Tháng 6/2013, tại một hội nghị do Đại học Khoa học Thể thao châu Âu tổ chức tại Barcelona, Mari Carmen Gomez-Cabrera thuộc Đại học Valencia, chuyên gia sinh lý học cũng là một trong những người đầu ngành thế giới về các chất chống oxy hóa, đứng phắt dậy tranh luận với hai nhà nghiên cứu lão làng về hiệu quả sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng. Trong thời gian hơn 90 phút, nhóm chuyên gia hai bên đã đưa ra vô số bằng chứng để chứng minh cũng như phản bác. Cuối cùng, Gomez-Cabrera đặt câu hỏi ngỏ. Theo bà, cuộc tranh luận không nhằm mổ xẻ về chất bổ sung dinh dưỡng có lợi hay hại cho vận động viên mà liệu các chất này có thực sự hữu ích.

Câu hỏi có thể khiến hơn nửa dân số Mỹ phải bất ngờ vì hầu hết họ đều sử dụng multivitamin (nhóm chất bổ sung dinh dưỡng) – một thuật ngữ chung cho các chất như vitamin, khoáng chất, cho tới các loại thảo dược hay ngay cả đông trùng hạ thảo/nhung hươu dạng xịt/glutamine nhằm giúp nâng cao hiệu quả tập luyện và thi đấu. Ngay cả đối với dân thể thao, chúng ta vẫn được khuyên sử dụng nhiều vitamin C hơn để tăng sức đề kháng cho cơ thể khi vào giai đoạn nhồi thể lực.

Nhưng rõ ràng, những lợi ích mà các chất bổ sung giúp tăng cường cơ bắp chưa được chứng minh trong thực tế mà còn có thể để lại những tác dụng phụ nguy hiểm. Trong vài năm trở lại đây, chuyên gia Gomez-Cabrera cùng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ngay cả các chất bổ sung dinh dưỡng phổ biến như vitamin C và E đều không tránh khỏi việc để lại những tác dụng phụ. Ví dụ, trong số tháng 7/2019 của Tạp chí Sinh lý học, các nhà nghiên cứu đã phát hiện chất chống oxy hóa resveratrol trong rượu vang đỏ trên thực tế làm hạn chế tác dụng tích cực của các bài tập hướng tới hệ tim mạch, như bài tập tăng cường VO2 max, nếu VĐV uống hàng ngày với hàm lượng cao. Cũng trong tháng 7, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson phát hiện những nam giới có mức độ DHA axit béo omega-3 trong máu cao – thường do dùng dầu cá – sẽ có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao hơn rất nhiều.

Theo giáo sư Pieter Cohen thuộc Đại học Y Harvard, hiện nay thực tế chỉ có 2 nhóm chất bổ sung dinh dưỡng trong thể thao: nhóm thứ nhất an toàn nhưng không có tác dụng trong khi nhóm thứ hai có thể có tác dụng nhưng kèm theo tác dụng phụ, đặc biệt ở mức cao hơn so bình thường. Theo giáo sư, “bất kỳ chất bổ sung nào dù lợi đến mấy, nhưng nếu sở hữu dược tính đều có tác dụng tiêu cực. Chúng ta không có cách nào tránh được nguyên tắc cơ bản này”.
Hầu hết các chất bổ sung dinh dưỡng đều thuộc nhóm thứ nhất. Ông Cohen cho rằng việc bổ sung multivitamin hàng ngày không mang đến tác dụng như kỳ vọng; và nó cũng như không tạo ra tác hại cho cơ thể. Đó là lý do các tổ chức y tế lớn như Hiệp hội Tim mạch Mỹ và Đại học Y học Thể thao Mỹ khuyến nghị người khỏe mạnh không nên sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng.

Lý do không phải vì các chất vitamin và khoáng chất không có vai trò quan trọng trong cơ thể chúng ta. Nếu cơ thể thiếu vitamin C, nhiều khả năng chúng ta sẽ mắc bệnh lở miệng; thiếu sắt có thể dẫn tới thiếu máu; và nếu con người sống ở vùng cực Bắc, chúng ta sẽ cần bổ sung vitamin D. Nhưng cả ba loại vitamin này đều có tác dụng tiêu cực khi dùng liều cao, tương tự như việc sử dụng kéo dài các chất bổ sung khác như vitamin E và canxi. Tựu trung, trừ khi xét nghiệm cho thấy thiếu loại vitamin hoặc khoáng chất nào đó, chúng ta không cần phải bổ sung dưỡng chất hàng ngày.

Nguyên tắc này cũng áp dụng trong trường hợp một VĐV thường dùng các chất bổ sung dinh dưỡng vì cho rằng cần gia tăng chất chống oxy hóa để đẩy nhanh quá trình phục hồi. Trong khi đó, chuyên gia Gomez-Cabrera cùng các đồng nghiệp tại Đại học Valencia đã chứng minh rằng các chất bổ sung chống oxy hóa làm ức chế tình trạng mất cân bằng oxy hóa, yếu tố tạo ra các tín hiệu giúp cơ thể thích ứng và phát triển mạnh mẽ hơn. Kết quả cuối cùng: việc thường xuyên sử dụng các chất tưởng chừng như vô hại như vitamin C trên thực tế lại dẫn đến hệ quả ngăn chặn các tác dụng tích cực đối với các ty thể (tiếng Anh: mitochondrion – là bào quan phổ biến ở các tế bào nhân chuẩn có lớp màng kép và hệ gene riêng) giúp gia tăng sức bền.

Lằn ranh giữa nguy cơ và lợi ích cũng rất mong manh như chuyên gia tâm lý học Wen Bin Chiou thuộc Đại học Quốc gia Tôn Dật Tiên tại Đài Loan đã chỉ ra trong chuỗi những nghiên cứu về hiện tượng có tên gọi: “hiệu ứng buông thả”. Trong một loạt các thử nghiệm, ông cho mỗi người tham gia 1 viên theo quy tắc: ông nói với ½ số người viên ấy là thực phẩm bổ sung đa vitamin và nửa còn lại được biết đó là giả dược (placebo). Ở những thử nghiệm kế tiếp, các chủ thể nghĩ mình đang dùng thực phẩm bổ sung vitamin thường có lối sống thiếu lành mạnh hơn. Khi được yêu cầu dùng máy đếm bước chân, những người này thường chọn lối đi bộ ngắn hơn; khi tới bữa trưa họ thường chọn đồ ăn ít có lợi cho sức khỏe.

Trong các nghiên cứu sau đó, chuyên gia tâm lý học đã phát hiện rằng nhóm nghiện thuốc lá và nghĩ mình đang dùng thực phẩm bổ sung vitamin thường hút thuốc nhiều hơn; và những người được sử dụng thực phẩm giúp giảm cân thường có xu hướng không tuân thủ chế độ ăn kiêng của bản thân. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra khi chúng ta tới phòng tập hoặc ăn một đĩa rau. Sự khác biệt là tập thể dục và ăn rau mang lại lợi ích thực sự nên chúng ta vẫn được hưởng những lợi ích nhất định trong khi nếu dùng thực phẩm bổ sung không có lợi ích nào, tối đa con người chỉ đảm bảo tình trạng cơ thể ở trạng thái nguyên trạng, không bị xấu đi.

Điều này cho thấy dù chuyên gia Gomez-Cabrera là một trong những người rất coi trọng tác dụng của các vi chất dinh dưỡng như chất chống oxy hóa và Gomez-Cabrera đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu về các chất này nhưng bà cũng phải thừa nhận rằng “nếu ăn đầy đủ 5 loại trái cây và rau củ mỗi ngày, chúng ta không cần bổ sung thêm gì nữa”. Ngược lại, nếu chế độ ăn của chúng ta thiếu rau củ và trái cây, việc bổ sung cũng không phải là giải pháp mà thậm chí còn trở thành một phần rắc rối.

Chất bổ sung dinh dưỡng: Lợi và Hại

Hiện không có bằng chứng đầy đủ về hiệu quả của hầu hết các chất bổ sung dinh dưỡng nhưng dưới đây là một vài lưu ý về lợi ích và tác hại của loại thực phẩm này.

Lợi:

  1. Chất chống oxy hóa: Thường xuyên sử dụng có thể làm ức chế khả năng cơ thể thích ứng với các tác động của việc tập luyện. Tuy nhiên nếu dung với liều lượng không quá 1 tuần liên tục có thể giúp cơ thể đối phó với các áp lực gia tăng như tăng tốc độ phục hồi sau khi thi đấu hoặc trở về từ chuyến đi tới khu vực có độ cao lớn so với mực nước biển.
  2. Caffein: Chất tăng cường hiệu quả vận động đa dạng và mạnh nhất, giúp tăng cường chức năng cơ và não. Lưu ý: mặc dù các VĐV rất thích caffein từ những tách cà phê, nhưng không phải VĐV nào cũng hợp với caffein. Một số người nhạy cảm phản ánh rằng tim họ sẽ vẫn đập rất nhanh ngay cả những lúc nghỉ ngơi sau thi đấu. Nếu bạn quen uống một tách cà phê sữa đá buổi sáng thì không sao. Nhưng nếu mới caffein thì nên kiểm tra kỹ phản ứng của cơ thể. 
    • Creatine: Loại bột dành cho dân tập tạ (được khuyến nghị sử dụng). Có bằng chứng cho thấy creatine giúp tăng khối lượng cơ.
    • Vitamin D: Kể cả ở những đất nước nhiệt đới như Việt Nam, bạn cũng có thể thiếu vitamin D. Ví dụ: trời Hà Nội mùa đông hầu như âm u không có ánh nắng nên cơ thể bạn sẽ khó tổng hợp đủ vitamin D. Tương tự, nếu bạn sống ở TP HCM nhưng ngồi văn phòng cả ngày, đi xe che kín chân tay thì nhiều khả năng cũng thiếu vitamin D. Và dù tuân thủ chế độ ăn đầy đủ chất cũng khó đáp ứng nhu cầu vitamin D của cơ thể. Cần xét nghiệm để biết về tình trạng thiếu/đủ sau đó cân nhắc bổ sung tối đa 600 IU mỗi ngày. 

Hại:

  • Canxi: Một cách hiệu quả để tăng cường độ cứng của xương nhưng khi dùng liều cao có thể làm xơ cứng động mạch. Nên hấp thụ từ nguồn thực phẩm tự nhiên như sữa chua và bông cải xanh.
  • Vitamin A, C, và E: Khi dùng lâu và liều cao, các chất beta-carotene và các loại vitamin A, C, và E đều có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư và tỷ lệ tử vong cao hơn. Nó có thể cản trở quá trình cơ thể thích ứng với các tác động của hoạt động tập luyện.
  • Chất tăng cường tập luyện: Nếu một hãng quảng bá sản phẩm của họ giúp gia tăng năng lượng hoặc hỗ trợ tăng trưởng cơ, hầu hết đều là lừa đảo hoặc chứa chất kích thích hay steroid (hợp chất hữu cơ) không rõ nguồn gốc.

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn