Giới Thiệu

Khi phong trào 3 môn phối hợp (triathlon) ngày một đi lên, nhu cầu cho trisuit (bộ trang phục thi đấu cho triathlon) cũng ngày càng tăng. Chọn lựa một bộ trisuit phù hợp với bản thân là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho một ngày thi đấu tốt đẹp. Bạn cứ tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu một chiếc trisuit quá chật khiến bạn khó cử động, hoặc quá rộng  dẫn đến tốc độ bơi/đạp bị ảnh hưởng đáng kể?

Do thị trường trisuit hiện nay dao động rất nhiều về mẫu mã, giá cả và công nghệ sản xuất, trong bài viết dưới đây, Boidapchay xin được cung cấp những thông tin cần thiết nhằm giúp bạn chọn được một bộ tri-suit phù hợp với mục đích thi đấu và ngân sách của mỗi cá nhân.

Độ Vừa Vặn & Thoải Mái

Rất nhiều bạn vừa bắt đầu tập luyện triathlon có suy nghĩ “càng đắt càng tốt”. Theo Boidapchay, những trisuit thuộc phân khúc cao cấp tuy có những ưu điểm đáng kể về công nghệ và chất lượng vải, nhưng điều quan trọng đối với chúng tôi khi chọn lựa một sản phẩm trisuit là tính vừa vặn (fit) và thoải mái của sản phẩm, 2 yếu tố hàng đầu giúp bạn phát huy được khả năng vận động của bản thân.

Một trisuit vừa vặn sẽ bó sát cơ thể, ít xê dịch dẫn đến ma sát nhiều giữa cơ thể và vải

Đầu tiên hãy nói về tính vừa vặn. Một trisuit fit với bạn phải có cảm giác tight-fit, nghĩa là khá bó sát, nhưng không đến mức căng cứng hoặc cảm thấy khó chịu. Nếu bạn mới tập triathlon và mặc trisuit cảm thấy bứt rứt khó chịu, bạn đừng quá lo lắng vì đó là điều rất bình thường. Bạn chỉ cần kiểm tra những điểm dưới đây để đảm bảo độ fit của sản phẩm:

  • Bạn có cảm thấy khó thở hay không? Trisuit vừa khi bạn cảm thấy hơi chật ở ngực nhưng vẫn thở thoải mái, ngay cả khi vận động.
  • Bạn có cảm thấy phần vải như đang siết chặt vào vai/tay mình hay không? Do hầu hết các bạn mới tập đều mặc trisuit khi bơi nên bạn phải đảm bảo xoay vai/tay thoải mái.
  • Bỉm có vừa với bạn hay không? Khi bỉm quá nhỏ bạn sẽ cảm thấy xương chậu và chỗ nhạy cảm của mình không được che chắn, còn khi bỉm quá to bạn sẽ cảm giác bỉm chà xát vào hai bên bẹn của mình dễ dẫn đến chaffing (tình trạng xước da do ma sát giữa vải và cơ thể)

Song song với độ fit là tính thoải mái của trisuit. Như đã đề cập ở bên trên, khi thử trisuit bạn nên thử vận động những nhóm cơ chính bên dưới đây:

  • Khớp tay/vai: bạn nên thực hiện động tác xoay tay/vai khi thử trisuit. Nếu bạn cảm thấy phần nách/cơ tam giác bị chèn, có khả năng trisuit bạn đang thử bị chật.
  • Hông/Mông: do cả 3 môn bơi đạp chạy sử dụng cơ hông/mông khá nhiều, bạn có thể squat, làm động tác mountain climber khi thử trisuit. Nếu cơ bị chèn thì trisuit chật, còn bạn cảm giác sợi vải bị cuộn nghĩa là trisuit bị chật.
  • Ngoài ra, tôi luôn khuyên các bạn nên mặc trisuit đi bộ/chạy nhẹ khoảng 5 phút như 1 bài test độ fit/thoải mái cuối cùng.
  • Các bạn cũng không cần lo khi thấy bỉm mỏng. Thực ra gần như tất cả các trisuit của các hãng đều thiết kế bỉm mỏng hơn bỉm đạp xe. Việc bỉm mỏng hay dày không giúp bạn đỡ ê mông hơn khi ngồi trên xe là mấy (điều này phụ thuộc yên xe có vừa với bạn không). Ngoài ra, bỉm mỏng cũng giúp việc bơi và đạp dễ dàng hơn

Bỉm (pad) của trisuit thường mỏng và nhỏ hơn bỉm đạp xe bình thường nhằm tối ưu hóa chuyển động trong cả 3 môn bơi, đạp, chạy

Thiết Kế Cho Thi Đấu

Tính lướt gió (Aerodynamic) là một trong những thiết kế cho thi đấu (Race-Driven Design) mà bạn nên cân nhắc khi chọn trisuit. Chúng tôi sẽ bàn thêm về tính lướt gió bên dưới. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý những điểm sau trong thiết kế trisuit:

  • Túi: Nghe có vẻ hơi vô lí nhưng thực sự thiết kế túi thông minh sẽ giúp cho bạn race tốt hơn rất nhiều, đặc biệt trong khoản tiếp dinh dưỡng. Một vài thương hiệu cao cấp, do thiết kế quá “thông minh” (tăng cường tính lướt gió) nên đã thiết kế túi rất khó cất và lấy đồ. Những trisuit với thiết kế tốt mà tôi đã thử qua có thể kể đến Zone3 Aquaflo, Blue Seventy TX2000 2018 và MUDE, thương hiệu trisuit Made in Vietnam.

Thiết kế túi rất quan trọng cho việc dự trữ thực phẩm khi thi đấu

  • Khóa kéo: Tôi luôn giữ quan điểm bạn nên chọn trisuit có khóa phía trước để tiện điều chỉnh việc thoát nhiệt, đặc biệt khi thi đấu những race dài dưới điều kiện nắng nóng. Nhiều sản phẩm khóa sau, hoặc không khóa, cho rằng làm vậy sẽ tăng cường khả năng lướt nước/gió. Tôi nghĩ những sản phẩm đó chỉ hợp lí ở những cự li ngắn (Sprint, Olympic) và cho VĐV chuyên nghiệp. Ở những sân chơi đổ lửa như Đà Nẵng, bạn nên chọn khóa trước nếu không muốn về đích và chuyển tiếp đến…xe cứu thương.

Những bộ trisuit không khóa hoặc khóa sau lưng có thể giúp bạn nhanh hơn nhưng lại rất bất lợi trong điều kiện nắng nóng (Ảnh: Triathlon.org)

  • Chất Liệu Vải & Chất Lượng Gia Công: Bạn không cần phải biết tất tần tật về công nghệ dệt may để có thể chọn cho mình một bộ trisuit lí tưởng (thật sự không ai trong Boidapchay có kiến thức chuyên sâu về mảng này!). Tuy nhiên, hãy thử cảm nhận, so sánh chất liệu vải sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích race của bạn. Những mẫu trisuit cấp thấp sẽ sử dụng vải chất lượng trung bình, không có kết cấu lưới và các công nghệ tản nhiệt (như ColdBlack) giúp làm mát cơ thể bạn. Thêm vào đó, nhiều thương hiệu (kể cả thương hiệu nổi tiếng) không sử dụng công nghệ may “không đường may” (seamless sew) dẫn đến nhiều mối chỉ lộ ra ngoài, dẫn đến tình trạng chaffing khi vận động lâu. Nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng tất cả những gì bạn cần làm là cầm trisuit lên, sờ vào thớ vải và cảm nhận mà thôi.

Chất vải và trọng lượng trisuit là những yếu tố quan trọng cho thi đấu. Bạn không nên chọn trisuit quá dày dẫn đến khó thoát nước/nhiệt

Phù Hợp Với Thời Tiết

Khi tôi quyết định bán cái trisuit Roka của mình, rất nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại chia tay một cái trisuit “thượng thừa” như vậy. “Mặc nóng lắm”, tôi chỉ biết trả lời như vậy. Công bằng mà nói, tôi chẳng hề ghét bỏ Roka, nếu không muốn nói tính aerodynamics và bỉm của roka thuộc hàng đỉnh của những trisuit mà tôi từng thử. Thứ duy nhất làm tôi không hợp với Roka là độ dày của vải. Trong điều kiện khí hậu oi bức của Đông Nam Á, tôi chịu thua.

Khi race dưới thời tiết nắng nóng, thiết kế trisuit với khóa trước rất quan trọng trong việc thoát mồ hôi

Chúng ta thường quên đi thời tiết như một điều kiện ảnh hưởng đến quyết định chọn trisuit của mình. Sau khi thử qua nhiều loại trisuit khác nhau, tôi xin được chia sẻ kinh nghiệm chọn trisuit nhằm giúp bạn thích ứng tốt hơn với thời tiết. Những tiêu chí bên dưới đây đều được dựa trên tiền đề trisuit cần phải thoải mái và có độ lướt gió tốt.

Race Nắng NóngRace Mát Lạnh
Bạn Ra Mồ Hôi NhiềuChọn trisuit vải mỏng, thiết kế lưới, khóa trước và có độ bó tốt (Blue Seventy TX2000, HUUB Dave Scott Long Course Suit)Chọn trisuit có độ dày vải trung bình, thấm mồ hôi và tản nhiệt tốt, độ bó tốt (Orca Core, 2XU Comp)
Bạn Ra Mồ Hôi ÍtChọn trisuit vải dày trung bình, thiết kế lưới và có độ bó tốt (Orca 226 Komp, Zone3 Lava, MUDE)Chọn trisuit có vải dày, thấm hút mồ hôi tốt & độ bó tốt (HUUB Anemoi, Roka Elite)

 

Có Tay hay Không Tay?

Nếu bạn dạo quanh 1 vòng các forum triathlon có tiếng, rất nhiều vận động viên chuyên nghiệp/bán chuyên ủng hộ mặc trisuit có tay vì 2 lí do chính: (1) Trisuit có tay sẽ giúp bạn lướt gió tốt hơn và (2) bảo vệ cơ thể bạn khỏi nắng nóng.

Thiết kế trisuit có tay sẽ giúp bạn lướt gió (aerodynamic) hơn

Về việc có tay hay không tay, quan điểm của Boidapchay rất rõ ràng: chúng đều tùy thuộc vào cái nào giúp bạn thoải mái hơn. Đơn cử như Há Cảo, VĐV vô địch Việt Nam Ironman 70.3 Danang 2018 đã luôn trung thành với mốt không tay và anh ấy đã tiếp tục có kết quả PB (kết quả cá nhân tốt nhất) mỗi lần đi thi đấu. “Mặc trisuit không tay khi bơi, đạp và chạy sẽ cảm giác không vướng víu, dễ chịu hơn hẳn”, Há Cảo cho hay.

VĐV Cao Hà tại Shanghai Ironman 70.3 2018 trong bộ trisuit không tay

Một mảnh hay Hai mảnh?

Lợi ích của việc mặc trisuit hai mảnh là thoáng mát. Một số VĐV hàng đầu như Mirinda Carfrae cũng quen mặc trisuit hai mảnh. Ngoài ra, còn một lợi ích nữa hơi khó nói, nhưng không kém phần quan trọng, là trisuit hai mảnh tiện lợi cho việc tụt quần, đi vệ sinh trong race.

Tuy nhiên gần đây, các hãng sản xuất đã đầu tư rất nhiều cho việc thiết kế trisuit một mảnh. Hiện nay phần lớn các trisuit một mảnh đều có thể kéo khóa trước ngực tới hết bụng, giúp việc đi toilet đơn giản hơn nhiều. Ngoài ra việc kéo khóa sâu hơn cũng giúp bạn mát mẻ hơn trong những cuộc thi ở vùng nhiệt đới (luật mới nhất của Ironman là bạn không được kéo khóa xuống quá ngực, tuy nhiên luật này vẫn chưa được áp dụng ở Châu Á.

Nếu có điều kiện bạn nên chọn trisuit một mảnh, đẹp và hợp với xu hướng hơn.

Mirinda Carfrae (trái) với loại trisuit 2 mảnh, Daniela Ryf (phải) với loại trisuit 1 mảnh

Giá Thành

Trước khi quyết định ngân sách đầu tư cho một bộ trisuit, câu hỏi quan trọng đầu tiên bạn nên đặt ra là “Mục tiêu thi đấu của bạn là gì?”. Không có câu trả lời nào là sai cả, nhưng ứng với mỗi mục tiêu sẽ có những cách quyết định ngân sách khác nhau để giúp bạn đầu tư đúng đắn.

“Em chỉ muốn tham gia để trải nghiệm”, đây là trường hợp phổ biến nhất mà tôi gặp khi các bạn hỏi về cách mua suit. Theo ý kiến cá nhân, bạn không cần phải bỏ quá nhiều tiền và công sức chọn trisuit trong trường hợp này. Tất cả những gì bạn cần làm là chọn một trisuit vừa vặn với thiết kế bạn ưng ý để có thể về đích xinh tươi và có ảnh đẹp lung linh. Ở Việt Nam, Mude là một trong những nhà sản xuất đồ thể thao với mức giá khá phù hợp cho người mới chơi (tương tự Decathlon). Đương nhiên chất lượng không thể sánh bằng các mẫu cao cấp của các hãng nước ngoài, nhưng để cân bằng giữa tài chính và chất lượng thì Mude cũng là một sự lựa chọn không tệ. Kinh nghiệm là bạn nên chọn mua loại trisuit hai mảnh, vừa dễ chọn size (thân trên có thể chọn size nhỏ hơn phía dưới), vừa mát mẻ. Mude cũng bắt đầu dùng các loại vải chất lượng hơn, vải lưới cho thời tiết nóng nếu bạn có nhu cầu, với mức giá cao hơn. Năm 2017, Phạm Minh Quang mặc Mude đi thi giải VĐTG Ironman 70.3 ở Mỹ cũng không vấn đề gì và đạt thành tích tốt.

VĐV Phạm Minh Quang trong bộ trisuit MUDE tại Ironman 70.3 World Championship 2017

Ở đầu dây còn lại, có những cá nhân sẵn sàng bỏ tiền để có được mẫu trisuit tốt nhất giúp họ nhanh hơn. Tôi thường không chất vấn việc họ sẵn sàng đầu tư (vì tiền cho dù gì cũng đâu phải là của tôi!?), nhưng tôi luôn hỏi họ định nghĩa “tốt nhất” là như thế nào. Suy cho cùng, một sản phẩm trisuit tốt là sự cân bằng giữa những dữ liệu khách quan (như công nghệ, chất liệu vải) và, quan trọng hơn hết, là cảm nhận chủ quan (sự vừa vặn, thoải mái khi mặc vào). Bạn có thể mua một mẫu trisuit đắt nhất, nhưng đôi khi việc đó chả có ý nghĩa gì nếu nó ko hợp với bạn. Quan điểm của tôi là bạn không cần phải mua thứ đắt nhất. Khi Chrissie Wellington tham gia Kona năm đầu tiên, kính râm của cô ấy được mua từ cửa hàng bán lẻ kế cây xăng và chỉ có giá 20 bảng. Kết quả là Chrissie đè bẹp những tên tuổi lớn khác để trở thành nữ hoàng Kona. Tuy nhiên, nếu bạn có ngân sách eo hẹp thì cũng đừng nên mua những gì quá rẻ nhưng chỉ xài được vài lần, vì bạn sẽ phải mua lại và phải trả nhiều tiền hơn!

Ngoài ra, nếu đắn đo về giá cả, bạn cũng nên mua trisuit theo team. Các team thường mua trisuit với số lượng lớn nên có thể được trợ giá.

Image may contain: 1 person, text and outdoor

Đăng kí trisuit theo team / Mua chung cũng là một cách tốt để có trisuit chất lượng và giá phải chăng. (Ảnh: Rickpets Lens Photography)

Kết

Tôi đã từng rất đau xót khi bỏ ra VND1.5 triệu để mua cái trisuit đầu tiên của mình, nhưng hiện giờ sau khi tập nát bét cho vài cái race nó vẫn dùng tốt. Triathlon là một bộ môn đòi hỏi đầu tư tài chính, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần đốt một núi tiền vào trisuit. Cũng như dinh dưỡng, quan trọng nhất vẫn là biết mục tiêu của mình và chọn những thứ gì đó hợp với bản thân. Chúc các bạn chọn được trisuit ưng ý và về đích race đầu tiên của mình thật lung linh.

 

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn