Bài viết từ nguyên tác của VeloVietnam (người dịch Nguyễn Minh Quân)

Claude là một hình tượng đam mê xe đạp đích thực. Câu chuyện của anh là chuỗi giấc mơ được nuôi dưỡng bởi giải xe đạp Tour de France, cho đến sự nghiệp neo-pro (thuật ngữ dùng cho những VĐV trong 2 năm đầu của sự nghiệp đạp xe chuyên nghiệp) ngắn ngủi và hiện tại là đạp xe đường trường ở Việt Nam.

Trong những ngày đầu tiên của sự nghiệp neo pro tại Renault Gitane, anh đã sát cánh với những cua-rơ nào?

Hinault, Fignon,Chalmel, Le Guillou… Thời điểm đó là tháng 6 năm 1982, tôi tham gia với những neo pro khác để được tuyển chọn, Phillppe Bouvatier, Christophe Lavaine, Eric Boyer, và một số người khác.

Claude khi còn trẻ tại Tour de Sein et Marne, 1982. Có sự xuất hiện của Jacques Anquetil (cua-rơ đầu tiên vô địch Tour de France năm lần) ở phía sau.

Làm thế nào anh dành được vị trí neo pro tại đội đua Renault Gitane?

Đầu năm 1982, tôi có phong độ rất tốt khi mùa giải thi đấu bắt đầu. Tôi tham gia rất nhiều cuộc đua không phân hạng với đội đua địa phương của mình. Một người họ hàng của tôi, Jean Paul Lebris, lúc đó là cua-rơ tại Renault Gitane, và anh ta đã giới thiệu tôi với Guimard.

Anh có nhắc đến Guimard – anh có thể cho mọi người biết về chế độ luyện tập mà Guimard đề ra?

Guimard là một huấn luyện viên rất có tầm nhìn: dinh dưỡng, tập luyện, công nghệ của xe đạp… Ông ta trang bị cho các cua-rơ rất nhiều phương pháp để mạnh mẽ hơn; tại thời điểm đó, không có một huấn luyện viên nào như ông ta cả.

Chúng tôi tập interval training 2 hoặc 3 lần một tuần. Trong tuần, chúng tôi còn đạp một chặng dài với nhịp độ cao trong vòng 5 tới 6 tiếng mà không ăn uống trước khi xuất phát và chỉ uống nước trong quãng thời gian đó. Phương pháp này được sử dụng làm mỗi người chúng tôi cạn sức để có thể đánh giá khả năng mỗi người. Đồng thời, chúng tôi được xét nghiệm tại bệnh viện Nantes để kiểm tra máu và VO2 max.

Anh đã tham gia những cuộc đua nào?

Cuộc đua criterium sau giải Tour de France 1982. Callac, Lannion, Lisieux, Dijon và một số cuộc đua khác trong tháng 7 và tháng 8.

Điều gì đã khiến anh từ bỏ?

Tôi chấm dứt sự nghiệp sau vài tháng vào cuối năm 1982 bởi vì tôi không đồng ý với việc sử dụng doping.

Hãy quay trở lại thời điểm tất cả mọi thứ bắt đầu. Chiếc xe đua đầu tiên mà anh sở hữu?

Chiếc đầu tiên là một khung sắt và nó rất nặng. Tôi đã mua từng bộ phận một. Tôi có phanh Mafac, bộ đùi đĩa Stronglight 51×45, và bộ líp Maillard 13-21. Tôi dùng 45/21 để leo núi, thời đó rất khác so với bây giờ.

Cuộc đua nào là lần đầu tiên anh tham gia với chiếc xe đó? Và hãy kể với mọi người về những chiến thắng đầu tiên?

Cuộc đua đầu tiên tôi tham gia khi 16 tuổi. Tôi dành chiến thắng đầu tiên khi 17, sau đó tôi dành thêm 10 chiến thắng lúc 18 tuổi và về thứ 4 tại giải vô địch trẻ quốc gia Pháp và về thứ 3 tại một giải đua cyclocross. Lúc 19 tuổi tôi bắt đầu đua khi mùa giải băt đầu và đã chiến thắng 5 lần cùng với một số lần lọt vào top 10.

Giải nhất tại Grand Prix de Renne 82. Ảnh: VeloVietnam.cc / Claude Perzo

Anh đã chuẩn bị cho cuộc đua đầu tiên năm 16 tuổi thế nào?

Tôi cùng với một người bạn, mỗi người một xe, đạp từ Paris tới vùng Alsace trong vòng 3 tuần. Chúng tôi đã leo gần như tất cả các ngọn núi ở dãy núi Vosges trên chiếc xe nặng nề của mình. Mỗi chiếc xe lại có thêm hai cái túi đầy đồ của mỗi người. Sau chuyến đi đó, tôi cảm thấy rất sung sức và đã xin phép bố mẹ tham gia đua xe đạp.

Điều gì đã khiến anh bắt đầu đạp xe?

Cảm hứng đến từ giải đua Tour de France. Hàng năm, chúng tôi xem giải đua trên TV. Và sau mỗi chặng đua, tôi mặc lên chiếc áo giống Raymond Poulidor của đội Gan-Mercier mà mẹ đã may cho rồi lấy chiếc xe đạp của mình làm vài vòng quanh vườn.

Tôi đã tận mắt chứng kiến Tour de France hai lần. Một lần tại Valle de Chevreuse gần Paris – Eddy Mercks là người vô địch năm đó. Lần còn lại là một trong những chặng cuối cùng năm gần Verailles, và Barry Hoban là người chiến thắng chặng đó.

Thời gian ở Pháp khi anh còn là một cua-rơ nghiệp dư, đồng đội ở đội đua Lê Beau Velo gọi anh là ‘The Killer’. Thế nào mà anh lại có được cái tên như vậy?

Khi tôi còn đua cho đội đua Cyfac, hàng năm chúng tôi tham dự giải Grand Trophée, tổng cộng 12 lần. Những tay đua khác đã kể với MC trên bục trao giải rằng tôi phang liên tục trong cuộc đua cho đến khi peloton cho tôi tẩu và kể cả khi tẩu thành công tôi vẫn tiếp tục phang. Tôi luôn muốn tạo ra ảnh hưởng tới cuộc đua. MC nói rằng “Claude, anh là một sát thủ (killer)!” Từ đó, cái tên gắn bó với tôi.

Tới năm 2012 tại Việt Nam – Phong độ của anh lúc đó không hề giống như phong độ hiện tại của anh năm 2020 cũng như khi anh còn ở Pháp. Lúc đó anh đã dừng đạp xe?

Lần cuối tôi tham gia một giải đua tại Pháp là năm 2005, và đúng rồi tôi đã dừng hẳn đạp xe vào năm 2006 khi tôi chuyển tới Hà Nội.

Cùng với đội T2 Open Cycling Team

Điều gì đã khơi lại niềm đam mê của anh và giúp anh quay trở lại tập luyện?

Tôi luôn có động lực và thấy thích thú với những thử thách điên rồ. Tôi cho rằng sự cạnh tranh tạo ra động lực – tôi thích chiến đấu với những người khác.

Trước 2011, tôi chỉ đạp xe một mình, và có những chuyến đi dài bởi vì thời điểm đó tôi không thấy một người nào đạp xe đường trường cả. Tôi nghĩ rằng người Việt Nam không thích xe đạp đường trường. Nhưng rồi một ngày, một người bạn giới thiệu tôi với một nhóm người Việt đạp xe hai lần một tuần, mỗi buổi đạp hết tốc lực 20km xuất phát từ cầu Mai Dịch.

Tôi nhớ như in lần đầu tôi tham gia, lúc đó tôi sử dụng một chiếc xe leo núi (MTB) – tôi đã không thể theo đuổi bọn họ. Sau 2km, họ mỉm cười khi biết tôi bị rớt lại. Tôi nhận thấy rằng mình cần phải luyện tập nghiêm túc hơn. Từng bước, tôi đã lấy lại được phong độ.

Hiện tại anh đã chiến thắng hầu hết các giải đua xe nghiệp dư ở Việt Nam, chiến thuật thường được sử dụng là dồn hết sức vào lúc xuất phát. Anh có thể cho chúng tôi biết thêm một chút về các giải đua phong trào?

Các cuộc đua phong trào ở Việt Nam rất ngắn và tốc độ trung bình không cao, cho nên tôi thường cố gắng đua với tâm lý như một cuộc đua solo tính giờ. Để đạt được điều đó, tôi sẽ phải tẩu một mình và không có ai đi cùng. Vậy, tôi cần phải xuất phát rất mạnh. Trước mỗi cuộc đua, tôi thường khởi động một cách nghiêm túc và mãnh liệt.

Anh đã hoàn thành ba lần Everesting (đạp dốc nhiều lần với tổng độ cao 8.848m – bằng độ cao núi Everest) rồi. Anh có kế hoạch làm tiếp không?

Phải rồi, tôi đã hoàn thành Tam Đảo năm 2016, lần vừa rồi là Đền Gióng và Ba Vì, ‘ba đỉnh’ tại Hà Nội. Tôi muốn làm tiếp vài lần nữa trong tương lai, nhưng chưa biết ở đâu.

Claude khi gần hoàn thành lần Everesting đầu tiên của anh tại Việt Nam. Ảnh: VeloVietnam.cc / Claude Perzo

Anh đạp xe từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ không dừng. Làm thế nào để anh làm được điều đó mà không nghỉ?

Thử thách lần đó tôi sử dụng sự trợ giúp của một xe hỗ trợ, cho nên không cần dừng để ăn uống. Tôi đạp theo cảm tính của mình. Tổng quãng đường dài 450km với 5800m leo, nhưng chiếc đồng hồ GPS của tôi gặp một số trục trặc nên những gì được thể hiện trên Strava thấp hơn so với thực tế.

Bây giờ anh là một hướng dân viên tại Velo Vietnam. Anh thích thú điều gì ở vai trò này?

Xe đạp là đam mê đầu tiên trong cuộc đời tôi sau gia đình. Tôi thích tất cả những gì liên quan tới xe đạp; tôi luôn luôn hạnh phúc khi được ngồi trên chiếc xe của mình. Tôi cũng muốn chia sẻ niềm đam mê này với mọi người trên những chặng đường đẹp nhất của Việt Nam.

Đâu là nơi đáng để đạp xe nhất tại Việt Nam?

Tỉnh Hà Giang – chuyến đi Biên giới phía Bắc của Velo Vietnam là một ví dụ.

Anh thích chặng leo núi nào nhất ở Việt Nam?

Ba Vì ở Việt Nam; Galibier ở Pháp.

Nhóm đạp xe cung Biên giới phía Bắc tổ chức bởi Velo Vietnam cùng với Claude. Ảnh: VeloVietnam.cc / Claude Perzo

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn