Sau giải đua Boston 2018, giới chạy bộ phong trào bỗng trở nên phấn khích khi thấy các vận động viên không chuyên, những người có công việc toàn thời gian như công chức và y tá, đạt thành tích rất cao và thậm chí “chén” đẹp các vận động viên chuyên nghiệp. Điều này tạo nên một động lực không nhỏ, khiến ai cũng muốn xỏ giày vào, chạy như bay vài vòng Hồ Tây, chạy leo dốc núi Sơn Trà, chạy xoay vòng vòng sân vận động Hoa Lư, Gia Định, chạy cho nát phố đi bộ Nguyễn Huệ, dinh Độc Lập, chạy như bay dọc bờ Kè sông Sài Gòn, chạy vòng quanh bãi Trước, bãi Sau, núi Nhỏ, núi Lớn ở Vũng Tàu,… Ai cũng muốn biến thành Yuki Kawauchi và Sara Sellers.
Chưa đến một tuần sau khi niềm phấn khích còn đang dâng cao thì giới chạy bộ phong trào nhận được một tin không vui từ một giải đua Major khác diễn ra ở xứ sở sương mù. Matt Campbell, 29 tuổi, vận động viên phong trào đã ngã gục ở mốc 36 km, mặc dù nhận được trợ giúp y tế ngay lập tức nhưng anh đã vĩnh viễn ra đi. Hiện tại lý do đưa đến cái chết của Matt vẫn chưa được công bố nhưng đã có tiên đoán cho rằng có liên quan đến nhiệt độ hôm đó và ban tổ chức cũng thú nhận là nhiều trạm nước hết nước. Tưởng cũng nói rõ thêm đây là một runner không phải tầm thường, trước đó 2 tuần anh đã chạy ở giải Great Manchester Marathon và hoàn thành với thời gian 2:56:50. Phim quay ở vạch kết thúc cho thấy anh bay lên cao, tay vung nắm đấm thật mạnh mẽ.
Hai sự kiện kể trên chắc chắn gửi đi một thông điệp mâu thuẫn, và có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi chạy marathon nếu có nguy cơ thiệt mạng, vì rõ ràng một runner giỏi như chàng trẻ tuổi kia còn phải trả giá bằng tính mạng của mình, thế thì có đáng làm chuyện này không? Đành rằng tham gia các hoạt động thể thao thì ít nhiều cũng có rủi ro, nhưng luyện tập hay thi đấu đến chết là điều quá phi lý! Chúng ta vẫn có thể tận hưởng môn thể thao chạy bộ một cách an toàn nếu biết luyện tập khoa học, kiên nhẫn và bền bỉ, và quan trọng hơn hết là biết rõ sức chịu đựng của bản thân từ đó có những hoạt động thích hợp. Khi nói về chạy bộ thì marathon được nhắc đến nhiều nhất, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là nó có hợp cho tất cả mọi người hay không?
Nhiều người cho rằng đỉnh cao của chạy bộ chính là hoàn thành một cuộc đua marathon, nếu không chạy được hết 42,195 km trong một giải đua thì bạn chưa thật sự là runner. Marathoner, được gọi cho những ai hoàn thành cự ly marathon, có quyền khoe khoang ta đây khỏe mạnh, kiên trì, bền bỉ, lì lợm.
Tuy nhiên, marathon không nhất thiết phải là tất cả về chạy bộ và ngược lại chạy bộ không nhất thiết phải chạy marathon. Sức mạnh chạy bộ của bạn đâu cần thiết phải được chứng minh ở cự ly marathon. Dưới đây là một số lý do quan trọng tại sao các cuộc đua ngắn hơn có thể thực sự tốt hơn, và trong một số trường hợp an toàn hơn, cho sức khỏe và thể lực của bạn.
Thứ nhất, không phải tất cả các cơ thể đều phù hợp với marathon. Điều này thì ai cũng biết, cơ thể chúng ta không phải tất cả đều bình đẳng, trong một bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài huống chi so sánh cơ thể người với người. Sự khác biệt di truyền trong thành phần cơ, hình dạng cơ thể, sức khỏe của xương, khả năng tim mạch và nhiều yếu tố khác có nghĩa là một số người trong chúng ta tự nhiên phù hợp với tốc độ hơn là cự ly. Bắt cơ thể luyện tập để chạy marathon bất kể những yếu tố kể trên có thể làm tăng cơ hội bị chấn thương hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Đó là lý do tại sao bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định chạy marathon.
Thứ hai, gia tăng cự ly không hẳn tốt. Không ai có thể tranh cãi được rất nhiều lợi ích sức khỏe mà tập thể dục mang lại. Trong hầu hết các trường hợp, chạy nhiều hơn và chạy liên tục chỉ có thể làm cho cơ thể của bạn tốt hơn chứ không phải tệ hơn. Nhưng phải có giới hạn. Các nghiên cứu cho thấy sau một số dặm cố định mỗi tuần, lợi ích mang lại do việc chạy bộ giảm dần, đặc biệt là đối với những người có tiền sử bệnh. Cuộc khảo cứu do cơ quan National Runners and Walkers Health phát hiện ra rằng những người chạy quá 50 km một tuần có thể có nguy cơ cao tử vong so với những người chạy khoảng cách ngắn hơn. Những người sống sót sau đột quỵ đặc biệt có nguy cơ cao hơn. Ngược lại, từ 16 đến 50 km một tuần, khoảng cách điển hình cho 5ks hoặc 10ks, dẫn đến kết quả tốt nhất.
Thứ ba, thực hiện bất cứ môn thể thao nào cũng có thể dẫn đến chấn thương, nhưng vận động viên chạy marathon dường như đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi khối lượng và cường độ họ phải tập luyện trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Mối liên hệ giữa khối lượng luyện tập và chấn thương được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đau đầu gối trước, viêm gân Achilles, nẹp và gãy xương là tất cả các chấn thương thông thường do luyện tập quá mức. Một nghiên cứu khảo sát 725 người đàn ông đã hoàn thành cuộc thi Rotterdam Marathon năm 2005 đã phát hiện ra rằng hơn một nửa đã duy trì một chấn thương đang chạy trong năm dẫn đến cuộc đua. Trung bình ở một giải đua, có tới 1 trong 12 người tham gia tìm kiếm trợ giúp y tế. Các bệnh liên quan đến nhiệt, các vấn đề về tiêu hóa, ngộ độc máu và một số vấn đề về da khác như chafing đều là những sự cố phổ biến. Một số giải đua thậm chí còn yêu cầu các bác sĩ tham gia chạy để họ có thể cung cấp điều trị khẩn cấp!
Thứ tư, các cuộc đua ngắn hơn bền vững hơn. Ai cũng nghĩ mình có quyền đăng ký chạy marathon và bạn chỉ cần luyện tập thêm một chút trong 2-3 tháng nữa là sẵn sàng ra thi đấu. KHÔNG. Để có một trải nghiệm an toàn và thú vị, nó đòi hỏi nghiên cứu và chuẩn bị rất nhiều. Phải mất từ 12 đến 30 tuần để tập luyện cho một cuộc chạy marathon và mỗi tuần có 3 đến 5 buổi chạy. Tập chạy không cũng chưa đủ, bạn phải xem lại chế độ ăn / uống, có một giấc ngủ đầy đủ, kiểm soát mức độ căng thẳng và về cơ bản làm mọi thứ có thể để đảm bảo cơ thể của bạn là tốt nhất cho ngày đua. Người mới bắt đầu cũng như vận động viên chuyên nghiệp, điều này không phải lúc nào cũng là một lối sống thực tế. Trong khi đó, các cuộc đua ngắn hơn sẽ ít đòi hỏi nhiều hơn về lịch tập của bạn. Bạn có thể luyện tập theo mức độ của riêng bạn và thực hiện nhiều cuộc đua mỗi năm mà không cảm thấy bị choáng ngợp.
Cuối cùng, nếu bạn đang chạy marathon với mục đích để giảm cân… Đừng bao giờ cho đây là lý do chính để đăng ký marathon, trên thực tế thì có rất nhiều người làm như vậy là một cách quyết liệt để buộc bản thân phải giảm cân. Nhưng cơ hội là nó sẽ không khả thi, và kết quả có thể sẽ không tốt như mong đợi. Nhiều người luyện tập để đua marathon cho rằng quá trình luyện tập cực kỳ khó khăn, họ nghĩ là mình xứng đáng được ăn rất nhiều để bù đắp phần calo bị mất. Xét về mặt thể chất và tâm lý, chạy quá nhiều khiến bạn rất đói, và bạn sẽ bị thức ăn cám dỗ dễ dàng hơn khi bạn “cảm thấy” mình đã luyện tập quá kiên trì. Một nghiên cứu năm 2009 được thực hiện bởi một nhà sinh lý học thể dục tại một trung tâm nghiên cứu Trường Y Harvard đã phát hiện ra rằng trong một nhóm 64 vận động viên chạy marathon, chỉ có 11% giảm cân sau khi chạy. Trong khi đó nhiều vận động viên thực sự tăng cân và phần còn lại 78% duy trì trọng lượng của họ. Đây là sau ba tháng chạy bốn ngày một tuần.
Tất cả các phân tích ở trên không có nghĩa là bạn không nên nhắm đến việc hoàn thành marathon. Suy cho cùng thì đây là một thành tựu tuyệt vời mà không có giải đua nào khác có thể so sánh được. Nhưng marathon không phải dành cho tất cả mọi người. Marathon cũng không phải là một cuộc thi đấu mà bạn có thể xem thường, và nếu đánh giá nó sai lầm sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhiều khi ảnh hưởng đến tính mạng.
- Về tác giả
- Bài mới nhất
Nhà khoa học không gian. Vận động viên chạy bộ ưu tú trong nhóm tuối 55-59. Pacer cự ly 100 miles được NASA gửi đến.
Thành tích chạy bộ (tính từ năm 2016): 5km 00:22:10, 10km 00:48:01 ,10 miles 1:19:33, Half Marathon 1:38:05 Marathon 3:25:18, 50K 6:12:49