Diệu đã đăng ký giải BigFoot 200 từ năm 2020 nhưng đúng hai tuần trước ngày thi đấu thì giải huỷ do Covid. BigFoot 200 được biết tới như là một trong những giải chạy địa hình (trail) 200 dặm khó nhất của Mỹ với rất nhiều dốc và địa hình khó cũng như thời tiết khắc nghiệt. Vì vậy Diệu đã tập luyện rất chăm chỉ cho giải này.

Quá trình tập luyện của Diệu cho giải này được tiến hành kỹ càng, nghiêm ngặt. Diệu tập chạy mỗi tuần khoảng 100km, có khi lên tới 190km, tập trung nhiều vào các bài chạy dài liên tiếp cuối tuần, đồng thời kèm các buổi tập xuyên đêm để thích nghi với việc mất ngủ. Có những tuần mùa đông lạnh vẫn đi tập cả ngày Thứ Bảy, chạy càng nhiều càng tốt vì sẽ phát hiện ra vấn đề xảy ra với cơ thể, từ đó biết cách xử lí. Đối với những cuộc thi dài như 100 dặm đến 200 dặm (160 tới 320km) thì chạy tốt chỉ một phần mà cách giải quyết vấn đề gặp phải quan trọng hơn để đi xa hơn được.

Tuy nhiên người tính không bằng trời tính…

Nhiễm Covid-19

Để duy trì phong độ, Diệu vẫn tập đều cho tới tháng 4 năm nay thì em gái được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư não. Bản thân Diệu sau đó cũng nhiễm Covid-19. Là người rất khoẻ mạnh, từng tham gia nhiều cuộc thi “siêu marathon” (ultramarathon với cự ly từ 50km trở lên) và chạy rất nhanh, nhưng Diệu vẫn bị virus quật ngã, phải nằm bẹp trên giường với những cơn sốt liên hồi. Cũng giống Việt Nam bây giờ, các F0 ở Mỹ được yêu cầu tự cách ly ở nhà. Có lúc không thở nổi, nồng độ oxy trong máu giảm sâu, tưởng chừng phải gọi xe cứu thương đưa Diệu đi cấp cứu nhưng may mắn thay tình trạng của Diệu sau đó được cải thiện hơn.

Mặc dù quá trình phục hồi diễn ra khá suôn sẻ nhưng trong suốt quãng thời gian từ tháng 4 tới tháng 7/2021, Diệu không thể tập luyện một cách ổn định do vẫn gặp tình trạng khó thở và nhịp tim tăng nhanh. Diệu chỉ có thể duy trì chạy 40-50km một tuần và đi leo núi cuối tuần (nên nhớ, trước khi bị nhiễm bệnh, Diệu thường chạy 100-190km mỗi tuần). Với tình hình sức khỏe như vậy, có lúc Diệu cũng suy nghĩ bỏ cuộc không tham gia giải, một phần vì lo quá mạo hiểm sức khỏe, phần lớn hơn là nỗi sợ không bao giờ dám nói ra – Nỗi sợ DNF (Did not Finish – không về đích) vì không tập đủ . Rồi hai tuần trước race, Diệu quyết định vẫn tham gia chạy và tận hưởng khung cảnh núi rừng bang Washington, chạy để chìm vào niềm vui với chạy núi, chạy được bao nhiêu sẽ chạy, sẽ không sợ nữa mà can đảm đối diện.

Đến với giải chạy

Tham gia giải này, Diệu tự túc hoàn toàn, không có người hỗ trợ cũng không có pacer (người chạy cùng dẫn tốc) nên trước race Diệu đã giành thời gian đọc nhiều bài viết cũ của mọi người về giải đấu này và đọc sách hướng dẫn thi đấu của BTC rất kỹ rất kĩ để biết mình cần chuẩn bị đồ như thế nào. 

Cục dự báo thời tiết Hoa Kỳ cho biết năm nay sẽ là năm nóng kỷ lục, nhưng lại có mưa vào hai ngày cuối tuần race nên việc chuẩn bị đồ dự phòng càng cần được làm kĩ càng hơn. Với những người chạy trail, thời tiết như vậy là kiểu thời tiết khó chịu nhất: thời tiết nóng bức sẽ làm các VĐV mất nước, nhưng trời mưa sẽ khiến đường khó đi hơn, làm giảm tốc độ cũng như tăng phần nguy hiểm. Với các cuộc thi lên tới 330km, trải dài qua nhiều ngày thì thời tiết nửa nắng, nửa mưa như vẫy cũng đòi hỏi các VĐV phải chuẩn bị đồ đạc cự kỳ kỹ càng, từ áo mưa tới nước uống, giày chạy. Diệu chuẩn bị 7 túi đồ, đặt ở 7 trạm trên đường, bao gồm từ quần áo chuẩn bị cho thời tiết thay đổi tới lương thực mang đi và cả đồ y tế  dù biết sẽ không dùng nhiều nhưng vẫn cần chuẩn bị để đảm bảo an toàn.

Lấy nước uống từ những con suối. Đường chạy gồ ghề đá sỏi

Cuộc thi

Ba ngày đầu của race là ba ngày nhiệt độ của bang Washington đạt mức đỉnh nhiệt. Cái nóng hơn 40 độ cùng độ ẩm cao khiến cho không khí thở trở nên nặng hơn, mỗi hơi nóng hắt vào người đều cảm thấy rát trên da, những giọt mồ hôi lăn đều trên cơ thể như không có hồi dừng. Sẽ không hiếm hoi để bắt gặp có những runner mang cả ô che chỉ để làm giảm bớt cái nóng. 

Đường chạy là những con dốc dài liên tục, kèm những vùng đất đá lởm chởm (boulder field) khiến các runner phải chú ý quan sát để không ngã, cũng như lưu ý không bị lạc đường khi đến những rặng núi đặc trưng của WA với những tán cây thật cao, thật rậm rạp. Diệu đi rất chậm trong những đoạn này vừa để giữ thân nhiệt thấp, vừa để quan sát sức mình sau khi nhiễm Covid. Bắt đầu tối ngày thứ hai sang ngày thứ ba, những cơn ảo giác liên tục xuất hiện, những cây nấm lớn nhanh chóng trở thành những đầu lâu, những khúc gỗ ngang đường trở thành những chú ngựa biết nhảy. Nhận ra mình bị áo giác, Diệu cố gắng lắc đầu hoắc tát vào mặt để tỉnh, có những đoạn mệt quá thì trải chăn cứu hộ trên trail và nằm xuống ngủ 30 phút cho tỉnh người. Suốt race Diệu ngủ ba lần như thế(tổng cộng là 90 phút), mỗi lần ngủ dậy đều thấy tỉnh người hơn và mọi thứ đều trở nên tốt đẹp hơn như một ngày mới, có lẽ đây là 30 phút mà Diệu ngủ ngon nhất trong cuộc đời mình.

Sang chiều ngày thứ tư, cơn mưa giông ập đến. Đây cũng là đoạn đường được cho là khó nhất trong race vì cơn bão vừa tới trong năm nay khiến cho rất nhiều cây to đổ xuống đường đi. Mặc dù chuẩn bị đồ đạc cẩn thận như áo mưa, nhưng khi phải đi liên tục qua những lùm cây, một bên là vực, một bên là những cây thông đổ ngang nên các runner đều ướt sũng sau khi tìm cách leo qua. Những cơn gió lùa liên hồi trong cơn mưa khiến cơn lạnh xen qua từng thớ thịt dường như mất kiểm soát, mặc dù bàn chân rất đau và cảm giác mệt mỏi không ngừng, những cơn ảo giác liên tục xuất hiện, Diệu cũng không dám đi chậm lại mà tiếp tục bước đi thật nhanh và chạy khi có thể để giữ ấm cơ thể.

Chạy trong trời mưa

Đến trạm với hy vọng có máy sưởi để làm ấm cơ thể nhưng có quá nhiều runners đang ở đây nên Diệu và vài bạn chỉ tiếp đồ ăn, nước uống rồi đi tiếp. Lúc này cơn đau lại ùa về, những cơn ảo giác liên tục xuất hiện. Tới lúc này Diệu vừa lắc đầu để tỉnh vừa nghĩ không biết sao để bước tiếp. Nhưng không để ý nghĩ đó tồn tại lâu trong đầu, Diệu tự nhủ “Mình làm được, mình nhất định làm được”. Các cơn đau qua đi rồi quay lại, cứ lặp lại như thế cho tới hết race.

Kết

Diệu kể có những lúc cảm giác như xung quanh bao trùm là bóng tối, cảm giác như mình không thể bước thêm bước nữa. Lúc đó, Diệu tự nhủ mình “cơn đau sẽ qua, em làm được, một bước nữa thôi, một bước nữa…” Cứ như thế cho hết race. Con người chúng ta mạnh mẽ như thế, chúng ta có thể chịu đựng dường như được hết tất cả mọi thứ , chỉ là ý chí của mình cần được thuyết phục. Chúng ta luôn nghĩ mọi thứ có giới hạn, nhưng Diệu luôntin khả năng con người là vô tận. Mỗi người đều có khả năng riêng cần được phát hiện và khai thác. Môi trường khắc nghiệt sẽ giúp chúng ta phát hiện và phát triển khả năng của mình. Nếu chúng ta muốn điều gì, hãy theo đuổi nó, hãy tin vào bản thân mình và tự nhủ “Mình làm được”.

Clip phỏng vấn Diệu Trần từ đầu cầu bên Mỹ

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn