Tôi và các coach trong BoiDapChay vẫn dùng Training Peaks để theo dõi và phân tích các bài tập của các VĐV. Training Peaks là phần mềm có thể nói là hiện đại nhất hiện nay, được phần lớn HLV và VĐV trên thế giới sử dụng, từ Team Sky tới các VĐV Ironman.

Điểm mạnh của Training Peaks là sử dụng các thông số đo được trong quá trình tập như nhịp tim, tốc độ, power v.v… để thống kê một cách khoa học và chi tiết hiệu suất tập luyện của VĐV, theo đó giúp HLV điều chỉnh bài tập và căn chỉnh điểm rơi phong độ cho phù hợp với từng giải đấu

Trong môn xe đạp, các chỉ số Training Peaks dùng để phân tích bao gồm:

Normalized Power (NP): nếu Power Trung Bình chỉ đơn giản là lấy chỉ số watt trung bình trong một quá trình (ví dụ là 1 giờ) thì Normalized Power dùng một số thuật toán để tính số watt mà VĐV có thể “cảm nhận” được trong 1 giờ đó. Lấy ví dụ đạp 1 giờ trên đường bằng phẳng so với một giờ đạp trên đồi núi, số Power Trung Bình có thể vẫn là 200W trong cả hai trường hợp. Tuy nhiên NP có thể sẽ cao hơn (khoảng 215W) vì VĐV sẽ “cảm thấy” nặng hơn khi lên dốc

Intensity Factor (IF): IF được tính bằng NP chia cho FTP (Functional Threshold Power). FTP được hiểu nôm na là số watt bạn có thể giữ được ở ngưỡng kỵ khí (anaerobic) trong vòng tối đa 45-60 phút. Tùy vào chỉ số IF mà chúng ta có thể đánh giá được độ nặng/nhẹ của bài tập:

  • IF dưới 0.75: đạp thả lỏng hồi phục
  • 0.75-0.85: đạp tập sức bền
  • 0.85-0.95: đạp tempo, aerobicintervals ở ngưỡng kỵ khí, hoặc thi đấu từ 2.5h trở lên
  • 0.95-1.05: ngưỡng lactate threshold, các bài tập intervals, đua xe  hoặc đua tính giờ 40km
  • 0.95-1.05: đua tính giờ 15km, xe đạp lòng chảo
  • 1.05 trở lên: đạp all-out kiệt sức

Variability Index (VI): được tính dựa trên NP chia cho Power Trung Bình. VI là thuật toán dùng để cho đo xem VĐV có đạp đều chân trong một chặng đường không. Nếu trong một cuộc đua tính giờ, VĐV đạp đều chân và theo đúng tính toán chiến thuật thì VI có thể nằm trong khoảng từ 1.05 trở xuống. Tuy nhiên khi đua peloton với các chặng leo núi, rút đích v.v… thì VI có thể từ 1.1 trở lên

Pw:HR – tỉ lệ Power trên Nhịp Tim. Tỉ lệ này được Training Peaks tự tính dưới dạng % theo thuật toán riêng. Pw:HR dưới 10% là chấp nhận được và càng thấp thì càng tốt. Thông thường khi chạy hay đạp trong zone 2 trong quãng đường dài (2h30p trở lên), nếu tim bạn khỏe và cơ thể có sức bền tốt thì nhịp tim (HR) sẽ không thay đổi nhiều lắm khi giữ nguyên tốc độ (chạy) hay power (đạp). Với những người mới tập và nền tảng còn yếu, điều thường thấy là khi nguyên giữ tốc độ hay power thì HR sẽ tăng dần lên. Cũng có khi chỉ số Pw:HR là âm (dưới 0%). Đó là khi bạn đạp trong peloton, núp gió người phía trước. Khi đó dù power sinh ra lớn nhưng bạn cũng không quá mệt (HR thấp) dẫn đến tỉ lệ âm.

Efficiency Factor (EF): chỉ số EF được tính bằng NP chia cho trung bình HR. Đây cũng là một cách đo sức bền, tương tự như tỉ lệ Pw:HR. Không có một tiêu chí cụ thể nào cho EF. Các HLV dùng EF để so sánh giữa các bài tập giống nhau của VĐV để đánh giá tính nhất quán và sức bền của VĐV. Nếu chỉ số EF được cải thiện theo thời gian (EF tăng lên) thì có nghĩa VĐV đã cải thiện được sức khỏe. Nếu VĐV dừng luyện tập một thời gian (ví dụ do nghỉ tết), bạn sẽ thấy EF giảm xuống khi bắt đầu luyện tập lại. Vì vậy nghỉ nhiều sẽ ảnh hưởng tới kết quả và sức bền của VĐV.

Velocity Ascended in Meters (VAM):  dùng để ước lượng tốc độ leo núi. Chỉ số này được dùng để đo và phân tích quá trình VĐV luyện tập trên cùng một quãng đường dốc.

Nếu bạn đang tập luyện cho Ironman 70.3 Vietnam, hãy tìm hiểu thêm về cuộc thi qua bài viết Giải Ironman 70.3 Vietnam và những con số biết nói (phần 1) và Giải Ironman 70.3 Vietnam và những con số biết nói (phần 2).

BÌNH LUẬN

Hãy nhập bình luận của bạn
Điền tên của bạn