Khi các thông tin từ dự án Breaking2 của Nike được xuất bản, nhiều người đã vô cùng ngỡ ngàng khi biết được các thông số truyền thống như VO2 max, ngưỡng lactate, hiệu suất chạy bộ v..v không thực sự hữu ích để giải thích cho thành tích tuyệt vời của các VĐV tham gia dự án. Các nhà khoa học do đó đã đề xuất cân nhắc yếu tố “chống chọi đau mỏi” (fatigue resistance).
Một dự án khoa học gần đây của Peter Leo tại đại học Innsbruck nghiên cứu thành tích của các cua rơ tại giải Tour of The Alps cũng cho thể khả năng chịu đau chính là thông tin giúp dự đoán kết quả thi đấu chính xác nhất chứ không phải nhịp tim. Các cua rơ tham gia giải đấu này đều dưới 23 tuổi và đến từ 3 đội Tirol KTM, Bora Hansgrohe và Androni Giocattoli-Sidermec. Nhóm của Peter Leo đã so sánh thành tích của các cua rơ bằng nhiều cách khác nhau, từ việc quan sát đơn thuần đến phân tích các dữ liệu lực đạp phức tạp, bao gồm lực đạp cao nhất mà VĐV có thể duy trì trong khoảng từ 5 giây đến 30 phút. Trong bộ môn xe đạp, lực đạp cho ta biết nhiều thông tin về sở trường của các cua rơ. Các chân rút chủ lực cần đẩy lực đạp lên tới 1.000w trong thời gian ngắn (3-5 giây). Ngược lại, các tay đua tính giờ cần đạp với lực tương đối cao và duy trì trong thời gian dài từ 30 phút trở lên.
Dữ liệu thu thập được từ nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt nhiều khi so sánh lực đạp giữa các cua rơ U23 với các VĐV chuyên nghiệp, ngoại trừ lực đạp tối đa cho 5s của nhóm U23 cao hơn. Để có một cái nhìn thực tế hơn, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu lực đạp tối đa sau khi cua rơ đã vận động qua một cường độ nhất định. Các mức cường độ được nghiên cứu là 1000, 1500, 2000, 2500 và 3000 kilo jun. Biểu đồ sau đây hệ thống lực đạp của các cua rơ ở các mức cường độ khác nhau:

Như dự đoán, cả VĐV chuyên nghiệp và U23 đạp với lực mạnh nhất ở các quãng thời gian ngắn như 5 giây (phía trái biểu đồ) và lực đạp giảm dần khi quãng thời gian tăng (phía phải biểu đồ). Điều đáng quan tâm ở đây là lực đạp của các cua rơ chuyên nghiệp gần như ít thay đổi ngay cả sau khi họ đã đạp được khá lâu khi ta nhìn vào quãng cách giữa các đường đồ thị. Điều này có nghĩa là ngay cả khi mệt các cua rơ này vẫn có thể tăng tốc độ nếu cần, ngoại trừ sau khi đạp xong 3000 kilo jun họ lực đạp của họ mới có dấu hiệu tụt giảm. Ngược lại, ở nhóm U23, lực đạp giảm đáng kể sau khi đạp được chỉ 1500 kilo jun. Khả năng chống chọi đau mỏi chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa cua rơ chuyên nghiệp và nhóm VĐV U23.
Khi nghiên cứu phân tích dữ liệu lực đạp dựa trên vai trò của các cua rơ, ta cũng có thể thấy sự khác biệt nhất định về ảnh hưởng của khả năng chống đau mỏi. Biểu đồ sau đây thể hiện lực đạp của các nhóm GC (General Classification – top 10 cua rơ của giải), Domestiques (nhóm hỗ ) và all-rounder (các VĐV mạnh đều ở các khả năng, vừa rút tốt cũng như leo đèo giỏi). Nhóm top 10 dường như là những người không biết đau là gì khi vẫn có thể đạp khỏe sau 3000 kilo Jun. Các VĐV domestique cũng như all-rounder cho thấy thành tích tụt giảm đáng kể về đoạn cuối của cuộc đua.

Tuy dữ liệu và kết luận của nghiên cứu khá thuyết phục, có vài điểm chúng ta vẫn cần cân nhắc kĩ lượng. Đầu tiên, lực đạp trong một giải thi đấu phụ thuộc rất nhiều vào chiến thuật của các đội ở từng chặng, cũng như vai trò của các cua rơ. Lực đạp của một VĐV do đó phản ánh chiến thuật của đội chứ chưa hẳn là khả năng thực tế của VĐV này. Ngoài ra, sử dụng mức kilo jun để phản ánh khả năng chống đau mỏi đã cũng đơn giản hóa thực tế của môn đạp xe. Ở cùng một mức kilo jun như nhau, việc đạp 230 watt với vài phút leo đèo 600 watt sẽ khiến cơ bắp của bạn chịu nhiều tải hơn là đạp 230 watt đều xuyên suốt. Điều này khiến kết luận về khả năng chịu đau của VĐV khá khó khăn vì nó còn phụ thuộc vào các yếu tố như thần kinh cơ bắp, sự tụt giảm trao đổi chất ở các bó cơ cũng như sức mạnh tinh thần của VĐV.
Leo cho biết có vài cách để tập cho cơ thể chống đau mỏi tốt hơn. Đầu tiên chúng ta cần đảm bảo cơ thể cần được cung cấp đủ năng lượng (từ carb – tinh bột, xem thêm bài viết Đồ uống giúp hồi phục cơ) để giúp cơ bắp hồi phục tốt hơn. Khi tập luyện, Leo cho biết khối lượng tập luyện quan trọng hơn cường độ của bài tập. Bạn có thể thêm một vài tổ cường độ cao (8 phút đạp nặng và 4 phút thư giãn) sau khi đã đạp 4 giờ ở cường độ nhẹ. Bài tập này giúp cơ thể làm quen tốt với cường độ mạnh sau khi đã vận động một thời gian dài.
Kết
Có một thí nghiệm mà trong đó các nhà khoa học yêu cầu người tham gia nhúng tay vào bồn nước đá và tính thời gian họ giữ tay được trong đó. Những người tham gia được chia làm hai nhóm: người thường và nhóm tập thể thao. Kết quả thí nghiệm cho thấy nhóm tập thể thao giữ được tay trong nước đá lâu hơn nhiều so với nhóm thường (gần gấp đôi thời gian). Các nhà khoa học kết luận những người tập thể thao có thể đã quen chịu đựng đau đớn trong quá trình tập luyện và trong các cuộc thi (cứ thử tưởng tượng chạy 42km hay thi đấu triathlon 226km thì cơ thể phải chịu tải trọng tới mức nào). Vì vậy, lần tới nếu bạn tham gia một cuộc thi Marathon, mặc dù có đau đớn trong 10km cuối thì cũng đừng bỏ cuộc nhé. Vì bạn có sức chịu đựng hơn người bình thường.
- Về tác giả
- Bài mới nhất

Nhân viên bán bột giặt, hạt nêm. Vận động viên phong trào chạy trail và triathlon ham vui. Thích ăn mì ramen và uống cà phê đen không đường.