè. Ở đây có vẻ cũng không có sóng ngầm hay sóng lớn đánh bay mũ và kính như ở Đà Nẵng năm nay. Nói chúng biển khá êm và lý tưởng để bơi.

Các VĐV cự ly 70.3 sẽ bơi một vòng, trong khi các VĐV cự ly full sẽ bơi 2 vòng. Sau vòng thứ nhất, các VĐV sẽ lên bờ chạy một đoạn ngắn trên bãi biển và nhảy xuống bơi tiếp vòng hai.

Phần đạp

Điều đầu tiên phải nhắc tới trong phần đạp là đường ở Subic rất xấu. Tuy không có nhiều ổ gà nhưng mặt đường lởm chởm đá (chứ không phẳng mịn như ở Đà Nẵng) khiến xe và người bạn luôn ở trong trạng thái rung lắc. Bản thân tôi cũng bị bay mất túi salt stick buộc trên xe ngay từ km đầu dẫn đến việc lê lết cả quãng đường còn lại. Vì vậy lời khuyên của tôi là dùng dây buộc và ép gọng nước cho chặt với bình nước, gel để trong túi cho đỡ rơi.

Bắt đầu từ đây tôi sẽ phân tích đường đạp cự ly 70.3. Các bạn đi cự ly full sẽ đi quãng đường tương tự, chỉ các là phải làm hai vòng và mệt hơn gấp đôi.

Trở ngại đầu tiên của đường đạp này là gió. Gió thổi theo hướng Đông Nam, có nghĩa là chiều đi bạn sẽ đạp ngược gió đến hết km 45, và chiều về thuận gió. Tất nhiên gió có thể đổi chiều theo thời gian trong ngày. Nhiều khả năng các bạn đạp cự ly 70.3 sẽ gặp gió ngược chiều đi, gió xuôi chiều về. Gió có thể thay đổi một chút từ 11 giờ sáng trở đi tuy nhiên hướng gió cũng không thay đổi nhiều lắm. Các bạn có thể xem thêm hướng gió trên các trang web như Windfinder. Nói chung như mọi người vẫn nói, đường đạp này là kiểu “có vay có trả”, ngược gió bao nhiêu thì xuôi gió bấy nhiêu. Tốc độ gió không quá lớn, bằng chứng là tôi đạp 45 km ngược gió với tốc độ tầm 28kmh và xuôi gió với tốc độ 32kmh.

Thử thách tiếp theo là các con dốc. Nhiều người thấy ái ngại khi xem course profile với elevation có lúc lên tới gần 200m. Theo Garmin của tôi, tôi tính tổng elevation của cự ly 70.3 là 750m (1500m cho cự ly 140.6). Chúng ta hãy cùng phân tích course profile dưới đây:

Bạn sẽ gặp con dốc đầu tiên và cao nhất vào tầm km thứ 10, nghĩa là chỉ sau khoảng 20 phút đạp xe. Đây là con dốc dẫn đếm trạm “thu giá” TIPO (theo từ điển ngôn ngữ tiếng Việt được sửa đổi). Con dốc này có độ dốc tầm 3-4% và dài khoảng 3km. Để các bạn dễ hình dung, tôi đạp đoạn này với vận tốc 17.8kmh (ngược gió) và HR 157 bpm (Zone 3). Tốc độ thấp với HR cao như vậy nghĩa là đoạn dốc này cũng khá khoai và ảnh hưởng khá nhiều từ gió

Sau đó các bạn sẽ đạp một đoạn rolling hill tầm 0.5% từ km thứ 27-28. Độ dốc này không ảnh hưởng nhiều tới bạn và cảm giác không khác đường bằng là mấy.

Con dốc tiếp theo là ở km thứ 42. Con dốc này có độ dốc trung bình 1.5% và cao nhất là 2.4%, dài khoảng 2km. Ở đoạn này tôi đạp tốc độ 19kmh với HR 149 bpm (cuối Zone 2). Như vậy là không nặng lắm.

Cuối cùng là một chuỗi các đoạn dốc lên xuống ở vòng quay đầu ở km 54. Đoạn này cũng không có gì đặc biệt lắm chỉ đơn giản là leo dốc, thả người đổ dốc và lập lại ba lần. Khi quay về đến trạm “thu giá” để về T2 bạn sẽ chạm mặt con dốc “thu giá” một lần nữa. Nhưng con dốc phía này thoai thoải hơn nhiều so với chiều đi. Cộng thêm thuận gió nên việc chén con dốc này khá dễ dàng.

Phần chạy

Phần chạy ở Subic cũng khá khó nhằn với khoảng 130m elevation (cự ly 70.3). Đường chạy có một con dốc lớn tầm 50m ở km thứ 7 ngay khi bạn chuẩn bị vào sân bay Subic.

Sau khi quay đầu ở km thứ 10, bạn sẽ phải leo lại con dốc này một lần nữa. Thực ra cũng không quá khó, các bạn chỉ cần kiểm soát tốc độ và tránh bị chuột rút là ổn.

Thử thách tiếp theo của phần chạy là nắng. Gần như 100% đường chạy ở Subic không có một bóng cây. Tuy nhiên tôi cảm thấy Subic không nóng bằng Đà Nẵng. Hoặc có thể ở đây nóng bằng nhưng không ẩm như ở Đà Nẵng. Nói chung dễ chịu hơn một chút. Nếu bạn đã quen với việc chạy và thi ở giải Ironman 70.3 Vietnam thì tôi tin rằng phần chạy sẽ không thành vấn đề với bạn.

Chúc các bạn thi đấu thành công và lập PB tại Ironman 70.3 Subic Bay.

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn