Là VĐV điền kinh chuyên nghiệp lâu năm nhưng chỉ từ khi tập huấn môn Duathlon cho SEA Games 31 tôi mới được trải nghiệm nhiều thứ thiết bị đến thế.
Khi nhận quyết định lên tuyển tập huấn môn Duathlon (Hai môn phối hợp – Đạp và Chạy) sau dịp Tết Nguyên Đán (2022), tôi được anh bạn cho mượn một máy smart trainer Wahoo Kickr V5 để mang ra Phan Thiết tập luyện. Anh bảo máy này có chức năng đo lực khi đạp nên tập rất hiệu quả, đặc biệt là với các VĐV thành tích cao chuẩn bị thi ở đấu trường khu vực. Với tôi, xe đạp là môn quá mới mẻ và gần như không có chút kinh nghiệm nào: tôi vẫn hay tập “chay”, chỉ đạp theo cảm giác trên cái ru-lô thường. Sẵn tính tò mò ham tìm hiểu cái mới, tôi đồng ý ngay và không quên cám ơn anh cho mượn đồ. Từ đó tới nay, tôi đã dùng Wahoo Kickr V5 được vài tháng và đồng đội trên tuyển cũng chia nhau tập với máy nay. Do đó, hôm nay tôi muốn viết một số cảm nhận và đánh giá sản phẩm này để chia sẻ với mọi người.
Chúng tôi sử dụng Wahoo Kickr V5 như thế nào?

Đội Duathlon và Triathlon lên tuyển tập luyện khoảng gần chục người (cả nam và nữ). Hàng ngày chúng tôi sẽ tập luyện theo giáo án của chuyên gia người Singapore Wille Loo, cùng sự hỗ trợ của HLV Cao Hà và Thuý Vi của BoiDapChay.
Thông thường vào các ngày trong tuần, chúng tôi sẽ có những buổi tập đạp xe buổi sáng và chạy bộ buổi chiều (hoặc ngược lại). Cuối tuần chúng tôi thường đạp dài hơn trên các cung đường ở Phan Thiết. Với các buổi tập trong tuần, do đặc thù giáo án với các bài tập interval nên chúng tôi thường đạp trên máy Wahoo Kickr để có chỉ số lực đạp xác nhất với yêu cầu của HLV, và cũng để tránh các phương tiện giao thông có thể gây nguy hiểm khi chúng tôi đạp với tốc độ cao.
Một ví dụ bài tập của tôi như sau:

Bài tập này sẽ được tôi tải lên đồng hồ đạp xe. Thiết bị này có chức năng kết nối với Wahoo Kickr để điều chỉnh theo bài tập trong giáo án. Máy sẽ tự trở nên nặng hơn khi tới các tổ interval, và tự động giảm nhẹ khi vào các pha nghỉ trong giáo án. Và tôi chỉ cần đạp theo máy là sẽ có lực đạp (tính bằng watt) tương đương với yêu cầu của giáo án mà không cần phải bận tâm việc chuyển líp hay quan sát xe cộ giống khi đạp ở ngoài đường.
Trải nghiệm với Wahoo Kickr
Về bề ngoài, Wahoo Kickr V5 không khác nhiều so với các phiên bản trước. Sự khác biệt về bề ngoài lớn nhất có lẽ là từ chân đế của trainer (xem hình so sánh bên dưới). Chấn đế ở bản V5 lớn hơn nhiều so với bản V4, có lẽ để giảm độ rung lắc, làm trainer chắc chắn hơn khi đạp.

Phiên bản mới nhất Wahoo Kickr V5 có vẻ như đã khắc phục được điểm yếu tiếng ồn, cũng là điều bị người dùng chê nhiều nhất trong phiên bản trước. Trong quá trình sử dụng, tôi không nghe thấy tiếng gì khác ngoài tiếng xích. Thực ra, nếu tôi dùng các app như Zwift thay vì đồng hồ để điều khiển máy thì sẽ còn trơn tru và êm hơn nhiều. Tuy nhiên, vì đồng hồ đạp xe cũng tiện lợi, điều khiển tốt nên tôi cảm thấy không cần phải bỏ tiền mua Zwift để dùng hàng tháng.
Chức năng dùng app hoặc Garmin Edge để điều khiển Wahoo Kickr gọi là chế độ ERG, và đây cũng là khác biệt lớn nhất giữa smart trainer (ru-lô thông minh) và cái ru-lô “đần” mà tôi dùng hồi trước. Với ru-lô “đần”, tôi phải dùng tay điều chỉnh độ nặng của máy: thông thường máy có 5 nấc nặng nhẹ, với nấc số 1 là nhẹ nhất. Sau khi chỉnh số, tôi sẽ phải chỉnh líp để có độ cản phù hợp với lực đạp. Nhìn chung các nấc số này rất…dở. Tôi chỉ đạp được nấc 1 và 2, cùng lắm lên được nấc 3 là cứng chân không đạp nổi vì quá nặng, dù để líp nhẹ hết cỡ. Chưa kể “lô đần” cũng rất ồn. Với chế độ ERG trên ru-lô thông minh, tôi không cần quan tâm tới việc chỉnh líp hay chỉnh độ nặng vì máy sẽ tự động làm điều này nên người dùng chỉ cần tập trung vào đạp là đủ.
Việc chỉnh độ nặng của máy này sẽ được thực hiện tự động qua đồng hồ như tôi đã nói ở trên, hoặc dùng app có trả phí như Zwift, Trainer Road, Sufferfest (hiện đã được Wahoo mua lại và đổi tên thành Wahoo SYSTM). Đối với những người muốn tìm app miễn phí để điều khiển máy và đạp theo bài tập thì Wahoo cũng có sẵn app Wahoo Fitness có thể tải về từ Apple Store hoặc Android Play Store.
Cuối cùng, tính năng nổi bật và cũng là quan trọng nhất của smart trainer như Wahoo Kickr V5 là chỉ số lực đạp (hay còn gọi là power) và guồng đạp. Chỉ số này đặc biệt quan trọng với tôi và giúp tôi tập luyện đúng mục tiêu, đúng mục đích và hiệu quả với quỹ thời gian ít ỏi (từ ngày lên tuyển tới thi đấu chỉ có vài tháng). Không giống như chỉ số nhịp tim hay tốc độ bị ảnh hưởng rất lớn bởi thời tiết (nắng nóng hay gió lớn) hoặc địa hình (lên dốc hay xuống dốc), chỉ số power bất biến, phản ánh chính xác lực chân nhấn xuống bàn đạp ở thời điểm đó nên giúp tôi có thể kiểm soát cường độ. Vì vậy, các bài tập interval hay tempo không còn theo cảm nhận kiểu “hơi mệt” hay “rất mệt” như xưa mà thay vào đó là yêu cầu cụ thể 250w trong 5 phút, lặp lại 4 lần chẳng hạn. Các bài tập trong giáo án của HLV Wille Loo đều theo cấu trúc như vậy, với yêu cầu cụ thể đạp ở cường độ nào (tính bằng số watt). Được biết các VĐV trong khu vực và thế giới đều tập luyện như vậy. Vì vậy tôi thấy may mắn mình có điều kiện tiếp xúc với máy móc và phương pháp hiện đại.
Điểm tốt của mẫu Kickr mới nhất là đã khắc phục được nhược điểm tiếng ồn trong các phiên bản trước. Và nhìn chung là…chỉ có vậy. Phiên bản mới này không có thay đổi nhiều về thiết kế so với phiên bản cũ, trừ một số điểm đã nêu trên (tôi cũng được tập với phiên bản cũ hồi còn ở Bắc Giang). Tóm lại, smart trainer là một công cụ tốt để tập luyện môn đạp xe một cách khoa học và an toàn, thích hợp cho cả VĐV chuyên nghiệp lẫn những người chơi phong trào.
- Về tác giả
- Bài mới nhất
Phạm Tiến Sản sinh năm 1991 tại Bắc Giang. Sản từng là VĐV chuyên cự ly 3000m chướng ngại vật và ba lần giành huy chương bạc ở cự ly này trong các kỳ SEA Games 2013-2015-2017. Hiện Sản thi đấu cho đội điền kinh Bắc Giang. Năm 2022, Sản được triệu tập lên đội tuyển Duathlon để tham gia SEA Games 31, trong lần đầu tiên Việt Nam đăng cai nội dung Duathlon và Triathlon.