Trang chủ Chạy

Mùa Covid-19: ra ngoài hay ở nhà?

0

‘Ở nhà là yêu nước’ hay ‘Kệ, tôi cứ chạy’

Trong thời điểm rất nhạy cảm của đại dịch Covid-19, giới runner bùng lên cuộc tranh cãi: “Ở nhà là yêu nước” và “Kệ, tôi cứ chạy”. Mỗi bên đều có lý lẽ riêng. Thực tế, trong tình hình dịch bệnh hoành hành, Việt Nam đã cho thấy tính hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa. Tuy có hơi cực đoan, nhưng rõ ràng các biện pháp này làm giảm số ca lây nhiễm, không đến nỗi “toang” như Âu hay Mỹ. Ban biên tập Boidapchay cho rằng nếu chính quyền chưa cấm (lệnh giới nghiêm hoặc phong tỏa), chúng ta vẫn có thể ra ngoài chạy, tuy nhiên runner phải tuyệt đối tuân thủ một số hành vi giữ vệ sinh, để bảo vệ bản thân và gia đình.

Trước khi nói về chủ đề “tập ngoài trời sao cho an toàn”, chúng tôi xin được nhắc lại một lần nữa các quy tắc chung trong tập luyện mùa dịch bệnh:

  1. Tập luyện ngoài trời tại nơi vắng vẻ, tránh lây nhiễm SARS-Cov 2.
  2. Không tập nặng tránh suy giảm miễn dịch.
  3. Không kiêng hoặc giảm tinh bột, tránh suy giảm miễn dịch.

Cơ chế lây bệnh của Covid-19

Trước khi bàn về việc nên chạy ngoài trời hay trong nhà, chúng ta cần nhắc lại cơ chế lây bệnh của virus SARS-Cov-2 (gọi tắt là coronavirus). Coronavirus được chứng minh lây từ người sang người, thường được truyền thông qua các giọt dịch hô hấp mà con người hắt hơi, ho hoặc thở ra, theo WHO. Khi người bệnh hắt xì, các giọt dịch nhầy hô hấp li ti vẫn còn đọng trong không khí trước khi rơi xuống đất và biến mất. Nếu bạn đứng gần và hít các giọt dịch chứa virus, sẽ nhiễm bệnh. Ngoài ra, nếu bạn chạm vào người bệnh (như bắt tay) rồi lại sờ lên mặt, miệng của mình; cũng rất dễ nhiễm bệnh

Chạy ở ngoài có an toàn không?

Từ cơ chế lây bệnh của virus nêu trên, câu trả lời là có – chạy ở ngoài có an toàn! Tuy nhiên, bạn chỉ nên chạy một mình. Khi vận động theo nhóm và một người ho hoặc hắt xì, vi khuẩn có thể theo nước bọt xâm nhập vào cơ thể chúng ta, hoặc bám vào những vật dụng mà chúng ta không may sờ vào. Vào thời điểm này, bài chạy bộ tốt nhất là chạy một mình ở những khu vắng vẻ. 

Khi bạn đang trong tình trạng cách ly hoặc buộc phải ở nhà, bạn nên tập tạ, hoặc những bài tập sử dụng trọng lượng của bản thân (hít đất, hít xà), hoặc chạy trên treadmill.  Nếu bạn bị bệnh, dừng ngay việc tập luyện. Nhiều người nghĩ rằng tập thể thao sẽ “đẩy” virus ra ngoài, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Bạn có nên chạy theo nhóm? 

Bạn không chạy theo nhóm trong thời điểm hiện tại. Như đã đề cập, virus có thể lây lan chỉ với một cái hắt xì nhẹ, nên dù bạn có cảm giác nhàm chán thế nào khi chạy một mình thì cũng nên cố gắng. Khi bạn chạy và gặp phải một nhóm đông người, nên giữ khoảng cách tối thiểu là 2m; và tốt nhất là rẽ vào một đường khác để chạy.

Một số chuyên gia cho rằng bạn có thể chạy cùng một người bạn khác (không phải nhóm, chỉ có 2 người), miễn sao khoảng cách duy trì 1-2m. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ đó không phải là  ý hay. Thử tưởng tượng: nếu bạn chạy ngay sau người khác, và đang thực hiện bài biến tốc nặng nề. Khi đó, việc khạc nhổ, ho, hắt xì nhiều khả năng không tránh khỏi. Nếu người chạy trước hắt xì, với pace duy trì ổn định theo bài, bạn sẽ hứng trọn những giọt dịch đó. Vì vậy, một lần nữa chúng tôi khuyên hãy chạy một mình.

Đeo khẩu trang rồi dắt tay nhau tụ tập như thế này – liệu bạn có chắc sẽ an toàn?

Chúng ta cũng nên hiểu rộng cụm từ “chạy theo nhóm”, nghĩa là không chạy nơi đông người. Kể cả bạn có chạy một mình, nhưng lại chọn đúng thời điểm 17-18h ở nơi đông người cùng tập như công viên Thống Nhất với cả trăm người từ già, trẻ, lớn, bé… việc chạy một mình là vô ích. Như đã đề cập ở trên, virus lây lan qua việc tiếp xúc ở cự ly gần 1-2m. Bởi vậy nên mới có thuật ngữ “giãn cách xã hội”, ám chỉ việc không tụ tập nơi đông người. Vì vậy, không những bạn nên chạy một mình, mà chúng tôi muốn nhấn mạnh bạn cần phải chạy ở nơi vắng vẻ nữa. Những nơi đó có thể là khu đất trống gần nhà, Sala lúc sớm vắng người hoặc tối khuya, Khu Công nghệ cao TP HCM (Quận 9) hay thậm chí ngay trong khu nghĩa trang ở Hà Nội như một runner đang tận hưởng (hình dưới). Tuyệt đối tránh những nơi đông đúc như công viên, hồ Gươm…

Covid-19 có lây qua đường mồ hôi?

Về vấn đề lây lan qua đường mồ hôi, dựa vào nghiên cứu trên những ca nhiễm gần đây cho thấy coronavirus chỉ lây lan qua dịch nhầy đường hô hấp (ho, hắt xì) chứ không phải mồ hôi. Tuy nhiên, bạn cũng nên không vì thế mà chủ quan. Nên nhớ, trong giai đoạn này, tiếp xúc với người và vật càng ít càng tốt.

Nước bọt và Covid-19

Nếu là người có thói quen khạc nhổ hoặc xì mũi khi chạy, bạn nên ngừng ngay những hành động xấu xí này. Theo chuyên gia bệnh lây nhiễm Amy Treakle The Polyclinic ở Seatle, coronavirus có khả năng lây nhiễm qua đường nước bọt. Khi bạn khạc nhổ, nó không chỉ mang theo đờm mà đôi khi còn có cả những dịch nhầy từ phổi nơi virus trú ngụ. Tương tự như nước bọt, khi bạn bị chảy mũi nước và hắt xì, virus cũng rất dễ lây lan qua đường này. Đó cũng chính là lý do bạn nên tách hẳn khỏi đám đông khi chạy, vì khoảng cách 2m khi cách ly xã hội đôi khi vẫn đầy rủi ro khi runner chạy phía sau có thể hắt xì lên quần áo bạn.

Chạy và mang khẩu trang

Hiện nay, việc đeo khẩu trang ở ngoài đường đã trở thành việc bắt buộc. Đã có nhiều bài báo nói về người tập thể dục bị phạt vì không đeo khẩu trang, và mạng xã hội cũng lên án hành động này không thương tiếc. Đây quả là nỗi khổ cho runner vì mang khẩu trang ngồi thở bình thường đã khó chứ chưa cần chạy.

Nhưng nhà nước quy định thì ai cũng phải chấp hành, và runner không phải ngoại lệ. Quan sát trên mạng xã hội và các nhóm chạy cho thấy, khá nhiều người chọn cách chạy một mình ở nơi vắng vẻ và không tiếp xúc ai. Nhưng nếu bắt buộc mang khẩu trang, một KOL ở làng chạy Việt Nam dùng cách dưới đây. Thực ra đây là một cách để đối phó (cơ bản là đeo sai cách như hướng dẫn), nhưng nếu chạy một mình nơi không bóng người có lẽ cũng du di 🙂

Rửa tay và rửa tay

Tập ở nhà có ít rủi ro hơn ở ngoài đường. Tuy nhiên, một lưu ý quan trọng nữa là bạn nên thường xuyên rửa tay cẩn thận, ngay cả khi tập luyện ở nhà. Covid-19 có thể sống lâu hơn trên những bề mặt rắn, nên bạn luôn phải cẩn trọng và phòng ngừa bằng việc rửa tay. Tất cả vật dụng luyện tập (tạ, máy chạy bộ) cũng nên được bằng dung dịch sát khuẩn mỗi khi tập xong. Việc này để bảo vệ gia đình và những người thân của bạn.

Hệ miễn dịch của tôi có suy giảm sau khi tập nặng?

Như đề cập trong bài Tránh rước bệnh vào người khi tập luyện, hệ miễn dịch của bạn sẽ yếu đi khi glycogen bị đốt hết. Điều đó có nghĩa là sau khi chạy marathon hoặc hoạt động với cường độ mạnh, tính năng phòng vệ của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Nếu bạn tập nặng trong khoảng 90 phút, cơ thể sẽ đặc biệt mong manh trước virus và bệnh tật trong 3 ngày sau đó. Ngoài ra, stress về mặt thể chất cũng như tinh thần từ việc hoạt động mạnh cũng làm bạn dễ bị cảm hơn. Vì vậy, tuyệt đối tránh các bài chạy nặng như những bài biến tốc. Bạn có thể chuyển sang chạy zone 2 vừa bảo đảm an toàn lại hiệu quả.

Kết

Thật may mắn vì hiện nay chính phủ vẫn làm rất tốt công tác quản lý dịch. Và may mắn là chúng ta vẫn chưa áp lệnh giới nghiêm hay phong tỏa như ở châu Âu. Vì vậy, VĐV vẫn có thể ra ngoài một cách tự do hít thở khí trời. Đối với nhiều runner, việc chạy bộ cũng gần như hít thở vậy, và chúng ta nên cảm thông cho việc này. Việc cần thiết nhất chúng ta nên làm, đó là tập luyện có trách nhiệm với người thân và cộng đồng: tập một mình, ở nơi vắng vẻ, tránh xa cộng đồng, cách người khác 1-2 mét, không tập nặng và rửa tay thường xuyên.

 

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn