Đối với một đứa hay xê dịch như mình, du lịch cũng giống như thức ăn và nước uống. Cứ khoảng 2 3 tháng ngồi văn phòng lập kế hoạch, viết báo cáo và thuyết trình mà không đi đâu mới lạ là mình cảm thấy như không khí loãng ra gấp 10 lần. Đầu năm 2018, mình quyết định mua vé đi du lịch mùa hè tại Đài Loan, sau khi nghe thằng bạn cùng nhà khen thức ăn bên đấy hết lời. Nhưng đi du lịch lần nào mình cũng ăn, và ăn rất nhiều, nên lần này mình muốn làm một thứ gì đó khác biệt. Chợt nhớ có ông anh vừa trở về từ Đài Loan sau chuyến đạp xe vài chục cây số ở bờ Đông, mình nghĩ đây là một trải nghiệm rất đáng để thử. “Hồi 29 tuổi ba mày đập xe 180 cây số du ngoạn Đài Loan đấy!”, nghĩ sau này có con nói vậy với nó thật thấy cool ngầu. Thế là mình lập kế hoạch, rồi thuê xe và đi thôi. Mình đến Đài Bắc thăm thứ 2 ngày, và dành trọn thời gian còn lại để đạp xe dọc bờ Đông của Đài Loan. Khác với mọi lần, mình đi du lịch chuyến này mà không có một kế hoạch nào cụ thể. “Cứ đi rồi đến”, mình nghĩ.

Chuyến du ngoạn bằng xe đạp này hóa ra lại là một trong trải nghiệm tuyệt vời nhất trước giờ mình từng có.

Những bãi biển đẹp hoang sơ dọc Cao Tốc 11

Do thời gian có hạn, và tự bản thân cũng muốn du lịch chậm lại một chút để có thể hiểu hơn về con người và bản sắc văn hóa địa phương nên mình quyết định lộ trình đạp chỉ kéo dài 171km, bắt đầu tại Hoa Liên và kết thúc tại Đài Đông. Lí do mình chọn Đài Đông bởi vì đây là thành phố đăng cái tổ chức giải Ironman 70.3 Taiwan hằng năm nên mình muốn dành chút thời gian tham khảo các lộ trình bơi đạp chạy trước khi quyết định có nên tham gia hay không. Mình lên kế hoạch dành 3 ngày để đạp 171km, bao gồm một đêm nghỉ lại Shihtiping, một làng chài ven biển dọc Cao Tốc 11.

Sáng thứ 2, mình bắt chuyến tàu sớm lúc 7:50 từ Đài Bắc đến Hoa Liên. Tuy không nhanh bằng tàu siêu tốc ở Nhật Bản, chất lượng phục vụ và độ đúng giờ của dịch vụ tàu hỏa ở Đài Loan thật không có gì đáng phàn nàn. Bạn có rất nhiều chỗ để chân, và toa lét luôn được nhân viên làm vệ sinh mỗi khi có người ra vào. Sau khi tàu đến Hoa Liên, mình đi bộ đến cửa hàng Giant cách ga 100m để hoàn tất thủ tục thuê xe. Do email liên lạc từ trước nên cửa hàng đã chu đáo chuẩn bị sẵn xe touring và tất cả những thiết bị dụng cụ cần thiết. Mình chỉ cần đem xe chạy thử 1 vòng để đảm bảo không có vấn đề gì trước khi lấy xe. Giá thuê xe đạp Giant là 1500NTD cho 3 ngày, cộng với 100NTD tiền mũ bảo hiểm. Ngoài ra mình mua thêm bộ dụng cụ vá xe với giá 100NTD phòng trường hợp bể bánh dọc đường. Do không muốn mất thêm nhiều thời gian, mình ăn vội cái bánh ngọt mua sẵn và lên đường ngay sau đó.

Những cánh rừng bạt ngàn khi vừa ra khỏi địa phận thành phố Hoa Liên hướng về Cao Tốc 11

Có thể nói, đạp xe ở Đài Loan và đặc biệt khu bờ Đông, vô cùng tiện lợi và an toàn. Hầu hết các địa điểm tham quan và thị trấn đều nằm dọc Cao Tốc 11, và bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh có tất cả ở hầu hết mọi nơi, kể cả khi mình đạp xe qua những nơi hẻo lánh nhất của cung đường. Sau khi đạp được khoảng 5km từ Hoa Liên, mình bắt đầu đi vào Cao Tốc 11. Từ cao tốc làm bạn liên tưởng đến con đường rộng với nhiều làn xe, nhưng Cao Tốc 11 thật ra rất khiêm tốn với chỉ 4 làn xe, trong đó có 2 làn dành hẳn cho xe moto phân khối nhỏ và xe đạp. Ngoài ra, người tham gia giao thông ở Đài Loan cực kì tôn trọng các cua rơ, luôn giữ khoảng cách cần thiết. Mình không hề có cảm giác bất an hoặc giật mình bởi xe phía sau đi quá sát hoặc vượt ẩu.

Cao Tốc 11, với làn xe dành riêng cho xe đạp

Đối với những ai ưa thích thiên nhiên và kiếm tìm thử thách, đạp xe dọc bờ Đông Đài Loan sẽ là giải pháp hoàn hảo dành cho bạn. Xuyên suốt 171km là thiên nhiên đẹp đến nghẹt thở. Tuy cung đường đạp không hề dễ dàng, với cái nóng 35 độ của mùa hè Đài Loan, và 12km leo dốc liên tục từ Hoa Liên, thật khó để cảm thấy mệt mỏi với cảnh vật hai bên đường: một bên là bầu trời xanh biếc, những bãi biển không một bóng người với sóng vỗ rì rào, và bên còn lại là dòng sông phản chiếu rừng già xanh ngắt và những cây cầu gỗ. Có lúc mình thật sự phân vân không biết nên bỏ cuộc và bắt xe buýt đến Đài Đông, bởi thật sự cái nóng và những con dốc liên tục thật sự vắt kiệt mình.Trên con đường Cao Tốc 11 chỉ có mỗi mình, với chiếc xe touring và âm thanh của những con sóng. Cảm giác đạp xe một mình trên Cao Tốc 11 lúc ấy rất đặc biệt, giống như được thanh tẩy khỏi những thứ ồn ào và xô bồ của cuộc sống bề bộn. “Mình là người tự do!”, mình nghĩ. “Nếu bây giờ mình bỏ chiếc xe đạp lên xe buýt, tất cả những gì tươi đẹp ngoài kia chỉ có thể được ngắm nhìn qua lớp cửa kính”. Mình giật mình nhận ra, những cơ hội thế này không phải ai cũng làm được làm lại lần 2. Mình lấy nước trút lên người cho cái nóng nguôi đi, và tiếp tục đạp. Khi lên được đến đỉnh ngọn đồi, tiếng sóng vơi dần đi, thay vào đó là tiếng gió rì rào bay qua tấm áo mưa ba lô của mình, và những khu rừng già biếc xanh bên dưới. Mình bắt đầu đổ đèo. Không có cảm giác nào hạnh phúc hơn khi đổ đèo suốt 4km sau khi bạn leo những con dốc không biết khi nào kết thúc. Mình kết thúc ngày đạp đầu tiên khi đã gần xế chiều. Nắng lúc này đã tắt dần, thay vào đó là những đám mây đen dày đặc phía chân trời. Khi mình đến Shihtiping, thị trấn dường như đã bắt đầu đi ngủ. Tất cả những gì còn lại dọc Cao Tốc 11 là một vài cửa hàng tiện lợi, và tiếng gió rít ngày một gần hơn. Đêm ở Shihtiping dường như một thế giới hoàn toàn khác, chỉ có âm thanh của mưa và sóng vỗ.

Cao Tốc 11 rất vắng người. Khi mình đạp chỉ có bản thân và tiếng sóng biển.
Đỉnh đèo ở Hoa Liên, sau 12km lên dốc.
Nghỉ chân dọc đường sau khi đổ đèo ở Hoa Liên

Một trong những điều mình rất thích trong chuyến đi đạp xe lần này là cơ hội khám phá con người và văn hóa địa phương, đặc biệt là nền ẩm thực, ở những nơi ít người đặt chân đến. Ngày nghỉ lại Shihtiping, mình đạp xe vòng quanh thị trấn và ngẫu hứng dừng lại ở bất kì đâu ven đường, nơi mà mình nghĩ là “Chỗ này có vẻ hay ho”. Từ khách sạn Adagio đi ngược 1km về hướng Hoa Liên là cầu tàu Shihtiping, nơi những người ngư dân nghỉ chân sau nhiều ngày lang thang trên biển. Shihtiping đẹp, rất đẹp, nhưng vượt lên trên cả vẻ hút hồn thiên nhiên là sự hồn hậu và hiếu khách của con người nơi đây. Dừng xe tại cầu tàu, mình đi bộ dọc con đường mòn, qua những bụi rậm dẫn xuống rặng đá vôi. Bên dưới bầu trời xanh không một bóng mây là những người đàn ông nước da ngăm đen ngồi câu cá. “Con cái sống trong thành phố hết rồi, ở đây giờ chỉ có câu cá thôi”, một bác đứng tuổi cho biết, rồi đoạn cười thật lớn khi một con cá cắn câu. Do tiếng Anh hạn chế, ông chỉ vào chiến lợi phẩm, rồi ra dấu hỏi mình có muốn ăn không. Do vừa dùng bữa sáng nên mình lịch sự từ chối và bảo ông cứ tiếp tục câu, đừng bận tâm. Đặt con cá vào lại túi đá, ông lấy bật lửa châm điếu thuốc rồi ngồi xuống mỏm đá, nhìn xa xăm. Khói thuốc hòa vào bầu trời xanh và nhanh chóng mất hút cùng những làn mây trắng. Chào tạm biệt những bác ngư dân, mình đi bộ dọc bờ biển dạo khoảng 1 giờ rồi ghé vào 1 quán ăn ven đường gần khách sạn để dùng bữa trưa. Gọi quán cho sang, thực ra nó giống một túp lều được lợp bằng lá dừa và chống tạm bợ bằng những thanh tre hơn. Chủ quán là một dì đã lớn tuổi, thấy mình vào toe toét cười như bắt được vàng. Sau khi thấy mình hoa tay múa chân một hồi và hiểu ra mình muốn mua thức ăn, dì dẫn mình đi một vòng quán, mở từng cái nồi và lục hết cái tủ lạnh để chỉ cho mình những thứ có thể ăn được. Mình vừa buồn cười vừa sợ, không biết ăn xong có còn khỏe mạnh để đạp tiếp không? Nhận ra giá cả cũng phải chăng (mỗi món tầm 40-80NTD), mình chọn 1 món nhìn có vẻ giống xúc xích và 1 món nhìn giống xôi. Dì lui cui thổi lửa, nhóm nồi và 20 phút sau mang thức ăn ra cho mình. Món ăn nhìn có vẻ đạm bạc nhưng lại ngon không tưởng tượng được. Xúc xích giòn thơm, không quá ngọt và rất đậm đà. Xôi dẻo, bên trong bọc thịt gà và cá, khi ăn chấm với sa tế cay cay. Khi thấy trời nóng và mình đổ mồ hôi nhiều, dì còn làm cho 1 li sinh tố thơm và hoa atiso đỏ, uống vào mát như vừa đi tắm suối. Khi mình trả tiền dì không lấy, nói mãi mới chịu nhận 40 tệ (giá bình thường cho 1 cốc sinh tế tại Đài Bắc). Khi ra về, dì có nói vài câu nhưng do không hiểu nên mình chỉ có thể cảm ơn, và hẹn một ngày nào đó sẽ quay lại. Giờ đây mỗi khi nghĩ lại, mình cảm thấy thật may mắn khi gặp được những người dân địa phương vô cùng hiếu khách đã không ngần ngại bỏ thời gian và công sức giúp đỡ mình suốt chuyến đi. Đó là chị bán sữa đậu nành ở Chenggong Douhua, người đã tặng mình một chai trà hoa cúc để uống cho mát dọc đường. Đó là tập thể phục vụ ở khách sạn Adagio, những người đã lén bỏ 2 chiếc áo mưa vào xe cùng lời nhắn “Xin hãy chạy xe cẩn thận”, hay những cô gái da đen giòn ở Fengbing luôn cổ vũ nhiệt tình “jiayou” (cố lên) hai bên đường. Chính sự nồng hậu của những con người nơi đây là nguồn động lực lớn nhất giúp mình kết thúc chặng đường, mặc cho cái nóng và những con dốc.

Những người dân địa phương câu cá tại Shihtiping
Phong cảnh quanh Shihtiping, đẹp đến nghẹt thở.

Có ai từng nói rằng “Những trải nghiệm tuyệt vời nhất đến từ những điều ít mong đợi nhất”. Mình thực sự chiêm nghiệm điều đó trong suốt hành trình đạp xe. Khi đi du lịch chậm với một tâm hồn rộng mở và không bị trói buộc bởi bất kì kế hoạch nào, mình nhận được những phần thưởng rất bất ngờ từ đất nước và con người Đài Loan. Ngày đạp xe thứ 2, sau khi qua khỏi Shihtiping tầm 5km, mình đến cầu đỏ Changhong, một thắng cảnh khá nổi tiếng ở Hạt Fengbing. Do đường lúc này rẽ làm 2 nhánh, mình quyết định chọn con đường nhỏ thay vì tiếp tục đi trên Cao Tốc 11 đến Đài Đông. “Chắc không sao đâu, dù gì thì ven biển này tất cả những nhánh đường đều đổ về Cao Tốc 11”, mình nghĩ vậy. “Trong trường hợp xấu nhất, mình tặng thêm xứ Đài Loan thêm tầm 10km cũng chả sao”. Thực vậy, sau khoảng 3km con đường nhò bắt đầu nối lại với Cao Tốc 11, nhưng những gì mình trải nghiệm trong quãng thời gian ngắn ngửi trên con đường nhỏ đó thật khó quên: cả khu phố như dừng lại tất cả hoạt động để ra đường đón chào mình, từ dì chủ cửa hàng đến bà mẹ trẻ với những đứa con, hay bác lớn tuổi đang chăm vườn rau. Ai cũng cực kì vui mừng, dường như 50 năm qua chưa từng có ai đạp qua đây nên cả khu phố như trẩy hội. Vài đứa bé còn tặng mình chai nước, làm mình có cảm giác như vận động viên chuyên nghiệp đang được người đi đường hò reo ở vạch đích. Mọi thứ trở nên thật siêu thực, và ngay cả khi bỏ xa thị trấn đằng sau mình vẫn cảm thấy lâng lâng. Trước khi bắt đầu hành trình, và đặc biệt sau những con dốc ở Hoa Liên, mình chỉ mong muốn kết thúc 171km thật nhanh. Nhưng giờ đây, khi Đài Đông chỉ còn khoảng 20km trên bản chỉ đường, mình ước gì có thể đi chậm hơn nữa, ít nhất để có thể xuống xe cảm ơn những con người đã cười và động viện tinh thần cho mình trong suốt hành trình.

Selfie tại cây số 100 ở Cao Tốc 11
Những cánh đồng vành rực và núi xanh biếc tại Fengbing.

Cuộc chơi nào rồi cũng đến lúc tàn. Hành trình đạp xe ở Đài Loan kết thúc nhanh hơn mình mong đợi. Khi qua đến đầu cầu Zhonghua, biển chỉ đường báo hiệu rẽ vào trung tâm Đài Đông, mình cảm thấy như đánh mất một cái gì đó vô cùng quan trọng. “Tạm biệt Cao Tốc 11”, mình nói thầm trong đầu, và rẽ trái đi về ga Đài Đông để hoàn tấc thủ tục trả xe. “Mày đạp xe thấy sao?”, anh nhân viên ở Giant Đài Đông hỏi mình. “Tuyệt vời nhưng mà ngắn quá. Lần sau tao dành hẳn cả tuần đạp cho sướng”. “Ờ, thôi đằng nào cũng đã kết thúc, ra trước cửa hàng đứng tao làm cho pô ảnh kỉ niệm”, anh hồ hởi, mặc dù lúc đó đang ăn dở bữa cơm. Cho đến cuối hành trình, mình vẫn không thể nào hết bất ngờ bởi shiếu khách của những con người nơi đây. Cảm ơn và chào tạm biệt đội ngũ nhân viên của Giant, mình quyết định để lại 2 chiếc áo mưa được tặng ở Shihtiping, mong muốn rằng những ai sau này đạp xe ở bờ Đông Đài Loan cũng được đón tiếp nồng hậu như vậy.

Kết thúc hành trình tại Giant Đài Đông.

Tối hôm đấy, mình ngủ liền 1 mạch đến tận sáng muộn hôm sau. Cảm giác thức dậy mà không phải đạp xe thật lạ.

“Có thể năm sau tao quay lại đấy, nhớ để dành cho tao cái phòng tao nhất nhé!”, mình nói với Paul, chủ nhà nghỉ 40 Inn ở Đài Đông. Cho đến tận bây giờ, mình thật sự mãn nguyện khi không bỏ cuộc trên những con dốc ở Hoa Liên. Không phải thứ gì bạn cũng có cơ hội làm lại.

Thật vậy.

NHỮNG THÔNG TIN CẦN THIẾT KHI ĐẠP XE Ở BỜ ĐÔNG ĐÀI LOAN:

Lộ Trình: 

Bờ đông của Đài Loan, từ Nghi Lan (Yi Lan) đến Đài Đông (Tai Tung) dài khoảng gần 400km, được nối với nhau bởi những trục đường Cao Tốc 2, 9 và 11. Tùy vào thời gian và lịch trình, bạn có thể bắt đầu từ Nghi Lan và đạp đến Đài Đông, hoặc từ Hoa Liên đi ngược lên công viên quốc gia Taroko và quay trở lại Đài Đông.

Đường xá ở bờ Đông rất thoáng đãng và an toàn, thuận tiện cho việc đạp xe. Tuy nhiên, bạn nên chuẩn bị sẵn thẻ sim có kết nối mạng phòng trường hợp đi lạc. Google Map ở Đài Loan rất chuẩn.

Đài Loan mùa hè rất nóng và khô, nên bạn lưu ý nên mang nhiều nước và mặc quần áo che phủ cơ thể để tránh bị bỏng da. Nếu bạn đã từng đạp xe ở Đà Nẵng Ironman và thấy nóng thì Đài Loan còn nóng hơn gấp nhiều lần, đặc biệt là đoạn km 28-40 từ Hoa Liên.

Biển và núi bao quanh Cao Tốc 11

Liên Lạc:

Đài Loan là một trong những nước thân thiện nhất với khách du lịch về khoản thẻ sim. Bạn có thể mua gói 5/7/10 ngày với lượng 4G không giới hạn với 100NTD tiền gọi (gọi được khoảng 40 phút) với giá phải chăng tại sân bay. Mình chọn mua gói 7 ngày với giá 300NTD. Mạng 4G ở đây rất mạnh. Khi dừng chân tại giữa đỉnh đèo, mình vẫn xem Youtube HD thoải mái.

Thuê Xe Đạp:

Do nhu cầu đạp xe ở bờ Đông cao nên Giant có dịch vụ cho thuê-trả xe rất tiện lợi. Bạn có thể thuê xe tại thành phố A và trả tại thành phố B, miễn là A và B là những địa điểm nằm trong chương trình của Giant. Để biết thêm chi tiết cụ thể, bạn có thể liên lạc với Giant qua email giant.d21134@msa.hinet.net

Hầu hết các dòng xe cho thuê là xe Touring (Giant Fastroad series) với giá 1500 NTD/3 ngày, và 200 NTD / mỗi ngày kế tiếp. Bạn có thể thuê xe road nhưng số lượng rất hạn chế, và bạn phải trả thêm 300 NTD phí vận chuyển nếu bạn thuê xe road.

Để đặt xe, bạn chỉ cần email Giant ít nhất 1 tuần trước khi khởi hành cùng với lịch trình và size/chiều cao của bạn để họ chuẩn bị xe. Khi đến nhận xe, bạn nên chạy thử để bảo đảm không có hư hỏng gì.

Giant bờ Đông đóng cửa vào mỗi thứ năm hàng tuần, nên bạn lưu ý lập kế hoạch sao cho không phải trả xe vào ngày này.

Ăn Uống:

Sau Nhật Bản, Đài Loan có thể nói là một thiên đường ăn uống với ẩm thực vừa đa dạng, hợp túi tiền lại rất thơm ngon.  Tại Đài Bắc và Đài Đông, do cả hai đều là thành phố lớn nên cứ khoảng 5 mét là sẽ có một cửa hàng ăn uống. Bạn có thể ở đây cả 1 tháng và vẫn không thể ăn hết cửa hàng nổi tiếng. Nếu bạn chỉ dừng chân tại Taipei và Taitung ít ngày, bạn phải đi chợ đêm bởi đây không chỉ là một nét văn hóa đặc trưng của người dân Đài Loan mà còn là nơi tụ họp của những món ngon đường phố đặc sắc. Chợ đêm ưa thích của mình là Tonghua, Raohe (Đài Bắc) và Zhengqi (Đài Đông) bỏi tuy quy mô không lớn bằng những chợ đêm khác nhưng những chợ này có nhiều trò chơi, thức ăn ngon hơn và ít khách du lịch hơn. Những món ăn bạn phải thử bao gồm thịt nướng (xúc xích, gà và bạch tuộc), trà sữa trân châu, đậu hủ thối (món này thật ra không thối tí nào),bánh bao nướng và tất nhiên không thể thiếu trà sữa. Các món ăn có giá từ 30-100NTD.

Xúc xích Đài Loan ở Shihtiping. Do gần biển nên xúc xích ở đây có thêm trứng cá giòn giòn, khác với ở Đài Bắc chỉ bao gồm thịt heo.

Đối với Cao Tốc 11: Nếu như Đài Bắc được nhiều người công nhận là thiên đường ẩm thực thì Cao Tốc 11 như 1 viên ngọc thô vẫn chưa được khám phá. Do phần lớn các thị trấn dọc cao tốc 11 được bao bọc bởi biển và rừng nên ẩm thực nơi đây là sự giao hòa giữa hải sản và những loại rau củ địa phương, đặc biệt là rau dại. Việc ăn uống dọc cao tốc 11 thật ra vô cùng tiện lợi vì cứ khoảng 10-12km là có 1 thị trấn nhỏ cho bạn dừng chân tiếp lương thực và nghỉ ngơi. Bạn có thể chọn ăn ở những cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven hoặc Family Mart, hoặc ghé vào những quán ăn địa phương dọc đường nếu bạn thích phiêu lưu mạo hiểm. Bạn sẽ gặp chút khó khăn nếu không nói được tiếng Hoa, nhưng bạn sẽ vẫn sống tốt với Google Translate và ngôn ngữ chân tay. Do mình chủ trương dùng ít đồ nhựa nên trước khi bắt đầu một ngày đạp mình sẽ tiếp khoảng 3L nước vào những bình mang sẵn và dừng lại 1 lần ở 7-Eleven để mua một chai nước điện giải 1.5L, còn lại mình dừng ở những quán ven đường để ăn.

Quán cơm trưa và dì chủ tốt bụng ở Shihtiping, người đã khuyến mãi cho mình thêm li sinh tố.

 Khách Sạn:

Đặt phòng tại Đài Loan nhìn chung khá dễ dàng. Bạn có thể lựa chọn AirBnB, Booking.com hoặc Agoda. Một điểm mình khá ấn tượng ở Đài Loan là các khách sạn tư nhân được chăm chút rất kĩ lưỡng và phục vụ cũng thật tuyệt vời. Khách sạn mình ở Đài Đông, 40 Inn, được trang trí theo phong cách industrial chic khá độc đáo. Do trời mùa hè khá nóng nên mình thường xuống sảnh uống bia và trò chuyện phiếm với Paul, chủ khách sạn. Paul ngoài 30, vui tính, đến Việt Nam được một lần và mong muốn được thăm Hội An vào năm 2019.

Không quá khó để có thể tìm được 1 nhà nghỉ tốt dọc Cao Tốc 11 bởi nơi đây là thánh địa của dân đạp xe tại Đài Loan. Tùy theo lộ trình đặt ra, bạn có thể chọn nghỉ tại những nhà nghỉ ở khu vực trung tâm thị trấn cách Cao Tốc 11 tầm 2-3km, hoặc nghỉ tại những khách sạn và serviced apartment ngay trên Cao Tốc 11. Trung tâm thị trấn sẽ có nhiều nhà hàng và siêu thị hơn. Về giá cả, có rất nhiều lựa chọn tùy vào túi tiền của bạn, từ 50 đến 500USD. Mình chọn ở Adagio Shihtiping, ngay trên Cao Tốc với giá 170USD/ngày, bao gồm ăn sáng. Lí do mình chọn Adagio bởi vì chất lượng phục vụ chu đáo, địa điểm đẹp và yên tĩnh. Do đạp xe leo đồi đã mệt nên mình muốn thư giãn thoải mái hết sức có thể khi nghỉ đêm tại Shihtiping. Bạn có thể đặt phòng ỏ Adagio tại Booking.com hoặc gọi điện trực tiếp đến nhà nghỉ http://adagio.com.tw/

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn