Trong bài viết Các loại chấn thương đầu gối (Phần 1), chúng ta đã đề cập tới ITB, đầu gối runner và viêm gân xương bánh chè. Trong phần 2 này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về 3 loại chấn thương thường gặp nữa (số thứ tự tương ứng trong hình):

  1. Rách sụn chêm
  2. Viêm bao hoạt dịch gối
  3. Kheo chân

Bạn bị đau chỗ nào (số tương ứng) thì hãy ấn vào các vị trí dưới đây để tìm hiểu nhé.

Đau khắp gối. Khả năng rách sụn chêm

Triệu chứng: Sụn chêm là hai mẩu sụn hình cái nêm giữ vai trò hấp thụ lực giữa xương đùi và xương chày. Chấn thương rách sụn chêm xảy ra khi chúng ta đột ngột thay đổi hướng chuyển động khi chạy hoặc đột ngột vặn gối. Đây là chấn thương thường xảy ra ở người chạy có tuổi do bộ phận này suy yếu dần theo độ tuổi.

Nguyên nhân: Thường dân chạy bộ hay gặp chấn thương sụn chêm trong (phía trong gối) hơn sụn chêm ngoài (phía ngoài gối). Các triệu chứng gồm đau đầu gối chung chung, sưng khắp vùng gối, cảm giác lạo xạo ở gối, cứng gối (đặc biệt sau khi ngồi), cảm giác như gối bị cứng đơ khi cử động và khó co và duỗi chân. Nhiều người vẫn có thể đi bộ khi bị rách sụn chêm và thậm chí có thể chạy nhưng lời khuyên chung là hạn chế vận động.

Khắc phục: Nếu nghi ngờ mình bị rách sụn chêm, chúng ta nên đi khám bác sỹ để được chẩn đoán chính xác nhất. Trong quá trình khám bác sỹ sẽ đánh giá tình trạng gối chụp hình ảnh gối như chụp x-quang hoặc MRI. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể thực hiện kiểm tra McMurray để đánh giá biên độ vận động của gối và phân loại mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

Cách thức điều trị chấn thương loại này phụ thuộc và mức độ và vị trí rách. Trong một số trường hợp các vết rách nhỏ sẽ tự liền nếu chúng ta biết cách tự xử lý phù hợp. Mặc dù có thể cần đến phẫu thuật cắt bỏ sụn, xu hướng hiện nay là ưu tiên giữ lại sụn chêm. Hướng điều trị không sử dụng biện pháp ngoại khoa đối với chấn thương loại này thường bao gồm:

  • Sử dụng thuốc chống viêm (ibuprofen – ra hiệu thuốc ở Việt Nam hỏi, ibuprofen là tên thành phần thuốc giống như aspirin, paracetamol v.v.. và có thể có nhiều loại tên thuốc khác nhau chứa thành phần này)
  • Chườm đá vùng gối để giảm sưng và đau. Chườm đá đầu gối từ 15-20 phút định kỳ 3-4 giờ mỗi lần trong thời gian 2-3 ngày hoặc cho tới khi hết sưng và đau
  • Chúng ta cũng có thể tham khảo ý kiến bác sỹ về các động tác tập luyện bổ trợ và co giãn phù hợp.

Trong trường hợp phải xử lý phẫu thuật, để gối hồi phục cần tiến hành bó gối và thực hiện các vận động không tạo áp lực lên vị trí chấn thương trong thời gian 4-6 tuần. Ngoài ra chúng ta cũng có thể thực hiện chế độ phục hồi bằng cách tập các bài tập bổ trợ tăng độ dẻo dai và ổn định. Phần lớn các bài bổ trợ thiên về cải thiện cơ hông (video dưới) và cơ đùi (leg press, lunges hay squat). Lưu ý: trong trường hợp bạn có thể thấy đau xung quanh gối và không rõ nguyên nhân, bạn vẫn có thể tập các động tác bổ trợ cải thiện cơ hông và cơ đùi. Nhiều nghiên cứu chứng mình các bài này rất hiệu quả để hồi phục chấn thương gối nói chung (gọi chung là Patellar).

Trên xương bánh chè hoặc trong gối. Hội chứng viêm bao hoạt dịch gối (Knee Bursitis)

Vị trí Bursa – bao hoạt dịch gối

Triệu chứng: Nếu chúng ta cảm thấy đau phía trên xương bánh chè hoặc phía trong gối dưới phần khớp gối, nhiều khả năng chúng ta bị chấn thương viêm bao hoạt dịch, tình trạng viêm bao hoạt dịch gần khớp gối.

Nguyên nhân: Bao hoạt dịch là một túi nhỏ chứa đầy dịch giúp giảm tình trạng cọ xát và giữ vai trò lớp đệm áp lực tại các điểm giữa xương, gân và cơ quanh khớp. Đối với môn chạy bộ, tình trạng làm việc quá tải có thể dẫn tới hiện tượng đau và viêm bao hoạt dịch mặt trong gối phía dưới khớp gối khoảng 5-7cm.

Khi bao hoạt dịch bị viêm, vùng gối chịu ảnh hưởng sẽ có cảm giác nóng, nhức hoặc sưng khi chịu áp lực. Ngoài ra chúng ta cũng sẽ cảm thấy đau khi đi lại hoặc cả khi ngồi một chỗ và cảm giác bước lên cầu thang rất khó khăn. Chúng ta cần khám bác sỹ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nhất do các triệu chứng của chấn thương này tương tự như chấn thương rạn xương.

Khắc phục: Với loại chấn thương này, biện pháp tốt nhất để chữa trị là nghỉ ngơi và nghỉ ngơi. Để giảm bớt cảm giác khó chịu do chấn thương gây ra, chúng ta có thể áp dụng phương pháp RICE (Rest Ice Compress Elevate – Nghỉ ngơi, chường đá, băng bó và kê cao chân) và dùng thêm thuốc chống viêm (ibuprofen – ra hiệu thuốc ở Việt Nam hỏi, ibuprofen là tên thành phần thuốc giống như aspirin, paracetamol v.v.. và có thể có nhiều loại tên thuốc khác nhau chứa thành phần này.)

Nếu rất nặng thì có thể phải can thiệp y tế, gồm:

  • Bác sỹ có thể chỉ định tiêm steroid để giảm đau. Tôi có thử một lần cho chấn thương ITB, nói chung là hiệu quả không rõ ràng.
  • Các bài tập giãn cơ, chườm đá và điều trị bằng phương pháp siêu âm. Vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau và tránh tái phát chấn thương kiểu này.
  • Bác sĩ có thể áp dụng các hướng điều trị khác như hút dịch hoặc phẫu thuật.

Nhìn chung, rất hiếm khi bạn phải can thiệp y tế. Vì vậy nghỉ ngơi, tập các bài tập bổ trợ, giãn cơ là phương pháp tốt nhất.

Phương pháp R.I.C.E

Kheo chân. Khả năng chấn thương: U nang bao hoạt dịch vùng kheo chân (Baker’s cyst)

Triệu chứng: Đây là một chấn thương khá hiếm gặp với runner. Chấn thương u nang bao hoạt dịch vùng kheo chân hay còn gọi là nang Baker (Baker’s cyst) là tình trạng sưng ở kheo chân. Thường chúng ta sẽ cảm thấy đau nhưng đa phần sẽ xuất hiện cảm giác căng, cứng hoặc tức ở vùng này. Ngoài ra còn có thể quan sát thấy hiện tượng sưng. Nang này là hệ quả của tình trạng thoái hóa khớp gối hoặc rách sụn chêm.

Nguyên nhân: Chấn thương này không hẳn liên quan đến chạy bộ và do đó nguy cơ đối với dân chạy bộ không hẳn là cao hơn. Tuy nhiên, do chấn thương là hệ quả của chấn thương nền khác nên nhiều trường hợp dân chạy bộ lại gặp chấn thương loại này.

Khắc phục: Nếu nghi ngờ bị chấn thương này, chúng ta cần khám bác sỹ chuyên khoa để được chẩn đoán và xác định nguyên nhân gốc. Một vài trường hợp u nang sẽ tự mất mà không càn điều trị nhưng cần phải xác định được nguyên nhân gốc để xử lý triệt để.

Trong một vài trường hợp hiếm gặp, u nang có thể vỡ ra nên khi quan sát thấy vùng này sưng phồng hoặc có màu đỏ thì cần khám bác sỹ để được xử lý kịp thời.

Cách tiếp tục tập luyện khi bị đau gối

Nếu hỏi bác sĩ, chắc chắn câu trả lời bạn nhận được sẽ là ‘Nghỉ tập, nghỉ hết!’. Tuy nhiên, thực tế, bạn vẫn có thể chạy khi bị đau gối.

Đầu tiên, bạn vẫn có thể tập gym bổ trợ như đã nêu ở trên. Ngoài ra, bạn cũng có thể tập chạy để giữ thể lực. Bài tập dưới đây khá hữu ích cho những runner ‘thèm chạy’ khi đang bị chấn thương gối:

  • Lên máy chạy, để độ dốc từ 4% tới 8% (có thể bắt đầu ở 4% và tăng lên 8% nếu cảm thấy khỏe)
  • Chạy 40 phút ở vùng zone 2 (có thể xem nhịp tim). Đặc biệt nhẹ nhàng không cần nhanh
  • Khi chạy dốc trên máy, chân chủ yếu chịu lực ở bắp thay vì gối. Vì vậy bạn vẫn có thể chạy và còn có thể tập thêm cho bắp chân mình chắc khỏe.

Đương nhiên các bạn chỉ nên tập như vậy khi đầu gối không quá đau. Nếu bạn cảm thấy đau ngay cả khi đi lại thì nên nghỉ hoàn toàn để hồi phục.

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn