Tôi đã phạm một lỗi lầm trong chạy bộ, chuyện đã xảy ra cách đây hơn hai tuần và chẳng có gì hay ho để chia sẻ với các bạn cho nên tôi định để cho nó chìm xuồng luôn. Nhưng rồi các runner ở Việt Nam thắc mắc khi họ đọc thấy những thông điệp của tôi trên trang FaceBook cá nhân hay trang Strava mở rộng. Họ hỏi tôi bị chấn thương gì (lý do là các thông điệp tôi chỉ ghi bằng tiếng Anh) mà sao hồi phục nhanh chóng vậy?

Tôi đã đắn đo suy nghĩ, nhưng cuối cùng quyết định dẹp tự ái để viết lại kinh nghiệm đau thương của mình để chia sẻ với mọi người với hy vọng không ai lập lại cái lỗi lầm ngu xuẩn này. Có một câu ngạn ngữ là bạn học được nhiều từ thất bại hơn là thành công. Riêng cá nhân tôi, tôi đã trả một giá quá đắt cho bài học này và suýt tí nữa là tôi phải trả bằng cái giá lớn nhất đó là mạng sống của mình.

Giải đua Florida Half Marathon ngày 4 tháng 2, 2018 đánh dấu lần thứ ba tôi tham dự, tôi từng chạy ở giải này với thành tích 1:59:24 năm 2016 và 1:53:25 năm 2017. Lần này tôi đặt mục tiêu chạy dưới một giờ 50 phút (sub 1:50). Tất cả những chuẩn bị được diễn ra suôn sẻ, trong thời gian này tôi cũng đang luyện tập cho một giải marathon khác, cho nên cự ly 21km đối với tôi không thành vấn đề vì thế tôi chỉ tập trung vào các bài tập tốc độ và leo dốc.

Nếu bạn chạy bộ lâu năm và tham gia nhiều giải đua thì chuyện tự đánh giá khả năng thành tích của mình là chuyện không khó. Qua quá trình luyện tập và các giải đua cự ly ngắn 5K và 10K, tôi hoàn toàn tự tin mình có thể đạt được mục tiêu đề ra. Hôm thứ Ba của tuần lễ race tự nhiên giọng nói của tôi bị khàn đục thấy rõ, cái cổ đau buốt và nuốt nước miếng rất khó khăn, kèm theo đó là ho sù sụ và nhảy mũi liên tục. Trong thời gian này có một dịch cúm lạ đang lan truyền ở nước Mỹ, đặc biệt là ở Florida đã có vài ca tử vong. Vợ tôi tỏ vẻ lo lắng, liên tục nhắc nhở tôi phải theo dõi nhiệt độ cơ thể, hễ thấy bị sốt là đi bệnh viện ngay. Nhưng đồng thời nàng cấm tôi dùng các loại thuốc tây, phương pháp trị bệnh cảm của vợ tôi xưa nay vẫn là nước nóng pha với chanh và mật ong.

Đến thứ Sáu của tuần lễ đó thì dấu hiệu bệnh đã giảm, các cơ bắp không còn nhức mỏi nữa, cuống họng còn đau nhưng đỡ rất nhiều, và đặc biệt là tôi không hề bị sốt. Tôi bắt đầu chạy nhẹ để cảm nhận phản ứng cơ thể. Tôi chỉ dám chạy thả lỏng và chừng 5km cho nên không thể xác định được điều gì. Tối thứ Bảy, ông Bob bạn tôi nhắn tin hỏi kỳ này tôi có race không. Tôi kể cho Bob biết tình trạng sức khỏe của mình thì được anh ấy khuyên là nên tham gia chạy cho vui và hãy bỏ cái ý định chạy lấy thành tích. Tôi lấy thêm ý kiến của Larry, một bạn runner chuyên chạy dài cuối tuần với tôi. Larry cũng khuyên tôi nên chạy từ từ và lắng nghe cơ thể.

Sáng hôm sau, tôi đến địa điểm tập trung rất sớm. Đậu xe ở xa một chút và chạy làm nóng cơ thể khoảng một mile. Tôi thấy mọi việc rất ổn, mặc dù cuống họng vẫn hơi rát. Tôi gặp đồng nghiệp ở NASA là Britney, hôm nay cô bé làm pacer với thời gian 2:05. Britney hỏi tôi chạy có mục tiêu gì không, tôi nói mục tiêu ban đầu là sub 1:50 nhưng hôm nay vẫn còn dấu hiệu ốm cho nên có lẽ tôi sẽ chạy để hưởng không khí race thôi. Tôi cũng gặp Dean và Bambi, hai người bạn hay chạy dài chung với tôi cuối tuần, cả hai đều có mục tiêu chạy dưới 1:45. Tôi cho Dean và Bambi biết ý định của tôi như tôi đã nói với Britney hồi nãy.

Dean, Bambi, và Bruce trước giờ xuất phát ở Florida Marathon & Half Marathon 2018

Trước khi quốc ca bắt đầu, tôi tạm biệt mấy người bạn Mỹ đang đứng ở nhóm pacer 1:45 và đi thụt lùi về phía sau. Rồi tôi gặp Joe, một hổ báo trong câu lạc bộ mà tôi vẫn tham gia. Joe năm nay đã 58 tuổi nhưng anh vẫn có mặt ở các giải Boston, Chicago và New York năm ngoái với thành tích trên dưới 3 giờ. Hôm nay Joe làm pacer 1:50. Tôi định thụt lùi về phía sau nữa nhưng không thấy pacer 1:55, nhóm kế tiếp là 2:00 (sau này tôi mới biết là pacer 1:55 giờ chót rút lui vì lý do sức khỏe). Tôi quyết định chạy chung với Joe, nếu thấy không đủ khỏe để bám theo thì chỉ việc chạy chậm lại lo gì!

Nhưng đây là một quyết định sai lầm ngay từ đầu! Trong cơ thể của chúng ta có một chất xúc tác được gọi là “adrenaline” còn được gọi là “endorphine”. Đây là một loại hóa chất sinh học tự nhiên và tiềm ẩn trong cơ thể của con người. Khi được điều kiện bên ngoài kích động, cơ thể của con người sẽ sản sinh ra adrenaline và làm cho chúng ta cảm thấy hưng phấn và không biết mệt mỏi là gì. Cái không khí rộn rã náo nức ở một giải đua có cả nghìn người đã dễ dàng kích thích adrenaline trong tôi.

Tôi đã bị adrenaline đánh lừa. Sau khi phát súng xuất phát vang lên, tôi quên là mình vừa mới bị bệnh và chưa hoàn toàn bình phục, tôi chạy và chuyện trò với Joe và quên mất lời khuyên của Bob và Larry, quên luôn hồi nãy mình đã nói với Britney, Dean và Bambi kế hoạch chạy cho vui của mình. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến chạy về trước Joe và xin tấm biển ghi con số 1:50, như tôi đã làm liên tục hai năm vừa rồi là xin lại tấm biển 2:00 và 1:55 của Chrish, một pacer và cũng là người bạn chạy bộ của tôi.

Bruce và Joe (1:50 pacer) ở mile thứ 7

Mọi việc đều rất ổn. Chất xúc tác adrenaline vẫn chưa tan. Tôi lần lượt vượt qua các mốc 5K (25:48), 10K (52:15), 15K (1:17:50). Thậm chí ở mile thứ 10 (16km) tôi qua mặt được Dean. Tôi hơi ngạc nhiên, tự hỏi có phải mình chạy nhanh hay là Dean gặp vấn đề, và nhanh chóng tôi tự tìm được câu trả lời là chắc Dean gặp sự cố vì tôi vẫn đang chạy theo pacer Joe nên không thể quá nhanh được. Tuy nhiên, chỉ một mile sau đó là tôi cảm thấy đột nhiên không thể tiếp tục chạy ở pace 8:24/mile (5:13/km) nữa. Tôi biết là chỉ còn chừng hơn 2km nữa thôi, mục tiêu quá gần, bây giờ chạy all-out rồi băng qua vạch đích gục ngã cũng không sao. Tôi chỉ còn nhớ là cây cầu ở mile thứ 12 trước mặt mà sao tôi chạy hoài không thấy tới. Đột nhiên, trời đất tối sầm và tôi thiếp đi lúc nào mà không hay.

Khi tôi tỉnh lại thấy mình đang tựa vào người của Dean phía bên trái của tôi, bên phải là một runner lạ đang xốc nách tôi. Tôi còn nhớ là tôi cố gắng bỏ hai người này ra và cố chạy một mình, nhưng tôi chỉ loạng choạng được chừng vài bước là nôn thốc. Những gì bắn ra từng miệng tôi toàn là chất lỏng vàng đục đến trong veo. Tôi nhớ lại sáng nay tôi ăn một trái chuối và một miếng bánh mì bagel thoa bơ đậu phọng, mấy thứ này chắc đã tiêu hóa từ lâu rồi. Hôm nay trời khá nóng cho nên lúc chạy tôi liên tục uống nước và chỉ bỏ qua một trạm, có lẽ tôi nôn ra nước và thức uống có chất điện giải (Gatorade) nhận được dọc đường. Sau đây là những gì tôi nghe kể lại từ Dean và Dan (vị cứu tinh dọc đường mà sau này tôi mới biết tên).

Lúc tôi quị xuống ở gần mile thứ 12 (km 19) thì có người chạy ngang qua nhìn một phát rồi tiếp tục chạy, có lẽ họ quan tâm thành tích hơn! Bên cạnh đó cũng có người đứng lại tỏ vẻ rất quan tâm. Họ đã dốc hết số nước có được để tưới lên người tôi. Trong số người dừng lại đó có Dan, và anh ấy là người đã ở lại với tôi và đồng hành cùng tôi về đến đích. Sau này tôi mới biết Dan là Advanced Registered Nurse Practitioner (ARNP) chuyên về “critical care“. Những người mang chức vụ ARNP đòi hỏi có trình độ học vấn cao cấp, hơn y tá học 4 năm đại học và có thể thay thế bác sĩ khám bệnh nếu cần thiết. Dan kể lại rằng lúc đó tôi mất nước trầm trọng, miệng nói lảm nhảm liên tục nhưng nhất định đòi hoàn tất cuộc đua. Điều làm anh ấy nhớ mãi và khi anh ấy kể lại cho vợ nghe bà vợ đã phá lên cười là tôi luôn miệng nói “làm ơn đừng nói lại cho vợ tôi nghe!”.

Dean kể lại rằng khi anh ấy đến nơi thì tôi cũng chưa tỉnh hẳn. Từ xa thấy tôi nằm rủ xuống đất, bao quanh cỡ chừng 7 người. Dean lập tức chạy nước rút, khi anh ấy đến nơi và mọi người biết được là bạn thân của tôi thì họ bắt đầu giải tán, ngoại trừ Dan vẫn bên cạnh chúng tôi. Dean kể lại lúc đó tôi liên tục nôn mữa nhưng nhất định đòi chạy; xô hai người ra tôi chỉ rảo được hai bước là lảo đảo và quị xuống đất nếu không có hai người nâng đỡ. Cho đến khi Dean lột chiếc mũ tôi đang đội để Dan dội nước vào thì tôi mới tỉnh hẳn lại. Lúc đó tôi vẫn không biết là mình đã ngất xỉu, tôi chỉ nghĩ là mình không thể chạy nữa vì mệt và buồn nôn nên đi bộ chung với hai ông bạn cũng gặp vấn đề như mình.

Nếu chụp được tấm hình lúc đó, nhìn tôi có lẽ thảm lắm, bên tay phải tôi được Dan xốc nách để tôi khỏi rủ người xuống, bên tay trái tôi Dean nắm tay dắt tôi đi. Tôi còn nhớ lại khi gặp nhiếp ảnh gia, tôi hất tay Dean ra, nói “tao không muốn chúng nó nghĩ tụi mình gay”. Sau này Dean cứ nhắc mãi “Bruce, tao sẽ làm bất cứ gì cho mày, bao gồm luôn chuyện nắm tay mày ở chốn công cộng!”

Qua khỏi cây cầu dài hun hút thì Dan nói với chúng tôi là hai bạn về trước đi, anh ấy bị chuột rút chắc phải dừng lại một lúc để căng cơ. Khi đến khúc cua còn một trăm mét nữa là bảng FINISH, tôi quay qua nhìn Dean. Hắn hiểu ngay ý định của tôi. Dean nắm chặt tay tôi, nét mặt đanh lại và nói như ra lệnh:

No, Bruce. It’s not worth it! What if you fall on your head? Don’t do it!

(Không được đâu Bruce, không đáng! Lỡ té đập đầu xuống đất thì sao? Đừng làm!)

Dean và Bruce ở vạch đích

Dean và Bruce ở vạch đích

Tôi nói như van nài: “Please, man. I’ll be very careful,” tôi sẽ rất cẩn thận. Dean buông tay tôi ra, nhưng chạy kề đằng sau dang hai cánh tay để sẵn sàng chụp nếu tôi có ngã. Tôi biết đây là giây phút quan trọng, tôi tập trung tối đa và dùng hai tay đánh đằng xa thật mạnh để hỗ trợ việc giữ thăng bằng. Tôi chạy bằng những giọt năng lượng cuối cùng giữa tiếng reo hò của những người bạn biết rõ về tôi, họ chỉ cần nhìn đồng hồ là biết tôi vừa mới trải qua thảm họa. Tôi vừa băng qua vạch đích là Dean ôm chặt tôi và la lớn lên để mọi người tránh sang một bên. Bambi chạy đến, nét mặt của nàng đầy vẻ lo lắng, hai gã thanh niên mặc đồng phục tình nguyện viên y tế chạy đến phụ Dean dìu tôi đến lều y tế. Tôi muốn đẩy mọi người ra, nói ok, không sao hết. Nhưng tôi vừa được đặt xuống ghế là lập tức một vòi nước từ trong miệng phọt ra, bắn xuống mặt đất, không còn gì để nôn, chỉ toàn là nước. Phải mất gần một giờ đồng hồ sau tôi mới hồi phục và đủ khả năng lái xe về nhà. Lúc đó tôi trước sau cũng phải ngồi ở căn lều y tế chờ đợi Bambi lảnh giải thưởng, mặc dù trật mục tiêu nhưng Bambi vẫn hoàn thành 1:48:36 và hạng nhì nhóm tuổi. Trong lúc chờ đợi, tôi đi đến hỏi Dean chuyện gì đã xảy ra cho tôi lúc nãy. Dean nói tỉnh queo:

“Mày bị ngất và nằm dài dưới đất.”

“Mày đang bịa chuyện, làm gì có!”

“Tao thề!”

Dean vừa nói vừa lấy tay vạch ngang trái tim ra dấu “cross my heart and hope to die”, một kiểu thề độc của người Mỹ. Nói là thề độc chứ so với các kiểu thề thốt của Việt Nam thì chưa ăn thua gì. Tôi còn nhớ hồi nhỏ ở Việt Nam nghe đám trẻ con thề còn độc hơn, như: “Thằng nào nói láo ra đường xe nhà binh cán lòi ruột!”. Tuy nhiên đến lúc này thì tôi phải tin chuyện tôi bị ngất xỉu trên đường đua là có thật. Tôi cảm thấy xấu hổ, hèn gì ban nãy có rất nhiều ánh mắt ái ngại đổ về phía tôi, mấy người bạn của tôi liên tục đến vấn an làm như tôi mới từ cõi chết trở về. Tuy nhiên, tôi cũng nghe sau lưng tôi những lời xì xầm to nhỏ cho tôi là một thằng ngu, liều mạng không đáng. Tôi rất muốn quay lại để đối chất với những kẻ đang sỉ nhục mình, nhưng tôi đã không làm; không phải vì tôi sợ mà mỉa mai thay là vì tôi thấy những lời nhận xét đó rất đúng.

Về nhà, vợ tôi vẫn không hết lo lắng vì đã có nhiều trường hợp nạn nhân bị té và tỉnh táo về đến nhà, ngày hôm sau nhức đầu được chở vô bệnh viện thì quá trễ vì bị máu tích tụ trong não, nếu không mất mạng thì cũng trở thành đời sống thực vật. Trong trường hợp của tôi, lo lắng duy nhất là không biết khi bị ngã, đầu của tôi có chạm đất hay không. Dean không nghĩ là tôi bị chấn thương đầu vì bên đùi phải của tôi bám đầy đất, mặc dù không chứng kiến được lúc tôi ngã nhưng anh ấy tin chắc là đầu tôi không sao vì bằng chứng là chiếc nón tôi đội vẫn sạch sẽ. Tôi cảm thấy tay trái đau kinh khủng, nhấc lên cực kỳ khó khăn. Từ đó tôi suy ra là tôi đã đổ người qua bên trái, tay trái chống xuống đất và hất người qua bên phải. Chỉ có một người duy nhất có thể cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra, đó là Dan. Tôi đã tìm được nhân vật này trên Facebook và gửi tin nhắn cho anh ta nhưng không nhận được hồi âm tức thời.

Vợ tôi liên tục đốc thúc tôi hay là đi đại vô cấp cứu để họ chụp X quang hình cái đầu cho chắc ăn. Tôi nói không đi đâu hết vì không có đủ bằng chứng thuyết phục tôi bị chấn thương sọ. Tôi đã bị một lần vào bệnh viện vì báo động lầm, bọn bệnh viện bày vẽ đủ chuyện và bắt tôi nhập viện để nó kiểm tra đủ thứ, tiền bệnh viện phí lên đến gần trăm nghìn đô, nếu không có bảo hiểm thì chắc tôi bị đột quỵ vì… tức.

Đêm đó tôi ngủ ngon lành nhưng vợ tôi lại phập phồng lo sợ, lâu lâu cứ lay tôi dậy xem còn sống hay đã về chầu ông bà. Ngày hôm sau tôi gọi vô hãng cáo bệnh, nằm nhà nghỉ một ngày cho khỏe hẳn. Đến thứ Ba tôi vào hãng và đi đến bệnh viện của hãng, tôi thích được khám trong này hơn ở bệnh viện bên ngoài bởi vì thứ nhất miễn phí và thứ hai số lượng bệnh nhân rất ít cho nên các bác sĩ có thời giờ dành cho mình nhiều hơn và họ làm việc rất nhiệt tình vì bệnh nhân ở đây tất cả là những người có trình độ, không tạp nhạp như ở bên ngoài.

Sau khi nghe tôi thuật lại những gì đã xảy ra, bác sĩ Gomez khám qua loa xong ông quyết định gửi tôi qua phòng kế bên để khám nghiệm ECG để xem tim tôi có bị vấn đề gì không. Ngay lập tức cô y tá in ra kết quả và tôi trở lại gặp bác sĩ Gomez. Ông báo cho tôi biết kết quả cho thấy tôi không có dấu hiệu gì của bệnh động mạch vành, và ông kết luận là tôi đã bị kiệt sức vì trời nóng (heat exhaustion), bác sĩ giải thích thêm là bình thường khi chúng ta bị bệnh thì cơ thể sẽ xuất mồ hôi ở một tỷ lệ cao hơn bình thường. Hôm đó tôi đã chạy bằng lý trí hơn là thể lực. Bộ não tôi đã bị một thứ hóa chất kích thích mạnh có tên gọi là adrenaline đánh lừa. Tôi hỏi bác sĩ Gomez là khi nào tôi có thể chạy bộ trở lại, ông phì cười:

“Anh có thể chạy bất cứ lúc nào thấy khỏe và muốn chạy. Theo tôi thì anh chẳng bị vấn đề gì cả, tim mạch và phổi rất tốt.”

Chiều hôm đó tôi sau khi tan sở tôi chạy nhẹ hơn 10km và giữ nhịp tim ở mức bình thường. Tôi đặt tựa đề bài chạy của mình là “bounce back – what doesn’t kill you makes you stronger!”  Và có lẽ đúng vậy, từ sau cái biến cố đó tôi cảm thấy mình hình như khỏe hơn, tôi có thể chạy một tuần hơn 100km mà vẫn cảm thấy rất ổn. Tôi thực hiện đa số các buổi chạy ở tốc độ phục hồi ngoại trừ hai buổi tập tốc độ một tuần. Tôi giữ lời hứa với vợ là sẽ không chạy hết sức ở các giải đua, từ nay trở đi chỉ chạy cho vui và vì sức khỏe, tuy nhiên khi ra race tôi cũng cố đẩy tốc độ lên chút xíu mặc dù không đến nỗi “all out” như trước đây.

Cuối cùng thì tôi cũng kết nối được với ân nhân thứ hai của mình là Dan và chúng tôi đã trở thành bạn tâm giao. Trong một tin nhắn mới nhất Dan gửi cho tôi, anh ấy ghi như sau:

I truly believe God places us in specific situations and it is up to us to meet those instances with grace and compassion.”

(Tôi thật sự tin rằng Chúa đã đặt chúng ta vào tình huống đặc biệt và chúng ta đã có thái độ xử lý bằng đặc ân và tình thương)

Tôi đáp lại là: “I don’t believe in God but if there is a God, then yes he chose the right person to be there for me.”  (Tôi không tin Chúa nhưng nếu có Chúa thì đúng là ông ấy đã chọn đúng người giúp tôi)

Đôi khi chúng ta không cần bày tỏ sự cám ơn một cách trực tiếp, nhưng tôi tin là Dan hiểu rõ tôi muốn nói gì.

Tôi kể lại thất bại của mình không ngoài mục đích gửi đến các bạn một thông điệp là đừng nên chạy bộ khi đang bị bệnh. Tôi đã gặp may là có một chuyên gia y tế có mặt ở đó đúng lúc, nếu không thì có lẽ tôi đã được xe cứu thương chở vô bệnh viện và sống chết còn tùy thuộc vào tốc độ phản ứng của đội cứu thương.  Tôi đã may mắn nhưng tôi biết rõ may mắn không thể đến với mình mãi. Tôi hy vọng sẽ không bao giờ có người làm chuyện liều mạng như tôi đã làm.

Bruce Vu
FL, USA
27/2/2018

Thời gian chính thức của tôi là 2:05:49, do quên bấm đồng hồ nên kết quả được ghi lại trên Strava và Garmin có cả đoạn hơn 10 phút ngồi ở lều y tế. Tôi kèm theo đây chi tiết để các bạn thấy rõ sự cố bằng các con số, điều rõ ràng là nhịp tim của tôi hôm ấy quá cao (173 bpm). Nếu mà để ý chi tiết này thì có lẽ tôi đã chạy chậm lại và biết đâu đã không bị kiệt sức vì mất nước.

https://www.strava.com/activities/1403012241

https://connect.garmin.com/modern/activity/2492389889

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn