Các VĐV xe đạp chuyên nghiệp lẫn phong trào đương nhiên đã quá quen thuộc với việc sử dụng đồng hồ Garmin Edge để theo dõi các chỉ số tốc độ, quãng đường khi đạp xe. Nhưng họ cũng sử dụng nhiều loại thiết bị khác khá hấp dẫn, hoặc nhiều tính năng trên đồng hồ Garmin mà nhiều người chơi thể thao phổ thông như chúng ta bỏ qua.

Lâm Quang Nhật – máy đo lực đạp (power meter)

Lâm Quang Nhật vốn là cậu bé vàng của làng bơi lội Việt Nam, thống trị cự ly 1.500m bơi tự do tại các kỳ SEA Games 2013 và 2015. Những năm gần đây, Nhật chuyển qua bộ môn triathlon, môn thể thao cũng có yếu tố bơi lội rất lớn. Nhật cũng từng góp mặt trong đội tuyển triathlon Việt Nam (nội dung đồng đội) tại kỳ SEA Games 2019 tổ chức tại Philippines, với mục đích làm bàn đạp để chinh phục nội dung triathlon cá nhận tại SEA Games 2021 được tổ chức tại sân nhà Việt Nam.

Đến với triathlon, việc bơi tốt là một lợi thế lớn, tuy nhiên Nhật cần tập luyện nhiều hơn cho môn đạp xe và chạy bộ. Nhật cũng từng thừa nhận rằng triathlon nói chung và đạp xe nói riêng đòi hỏi tập luyện cường độ cao, và cả các thiết bị chuyên dụng để theo dõi sát sao nhất. Và Nhật cho rằng bàn đạp đo lực (power meter) là dụng cụ tập luyện hiệu quả nhất với bản thân anh.

Nhật thường sử dụng power meter Garmin Rally. Một ưu điểm của việc dùng máy đo lực là có thể đo chính xác được cường độ đạp xe trong lúc tập luyện, bất chấp địa hình đồi núi hay đường bằng, đạp xe trong nhà hay ngoài trời. Ngoài ra, tính năng hữu ích nhất của Garmin Rally với Nhật là khả năng đo lực đạp hai bên chân. Nhật cho biết, thông thường rất ít người sử dụng lực đều nhau giữa 2 chân, đối với chân thuận chúng ta luôn có xu hướng dùng lực mạnh hơn. Tuy nhiên trong thi đấu, đạp với cự ly dài, bạn cần bảo đảm tập luyện với lực phân phối đều  chân đủ lâu để tạo thói quen cho cơ thể. Dùng lực quá nhiều ở 1 bên có thể dẫn đến chuột rút, căng cơ, lâu dài có thể chấn thương.

Đồng quan điểm này, VĐV xe đạp chuyên nghiệp Javier Perez cũng cho rằng máy đo lực Garmin Rally đặc biệt hữu ích. Với VĐV chuyên nghiệp như anh, việc sử dụng lực đạp giúp anh có nhiều chỉ số để tham khảo khi luyện tập. Trong thi đấu, lực đạp cũng giúp Javier quyết định chiến thuật đua một cách hiệu quả như chọn lựa lúc nào nên tấn công, phòng thủ, hay đi cùng với đoàn đua.

Javiet Perez – xem bản đồ trên Garmin Edge

Javier Perez là tay đua chủ lực của đội Vinama TP HCM. Đương nhiên, anh đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào tập luyện. Là VĐV chuyên nghiệp, Javier sử dụng nhiều thiết bị như máy đo lực Garmin Rally, đồng hồ đạp xe Garmin Edge 1030 Plus hay cả đồng hồ đeo tay Garmin Forerunner 945. Tuy nhiên, với Javier, đạp xe cũng có niềm vui riêng, đó là có thể đạp xe khám phá những địa điểm anh chưa từng tới. Và một trong các tính năng thú vị nhất với Javier là tính năng xem bản đồ trên Garmin Edge 1030 Plus của anh.

Theo Javier, tính năng bản đồ này rất tiện dụng. Anh có thể lựa chọn tải trước bản đồ đường đi vào Garmin Connect rồi đồng bộ với Garmin Edge. Cách làm này cũng tương tự chúng ta lái ô tô và dựa vào GPS/Google Map để tìm đường vậy. Đây là một tính năng khá quan trọng với các VĐV chuyên nghiệp, thường phải thi đấu ở các chặng đường, thành phố khác nhau. Khi đó, Javier có thể tải bản đồ đường đua trước lên Garmin Edge để phòng trường hợp đi lạc đường khi đang dẫn đoàn (mặc dù có xe máy hộ tống của BTC nhưng chuyện lạc đường không phải là chưa xảy ra).

Ngoài ra, tính năng bản đồ trên Garmin Edge cũng giống như Google Map. Theo Javier, bản đồ trên Garmin Edge rất chi tiết, giúp anh có thể đi lại thoải mái ở một nơi xa lạ. Kèm theo thời gian pin lớn nên có thể dùng được lâu, Garmin Edge và tính năng bản đồ là những thứ không thể tách rời với Javier khi anh tập luyện các bài đạp dài, tới các thành phố khác cạnh HCM.

Phạm Thúy Vi – đèn chớp trên xe đảm bảo an toàn

Phạm Thúy Vi là HLV bơi và VĐV triathlon từng tham gia SEA Games 2019 và giải VĐTG Ironman 70.3 diễn ra năm 2019 tại Pháp. Nếu ai biết Vi thì cũng biết khả năng dính tai nạn của cô cũng ngang ngửa với khả năng bơi, đạp, chạy nhanh. Vi từng bị ngã xe gãy tay, cần tới hơn một năm để hoàn toàn lành lặn. Ngoài ra, cũng có vài lần cô đâm xe đến mức gãy bánh, gãy xe…

Vì vậy, đối với Vi, đảm bảo an toàn trên xe khi đạp ở ngoài đường quan trọng hơn cả. Tôi biết điều này vì đã từng chứng kiến Vi sử dụng đèn chớp Garmin Varia gắn ở phía sau xe. Theo Vi, dụng cụ này khá đặc biệt nếu không muốn nói là…kỳ lạ. Công dụng của đèn chớp là để báo hiệu cho xe ô tô hoặc xe máy phía sau. Theo Vi, ngoài việc dễ lắp lên cột yên, Varia đặc biệt ở điểm có trang bị rađa cảm biến, nếu có xe tới gần trong khoảng cách nhất định, đèn sẽ phát sáng hơn bình thường để cảnh báo các phương tiện cơ giới. Vì vậy, đèn này rất hữu ích cho những người đạp xe một mình (những người tập triathlon phần lớn hay đạp xe một mình) và thường bắt đầu tập từ sáng sớm, vắng người nhưng nhiều xe tải.

Ngoài ra, người dùng cũng có thể chọn tính năng đèn chớp nhanh hay chậm, hoặc đèn luôn sáng (không chớp). Đèn của Varia cũng sáng hơn đèn thường 2 tới 3 lần. Vì sao tôi biết điều đó? Vì tôi từng đạp sau Vi vài giờ, và vì ở ngay đằng sau nên đèn của Vi chớp liên hồi, sáng tới mức lóa cả mắt và…bực cả mình.

image.png

Kết

Phần lớn các dụng cụ kể trên như Garmin Edge, đèn xe Varia… đều rất hữu ích với các VĐV khi tập luyện ở ngoài đường. Một số dụng cụ khác như máy tập đạp xe (turbo trainer) thì lại rất hữu ích để tập trong nhà, như lời kể của VĐV Cao Ngọc Hà trong bài viết Vì sao tôi đạp xe trong nhà – vì an toàn. Máy turbo trainer như Tacx có thể được dùng cùng power meter Rally để đảm bảo độ độ chính xác xuyên suốt khi đạp xe trong nhà và ngoài trời, mà vẫn có thể sử dụng được các tính năng của smart trainer như giả lập đường đạp xe khi đạp ảo trên Zwift. Ngoài ra, nếu không sử dụng Zwift, người dùng cũng có thể sử dụng Garmin Edge để điều khiển smart trainer Tacx để, tăng giảm cường độ đạp tuỳ ý.

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn